Cuộc chiến Nga – Ukraine đang diễn ra nơi trời Âu, qua 2 tháng đối đầu, theo thống kê chưa đầy đủ, phía Nga mất 10 tướng. Trong khi Việt Nam đang thời bình, không có lửa khói, binh đao, song từ 2017 tới nay, nước này bị mất hơn 40 tướng (chính xác là 44 tay). Nếu bên Nga – Ukraine, các tay tướng Nga rụng do bom rơi đạn lạc; còn ở Việt Nam, những tay tướng lại do các tội tham ô, nhũng lạm hoặc mua bán, ăn chia đất đai trái phép…

Tướng Nguyễn Văn Hiến   

Mới nhất, giữa tháng 4/2022, Bộ Quốc phòng VN thông báo đã bắt giam các tay, gồm Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, cựu Tư lệnh Cảnh sát biển VN; Trung tướng Hoàng Văn Ðồng cựu Chính uỷ; Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết cựu phó Chính ủy; Thiếu tướng Phạm Kim Hậu cựu Tham mưu trưởng; Thiếu tướng Bùi Trung Dũng cựu Phó tư lệnh; Ðại tá Nguyễn Văn Hưng và Thượng tá Bùi Văn Hòe. Một loạt các ông cảnh sát biển bị bắt vì tội tham ô tài sản.

Tướng cảnh sát biển Nguyễn Văn Sơn

Trước đó, toàn xã hội rúng động khi hai người đứng đầu Học viện quân y là Thượng tá Hồ Anh Sơn – Phó giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự và Ðại tá Nguyễn Văn Hiệu – Trưởng phòng vật tư Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) bị bắt về tội “vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả lớn” và “tham ô tài sản”. Cần biết rằng, trước khi những người này bị bắt, báo chí, truyền thông trong nước đã không ngớt đưa họ lên mây xanh. Ðó là vụ bộ kit xét nghiệm Covid-19 được giao Học viện Quân y phối hợp với Công ty Việt Á nghiên cứu, sản xuất với kinh phí 19 tỷ đồng. “Nhiệm vụ cấp quốc gia” này được giao vào tháng 2/2020 song chỉ nửa tháng sau, vào ngày 3/3/2020, bộ kit liền được nghiệm thu với “lời có cánh” như “lần đầu tiên Việt Nam sản xuất được bộ kit số lượng lớn, chất lượng cỡ… thế giới’. Tuy nhiên đến tháng 12/2021, xảy ra vụ bắt giam Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Việt Á về tội làm giả, nâng giá bộ kit xét nghiệm và đưa hối lộ.

Tô Anh Dũng và Nguyễn Hương Lan

Cũng trong quân đội, trước đó ít lâu cũng xảy ra vụ hàng loạt tướng lĩnh bị kỷ luật vì liên quan chuyện đất đai, như cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cựu Tư lệnh hải quân – Ðô đốc Nguyễn Văn Hiến (dính líu vụ án Út Trọc cùng 10 khu đất quốc phòng bị sang đoạt trái phép). Tương tự là vụ bắt giam Thứ trưởng Bộ Ngoại giao VN Tô Anh Dũng và bà Nguyễn Hương Lan, Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, cùng các cộng sự.

Hồ Anh Sơn (bên phải) và Phan Quốc Việt

Tương tự, báo chí từng ca ngợi các lãnh đạo cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao “chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021 đã tổ chức 183 chuyến bay đưa trên 42 ngàn công dân gặp khó khăn do cúm Tàu từ 60 quốc gia, lãnh thổ về nước” và đánh giá “Những chuyến bay thể hiện công tác bảo hộ công dân thường xuyên, là trụ cột, chỗ dựa tin cậy của nhân dân” (?). Thế nhưng vào cuối tháng 3/2022, bà Cục trưởng Nguyễn Hương Lan và các đồng phạm đã cùng tra tay vào còng với tội danh “nhận hối lộ” (kẻ xộ khám tiếp đó là Thứ trưởng Tô Anh Dũng, cấp trên của Hương Lan). Bình luận về công cuộc “xử lý nội bộ” mà Cộng sản Việt Nam đang tiến hành thời gian qua, một cựu nhà báo ẩn danh đánh giá: “Tôi cho rằng chống tham nhũng ở VN vẫn chưa làm tận gốc, song cũng đáng ghi nhận cuộc đốt lò của họ có những tiến triển nhất định. Cụ thể một số thanh củi to đã “xộ khám” hay một số thứ trưởng, bộ trưởng bị “trảm” thẳng tay. Có ý kiến cho rằng đây là cuộc đấu đá nội bộ, thanh trừng lẫn nhau giữa các phe phái song tôi nghĩ dù sao việc bắt giam những kẻ này cũng phần nào khôi phục chút niềm tin, khiến một thành phần dân chúng cảm thấy hả dạ, thỏa lòng”.

Ngôi biệt thự to đùng ở Hà Nội của tướng Nguyễn Thanh Hóa chuyên bảo kê đường dây cờ bạc

Ông Nguyễn Tuấn Minh, một bộ đội đã nghỉ hưu, ngụ Thủ Ðức, nhận xét: “Chúng ta không khó nhận biết các ông bà quan chức hoặc tướng tá có tham nhũng hay không chỉ cần nhìn qua số tài sản họ đang sở hữu. Bản thân tôi từng công tác trong quân đội, với mức lương trung tá, tôi cho rằng để đủ sống ở Sài Gòn hoặc Hà Nội đã khó, nói chi tới chuyện sắm nhà lầu, xây biệt thự, mua siêu xe. Vậy mà quanh tôi, có người chưa đến cấp tướng nhưng họ giàu có quá bất thường. Với vị trí công tác như vậy, tính chất công việc như vậy, họ làm gì để kiếm được quá nhiều tiền trong thời gian ngắn nếu không phải là tham nhũng, ăn của đút hay mua bán đất công?”.

Bảng lương chính thức cấp tướng tá ở Việt Nam thật ra không nhiều để họ nhanh chóng làm giàu

Ông Ðỗ Truyền Thống, cán bộ công an cũng đã nghỉ hưu, nhận định: “Qua thông tin từ báo đài, tôi được biết con số nợ công hiện tại ở Việt Nam có thể vượt mốc 4 triệu tỷ VNÐ vào năm nay 2022. Như vậy tính ra bình quân mỗi người dân Việt sẽ phải “cõng” trên lưng mình hơn 40 triệu VNÐ nợ công. Trong khi đó hồi năm 2021, con số này ước khoảng 37.7 triệu VNÐ/một người. Tôi không rõ những vụ thâm lạm của các ông bà sếp lớn kia, đã có bao nhiêu tiền từ các khoản nợ công vay mượn đã chui vào túi riêng của họ? Và vì sao cứ hễ đụng vào bất cứ đâu chúng ta cũng thấy lòi ra một lũ sâu bọ bẩn thỉu, gớm ghiếc, tham lam mà trước đó bọn chúng đều khoác trên người mình chiếc áo gấm đạo đức vì nước thương dân? Con sâu chúa đẻ ra bầy sâu này là ai? Và nếu thực sự vẫn còn “con sâu chúa” ở bên ngoài thì những thanh củi đang được cho vào lò này cũng chả tác dụng gì bởi cái gốc của tham nhũng, ăn cướp của chúng vẫn còn ung dung tồn tại đấy thôi!”.

Xem thêm:   mê tín dị đoan

NS

ảnh: tác giả cung cấp