Hiện Việt Nam có hơn 230,000 người nghiện ma túy các loại nằm trong hồ sơ quản lý của nhà chức trách. Thực tế, con số này còn lớn hơn nhiều. Đáng chú ý, ngày nay giới trẻ (từ 30 trở xuống) chiếm đa số. Nhiều nhóm thanh thiếu niên nam nữ bắt đầu sử dụng ma túy với mục đích vui hết mình cho các cuộc chơi hoặc theo dạng “a-dua” mà chính họ không hề nhận biết hậu quả lâu dài về sau thế nào.

Ông bạn tôi, bác sĩ L.V.K công tác tại Trung tâm Ðiều dưỡng – Cai nghiện ma túy (Thanh Ða, Bình Thạnh, Sài Gòn), nhận xét:  Ma túy “đá” lần đầu xuất hiện ở Việt Nam hồi tháng 4/2006 tại Hà Nội. Từ đó, lan dần khắp cả nước, thu hút mạnh giới trẻ. Lý do, theo một số dân chơi, do độ “phê” của nó cao gấp nhiều lần so với thuốc lắc, ketamin… hồi trước. Ngôn từ được dân chơi ám chỉ khi sử dụng ma túy đá là “đập đá”, “leo núi” hay “phá đá” (?).

Như đã nói, ma túy đá là loại ma túy tổng hợp, dưới dạng tinh thể, kết tinh từ các dẫn chất như amphetamine, niketamid… có tên khoa học là methamphetamine (trước đây còn xuất hiện với tên dược phẩm Methedrine nên còn được gọi là Met). “Chấm” là đơn vị dùng định lượng cho ma túy đá. Mỗi “chấm đá” có hàm lượng tương đương 1 gam hay 1 “áo” (kiểu gọi ketamin). “Chấm đá” gồm nhiều cánh nhỏ có kích thước, hình dạng tương tự như hạt bột ngọt.

Hiện nay Việt Nam xuất hiện nhiều loại ma túy đá, thậm chí những dạng mới và “hot” nhất vừa có trên thị trường đen. Những loại ma túy đá này có thể biến tướng dưới dạng viên thuốc, đồ ăn, thức uống, đồ chơi…  có độc tính cực cao và rất khó nhận biết.

Tuổi dân chơi ma túy “đá” ngày càng trẻ

Hùng “rau” (21 tuổi), một “dân chơi”, ngụ ở Thủ Ðức cho biết: “Mỗi “chấm đá” được nhóm 7-8 người “đập” hết trong vòng 6 – 8 tiếng đồng hồ. Giá tiền “đá” màu ngà vàng bọn tôi mua qua “cò” từ 2 triệu – 2.2 triệu đồng; còn “đá” trắng đắt hơn loại này 300 – 400 ngàn đồng…”. Theo chỉ dẫn từ Hùng “rau”, dụng cụ chính dùng “đập đá” là chiếc bình thủy tinh (hoặc bình nhựa). Bên trong chiếc bình này thường có đổ thêm ít nước. Trên thân bình có gắn chiếc tẩu dài chừng 50 – 60 cm. Chóp bình được đính thêm một chiếc “coóng” (cách gọi của người Bắc hay “nỏ” của người Nam) dùng đựng “đá”. Luồng khí trắng từ việc đốt các “chấm đá” sẽ được tuồn vào bên trong chiếc bình sau đó mới theo tẩu và được người dùng hít vào khí quản…

Xem thêm:   Quán nhậu thời đo... cồn

Hùng “rau” cho biết thêm: đặc điểm hơi khác giữa dân “đập đá” và dân “bay lắc” ở chỗ trong quá trình chơi, dân “đập đá” không ưa nghe loại nhạc giật gân ầm ĩ như dân “bay lắc” mà thích thể loại nhạc trữ tình, êm đềm nhẹ nhàng hơn. Khi đã “phê”, dân “đập đá” thường thốt ra những câu, lời mà người ngoài khi nghe chẳng thể hiểu họ đang nói chuyện gì (?).

Trong khi ấy, theo lời bác sĩ K: “Ma túy đá là chất gây nghiện nguy hiểm và rất mạnh. Nó tác động trực tiếp hệ thần kinh trung ương trong thời gian rất ngắn (chừng 3-5 phút sau khi sử dụng). Ban đầu nó tạo cho người dùng cảm giác hưng phấn, tỉnh táo, khỏe khoắn và đặc biệt gây sự ham muốn cũng như giúp tăng cường hoạt động tình dục. Tuy nhiên sau chừng dăm lần sử dụng, nếu đột ngột ngưng không dùng nữa sẽ cảm thấy mệt mỏi, chán nản, tâm lý bất an, lo lắng, dễ tức giận, nổi cáu…  Ðó cũng chính là những dấu hiệu ban đầu của “nghiện”.

Mặc dù dân “đập đá” cố tình giảm độ tác hại từ khí “đá” gây ra bằng cách hút gián tiếp qua chiếc bình có đựng nước, nhưng nó vẫn có độ tàn phá hệ thống dây thần kinh, huỷ hoại các nơ-ron của não bộ. Người sử dụng “đá” thường xuyên sẽ nhanh chóng gặp những triệu chứng như: mất ngủ, loạn thần, loạn thị, suy nhược cơ thể, dễ bị đột quỵ do tình trạng thiếu máu não, tăng nhịp cơ tim… Tác hại của thuốc phiện, heroin là khiến người nghiện gây tội ác khi đói thuốc khiến họ vật vã đau đớn. Còn tác hại của ma túy đá là người nghiện gây tội ác khi đã no say thuốc và khi ấy chứng hoang tưởng chi phối hoàn toàn hành vi người sử dụng. Họ sẽ có ảo giác cho rằng, những người chung quanh đang cố truy cản, tấn công mình. Do vậy lúc lên cơn “ngáo”, họ sẵn sàng bỏ chạy, chui ống cống, trèo mái nhà, leo cột điện, đứng chơi vơi trên sân thượng nhà cao tầng… nhằm “mở đường máu thoát thân”. Có những trường hợp mất kiểm soát bản thân và chính tác dụng kích thích tăng động, gây ảo giác của ma túy đá khiến họ không còn lý trí, dễ gây ra tội ác nhất là khi tình cờ nhìn thấy trước mắt mình bất kỳ thứ hung khí nào…”.

Xem thêm:   Họa sĩ... "Vandal"

Trong thực tế, mọi người hiện nay, dường như không còn quá xa lạ với những hành vi điên rồ của những kẻ ngáo đá. Cách nay ít lâu, trong một cơn ngáo đá, Trần Văn Tính (30 tuổi, ngụ Bình Trị Ðông, Bình Tân, Sài Gòn) đã gây ra vụ thảm sát kinh hoàng khi dùng dao phay chém chết từ mẹ đẻ, bà ngoại và dì ruột của mình chỉ vì họ buông lời mắng chửi lúc anh ta “xin tiền đi mua bia uống”. Hoặc trường hợp tại Phước Hòa, Phú Giáo (Bình Dương) hồi tháng 12/2020, cũng do ngáo đá, cô gái trẻ Võ Mỹ Duyên (21 tuổi), đã bóp cổ chết ông Lê Văn Bường (84 tuổi, ngụ Phước Hòa) vì dám “cản đường” khi cô ta say thuốc bất ngờ “chạy trốn” vào nhà ông (?). Sau khi gây án, cô gái này cũng sốc thuốc, sùi bọt mép và tử vong khi người chung quanh xúm vào đưa đi bệnh viện cấp cứu!

Bác sĩ L.V.K kết luận: “Các loại ma túy đá luôn gây nghiện rất mạnh nhưng đến thời điểm này ở Việt Nam, thậm chí thế giới, cũng chưa có bài thuốc hoàn hảo nhất nhằm giúp cai nghiện. Những người nghiện ma túy đá ở Việt Nam thường được đưa vào điều trị ở các Trung tâm cai nghiện, cơ sở xã hội hoặc các bệnh viện tâm thần (các trường hợp cai nghiện tự nguyện). Tại đây, các bác sĩ sẽ cho họ uống thuốc an thần.  Song nhìn chung như đã nói, do hiện nay cả thế giới vẫn chưa có thuốc hỗ trợ cai nghiện nên chuyện từ bỏ ma túy đá vẫn rất khó! Tốt nhất mọi người (nhất là các bạn trẻ) đừng nên dại dột nghe theo lời bạn bè xấu “dùng thử dù chỉ một lần!”.

Và trở thành kẻ “ngáo đá” mất kiểm soát bản thân

NS