Gần đây ở Việt Nam, từ các nhà hàng, quán cafe đến các trang mạng xã hội khá ồn ào về chuyện giá cả, mua bán hoa lan Var. Var là chữ viết tắt tiếng Anh “variation” nghĩa là “đột biến”. Qua những trang mạng xã hội, mọi người dễ dàng xem được hình ảnh các chủ vườn giao dịch các chậu lan Var tiền tỷ đôi khi nhỏ xíu cỡ… cọng rau muống với vô số lời bình luận tung hô. Song, một số người ngoài cuộc lại có cùng câu hỏi: những giá trị kia có thật hay chỉ là chiêu trò lừa đảo?

Trong danh sách những loài hoa đắt đỏ nhất thế giới từng được các tổ chức, diễn đàn nước ngoài bình chọn, xưa nay nghe đâu chỉ có loài hoa lan đa sắc Gold of Kinabalu ở Malaysia, cây 15 năm mới nở hoa một lần. Quy ra tiền Việt giá mỗi cây lan Malaysia này gần 140 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền đó, hiện giờ mang qua VN chưa chắc mua được một chậu lan Var Hiển Oanh dài chưa tới gang tay!

Ðiều tra riêng của chúng tôi nhận thấy: thị trường lan Var có lẽ bắt đầu khởi sự tại Phương Lâm (Hòa Bình) hồi cuối năm 2020, sau vụ chuyển nhượng giò lan Var Bảo Duy giá 2.7 tỷ VND cho một đại gia ở Bình Dương. Kể từ đó nhiều giao dịch lan Var khác liên tiếp diễn ra, được livestream rầm rộ trên mạng xã hội và “lên cơn sốt” đến nay.

Ông Ðặng Văn Ðông, một chuyên gia ngành thực vật học, cho chúng tôi biết: “Trên thế giới các giống lan này từng được trồng từ rất lâu với hàng nghìn loại đột biến khác nhau. Thậm chí tại Trung Quốc, Ðài Loan, Thái Lan, lan Var còn được gầy giống công nghiệp với đặc tính hệt hoa mẹ, giá thành khá rẻ, thậm chí chỉ cỡ vài trăm nghìn đồng VN một chậu. Tóm lại, để lai tạo ra các giống hoa lan có đặc điểm lạ không khó nhưng để tạo ra giống hoa màu sắc tuyệt đẹp không phải dễ. Ðó là xác suất may mắn, có khi hàng triệu con lai mới ra được giống đẹp và lan Var đắt ở chỗ quý hiếm”.

Tìm hiểu thêm vấn đề này, chúng tôi tìm gặp anh Trần Quốc Toàn, Hội trưởng Hội Hoa Lan Thủ Dầu Một (Bình Dương). Anh cho biết: “Dòng lan đột biến thu hút người chơi bởi hương thơm, màu sắc đến kiểu dáng đều độc, lạ. Tùy độ quý hiếm của từng loại, lan Var có mức giá khác nhau. Lan Var thường được mua bán theo kie (tức mầm non phát triển từ cây mẹ) hoặc theo chiều cao của thân cây tính bằng cm. Thị trường lan Var hiện có khoảng 120 loại lan 5 cánh trắng, 30 loại hồng và một số loài lan Var hoa trắng toàn phần. Theo tôi biết, lan Var từng hiện diện từ 10 năm trước, nhưng người chơi mới biết nhiều đến chúng khoảng 4 năm nay. Ðặc biệt 2 năm trở lại đây, lan Var bắt đầu trở thành một thị trường kinh doanh lớn, người ta bỏ tiền đầu tư vào lan Var còn sốt hơn cả đầu tư xe cộ, bất động sản…”

Chủ nhân những cây lan Var đang nâng niu các “cục cưng” của mình. Ảnh do tác giả cung cấp.

Cũng theo lời Toàn, người đã từng đi thăm nhiều vườn lan Var ở khắp nước và nhận thấy có nhà vườn D.T ở Ðông Lai, Tân Lạc (Hòa Bình) đang sở hữu trên 4 ngàn chậu Hiển Oanh và hàng trăm chậu lan Var đắt tiền, mang những cái tên rất mỹ miều như Bảo Duy, Ngọc Sơn Cước, Bướm Ðại Ngàn…với giá trị hơn 2,000 tỷ VND. Cư dân mạng từng so sánh khá thú vị: Tổng giá trị vốn hóa niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán của một tập đoàn nọ vào ngày 1/4/2021 có giá trị 4,912 tỷ VND. Với giá thị trường hiện tại của lan Var Bảo Duy ở mức 1 tỷ VND/1cm, xem ra cơ nghiệp mấy chục năm gây dựng của tập đoàn kia chỉ bằng người ta trồng khoảng 50 mét lan Var Bảo Duy mà thôi (?)

Xem thêm:   Kinh doanh chốn.. thờ tự

Dù vậy, có thể khẳng định lan Var không thể nào xuất cảng với mức giá quá cao như vậy. Do đó dòng tiền (nếu có thật) chỉ chạy từ túi người mua sau vào người mua trước, ngay tại VN. Nghiêm trọng hơn, không như những hàng hóa thông thường khác, tốc độ đẻ nhánh, phát triển chóng mặt 1 cm trong vòng vài ba ngày của lan Var khi được dùng những loại thuốc kích thích dễ dẫn đến cung vượt quá cầu, khiến nguy cơ lan Var vỡ trận là điều trong tầm tay.

Những giá trị được thổi lên cao đến mức phi lý của lan Var khiến người ta nhớ về câu chuyện hoa tulip tại Hòa Lan vào thế kỷ XVII. Khi đó một củ hoa tulip từng có giá đến trên dưới 100,000 USD và các nhà buôn đã khởi đầu canh bạc của mình là mua bằng được giống hoa hiếm này. Sức mạnh của những củ hoa tulip không hề suy giảm mãi cho tới tháng 2/1637 khi thị trường này đổ sập do các tay chơi lớn quyết định bán tháo. Giá củ hoa tulip rơi thẳng đứng, có lúc chỉ bằng 0.01% giá trị trước đó. “Nhà buôn giàu có bị hạ xuống gần thành kẻ ăn mày. Nhiều người trong hàng ngũ quý tộc chứng kiến cơ đồ của mình bị phá hủy không thể cứu vãn”, nhà báo người Scotland Charles Mackay viết như vậy trong cuốn sách của ông về thời kỳ này. Sau đó, chính phủ Hòa Lan phải cho lập ra một hội đồng nhằm dọn dẹp đống đổ nát mà “cơn cuồng loạn hoa tulip” gây ra. Tuy vậy nền kinh tế Hòa Lan vẫn phải đắm chìm trong khủng hoảng tới rất nhiều năm sau…

Những thương vụ giao dịch lan Var thường xuyên được livestream trên mạng xã hội. Ảnh do tác giả cung cấp.

Như đã nói, hiện nay, những giao dịch ảo của giới chơi lan Var ở VN, thậm chí mức giá đưa ra có khi lên tới hàng trăm tỷ đồng (tương đương mấy triệu USD) cho một vài cây lan Var cứ diễn ra hàng ngày. Những câu chuyện kiểu “…mới vừa mang cây ra khỏi vườn đã có người gọi hỏi mua lại ngay với giá cao hơn mấy trăm triệu đồng”. Chính những lời đường mật này kích thích lòng tham không ít người, khiến họ sẵn sàng bỏ hết việc làm ăn, sẵn sàng bán nhà, bán đất để đầu tư lan Var.

Xem thêm:   Cao tốc & thấp tốc?

Các thương vụ lan Var nơi này nơi kia được livestream trên mạng xã hội với giá trị lên đến vài tỷ, vài chục, vài trăm tỷ đồng cứ diễn ra công khai. Chẳng hạn vụ giao dịch giữa CLB Hoa Lan sông Hàn (Ðà Nẵng) khi họ quyết định mua và sở hữu độc quyền cây lan Var Dã Hạc 5 cánh trắng có giá trị 6.8 tỷ đồng từ một người ở La Gi (Bình Thuận). Trước đó ít lâu, một đại gia ở Bình Phước cũng xác nhận mình là chủ nhân mới của 3 cây lan Var với tổng mức giá gần 32 tỷ đồng. Chúng gồm cây Bảo Duy 5 cánh trắng giá 12 tỷ, một cây Bảo Duy 5 cánh trắng khác giá 9.9 tỷ và cây Da Vàng 10 tỷ đồng…

Nhìn chung, giá trị hoa lan nói chung, lan Var nói riêng, hiện tại được người ta đưa ra vô tội vạ, hoàn toàn không có căn cứ, cơ sở pháp lý nào. Ðiều này chính là cơ hội cho bọn gian manh lợi dụng để thổi giá, dụ dỗ những người chơi kém hiểu biết. Hiện nay, mọi người chỉ cần vào các mạng xã hội gõ từ khóa “mua bán lan Var” sẽ thấy xuất hiện vô số tài khoản giao dịch về dòng lan này. Một số đối tượng còn lập tài khoản ảo để thực hiện hành vi lừa đảo. Sau khi mua bán thành công, các đối tượng này thường khóa hoặc thay đổi tài khoản lập tức!

Ai tin được hàng cục tiền chất đống thế này chỉ dùng để đổi lấy những giò lan Var mỏng manh? Ảnh do tác giả cung cấp.

Trong khi ấy, theo một số người thạo chơi lan, những cuộc giao dịch lan Var bạc tỷ xuất hiện rầm rộ thời gian qua thực chất chỉ là chiêu của một nhóm người. Phần lớn các giao dịch đều ảo hoặc có những thỏa thuận ngầm trước với nhau nhằm mục đích sang đoạt tiền của người khác. Thực tế đã từng có những vụ lừa đảo lan Var xảy ra như trường hợp một người ở Phù Ninh (Phú Thọ) bị các đối tượng lừa mua cây lan Var với giá hơn 2 tỷ đồng. Hay một chủ vườn lan nọ dám thuê một căn nhà và khu vườn lớn ở Quốc Oai (Hà Nội) để lừa đảo bán lan Var, sau đó cuỗm hàng chục tỷ đồng của khách rồi bỏ trốn. Tương tự, một số các clip mua bán lan Var tiền tỷ, trăm tỷ trên mạng xã hội thực tế đều là dàn dựng. Cách thổi giá của họ đã đánh vào lòng tham của con người khi liên tục đưa ra những mức chênh lệch giá sau mua bán quá lớn. Thế nhưng, khi không có ai mua nữa thì người cuối cùng đang nắm giữ sản phẩm sẽ thiệt hại lớn.

Xem thêm:   Kinh doanh chốn.. thờ tự

Anh Nguyễn Ðức, một luật sư kiêm nhà báo ở Sài Gòn, nói: “Không hiểu những người lao đầu vào lan Var suy nghĩ gì khi dám bỏ tiền tỷ chỉ để mua một đoạn cây vài cm? Tôi cho rằng đầu tư vào lan Var không khác một canh bạc! Sẽ có người thắng đậm và sẽ có người trắng tay. Với đà phát triển ồ ạt như hiện nay, tôi dự đoán chỉ cuối năm nay hoặc đầu năm tới 2022 là “bong bóng lan Var” ở Việt Nam sẽ tan vỡ thành mây khói!”.

NS