Thời gian gần đây tình trạng thanh thiếu niên tụ tập đua xe bất chấp pháp luật ở Sài Gòn và nhiều tỉnh thành nở rộ, đặc biệt vào các dịp lễ hội, mừng tuyển bóng đá VN chiến thắng (?). Thậm chí không có cớ vui mừng, các nhóm này vẫn tụ tập dăm ba chục chiếc xe rồi cùng nhau nẹt pô, rú ga, lạng lách đánh võng, bốc đầu, phóng nhanh vượt ẩu giữa đêm khuya.

Xe “độ” sẵn sàng tham gia các cuộc tranh tài. Ảnh: tác giả cung cấp. 

Tuy nhiên ít người biết những chiếc xe được mang ra trình diễn kiểu này thường có tốc độ xấp xỉ 180-220km/giờ. Ðó cũng chính là thứ có thể gây nghiện cho bọn “quái xế”. Thêm vào đó là máu sát phạt ăn thua của những cuộc đua xe cá độ với nhau, ít thì 15 – 20 triệu VNÐ cho một chặng đua, nhiều thì cả trăm triệu VNÐ. Cũng có lúc các “quái xế” cá cược bằng chính “con xe” mình. Những điều này càng khiến bọn thanh thiếu niên ham vui, tánh khí bốc đồng đôi khi mang cả sinh mạng của chúng ra đánh cược!

Những người trong cuộc cho biết những chiếc xe bình thường không thể nào đua được. Vì vậy để có chiếc xe “bật” như ý muốn, cần tìm đến các điểm “độ” xe. Ở Sài Gòn, theo tìm hiểu của chúng tôi có hàng trăm điểm “độ” xe, rải rác khắp quận kể cả hành nghề công khai hoặc không có bảng hiệu mà chỉ dân chơi xe mới biết rõ và truyền tai nhau. Ở các điểm công khai chủ yếu làm về hình thức, tức mông má, trang trí bên ngoài chiếc xe, còn các điểm lén lút chuyên về phần “nội công”, tức làm máy, chỉnh khung và đây là điều các “quái xế” luôn cần đến.

Xe “độ” sẵn sàng tham gia các cuộc tranh tài. Ảnh: tác giả cung cấp.

Trong vai người đi “độ” xe cho mấy thằng “đệ”, tôi làm quen với Tài, một người môi giới và được cậu ta dẫn đến tiệm của Hòa “râu” nằm cặp bên Quốc lộ 1A (quận 12). Nhìn quanh tiệm thấy có 6-7 chiếc xe đang chờ làm máy và nghe đâu Hòa “râu” hành nghề đã ngót 20 năm và cũng có chút tiếng tăm trong giới chơi xe “độ”. Hòa “râu” nói: “Không hẳn thợ sửa xe lâu năm, nhiều kinh nghiệm là làm được xe “độ”! Làm xe này thợ giỏi chỉ là người đưa ra ý tưởng, lắp ráp, căn chỉnh xăng, gió… còn muốn thành công phải phụ thuộc nhiều chỗ khác như tiện trục cam, doa xi-lanh, xoáy nòng, xổ trái, thay piston…”. Vẫn theo Hòa “râu”, mỗi thợ chính “độ” xe đều có những “bài” riêng và họ thường giấu nghề. Muốn học phải theo chân “cao thủ” vài ba năm mới rành được. Tuy nói vậy nhưng hiện nay, Hòa “râu” vẫn khoe cơ sở anh ta đủ điều kiện“độ tới bến” bất cứ con xe nào thuộc dòng Nhật, Thái bởi các loại này máy tốt, khung cứng chắc nên dễ làm, chứ ít khi “chơi” dòng xe Tàu cộng. Hòa “râu” nói: “Ðộ trái (piston) 62mm cho con Exciter là bài độ phổ biến nhất hiện thời cho dòng Yamaha. Nếu làm trái 62mm đi vừa nhẹ ga, tốc độ khoảng 170 – 180km/giờ còn làm trái lớn cỡ 82mm, thay thêm IC, căn chỉnh xăng, gió chút nữa tốc độ còn tăng cao hơn, có khi tới 200-220km/giờ, bao chạy như tên bắn”.

Nhiều người bất chấp nguy hiểm ra đường reo hò, ủng hộ đua xe trái phép. Ảnh: tác giả cung cấp.

Hòa “râu” cho biết: “Nhiều người suy nghĩ rằng xe “độ” chỉ cần đem doa xi-lanh là xong. Thực ra, việc này chỉ chiếm 20% quá trình “độ”, bởi sau mỗi lần doa xi-lanh thì đường kính nòng xi-lanh tăng thêm cỡ 0.25mm, xe khỏe hơn song vẫn chưa có “độ bật”. Ðể tăng tốc nhanh và có thể bốc đầu là phải thay nòng xi-lanh lớn hơn như xe Wave, Suzuki Sirius hay Sports cho nòng 110-125cc. Ngoài ra, còn phải kết hợp làm lại nhiều cái khác như thay biên, trục cam, khung xe… Và lưu ý chỉ một chút không thích hợp là xe không như mong muốn hoặc dễ gây tai nạn cho người chạy. Khi cho ra đời một chiếc xe máy, nhà sản xuất đã tính kỹ công suất máy, tốc độ… và đưa ra thiết kế phù hợp tổng thể. Do vậy, khi “độ” xe, xem như thợ đã phá bỏ đi thiết kế ban đầu nên nhất định sẽ ảnh hưởng đến an toàn xe. Và dù thợ giỏi đến đâu họ cũng không lường trước được mức nguy hiểm dành cho người điều khiển chiếc xe ấy”.

Tai nạn trên đường đua khiến không ít quái xế “rớt nài”. Ảnh: tác giả cung cấp.

Nạn đua xe kéo theo một số không nhỏ người bất chấp nguy hiểm, sẵn sàng ra đường tung hê cổ vũ trò đua xe trái phép đang là nỗi lo của nhiều gia đình đồng thời tạo nên một tệ nạn xã hội ở VN đang bị dư luận lên án mạnh.

Xem thêm:   2 người thợ săn

Kết thúc cuộc đua, bên cạnh niềm vui được tiền cá độ của người chiến thắng đã có không ít kẻ phải vào bệnh viện hoặc nhà… xác, dẫn tới bao hệ lụy cho không ít gia đình. Khi phụ huynh giao tài sản (xe máy, xe đạp điện) có giá trị cho con cái cần giám sát việc sử dụng đúng mục đích hay không. Ðồng thời thường xuyên quan tâm nhằm kịp thời phát giác xe có bị “độ” hoặc cố tình thay đổi kết cấu. Ở khía cạnh quản lý việc “độ” xe và xe “độ” cũng không đơn giản, bởi các tụ điểm hành nghề này – như đã nói – nhìn bên ngoài cũng tương tự các điểm sửa xe máy thông thường. Nếu nhà chức trách không có biện pháp quản lý chặt và gia đình bỏ lỏng giáo dục con em thì những “quái xế” thích bay bổng trên những con xe “độ” vẫn là nỗi ám ảnh cho mọi người.

…Và bị cảnh sát vây bắt. Ảnh: tác giả cung cấp.

NS