Ở độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, lẽ ra trẻ em luôn phải được bảo bọc trong vòng tay ấm áp của cha mẹ. Thế nhưng vì nghèo khó mà nhiều em ở Việt Nam buộc phải sớm làm việc kiếm tiền để san sẻ bớt gánh nặng cơm áo cho gia đình hoặc để nuôi sống chính bản thân mình…

Bán vé số      

4 giờ sáng một ngày đầu tháng 3/2023, chúng tôi tìm đến chợ đầu mối nông sản Thủ Ðức, Sài Gòn. Mới mờ sáng nhưng chợ đã khá nhộn nhịp. Những đám trẻ hì hục kéo đẩy, khuân vác đủ loại hàng hóa từ các xe tải đậu bên ngoài vào chợ để chất lên sạp. Xen giữa những người lớn, nhiều đứa chiều cao chỉ nhỉnh hơn chiếc… giỏ cần xé mà chúng đang kéo. Một thằng bé chừng 13-14 tuổi, tên Tuấn “đen” đang cố vác một bao tải hàng lớn, nói vội khi chúng tôi hỏi chuyện: “Nhà tui An Giang. Trước lên đây phụ việc cho vựa ve chai. Gần đây chủ vựa thiếu nợ xã hội đen bỏ trốn mất nên tui xin làm nghề này!”. “Sống được không?”. “Ðược nhưng hơi…phê!”. Những đứa trẻ chung quanh tò mò bu lại hóng chuyện. Chưa kịp hỏi thêm, cả đám đã nhanh chóng tản ra, quay về với công việc đang làm khi nghe tiếng các chủ hàng quát tháo…

Như nhiều đứa trẻ nghèo khổ khác, Cường (15 tuổi), quê ở xã nghèo Phổ Cường, Quảng Ngãi. Từ sau trận dịch Covid-19, cha mẹ không may đều qua đời, vậy là Cường cùng đứa em gái 13 tuổi theo dòng người nhập cư tìm về Sài Gòn, nơi hứa hẹn cho em cuộc sống đủ ba bữa cơm và “chút tiền dằn túi”. Cường kể: “Cuối năm ngoái, bác Hai (là ông chủ của nhiều xe mì gõ ở Gò Vấp) về quê kêu bà nội cho hai đứa con vô Sài Gòn làm với bác. Bác Hai còn đưa trước cho bà nội 5 triệu VNÐ… Cùng đi với hai đứa con lần đó còn có 3 đứa khác cùng xóm, trạc tuổi”. “Từ hồi vô đây Cường dành dụm được nhiều tiền không?”. “Dạ, mỗi tháng chừng 700 nghìn VNÐ. Ði làm ban đêm hai đứa con hay trốn ngủ, bị bác Hai chửi hoài!”. Cũng không chỉ ở các chợ, bất cứ ai đi trên đường cũng dễ dàng thấy những đứa trẻ lang thang dáng vẻ lầm lũi, quần áo nhớp nháp. Phần lớn chúng từ các tỉnh (nhiều nhất từ miền Tây, miền Trung). Có đứa phụ việc quán xá, các cơ sở sản xuất, có đứa mua bán dạo linh tinh mà đông nhất là “đội quân” bán vé số. “Căn cứ” của những “tập đoàn vé số” thường đóng tại các quận 3, Tân Bình, Bình Thạnh, Gò Vấp, quận 12, Hốc Môn, Thủ Ðức… nơi dân nhập cư tập trung đông, giá nhà trọ cũng khá rẻ. Mỗi chủ đại lý vé số xoàng nhất ở đây cũng luôn có sẵn vài chục đứa trẻ “đầu quân” để được cấp vé số đi bán dạo hàng ngày khắp nơi. Ðại lý vé số của ông Ba Hưởng (quận 9) có khoảng 30 đứa như thế. Từ mờ sáng, bọn trẻ bắt đầu cầm vé số lên đường. Chiều về được bao nhiêu tiền phải giao hết cho chủ rồi sau đó mỗi đứa sẽ được chủ chi cho từ 50-100 nghìn VNÐ tùy lượng vé số bán hết hay không kèm với 2 bữa cơm trưa và tối khá đạm bạc. “Chuyên nghiệp” hơn là những cô cậu nhóc làm công nhân, phụ việc cho các cơ sở sản xuất thuỷ tinh, cao su, hạt điều, đúc kim loại, chỉ sợi, cưa xẻ gỗ…Tại một cơ sở gia công chỉ sợi ở Tam Hà, Thủ Ðức, chúng tôi làm quen với hai anh em Long, Hòa, tuổi khoảng 14-15. Tôi hỏi: “Mấy đứa còn đi học không?”. Hòa kể: “Nghỉ mấy năm rồi hồi lúc học lớp 3 bác ơi!”. “Ai xin cho mấy đứa vô làm ở đây?”. “Dạ, má cháu. Hồi đó má cháu làm, bây giờ má bệnh nặng rồi nên nghỉ”. “Cực không?”. “Không cực lắm, ngồi lâu nên đau lưng thôi!”. “Lúc nào cũng làm thế này hả?”. “Không! Ông chủ bảo chỉ làm theo mùa, lúc chuyển qua làm xơ dừa, lúc lột vỏ tôm, lựa ve chai…”. “Lương bao nhiêu?”. “Mỗi đứa lãnh 3 triệu VNÐ/tháng. Nếu ai ăn cơm trừ bớt 600 nghìn VNÐ!”. Trong cuộc mưu sinh “bất đắc dĩ” ấy, không phải đứa trẻ nào cũng “may mắn” như các em Long, Hòa. Em Trần Thị Tuyết, 15 tuổi, quê Trà Vinh, trước đó được chủ một cơ sở may ở Tân Bình cho người về tận dưới quê “tuyển” lên Sài Gòn với lời hứa cứ sau 1 năm gia đình em sẽ được nhận 50 triệu đồng. Nghe cũng “hấp dẫn” nên gia đình cho Tuyết đi. Nhưng hàng ngày Tuyết cứ bị nhốt kín trong nhà, ngoài may, em còn bị buộc làm nhiều việc khác như nấu ăn, lau nhà, giặt giũ…Khi làm không kịp hoặc không như ý còn bị chủ chửi bới, đánh đập. Sau 2 năm chịu hết xiết, em phải lén trốn ra ngoài, đi phụ rửa tô chén cho một quán phở ở quận 10.

Phụ hồ

…Số liệu điều tra của ngành chức năng, Sài Gòn hiện có hơn 45,000 trẻ em từ 14-17 tuổi phải làm việc kiếm sống (kể cả trẻ em nhập cư từ các tỉnh thành khác gộp vào). Ðáng chú ý, số trẻ bị lạm dụng sức lao động đã lên đến con số gần 10,000 em. Ðây cũng chưa phải là con số thực.

Phụ sửa xe

Ai cũng biết mưu sinh sớm ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển thể chất cũng như tinh thần trẻ. Chưa kể việc các em còn dễ bị tiêm nhiễm những thói xấu của tệ nạn xã hội, bởi đây là lứa tuổi rất dễ bị tổn thương và rủi ro. Cạnh đó, các em không có thời gian học tập, vui chơi giải trí, nguy cơ bỏ học, chậm phát triển trí tuệ, thiếu tự tin… Rõ ràng khi không được chăm lo đủ đầy về vật chất và tinh thần, tuổi thơ của những đứa trẻ này luôn sớm oằn nặng những lo toan, vất vả vì miếng cơm manh áo.

Phụ việc ở chợ

NS