Hiện nay ở Việt Nam, tình trạng mua bán, để lộ lọt dữ liệu (data) cá nhân đang ở mức báo động…Việc này gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyền riêng tư, bí mật cá nhân của mỗi người, từ đó dẫn tới nhiều hệ lụy như nạn lừa đảo công nghệ cao cùng các hành vi phạm pháp khác.

Dữ liệu người dùng dễ bị đánh cắp     

Hàng ngày, anh Nam (Thủ Ðức, Sài Gòn) đều bị tra tấn bởi cả chục cuộc điện thoại đủ thể loại từ mời mọc mua bán bất động sản, xe cộ, tư vấn làm đẹp tới rủ rê đầu tư tài chính… Anh bực dọc: “Ghét nhất là có hôm đang đi trên đường chợt nghe chuông điện thoại, tưởng người nhà gọi việc gì hóa ra mời mua bất động sản, mời đầu tư chứng khoán… Lần khác lại nói mình dính líu vào vụ trốn thuế hoặc có giấy phạt nguội của cảnh sát giao thông do lái xe quá tốc độ nên yêu cầu khai báo thông tin…”. Tương tự, chị Nga (Tân Bình, Sài Gòn) là chủ doanh nghiệp may mặc nên thường nghe tất cả những cuộc điện thoại gọi đến. Vậy nhưng nhiều khi chị phải tiếp những cuộc gọi tào lao. Chị nói: “Ðang nằm nghỉ trưa cũng bị gọi. Tưởng khách hàng có việc cần, dè đâu mời tham gia sự kiện tour du lịch…”.

Những cuộc gọi không mong muốn kiểu này ở VN xảy ra ngày càng nhiều và mọi người thường bị/được gọi bất cứ lúc nào, bất cứ đâu, từ sáng sớm đến tối mịt, ngày thường và cả ngày nghỉ, ngày lễ. Nhiều người không hiểu tại sao số phone của mình lại rơi vào tay những kẻ làm dịch vụ này hoặc sao họ lại có chi tiết thông tin cá nhân của mình? Lý do dễ hiểu vì hiện nay ở VN đang có cả một thị trường mua bán thông tin cá nhân hoạt động khá rầm rộ. Ðây là sự vi phạm quyền nhân thân, không chỉ chuyện quấy nhiễu làm phiền mà việc lộ lọt thông tin cá nhân là rất nguy hại, thậm chí có thể dẫn đến các hành vi khác như làm giả thẻ tín dụng ngân hàng hoặc những vụ tống tiền, lừa đảo…

Những loại data bị đánh cắp

Hiện nay trên các trang mạng, tình trạng mua bán trái phép data tài khoản cá nhân đang diễn ra phổ biến. Rất nhiều hội nhóm từ công khai đến bí mật (với số lượng thành viên lớn) ngang nhiên rao bán thông tin data cá nhân. Có hàng trăm bài viết được đăng tải mỗi ngày trên các hội nhóm này liên quan đến việc tìm kiếm để mua hoặc bán data người dùng với nhiều lĩnh vực, ngành nghề và khu vực khác nhau trên cả nước.

Xem thêm:   Lê Xuân Thiết

Theo đó, data người dùng sẽ được kẻ gian tạm phân loại trước khi đưa lên chào bán, từ bất động sản, cho vay tài chính, chứng khoán, tiền ảo, bảo hiểm, ngân hàng, du lịch, nghỉ mát, resort, chăm sóc sắc đẹp, sức khỏe… Mức giá cho từng loại data tùy thuộc dung lượng, độ khó và độ chi tiết của nguồn dữ liệu. Hầu hết những tài khoản đăng bán trên các hội nhóm thường ẩn danh, sau đó chúng yêu cầu người mua “comment inbox” hoặc chuyển qua liên lạc bằng email hay các mạng xã hội Zalo, Instagram, WhatsApp…cho “bí mật”!

Kẻ xấu làm gì sau khi thu thập data người dùng

Thực tế cho thấy các nhóm kẻ gian thực hiện hành vi mua bán data cá nhân hầu hết là những người có trình độ, hiểu biết về công nghệ thông tin và sau đó dùng không gian mạng để hoạt động.

Thủ đoạn chính của chúng là lợi dụng sơ hở của mọi người trong việc chia sẻ hình ảnh căn cước công dân, chứng minh nhân dân, địa chỉ, số phone, số tài khoản ngân hàng, tình trạng nhân thân… trên các trang mạng xã hội, các ứng dụng (App) hoặc khi người dùng ghi tên vào các dịch vụ online (mua hàng, thanh toán kỹ thuật số, xin việc, vay tiền…) để đánh cắp thông tin.

Mới đây, cảnh sát VN điều tra vụ án Vũ Hồng Anh (32 tuổi, Quảng Ninh) và Nguyễn Phi Long (31 tuổi, Thái Bình) về việc thu thập trên mạng gần 2.5 triệu data cá nhân, sau đó đăng bài chào bán cho những người có nhu cầu tại nhóm kín Facebook “Data khách hàng tiềm năng” (có hơn 11,000 thành viên). Nguồn data cá nhân hai tên này mua bán gồm số điện thoại, họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, số căn cước công dân, số tài khoản ngân hàng, địa chỉ nhà riêng, email… Trong đó, Long là kẻ xây dựng phần mềm có khả năng ghi nhận, thu thập thông tin cá nhân người khác trên Facebook, Google… rồi lưu trữ vào máy tính có tính năng như một máy chủ ảo cho phép truy cập từ xa. Tiếp đó Long và Anh sử dụng các tài khoản ảo Facebook để lôi kéo nhiều người tham gia nhóm kín nhằm thỏa thuận mua bán. Trong đó, chúng cung cấp cho người mua 4 gói dịch vụ gồm gói V1000 (có 1000 data cá nhân) với giá 5.9 triệu VNÐ; gói V2000 (2000 data cá nhân) với giá hơn 11 triệu VNÐ; gói V4000 (4000 data cá nhân) với giá hơn 19 triệu VNÐ và gói V4000 vip (5000 data cá nhân) với giá hơn 32 triệu VNÐ.

Data được rao bán tràn lan trên mạng

“Khách” đã mua các gói data của 2 tên này gồm hơn 600 người, cư ngụ tại 55 tỉnh thành ở VN. Sau khi thỏa thuận giá cả về gói thông tin, giá cả, Anh và Long yêu cầu người mua chuyển tiền vào một tài khoản ATM. Nhận tiền xong, Anh và Long sẽ trực tiếp trích xuất dữ liệu dưới dạng tập tin excel và giao cho “khách” thông qua email hoặc các tài khoản mạng xã hội!

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 29 tháng 2 năm 2024

Cũng vì tình trạng lộ lọt thông tin cá nhân nên hàng ngày nhiều kẻ xấu đã liên tục gọi điện, nhắn tin cho nhiều người dân bằng những hình thức khác nhau như giả công an, giả cán bộ viện kiểm sát, cán bộ tòa án… để đe dọa, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản của chúng. Do nắm được thông tin cá nhân nên kẻ lừa đảo cũng biết rõ số căn cước công dân/chứng minh nhân dân, địa chỉ nhà riêng có khi cả tên tuổi của từng thành viên trong gia đình. Do vậy khi chúng sáng chế những câu chuyện khẩn cấp, như người nhà bị tai nạn hoặc hù dọa, khiến các nạn nhân thường tin răm rắp, từ đó hoang mang, lo sợ sẵn sàng chuyển tiền bạc và sập bẫy của chúng ngọt xớt!.

Một số tên bị bắt

NS