Làng đúc đồng Phước Kiều, Điện Phương, Điện Bàn, Quảng Nam tuy không có tuổi đời nhiều bằng làng đúc đồng Ngũ Xá ở Hà Nội hay các làng nghề khác ở miền Bắc, nhưng có những đặc điểm “tiền trạm” mà có thể nói là độc nhất vô nhị trên toàn quốc. Trải qua dâu bể, thời gian, làng đúc không còn đầu làng cuối xóm nổi lửa như xưa, chỉ còn loe ngoe vài gia đình kỳ cựu vẫn giữ lửa nghề.

Miếu thờ Tổ nghề làng đúc Phước Kiều
Làng đúc và bảng chữ cái tiếng Việt đầu tiên
Làng đúc Phước Kiều nằm cách dinh trấn Thanh Chiêm chừng 500 mét theo đường chim bay, có một dòng sông nhỏ chạy qua, người ta nói rằng đó là một nhánh của sông Chợ Củi. Hiện tại, nhánh sông này vẫn còn dấu vết là một con lạch nhỏ chảy ngang phía trước Đền Thánh Andrê Phú Yên (tức nhà thờ Phước Kiều – nơi phát xuất chữ Quốc Ngữ, nơi mà các cha Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes từng chăn chiên và thiết lập nên bảng chữ Cái, soạn cuốn tự điển Việt – Bồ – La và hoàn thiện).
Đền Thánh nằm ngay cửa ngõ vào làng đúc Phước Kiều, trên tuyến đường chính đi vào nhà thờ Phước Kiều. Trước đây 10 năm, tôi từng ghé thăm đền Thánh, lúc ấy, Cha Tâm còn là Giám Mục Quản Nhiệm, ông có dắt tôi ra thăm các ngôi mộ cổ bằng đá vôi và ông nói rằng rất có thể đây là mộ của những vị thánh tử vì đạo trong thời kỳ Văn Thân.

Cơ sở này từng là nơi đúc chuông đồng, lư đồng và các sản phẩm mỹ nghệ bằng đồng, hiện tại chỉ còn đúng chiêng đồng để lây lất qua ngày
Sau này, khi tôi ghé lại thăm Đền Thánh thì các ngôi mộ cổ đã được di dời đến nơi cao ráo, có bia tưởng niệm và đặc biệt các nấm mộ bằng đá vôi được giữ nguyên để đưa về vị trí mới. Chỉ tiếc là thời Cha Tâm còn ở đây, phía trước giáo đường có một chiếc tủ gương rất lớn, bên trong tủ gương chứa các sử liệu về các vị linh mục từng ghé qua nhà thờ, từng ở lại truyền đạo nơi đây. Trong đó, phần giới thiệu về Cha Francisco De Pina là kỹ lưỡng và dài nhất, đến phần Cha Alexandre de Rhodes thì ngắn hơn một chút nhưng khá chi tiết. Rất tiếc là lần ghé thăm gần đây nhất, tôi hỏi thăm các sơ và linh mục về chiếc tủ ấy thì các vị đều không rõ đã di dời về đâu. Nhà thờ bây giờ cũng có nhiều nét khác xưa, nhà thờ thời xưa sử liệu khá nhiều vẫn còn cổ kính, dầu có đôi nét ọp ẹp do thời gian. Còn bây giờ, nhà thờ đã xây dựng mới khang trang và ở giữa trung tâm giáo đường, trên bục giảng có đặt thêm một sợi “xá lợi tóc” của Thánh Andrê Phú Yên.
Lẽ thường, thời gian đã làm thay đổi rất nhiều thứ, đương nhiên sự thay đổi theo chiều hướng nào còn tùy thuộc vào thời cuộc và sự may mắn của một vùng đất, một dân tộc. Nhánh sông Chợ Củi trước nhà thờ bây giờ chỉ còn một bàu rau muống và cỏ mọc um tùm, thi thoảng người ta cắm câu để bắt những con ba ba tự nhiên, những con cá lóc và đa phần là để nhậu.

Đổ than hồng vào quạt để sấy khô khuôn trước khi đúc chiêng đồng
Nói tới việc nhậu, có vẻ như ít nơi nào ưa nhậu hơn thanh niên ở đây. Lần nào tôi đi ngang cũng gặp một tụ chừng 5, 7 người tổ chức nhậu, hát hò. Hỏi thăm thì các cậu thanh niên, thậm chí các anh đã lớn tuổi trong cuộc nhậu cho biết là sau khi làng đúc đóng cửa, chỉ còn một vài gia đình nhớ nghề mà nổi lửa, hầu hết thanh niên trong làng nếu có học thì đi làm việc theo bằng cấp, nếu theo nghề đúc thì đi làm thuê tứ xứ, ngớt việc lại về nhà, lại rủ nhau câu cá, câu ba ba để nhậu…
– Làng đúc bây giờ vẫn còn những nghệ nhân, nhưng nghề đúc thì thu hẹp rồi – anh Ngọc, một thợ đúc trong làng nói.
– Theo anh thì làng đúc bị thu hẹp bao lâu rồi và liệu có cách nào để làm sống lại làng đúc không?

Nhà thờ Anrê Phú Yên, Điện Phương, Điện Bàn, Quảng Nam
– Sống lại thì chắc là khó. Từ ngày xây dựng khu lưu niệm làng đúc Phước Kiều thì tôi thấy mình có linh cảm là nghề đúc chấm dứt từ đây. Hiện tại vẫn còn một người là nghệ nhân nghe âm thanh cồng chiêng, một người là nghệ nhân đúc đại hồng chung. Còn lại thì trôi dạt tứ xứ …
– Các nghệ nhân ấy vẫn nuôi lửa nghề, vẫn sống được hay sao?
– Dạ, họ nuôi lửa nghề thôi, tức vẫn đúc, vẫn nhận đặt hàng đúc đại hồng chung cho các chùa, có một thời các chùa thi nhau đúc đại hồng chung thì họ sống được. Gần đây họ cũng ế ẩm, vì tôi thấy từ ngày Thầy Thích Minh Tuệ xuất hiện, dường như Phật Tử ít quan tâm đến chuyện đúc chuông nữa.
– Theo anh thì việc ấy tốt hay xấu?
– Tuy thất nghiệp, tuy thiếu thốn, phải đi làm việc khác để kiếm ăn, nhưng em lại thấy đó là tín hiệu tốt. Em từng theo anh Tiễn (tên nghệ nhân đúc đại hồng chung) để đúc chuông rất nhiều nơi, và đều nhận ra cái không khí chung đầy vẻ dị đoan, mê tín và phân biệt đẳng cấp giàu nghèo …

Khuôn âm (khuôn chia làm hai phần âm và dương) của chiêng
Phước Kiều, tên bắt nguồn từ đâu?
Có nhiều giả định về tên làng nghề, nhưng theo ông chú bên chồng tôi chia sẻ thì trước đây, làng đúc có một cây cầu bằng đá hình mái vòm rất đẹp do Chúa Nguyễn Phúc Chu cho xây dựng. Để ghi nhớ công ơn của ngài, làng lấy tên Phước Kiều, tức cây cầu của ngài Phúc. Chữ Phúc vì kỵ húy nên đổi thành Phước, còn Kiều tức là cầu (nhỏ). Làng đúc Phước Kiều (theo dân gian) có tên từ đó. Rất tiếc là 10 năm trước, chiếc cầu cũng bị đập bỏ trong quá trình bê tông hóa nông thôn, thay vào đó là chiếc cầu bằng bê tông thẳng thớm như mọi chiếc cầu bê tông khác trên đất nước này.
Và, tiếp theo sau chiếc cầu là dinh trấn Thanh Chiêm, người ta đang tái dựng dinh trấn Thanh Chiêm bằng cách san lấp toàn bộ dòng sông Chợ Củi, xóa hết dấu vết của nó (do công ty nhà cổ Vinahouse đảm nhận, công ty này đã phá sản và bỏ lại một bãi đất hoang ngay trên vị trí sông Chợ Củi). Dự án dời trường trung học cơ sở Nguyễn Du đến một vị trí khác cũng ngay trên đoạn dưới sông Chợ Củi, biến trường trở thành điểm dinh trấn cùng với khu vực quảng trường phía trước dinh trấn… lại một lần nữa xóa sạch dấu vết xưa một cách tốn kém và mất mát…

Những chiếc chiêng sau khi cân âm, được treo trên cao để nhận điện tích, nhằm làm cho tiếng kêu vang, ngân…
Như lời của một nhà nghiên cứu về Thanh Chiêm, không muốn nêu tên:
– Làng đúc Phước Kiều từ ngày trở thành địa chỉ văn hóa thì nó không còn hoạt động được nữa, không hiểu vì sao?! Cứ cái gì mà được nhà nước công nhận, sau đó cơ quan văn hóa tổ chức xây dựng hoặc phục chế, bảo tồn gì đó thì nó trở thành nhẵn thín, không còn hồn vía xưa!
– Theo anh, nguyên nhân chính của việc này là do đâu?
– Các khoản đầu tư của nhà nước khi về đến tay người lao động thì hình như chẳng còn gì. Nhưng cũng không phải vì vậy, mà vì cách người ta định nghĩa về làng nghề, người ta định nghĩa sai quy trình.

Một chiếc chuông chạm trổ …
– Sai quy trình nghĩa là sao?
– Chị biết rồi đó, nói tới làng nghề thì phải nói tới nghệ nhân và thợ, những người trực tiếp làm nghề mới nắm cái hồn của công việc và sản phẩm. Nhưng nghiệt nỗi các dự án về làng nghề là do doanh nghiệp người ta làm, làm dự án xong, trình dự án và nhận tiền để rồi tổ chức dạy nâng cao nghề, dạy văn hóa gì gì đó cho nghệ nhân và thợ, việc dạy này nấp dưới danh nghĩa “tập huấn”. Khi tập huấn xong thì hầu hết người ta trở nên gian dối với nghề.
– Xin anh cho một ví dụ?

Một tiệm bán hàng đồng ở làng đúc Phước Kiều, có chừng 30% là sản phẩm do nghệ nhân của Phước Kiều chế tác
– Sau khi làng nghề được tập huấn, dường như kỹ năng thủ công của họ bị giảm hẳn và họ thay bằng kỹ thuật công nghiệp, sự gian dối bắt đầu từ đây và từ cái ý thức ham tiền, ham làm giàu. Ví dụ như cái chuông đồng tụi tôi đúc, bằng đồng nguyên chất pha với một ít thiếc để bảo đảm tiếng vang, ngân và êm, tỉ lệ pha hết sức nghiêm ngặt, sai một li là đi một dặm. Thế nhưng bây giờ ngoài thị trường bán chuông pha kẽm, giá rất thấp và chẳng quan tâm đến âm thanh. Cuối cùng thì chúng tôi đành bỏ nghề đúc chuông vì cạnh tranh không nổi, mà làm giả thì lương tâm không cho phép, thà đi lao động thuê chứ không thể như vậy được.
Cũng may là làng đúc Phước Kiều vẫn còn vài gia đình nổi lửa để đúc xoong, nồi, vài bộ lư hương hay vài chiếc chuông đồng nho nhỏ để giữ nghề, mà cũng để kiếm cơm độ nhật, và để bảo vệ một chút thanh âm mông lung sắp đánh mất !
Bài và hình UC