Sau một cái Tết đầy rẫy thất nghiệp và thiếu thốn mặc dù nơi nơi cờ hoa sặc sỡ … Tháng Giêng ập đến với đủ thứ nỗi lo với người lao động. Tháng Giêng làm gì, lấy gì để ăn? Đó là câu hỏi thực tế và nhức nhối…

Dám ra đường đã là dũng cảm
Làm cũng đói, hay là ở nhà?
Tỉnh Quảng Nam với gần 9,000 doanh nghiệp đang hoạt động vào đầu năm 2024 nhưng chỉ 2 tháng sau, gần 600 doanh nghiệp giải thể. Hàng chục ngàn công nhân thất nghiệp. Đến đầu năm 2025, đa số người lao động vẫn chưa có việc làm và Tết Nguyên Đán lù lù đến. ‘Làm gì cũng đói thôi thì ở nhà’, là câu được nhiều người đặt ra trước Tết nhưng tháng Giêng về, câu nói vẫn như cũ. Làm thì sao lại đói, và ở nhà thì lấy gì mà ăn, vậy có nên ở nhà? Thế nhưng nghiệt nỗi có nhiều người, phải nói là rất nhiều người đã “lỡ” đi làm thành ra đói hơn ở nhà. Vì bảo hiểm thất nghiệp không thanh toán cho người đang đi làm, và ngược lại, chẳng mấy ai muốn ở nhà để nhận bảo hiểm thất nghiệp, và với người lao động thì việc đi làm dù không hơn ở nhà nhận thất nghiệp bao nhiêu nhưng đi làm vẫn “sĩ diện” và vui hơn là ở nhà ngáp gió chờ tới tháng nhận tiền.
Nhưng đâu hẳn đi làm là ổn, bởi sau mấy năm dịch giã và suy thoái kinh tế, rất nhiều trường hợp bị mất việc, công ty đóng cửa thì tìm đến chỗ khác để làm, nhưng làm chưa nóng chỗ thì lại đóng cửa. Mà không có chỗ nào trả tiền cả, đâu cũng nợ, còn bảo hiểm thất nghiệp thì ậm ờ… Như trường hợp chị Mẫn là một ví dụ, chị Mẫn kể:
– Năm nay coi như chị mất trắng, làm cho công ty sản xuất đồ gỗ gia dụng, ở xưởng gỗ, bên phần chà vecni và chà nhám để sơn PU, dịch xong, không có đồng nào hỗ trợ dịch, mất việc vì xưởng đóng cửa, người ta nợ lương. Mình nghĩ thôi thì kiếm chỗ khác làm tạm, đi làm tiếp, chỗ mới đóng cửa tiếp…
– Vậy lấy chi ăn Tết hả chị?
– Tết cứ đến Xuân cứ sang thôi, thì tới đâu hay tới đó vậy chứ biết sao giờ. Tết rồi may có nhà hàng xóm tặng mình ít bánh kẹo, mình thì có gạo, gói bánh, ba ngày Tết thì đóng cửa, là xong Tết. Tiền thì vẫn có vài đồng vì từ khi thất nghiệp lần hai, chị quyết định đi lượm ve chai và làm vườn, giờ rảnh thì chị đi lượm ve chai, kiếm vài đồng xài đỡ, lâu lâu mua được con cá, miếng thịt. Còn bán được rau thì cất dành, có đói cũng cất, giờ sợ lắm rồi, tuổi con người ngày càng yếu đi, sức ngày càng cạn kiệt mà tiền thì khó kiếm…

Kiếm cơm chưa bao giờ dễ ở xứ này
Giờ sang tháng Giêng mới sợ em à. Trước đây còn trông chờ vào bảo hiểm thất nghiệp, vì chị có đóng bảo hiểm thất nghiệp. Nghiệt là công ty chỗ mình làm nó trốn biệt, giám đốc cũng trốn biệt, không có ai ký xác nhận công ty phá sản và mình bị thất nghiệp nên bảo hiểm nó không chi trả.
– Nhưng thực tế chị đã thất nghiệp, không lẽ nào không có cơ quan xã, phường người ta xác nhận cho mình sao?
– Ôi, em đừng nhắc xã phường chi ở đây, từ ngày chỗ chị lên phường toàn thấy xã phường xuất hiện thu thêm phí này, gửi giấy mời đi đóng phí nọ chứ dễ gì họ xác nhận cho mình cái chi, khó hơn trước nhiều, họ nói họ không có thẩm quyền, nói chung là nói xuôi cũng được mà nói ngược cũng xong.
– Đến nay đã có công ty nào trả lương cho chị chưa, còn bảo hiểm họ nói sao?
– Cả 3 chỗ đều chưa trả đồng nào em ơi! Mình cũng hết vốn liếng rồi. Trước đây còn mấy chỉ vàng, đem bán dùng trong những việc cần thiết, còn bây giờ thì còn mấy chỉ, mà là chỉ…tay (cười), làm cho đến khi nào mòn hết mới có cái bỏ bụng.
– Rồi đến Giêng Hai, chị tính sao?
– Một ngồi nhà, hai cũng ở nhà, có loay hoay cho lắm rồi cũng khổ. Hơn nữa hai lần thất nghiệp, đến giờ vẫn chưa có tiền bảo hiểm thất nghiệp, mai mốt lăng xăng chạy ra đường, gặp cảnh sát giao thông nó thổi cho một phát nữa thì sạt nghiệp.
– Nếu mình đi nghiêm túc thì làm sao họ thổi được chị?
– Có cả ngàn lẻ một lý do mình bị thổi và bị dừng xe kiểm tra, có biết bao nhiêu cái lỗi nó chờ mình sẵn, xin không được thì ói tiền ra, mà xin được tức là ói ít tiền, thôi thì ngồi nhà cho chắc ăn!

Bán mía, bán trái cây dạo … là cách chọn kiếm cơm của nhiều người
Giêng Hai cắn răng, thắt lưng buộc bụng
Giêng Hai đến đầu ngõ và treo lơ lửng trên vai của những người lao động từ những ngày cuối Tết. Hầu như những người mà tôi tiếp xúc khi hỏi về dự định tháng Giêng, Hai sau Tết Nguyên Đán, tức tháng Hai, tháng Ba theo dương lịch đều có chung một dự định: “Phải biết cắn răng và trên hết là thắt lưng buộc bụng bởi chỉ có vậy mới qua được mùa Xuân”. Nói như chị Hai Lành, 60 tuổi, ở Điện Bàn, Quảng Nam, một người chuyên cuốc đất, dọn cỏ thuê, nhưng hễ ai kêu đi phụ hồ thì đi liền, dù phải bắt xe buýt ra Đà Nẵng:
– Giờ chị nói em nghe, mình phải biết cắn răng chứ không thôi là chết.
– Là sao chị, em không hiểu?
– Chị cả đời không biết đi xe máy, mỗi khi ai kêu ra Đà Nẵng phụ hồ là chị đi liền vì tiền họ trả cao hơn. Hôm nào không bắt được xe buýt là phải đi nhờ người ta, hoặc mấy người thợ, chủ thầu họ kêu mình đi làm họ chở giùm hoặc bí đường là xin đi từng đoạn.
– Dạ, cực quá chị ha…

Không phải ai cũng may mắn có tuổi nghỉ hưu
– Công việc thì ngày càng ít mà chi tiêu ngày càng cao, từ điện nước, cúng làng cúng xóm rồi đứa cháu ngoại chị đang đi học nữa, mẹ nó làm công nhân bữa được bữa mất nên chi chị cũng phụ giúp nó. Nhiều lúc công việc làm cũng chịu nhiều ấm ức lắm nhưng phải biết cắn răng em à, không là mất việc. Đi đường phải biết cắn răng mà xin xỏ cảnh sát giao thông, lỡ có gì thì nó thương tình không phạt chứ phạt thì lấy tiền đâu mà nộp. Mà cái đáng sợ hơn, chị luôn chuẩn bị tinh thần là xin người ta nếu vô tình mà bị đụng xe chứ nếu không tự dưng họ chưa nói gì đã xông vào đánh mình thì chỉ có chết, chị đã thấy nhiều rồi. Nhưng thiệt tình là con người bữa nay hung hãn hơn em, chẳng lẽ tại kiếm chén cơm khó quá nên người ta đâm ra hung hãn?!
– Hiện tại chị dự định sao?
– Thì ngồi nhà, không có việc thì không ra đường, ai kêu chi thì làm đó. Tháng Giêng người ta ít xây nhà nên cũng ít việc, cuốc đất thì làm trước Tết hết rồi, họ chỉ trồng rau để ăn. Phải thắt lưng buộc bụng thôi em à, quanh đây ai cũng vậy cả!
Những ngày đầu tháng Giêng, ai có rau thì bán rau, ai có ngò thì bán ngò, ai còn con gà thì bán con gà. Mọi thứ đã đổ dồn vô Tết với mứt bánh, hoa trái cúng ông bà … Tháng Giêng về với đủ thứ lo toan, câu ca dao vui về một cuộc sống dư dật, no đầy, có lẽ trở nên hài hước hơn bao giờ hết:
Tháng Giêng là tháng ăn chơi
Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba rượu chè …

Mừng lắm bởi mua đủ được gạo
Bài và hình UC