Mạng xã hội (MXH) là một ứng dụng internet không thể thiếu giữa thời đại công nghệ thông tin để mọi người xem, nghe, đọc, giao thiệp, kết bạn, mua bán, quảng cáo… mọi thứ với nhau.

Việt Nam hiện có gần 76 triệu người sử dụng các mạng xã hội. Ảnh: tác giả cung cấp. 

Thế giới đã có nhiều MXH như Facebook, Google, Instagram, WhatsApp, Twitter, TikTok, Linkedin, Wechat… thu hút hàng tỷ người dùng. Riêng tại VN, vài năm qua cũng lập ra nhiều MXH nhằm tham gia cuộc đua tranh giành khách hàng mà theo thống kê của NapoleonCat (Ba Lan) cho thấy, Việt Nam hiện có gần 76 triệu người đang sử dụng các MXH (dân số VN hơn 99 triệu người). Trong đó phải kể tới  ngành quảng cáo vốn hết sức béo bở và chắc chắn họ không muốn bỏ qua.

Báo cáo của Vietnam Digital Marketing Trends cho biết thị trường quảng cáo trực tuyến VN giai đoạn 2020-2025 có xu hướng tăng trưởng mạnh. Cụ thể năm 2021, dù VN bị dịch cúm Tàu tác động, tốc độ tăng trưởng có chậm nhưng tổng doanh thu quảng cáo trực tuyến vẫn đạt gần 900 triệu USD. Tuy nhiên phần lớn doanh thu này thuộc về Facebook, Google và Youtube. Các quảng cáo trực tuyến, các đài truyền hình, báo điện tử của VN chỉ chia nhau khoảng 30% mà thôi.

MXH Hahalolo với tham vọng “đánh bật Facebook, Twitter” khỏi VN suốt 3 năm qua vẫn bất thành. Ảnh: tác giả cung cấp.

Một số “mạng” Việt đã lập gồm Tamtay.vn là MXH đầu tiên do người Việt thiết kế và lập trình, ra đời năm 2007 (dừng hoạt động từ 1/4/2018). MXH Zing Me lập tháng 9/2009, từng đạt mức 6.8 triệu người truy cập (năm 2011), song đến tháng 1/2020, MXH này cũng dừng hoạt động. Tiếp theo có Mocha, ra đời cuối tháng 4/2015, hiện vẫn còn một số người dùng. Tháng 1/2017 có MXH Biztime thành lập dựa vào công nghệ Big Data, từng nằm trong Top 25 Startup VN năm 2018. Ðầu năm 2019, MXH Vietnamta xuất hiện nhưng tính năng không có gì nổi trội so với các MXH trước. Tới nay 2 MXH Biztime và Vietnamta vẫn hoạt động nhưng khá cầm chừng, mờ nhạt.

Xem thêm:   Bên hồ Thác Bà

Cũng năm 2019, VN ghi nhận loạt 3 MXH gồm Hahalolo (ra mắt tháng 6), Gapo (ra mắt tháng 7) và Lotus (ra mắt tháng 9) bước vào thị trường với những lời cam kết “bay bổng trên trời”. Cụ thể, Hahalolo mạnh dạn tuyên bố sẽ nhanh chóng “đè bẹp Facebook”, “đánh bật Twitter” khỏi thị trường VN với tham vọng đạt 2 tỷ người dùng chỉ trong 5 năm, đồng thời sớm niêm yết trên sàn chứng khoán NASDAQ của Mỹ. MXH Gapo tương đối “mềm mỏng” hơn khi trong ngày khai trương cho biết “sứ mệnh của Gapo muốn trở thành MXH lớn nhất cho giới trẻ, với hướng phát triển lấy người dùng làm trọng tâm” và đặt mục tiêu “50 triệu người dùng sau 3 năm”. Tương tự, MXH Lotus ra đời với slogan “Người Việt dùng hàng Việt”, định hướng “trở thành một ứng dụng tất cả trong một, từ tin tức đến giải trí, là cầu nối giữa người có ảnh hưởng (KOLs) với người hâm mộ (fans), đồng thời tạo thu nhập cho người dùng” (với hình thức token).

MXH Lotus. Ảnh: tác giả cung cấp.

Thế nhưng không bao lâu sau, kể từ khi ra mắt, hầu hết các MXH này đã không thể đạt được những mục tiêu do chính họ đề ra. Thậm chí, Hahalolo còn bị cư dân mạng “ném đá” tơi bời do những tham vọng “quăng bom, chém gió”. Người ta không rõ Hahalolo sẽ làm gì để đạt con số 2 tỷ người dùng với những tiện ích quá sơ sài, giao diện kém đặc sắc và tốc độ truy cập quá chậm. Với Gapo, tới nay trang chủ vẫn hay báo lỗi khó hiển thị, trong khi Lotus cũng không có hoạt động nào nổi bật. Ðáng lưu ý, trên Google Play hay AppStore, các ứng dụng Gapo và Lotus đều bị người dùng đánh giá thấp và nhận nhiều bình luận khá tiêu cực. Nhìn chung cả 3 MXH Hahalolo, Gapo và Lotus hiện vẫn có một số người sử dụng, nhưng không được đánh giá cao bởi tương đối phức tạp cũng như nội dung kém độc đáo, sáng tạo…

MXH Gapo. Ảnh: tác giả cung cấp.

Cũng ở VN từ tháng 8/2012, xuất hiện MXH Zalo và đây cũng là một trong những MXH được người dùng Việt khá ưa thích. Hiện Zalo có khoảng 45 triệu người VN sử dụng thường xuyên và hơn 100 triệu tài khoản được tạo ra. Mặc dù từng quảng cáo là “được nghiên cứu phát triển và phát hành bởi công ty VinaGame (VNG) của VN nhưng nhiều người vẫn hoài nghi nguồn gốc này. Có ý kiến cho rằng Zalo giống như một bản sao ứng dụng Wechat của Tencent (Trung cộng) và Tencent đã mua cổ phần của VNG. Tuy nhiên tới nay cũng chưa có bất cứ công bố chính thức nào của cơ quan chức năng khẳng định Tencent có mua cổ phần của VNG hay không.

Zalo hiện là MXH đang được nhiều người Việt ưa thích. Ảnh: tác giả cung cấp.

Như đã nói, việc các MXH liên tục ra đời thể hiện rõ quyết tâm tạo dựng một MXH của người Việt. Song nếu chỉ chịu khó “sinh đẻ” mà không đầu tư “nuôi dạy” sẽ không dễ để những đứa con “made in Việt Nam” này cạnh tranh được với các “gã khổng lồ” cỡ Facebook, Google, Instagram, YouTube… Thực tế các MXH Việt khó tồn tại do giao diện kém hấp dẫn, không thu hút người dùng… Ví dụ các MXH Hahalolo, Gapo, Lotus nếu so với Facebook, Instagram… sẽ thấy cách sắp xếp không khác nào những trang tin tức tổng hợp nhưng hiếm có sự tương tác giữa người dùng. Cạnh đó, việc các MXH Việt thường yêu cầu người dùng phải ghi danh thông tin cũng là một trở ngại bởi nhiều người tỏ ra rất lo lắng nếu những thông tin của họ bị lộ ra ngoài bởi tính bảo mật của các trang mạng Việt tới nay vẫn chưa có gì bảo đảm.

Xem thêm:   Quán nhậu thời đo... cồn

Vấn đề nữa là MXH VN chưa thể thay đổi được thói quen của đa số người dùng cũng như khó thu hút và duy trì lượng người dùng thực sự ổn định tương tự như kiểu Facebook, Instagram, Google… đã làm!

NS