Sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, lưu hành, trao đổi, sử dụng tiền giả là vấn nạn của nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài ngoại lệ.

Tiền giả xuất hiện ngày càng nhiều dịp mua sắm cận Tết     

Tối 3-9-2022, Quách Thị Huyền (46 tuổi) cùng chồng đi xe hơi từ Hòa Bình sang Thanh Hóa. Khi đến huyện Cẩm Thủy, họ vào một quán ven đường dùng tờ tiền giả 500 nghìn VNÐ mua 2 cây giò chả giá 130 nghìn VNÐ để nhận lại 370 nghìn VNÐ tiền thừa. Sự việc sau đó bị phát giác. Khi điều tra, cảnh sát thu trong người, xe và nơi ở của 2 người này hơn 1.2 tỷ VNÐ tiền giả, đều loại tờ 500 nghìn VNÐ. Ngoài ra cảnh sát còn tìm ra Huyền cất giấu tại nhà bố mẹ đẻ của thị ở Yên Thủy (Hòa Bình) 2.3 tỷ VNÐ khác cũng là tiền giả!

Tối 26-11-2022, 2 thanh niên vào cửa tiệm của chị Phượng ở Ðà Nẵng mua 1 điện thoại iPhone giá 10.2 triệu VNÐ. Khi nhận tiền, chị này phát giác có 10 triệu VNÐ tiền giả (loại tờ 500 nghìn VNÐ) liền mật báo cảnh sát. Sau khi bị bắt, chúng khai tên Dương (33 tuổi) và Tiện (34 tuổi) cùng trú Thăng Bình (Quảng Nam). Khám xét nơi ở của chúng, cảnh sát thu giữ thêm 62 triệu VNÐ tiền giả (loại tờ 500 nghìn VNÐ). Hai tên thú nhận lên mạng mua tiền giả từ một người khác tại Sài Gòn. Tiếp đó, công an xác định kẻ bán tiền giả cho Dương và Tiện là Cẩm Duyên (34 tuổi) và Như Phú (51 tuổi) cùng ngụ Bình Chánh (Sài Gòn). Khám xét nhà Duyên và Phú, cảnh sát thu giữ nhiều công cụ sử dụng sản xuất tiền giả như máy tính, máy in màu, máy cắt, giấy in tiền ni-lông cùng hơn 1.3 tỉ đồng tiền giả đều loại tờ 500 nghìn VNÐ.

Xem thêm:   Kinh doanh chốn.. thờ tự

Bọn tội phạm tiền giả đăng quảng cáo “sản phẩm” trên mạng xã hội

Cảnh sát cho biết VN đang xuất hiện khá nhiều loại tiền giả in trên chất liệu ni-lông gồm các loại mệnh giá 50, 100, 200 và 500 nghìn VNÐ với mức độ rất tinh xảo, khó nhận biết bằng mắt thường. Bọn tội phạm này đều có sự móc nối giữa các băng nhóm tội phạm trong và ngoài nước (đa số từ Trung Quốc). Với sự phát triển khoa học kỹ thuật, khả năng làm tiền giả của chúng ngày càng tinh vi hơn. Thực tế tại nhiều nước, chỉ một thời gian ngắn sau khi một mẫu tiền mới được phát hành, bọn tội phạm đã có thể làm giả đúng loại mẫu tiền ấy trông như thật!

Tương tự ở VN, thời gian qua nếu chú ý quan sát các trang mạng xã hội, mọi người dễ thấy đang xuất hiện nhiều tài khoản cá nhân và các hội nhóm (kín hoặc công khai) đăng  những lời mời chào “Nhận đổi tiền thật lấy tiền giả”, “Bán tiền giả giống thật 98%”, “Cung cấp tiền giả uy tín, giao hàng toàn quốc”, “5 triệu VNÐ tiền thật đổi lấy 15, 20 hoặc 25 triệu VNÐ tiền giả”… Ở đây dĩ nhiên có cả bọn lừa đảo người nhẹ dạ  nhưng cũng có những đầu mối mua bán thật. Những kẻ này ngoài việc quảng cáo “sản phẩm” trên các trang mạng (như Facebook, Zalo) thường để lại số điện thoại (là sim rác hoặc sim ăn cắp của người khác) để giao dịch. Tuy nhiên nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng, chúng thường giao nhận bằng phương thức nhờ xe ôm, shipper chuyển “hàng” cho những ai có nhu cầu mua, tuyệt đối không gặp mặt nhau trực tiếp…

Nhiều loại tiền giả được sản xuất, lưu hành ngay trong nước

Qua khai thác những kẻ bị bắt giữ, hầu hết lời khai nhận cho biết loại tiền VN giả thường do các tổ chức tội phạm ở Quảng Ðông, Hồng Kông làm ra sau đó được các đường dây vận chuyển qua ngõ biên giới phía Bắc VN và từ đây tuồn vào nội địa. Cũng vì vấn nạn tiền giả tràn lan, từ năm 2006  nhà cầm quyền VN đã sử dụng công nghệ Australia in tiền trên giấy polymer để đối phó nhưng xem ra chỉ yên ắng một thời gian và sau đó mọi việc vẫn như cũ. Hiện nay, bọn tội phạm còn tự trang bị các thiết bị, máy móc hiện đại để sản xuất ra tiền giả và tiêu thụ ở ngay trong nước!

Xem thêm:   Istanbul thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ

Như đã nói, để tránh bị phát hiện bởi cơ quan chức năng, bọn tội phạm thường tổ chức thành một đường dây liên hoàn từ mua bán, sản xuất, vận chuyển, cất giấu đến các chân rết tiêu thụ nhỏ lẻ khắp nơi trong nước. Vài cách thức tiêu thụ phổ biến: dùng tiền giả mệnh giá lớn mua một loại hàng hóa giá trị nhỏ để được trả lại tiền thừa bằng tiền thật hoặc mang tiền giả lên các vùng hẻo lánh, nơi người dân dễ tin người và có ít thông tin về tiền giả để mua hàng hóa, bằng cách để tiền giả chen lẫn với tiền thật. Ngoài ra, lợi dụng thời điểm cuối năm nhu cầu tiền mặt của mọi người gia tăng, người dân mải mê mua sắm ít ai để ý kiểm tra lại những tờ tiền khi giao dịch nên bọn mua bán và tiêu thụ tiền giả càng dễ dàng có nhiều cách “thoát hàng”.

Một số tên mua bán, lưu hành tiền giả bị bắt giữ

NS