Từ giữa tháng 3/2022, Việt Nam cho mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện “bình thường mới”. Theo đó, những quy định về việc đón khách từ nước ngoài vào đơn giản hơn nhiều so với thời gian Việt Nam xảy ra các đợt dịch cúm Tàu.

Khách từ nước ngoài đến Việt Nam đông dần sau đại dịch. Ảnh: tác giả cung cấp 

Khách từ các nước nhập cảnh Việt Nam, phải đủ các điều kiện: Nếu là người nước ngoài, người Việt định cư ở nước ngoài cùng thân nhân phải có đủ giấy tờ hợp lệ (thẻ thường trú, thẻ tạm trú, thị thực, giấy miễn thị thực còn giá trị). Riêng hành khách là công dân thuộc 13 quốc gia (Nhật, Hàn quốc, Ðức, Pháp, Anh và Bắc Ireland, Ý, Tây Ban Nha, Ðan Mạch, Thụy Ðiển, Na Uy, Phần Lan, Nga và Belarus) được miễn thị thực nhập cảnh Việt Nam với thời hạn tạm trú 15 ngày, không phân biệt loại hộ chiếu, mục đích nhập cảnh. Thời gian áp dụng từ nay đến hết 14/3/2025. Về yêu cầu xét nghiệm và tiêm vaccine: Hành khách cần có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (trừ trẻ em dưới 2 tuổi) trước khi xuất cảnh bằng đường hàng không trong 72 giờ (sử dụng phương pháp RT-PCR) hoặc 24 giờ (sử dụng xét nghiệm nhanh kháng nguyên) và được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận. Với khách nhập cảnh bằng đường bộ, đường sắt, đường biển có thể xét nghiệm trước khi xuất cảnh như đường hàng không nếu thời gian di chuyển ngắn. Trường hợp chuyến đi kéo dài phải xét nghiệm lại tại các cửa khẩu. Cũng từ 15/3/2022, Việt Nam bỏ quy định hành khách sau khi nhập cảnh bằng đường hàng không phải xét nghiệm lại khi nhập cảnh Việt Nam cũng như bỏ quy định cách ly (trước đó là quy định buộc cách ly tại nhà ở, tại khách sạn, nhà nghỉ…) trong 10 ngày kể từ ngày nhập cảnh. Gần đây, Việt Nam tiếp tục ban hành quy định “hành khách nhập cảnh Việt Nam không cần khai báo y tế, kể từ 27/4/2022”…

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 14 tháng 3 năm 2024

Dù Việt Nam hiện không còn áp dụng biện pháp cách ly phòng dịch cúm Tàu với người nhập cảnh song lượng du khách ngoại quốc đến đây vẫn chưa nhiều. Số liệu Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 4/2022 là gần 70 ngàn lượt và tổng cộng 4 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đón hơn 92 ngàn lượt khách, trong đó tính từ lúc “mở cửa” 15/3/2022 đến nay là hơn 80 ngàn lượt. Riêng sân bay Tân Sơn Nhất (Sài Gòn) sau khi mở lại đường bay quốc tế, từ 15/3 cũng ghi nhận lượng khách quốc tế tăng nhanh. Từ khoảng 2 ngàn khách quốc tế (ngày 15/3) tới ngày 27 – 28/4, lượng khách đã tăng lên 6 ngàn lượt /ngày. Tuy nhiên, so thời điểm khi Việt Nam chưa xảy ra đại dịch thì con số này vẫn kém xa, đặc biệt khi cúm Tàu vừa tạm lắng lại nổ ra cuộc chiến Nga – Ukraine, ảnh hưởng nặng đến ngành du lịch.

Khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam thời điểm này phần đông là bà con người Việt về thăm quê hương, thân nhân… sau 2 năm không về được do dịch bệnh (chiếm gần 90%), còn lại là người nước ngoài đi du lịch hoặc người của các công ty, tập đoàn quốc tế… đang đầu tư, làm ăn ở Việt Nam.

Thủ tục check-in còn khá rườm rà. Ảnh: tác giả cung cấp

Tuy vậy, nói về chuyện visa, anh Tùng Phan, người của một đại lý du lịch chi nhánh ở Bangkok (Thái Lan) nhận xét: “Từ 15/3/2022, Việt Nam cho biết các thủ tục xuất nhập cảnh với người nước ngoài và người Việt định cư ở nước ngoài được khôi phục như trước khi xảy ra cúm Tàu. Song dường như chính sách này đến nay vẫn chưa thống nhất. Chẳng hạn thủ tục xin visa online thì việc tiếp nhận trả lời còn quá chậm. những khách nước ngoài của chúng tôi lên lịch ở Thái Lan khoảng 15 ngày rồi qua Việt Nam chơi và họ đã xin visa trước khi bay, tức tổng cộng 20 ngày rồi mà vẫn chưa có visa. Ðến lúc check-in chuyến bay xong mới được biết Việt Nam chưa chấp nhận cho vào nên họ buộc phải hủy lịch và tiếp tục ở lại Thái Lan thêm nhiều ngày nữa. Vì vậy, tôi nghĩ, Việt Nam lúc này nên đơn giản hóa thủ tục, loại bỏ hẳn các thủ tục hành chính rườm rà và cho phép khách nước ngoài xin thị thực trực tiếp tại cửa khẩu mới tạo được lợi thế cạnh tranh, phục hồi du lịch…”.

Cảnh chen lấn, giành nhau đi taxi còn phổ biến ở nhiều sân bay. Ảnh: tác giả cung cấp

Hầu hết khách du lịch trong lẫn ngoài nước hiện nay thường tìm tới những điểm đến nổi bật như Sài Gòn, Hà Nội, Phú Quốc, Ðà Nẵng, Hạ Long, Nha Trang, Hội An, Huế, Ðà Lạt, Vũng Tàu… Kiệt Thái, người về từ Mỹ nói: “Ðiều tôi thấy lo ngại tại nhiều sân bay quốc nội (như Tân Sơn Nhất hoặc Nội Bài) là việc thiếu phương tiện đón khách nên thường có nạn chen lấn, giành giật rất bất tiện và bực mình. Tiếp nữa là nạn móc túi, cướp giật xảy ra ở bất cứ đâu. Dù những năm gần đây, tệ nạn này có chiều hướng giảm nhưng vẫn để lại nhiều lo âu cho khách du lịch. Rồi tình trạng người đi theo mời chào mua thứ này thứ nọ, “xin đểu” cũng là hành vi gây nhiều phiền nhiễu. Một số nơi còn có nạn chặt chém, niêm yết giá cả một đàng, bán một nẻo gây khó cho du khách, đặc biệt là dịp lễ, Tết. Suy nghĩ kiểu “cả nămmột dịp” hoặc “khách chỉ đến một lần” là quan niệm quá sai lầm bởi nó gây ra những ấn tượng xấu cho hình ảnh du lịch nước nhà. Vấn đề vệ sinh cũng chưa được đầu tư bài bản, hệ thống vệ sinh công cộng còn quá thiếu và yếu…

Xem thêm:   Lừa đảo online

Nhiều ý kiến khác của du khách (nhất là du khách quốc tế) cũng cho rằng Việt Nam có nhiều tiềm năng du lịch nhưng thường chỉ dừng ở mức độ khai thác tự nhiên, ít có đầu tư để mở rộng cũng như nâng cao dịch vụ. Ví dụ, nếu là danh lam thắng cảnh thì du khách chỉ ngắm cảnh mà không có hoạt động dịch vụ nào khác. Tương tự nếu là di tích lịch sử cũng không có hướng dẫn viên du lịch giải đáp được tỉ mỉ những câu hỏi, thắc mắc của du khách. Những điều này lâu dần sẽ gây cảm giác nhàm chán và kém hấp dẫn…

Du khách thích các điểm đến như Đà Nẵng, Phú Quốc Ảnh: tác giả cung cấp

NS