Thời đại 4.0, chỉ cần một chiếc smartphone hay máy tính hay laptop… nối mạng là cả một thế giới bày ra trước mắt. Trong đó, có những tiện ích của mua sắm online. Tuy nhiên, một số kẻ đã lợi dụng hình thức này để kiếm chác, bằng cách tuồn các loại hàng kém phẩm chất, không rõ xuất xứ, hàng fake, nhái các thương hiệu lớn của Anh, Pháp, Mỹ, Thụy Sĩ, Ý … Đơn giản vậy nhưng nhiều người đã vô ý mắc bẫy khi mua hàng qua mạng.

Mua hàng online hiện là xu hướng chung của người tiêu thụ VN. Ảnh: tác giả cung cấp 

Thống kê từ Bộ Công Thương VN cho biết, doanh thu thương mại điện tử nước này năm 2021 đạt 13.7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020. Và cạnh đó, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém phẩm chất trong mua bán online hoặc các giao dịch trực tuyến là nét tiêu cực của thị trường. Hiện nay, chỉ cần lướt qua các trang thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki, Sendo, Lotte Mart hay một số trang cá nhân Facebook, Zalo, TikTok, Instagram… người dùng dễ dàng tìm thấy những chai nước hoa “hàng hiệu” dán nhãn Chanel, Hermès, Gucci…; giày Nike, Adidas nhưng mức giá chỉ vài trăm ngàn VNÐ/sản phẩm trong khi giá hàng chính hãng cao gấp chục lần trở lên. Nhiều sản phẩm quần áo, kiếng đeo mắt, đồng hồ, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng… có in chữ hoặc logo thương hiệu các hãng thời trang lừng danh thế giới nhưng chào bán với mức giá “rẻ không thể tưởng”. Thử hỏi ở đâu ra những sản phẩm kiểu này?

Xem thêm:   Kinh doanh chốn.. thờ tự

Tương tự, thống kê của Cục quản lý cạnh tranh VN cho biết, mỗi năm cơ quan này nhận 2,000 – 2,400 đơn khiếu nại của người tiêu thụ, trong đó 75% liên quan đến các chuyện mua bán online, bao gồm bán hàng giả, hàng lậu, hàng nhái, hàng kém phẩm chất, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc người bán không xuất trình được chứng từ hóa đơn và một số nơi từng bị bắt quả tang qua nhiều đợt truy quét nhưng tình hình tới nay vẫn chưa thay đổi nhiều.

Một số người nổi tiếng (nghệ sĩ) livestream bán hàng không rõ xuất xứ nguồn gốc. Ảnh: tác giả cung cấp

Chẳng hạn, đầu tháng 6/2022, quản lý thị trường Hà Nội bắt quả tang một xưởng sản xuất ở huyện Thanh Oai đang tổ chức pha chế, dán nhãn số lượng lớn các sản phẩm mỹ phẩm, nước hoa giả nhãn hiệu Coco Chanel, Dior, Pink Lady Shower… Tại hiện trường, nhiều sản phẩm trong số này được pha chế từ những loại nguyên liệu hóa chất trôi nổi, chứa đựng sơ sài trong các xô, chậu (?). Chủ cơ sở không xuất trình được bất cứ chứng từ, hóa đơn nào liên quan đến các “nguyên liệu” và số hàng hóa trên. Trước đó, ngày 18/4/2022, Cục An ninh mạng phối hợp quản lý thị trường tiến hành kiểm tra 5 địa điểm bán hàng và kho chứa hàng của 2 trang web Menshop79.comMenshopfashion.com tại quận Ðống Ða (Hà Nội) và Phú Nhuận (Sài Gòn) đã thu giữ hơn 2,000 sản phẩm quần áo, giày dép, túi xách, ví da, thắt lưng, kính mắt… có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu Gucci, Louis Vuitton, Hermes, Versace, Burberry… Tất cả cũng không có hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc. Ðại diện pháp luật của các thương hiệu này có đăng bạ bảo hộ tại VN đã khẳng định những sản phẩm được chào bán trên 2 trang web nêu đều là hàng giả. Tương tự tại Biên Hòa (Ðồng Nai), nhà chức trách gần đây liên tục tìm ra nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh và cất trữ hàng gian, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Trong đó có cơ sở của một nghệ sĩ hài trẻ hàng ngày livestream bán hàng online. Kiểm tra kho hàng này, lực lượng chức năng phát giác có hàng chục ngàn sản phẩm như mỹ phẩm, dược phẩm, quần áo, giày dép, đồng hồ, mắt kính… mang nhiều thương hiệu nổi tiếng, tổng trị giá hàng chục tỷ VNÐ. Tại thời điểm kiểm tra, chủ nhân không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ số hàng hóa trên.

Xem thêm:   Họa sĩ... "Vandal"

Những mặt hàng không phải ai cũng dễ phân biệt được thật, giả. Ảnh: tác giả cung cấp

…Như đã nói, thế giới mạng hiện tràn lan những trang web bán hàng online, từ các cơ sở hạng vừa tới nhỏ lẻ cũng như các trang cá nhân từ người bình thường tới người có chút tiếng tăm (diễn viên, ca sĩ, nghệ sĩ…). Trong các video livestream, nhằm lôi kéo khách hàng, các chủ trang thường không ngại sử dụng đủ thứ chiêu thức như ăn mặc sexy, liên tục quảng cáo các món hàng mang nhãn hiệu lớn rồi tung hô “đây là sản phẩm đẳng cấp”, “không mua sẽ hối hận”. Hãy chú ý rằng bản chất của mua bán online là hai bên mua bán không gặp mặt nhau, đôi khi không có cả địa chỉ, không có số phone “thật” hoặc địa chỉ chung chung. Vì thế kẻ gian dễ dàng sử dụng các thủ đoạn như lập nhiều tài khoản MXH một lúc, liên tục đăng quảng cáo, hình ảnh chụp sản phẩm khá chuyên nghiệp. Khi có khách hàng comment hỏi mua thì “chỉ nhận inbox”, sau đó nếu có việc gì ngoài ý muốn, chúng cũng nhanh chóng gỡ bỏ, xóa hết mọi dấu vết, chứng cứ.

Trước “ma trận” hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên thị trường, thiết nghĩ người tiêu thụ trước khi chọn mua cho mình sản phẩm nào đó cần tìm hiểu kỹ lưỡng về chúng, về nơi bán hàng để tránh “tiền mất, tật mang. Mọi người cố gắng tự trang bị những kiến thức cần thiết để mua hàng, biết quan tâm, tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm và nên tham khảo ý kiến những người từng thực tế mua hàng qua các kênh này bằng các công cụ tìm hiểu, các review đánh giá về cửa hàng và sản phẩm nhằm tăng mức độ hiểu biết, trước khi quyết định. Trong khi sử dụng mạng xã hội nên hạn chế cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ, không đăng nhập vào những địa chỉ mạng không rõ nguồn gốc, kể cả chia sẻ thông tin về đơn hàng của mình cho người không liên quan hoặc người có thể lợi dụng thông tin này để lừa đảo. Tốt nhất nên lựa chọn giao dịch mua sắm hàng hóa, dịch vụ trên những sàn thương mại điện tử thật sự uy tín, được cơ quan thẩm quyền cấp chứng nhận, cho phép hoạt động…

Một ổ hàng fake, hàng dỏm bị bắt quả tang. Ảnh: tác giả cung cấp

NS