Ðương nhiên, khi sống độc thân, buổi về già sẽ gặp rất nhiều buồn tủi, cô đơn và khó khăn so với người có gia đình, con cháu đề huề. Nhưng cũng tùy, nếu con cháu không hiếu thuận thì có khi độc thân lại hay hơn. Vấn đề là con người đâu có quyền chọn độc thân hay có gia đình. Chọn độc thân thì có thể được, nhưng cũng chưa chắc, duyên tình tới thì chịu, chọn có gia đình thì khó hơn, bởi muốn chọn nhưng duyên phận không có thì đành chịu. Thế nhưng phạt người ta về trách nhiệm xã hội, vì người ta đã sống độc thân là cách làm hết sức phi nhân văn, thiếu khoa học và trong một chừng mực nào đó, thiếu đạo đức. Hãy nghe những người độc thân nói về đề xuất của bà Bộ trưởng y tế Việt Nam về việc phạt trách nhiệm với người độc thân.

Phạt kiểu gì đây?

Chị Hằng, một người sống độc thân ở thành phố Đà Nẵng, chia sẻ:

– Tôi không hiểu người ta nói là phạt trách nhiệm, vậy thì trách nhiệm gì đây? Vì một người muốn có gia đình nhưng do số phận, do điều kiện gia đình, do điều kiện xã hội nên không đi đến hôn nhân được, vậy họ chịu trách nhiệm gì đây? Như bản thân tôi, tôi cũng muốn có gia đình chứ, ai lại muốn sống độc thân đâu. Nhưng tôi đính hôn chưa được nửa năm, chồng tương lai của tôi bị tai nạn, qua đời. Sau đó cũng nhiều lần tôi định đi tiếp bước nữa nhưng lại không gặp người tâm đầu ý hợp, gặp ai mình cũng bị cái bóng chồng cũ, mình thấy họ không bằng anh ấy, vậy là sống thờ anh ấy. Biết làm sao bây giờ!

– Có vẻ như người ta nói đến một khoản tiền phải đóng định kỳ nào đó nhằm tích lũy cho quá trình người độc thân vào viện dưỡng lão chăng?

– Cái này thì càng vô lý, ví dụ như tôi, độc thân nhưng tôi có nhà cửa, có tài sản, khi về già, tôi tự thuê người chăm sóc mình, thậm chí khi tôi chết đi, tôi vẫn còn dư ra một căn nhà để cho những người họ hàng. Như vậy thì tôi đâu cần vào viện dưỡng lão. Mà chắc gì tôi chọn viện dưỡng lão. Biết đâu đến tuổi tôi thấy mệt, tôi sẽ có cách khác để không phiền đến ai. Không có lý do gì để tôi phải đóng bất kỳ một khoản nào cho việc tôi sống độc thân.

– Em cũng nghĩ vậy, vì trong quá trình chị sinh sống, làm ăn, chị đã đóng thuế, và với dạng thuế VAT hiện tại thì bất kỳ thứ gì chị mua đều phải có đóng thuế để dành cho ngân sách nhà nước. Vậy thì chị đã tích lũy một phần trong quỹ phúc lợi xã hội rồi. Chị thấy đúng không?

Xem thêm:   Cung thủ không tay

– Đúng rồi, tôi cũng nghĩ vậy. Và tôi thật buồn cười khi người ta phát biểu một cách bâng quơ như vậy!

Duyên phận do trời định, độc thân hay không mấy ai quyết được

Chị Luyến, một người hiện đang sống độc thân sau khi ly hôn, vợ chồng chị sống với nhau 10 năm nhưng không sinh con, anh đi tiếp bước nữa, chị cho biết:

– Cách làm như vậy chẳng khác nào xát muối vào vết thương của người độc thân!

– Xát muối nghĩa là sao, xin chị chia sẻ thêm?

– Xã hội Việt Nam khác với các xã hội phương Tây, tôi nghĩ là vậy. Vì xã hội phương Tây có các giá trị tự do, dân chủ, có những chính sách tốt đẹp cho người nghèo, người độc thân, đương nhiên vẫn có những người vô gia cư nhưng nó khác xa xã hội Việt Nam vì Việt Nam không có những giá trị tự do đó. Chính vì vậy, việc quy định thêm một thứ gì đó chỉ làm tổn thương thêm thôi!

– Xin chị nói rõ hơn về điều này được không ạ?

– Bản thân mình dù muốn hay không, trong gia đình Việt Nam thường có thói quen trọng nam khinh nữ. Bằng chứng là nhiều bà vợ chỉ sinh con gái, không có con trai nối dõi thì dễ bị gia đình chồng coi thường. Nhưng những trường hợp này đâu có được nhà nước can thiệp hay giúp đỡ gì. Ngay cả bản thân mình, vì không sinh được con mà chồng ly dị, đi tiếp bước nữa, mình đau lắm chứ. Bây giờ giả sử như phạt mình đóng một khoản nào đó của người độc thân vì trách nhiệm xã hội thì quá buồn, chả khác nào xát muối thêm vào vết thương của người khác. Và vấn đề cốt lõi là chắc gì tôi lựa chọn vào viện dưỡng lão khi về già. Ngay cả các hội đoàn trực thuộc nhà nước bây giờ người ta làm được gì, nếu không muốn nói thêm một khoản hay thêm một hội, đoàn là thêm một gánh nặng cho xã hội. Nói khác đi là họ cũng đang ăn bám trên nỗi khổ của người dân chứ chẳng làm được trò trống gì đâu, có họ mình còn thêm mệt! Kinh nghiệm quan sát cũng cho chị và tôi nhìn thấy rồi đó, hầu hết các viện dưỡng lão của nhà nước đều rất tệ hại, chẳng khác nào trại tế bần. Nói chung là người Việt mình có những mối quan hệ và có những sự tích lũy nào đó cho phần già. Hãy để những người không nơi nương tựa, không có tài sản họ được hưởng chế độ đó, còn hỏi tiền đâu ra thì hãy trích thuế của nhà nước và thu của những người độc thân giàu sụ, có cơ hội như Ngọc Sơn, Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Lý Nhã Kỳ hoặc Ngọc Trinh chẳng hạn. Chứ cứ lên văn bản rồi cào bằng thì đúng là vô trí, bó tay!

Tuổi trẻ làm gì, tuổi già ra sao, ai cũng mong tự quyết định

Những cuộc đời độc thân

Xem thêm:   Đua nhau xuất cảng nhân lực!

Ông Bách, năm nay 65 tuổi, là người độc thân, sống với hai người em độc thân khác, gia đình ông có đến 12 anh chị em, ông đã làm lụng, nuôi tất cả những đứa em trưởng thành, có người học đại học, làm bác sĩ. Nhưng cuộc đời ông và hai người em kế tiếp thì hẩm hiu, cô đơn. Ông chia sẻ:

– Lúc nhỏ, sống trong chiến tranh, cha mẹ đau bệnh, ốm yếu khi sinh đến đứa út, tức đứa thứ 12, vậy là chú phải cáng đáng mọi việc trong nhà, chú thay thế cha mẹ để nuôi các em, giờ tụi nó cũng thành đạt, có đứa thành danh rồi. Nhưng chúng nó có gia đình riêng hết, mình bắt đầu sống cuộc đời khác, đơn độc hơn, cũng bám mảnh vườn, đám ruộng vậy mà sống thôi!

– Ngày xưa có lúc nào chú nghĩ tới chuyện lập gia đình không?

– Có chứ, chú còn sắp đi hỏi vợ nữa kia, vì mình nghĩ có thêm người vợ, về chung tay với mình thì mọi chuyện sẽ tốt hơn, rồi sinh con, đẻ cái… Nhưng mà người chú định hỏi làm vợ đặt ra điều kiện khó quá, chú đành thôi, vì họ là con gái nhà khá giả, họ bắt chú ở rể, mà ở rể thì ai nuôi bầy em đây. Chú đành thôi, ở vậy nuôi em. Mình hồi đó nghèo lắm, nên sau chuyện dang dở ấy cũng chẳng nghĩ gì thêm nữa. Giờ tuổi già tới, thấy cũng buồn thật!

– Chú ơi, có khi nào chú nghĩ rằng một lúc nào đó chú sẽ vào viện dưỡng lão?

– Ồ không đâu con, vì người Việt mình có cái khác là hầu hết những người độc thân đều có mảnh vườn hay căn nhà mà họ đã tích cóp có được. Đến khi về già, bất quá thì bán căn nhà mà thuê phòng trọ, thuê người chăm, hết tiền thì chấm dứt cuộc sống, riêng chú là chú nghĩ vậy. Chứ mình có nhà, tự dưng đưa mình vào viện dưỡng lão, rồi cái nhà bỏ không, khi mình chết thì nhà nước trưng thu hay sao? Mà mình còn con cháu, em út nữa, chúng nó cũng giúp cho mình chứ đến nỗi nào. Nhà nước nhúng quá sâu vào đời tư người khác là phi nhân đạo đó!

Xem thêm:   Yakopo

– Phi nhân đạo như thế nào, xin chú giải thích thêm ạ?

Thà làm rong rêu, đừng mang hiểu biết hữu hạn đặt vào cái vô hạn

– Phi nhân có nghĩa rằng anh nhúng quá sâu vào đời tư của người khác trong khi các vấn nạn xã hội thì đầy rẫy ra đó, từ vấn nạn giáo dục cho đến vấn nạn tham nhũng, cửa quyền, tham ô, hối lộ… Tất cả đều đầy rẫy ra đó, xã hội càng ngày càng bê trễ, mục ruỗng, bệ rạc, vậy mà anh vẫn cứ tính đến chuyện tìm cách phạt cái này, thu cái kia, tạo cớ để kiếm ăn và cho mình cái quyền nhúng quá sâu vào dân quyền của người khác thì điều đó là vô nhân đạo, phi nhân tính. Một bà bộ trưởng y tế quản lý một nền y tế có quá nhiều vấn đề để bàn, để làm mà chưa bao giờ làm xong một thứ gì cho ra hồn thì lại nghĩ đến chuyện phạt hay đặt trách nhiệm xã hội lên vai người khác là một cách làm vô cảm, vô nghĩa!

Cùng quan điểm với ông Bách, ông Hương, một người sống độc thân theo định nghĩa của nhà nước, tức có vợ có chồng nhưng không có con, chia sẻ:

– Đương nhiên các nước tiến bộ người ta đã làm điều này, tôi cũng đã tìm hiểu chút đỉnh. Nhưng phải xem lại là họ đã làm gì trước khi phạt trách nhiệm xã hội đối với một cá nhân và cá nhân đó được hưởng quyền lợi gì trong cái xã hội đó, chứ không phải cứ lên nắm quyền là nghĩ tới chuyện phạt dân để kiếm tiền. Nói một cách nghiêm túc thì dân mình bây giờ một cổ có tới cả mấy chục cái tròng chứ không phải một cổ hai tròng như tục ngữ đâu!

– Theo bác thì cách làm nào là tốt nhất cho vấn đề người độc thân, người không chịu sinh con?

– Tốt nhất là đừng làm gì cả, người ta biết tự tính toán cho mình, họ làm thì thêm hỏng và dân lại tốn thêm một khoản vô lý. Đừng làm gì cả bởi khả năng, trình độ của họ nhiều khi đang xài bằng giả, đem cái tư duy bằng giả để lãnh đạo đất nước thì chỉ có chết tới chết.

Hai chữ “bằng giả” của ông Hương vừa nhắc khiến tôi giật mình, bởi bây giờ, tìm ra người có học thật, bằng thật trong hệ thống lãnh đạo chắc có lẽ rất khó. Mà với kiểu mang tư duy bằng giả để làm thay đổi xã hội thì chắc chắn là xã hội ấy không sớm xuống hố là mừng lắm rồi!

Bài và hình UC