Thời gian gần đây ở Việt Nam, nhiều vụ cướp của, giết người, đòi nợ thuê, bảo kê sòng bạc, đâm thuê chém mướn xảy ra khá thường xuyên. Đáng chú ý, thủ phạm có nhiều người dưới 18 tuổi.

Tuổi vị thành niên đã sớm sa vào vòng lao lý. Ảnh: tác giả cung cấp 

Hiện tại, không chỉ Sài Gòn mà ở nhiều tỉnh thành khác trong nước, thanh thiếu niên tập hợp thành các băng nhóm đang trở thành vấn nạn xã hội. Chúng sẵn sàng mang hung khí đi quậy phá, đánh nhau, cướp bóc… chỉ vì những lý do vớ vẩn, đôi khi là những mâu thuẫn rất nhỏ trên mạng xã hội.

Thống kê cho biết: tỷ lệ gây án ở lứa tuổi vị thành niên (tức dưới 18 tuổi) trên cả nước, gồm có: khoảng 5.2% dưới 14 tuổi; 24.5% từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và 70,3% từ 16 đến dưới 18 tuổi. Con số cụ thể hơn: từ năm 2011 đến 2020 cả nước có hơn 700 ngàn vụ với gần 140 ngàn em vi phạm. Trong đó, nam giới chiếm hơn 125 ngàn em. Số vụ án do người chưa thành niên gây ra chiếm 22% so với tổng số vụ phạm pháp hình sự toàn quốc. Nơi xảy ra nhiều nhất là Sài Gòn (hơn 20 ngàn vụ), Ðồng Nai (hơn 10 ngàn vụ), tiếp đến là Hà Nội, Khánh Hoà, Ðắk Lắk, Bình Dương, Hải Phòng…

Các vụ án không chỉ xảy ra ở khu vực thành phố, đô thị mà còn ở cả các xã, huyện, bản làng miền núi. Số vụ án do trẻ vị thành niên gây ra tăng cao trong vòng 10 năm qua, có thể kể như “cướp giật tài sản” (chiếm 65.75%), giết người (tăng 26.3%). Ðiều đáng chú ý nữa là số trẻ em tự ý bỏ học, bỏ nhà sống lang thang, nghiện ma tuý, nhiễm HIV/AIDS, trẻ mang thai sớm… xảy ra khắp nơi với diễn biến và tính chất ngày càng nghiêm trọng. Từ những con số này có thể thấy, tình hình tội phạm do trẻ vị thành niên gây ra khá phức tạp với mức độ phạm tội ngày càng nguy hiểm và có chiều hướng tăng khá nhanh.

Không ít các băng nhóm tội phạm gồm những em chỉ ở lứa tuổi 14-17. Ảnh: tác giả cung cấp

Những vụ án do trẻ vị thành niên tham gia một cách chủ động hoặc do kẻ khác đứng sau lôi kéo, xúi giục luôn là nỗi ám ảnh kinh hoàng cho những người dân lương thiện. Chẳng hạn cách nay không lâu, người dân Bình Tân (Sài Gòn) đã vô cùng hốt hoảng khi “băng nhóm áo cam” bất ngờ đâm chém người ở quán nhậu Ốc Hương thuộc phường An Lạc. Nguyên nhân là có một thanh niên đang ngồi nhậu cùng nhóm bạn lấy điện thoại di động “selfie”, nhưng nhóm thanh thiếu niên ngồi bàn bên cạnh (đều mặc áo thun màu cam) cho rằng anh này… quay phim nhóm mình. Vậy là hai bên mâu thuẫn cãi vã. Sau vài mươi phút, có nhóm thanh thiếu niên gần 60 người đèo nhau trên xe máy, tay cầm hung khí, cũng toàn mặc áo màu cam (chắc nhằm phân biệt với nhóm đối thủ) bất ngờ xông vào quán nhậu đâm chém người loạn xạ. Người dân liền báo tin cho chính quyền. Một số thành viên “băng nhóm áo cam” bị bắt và trong số này có những em tuổi đời chỉ từ 14 đến 17.

Xem thêm:   Kinh doanh chốn.. thờ tự

Một vụ khác cũng xảy ra vào buổi tối cuối tháng 12/2020, khi một nhóm thanh thiếu niên đang ngồi trong quán nước trên đường Ðặng Thùy Trâm (Bình Thạnh) thì hơn 20 thanh thiếu niên khác đi xe máy, tay cầm hung khí đột nhiên xông vào đuổi chém nhóm khách này khiến 2 người bị thương, rồi kéo nhau tẩu thoát. Người chủ quán nước liền gọi điện thoại trình báo công an. Công an đến lập biên bản điều tra vừa rút đi thì một nhóm hơn 10 thanh thiếu niên (khoảng 14 – 17 tuổi) cầm theo hung khí quay lại, bất ngờ đuổi chém người chủ quán khiến anh này bị thương nặng.

Tương tự, ở quận 1, nhiều người lớn cũng phải “kiềng mặt” trước một tay giang hồ “nhí” mới 14 tuổi có tên Nguyễn Hoàng Thọ (biệt danh Thọ “gấu”). Ðược biết Thọ “gấu” bỏ học, bỏ nhà đi lang thang ngay giữa năm học lớp 8. Thọ thường xuyên tụ tập cùng các thanh thiếu niên ăn nhậu, chơi bời kiểu băng nhóm. Dù tuổi đời còn rất trẻ, nhưng Thọ “gấu” đã là tay anh chị tập hợp “dưới trướng” trên dưới chục đàn em, chuyên thực hiện các vụ đánh dằn mặt, thanh toán nhau kiểu xã hội đen để kiếm tiền.

Ở Thủ Ðức cuối tháng 4/2021 vừa qua, nhà chức trách vừa bắt tạm giam 5 thiếu niên, cầm đầu là Huỳnh Tấn Bảo (tự Bảo “nhóc”, 17 tuổi, ngụ Trường Thọ,Thủ Ðức). Tuy chỉ ở tuổi 15-17 nhưng nhóm này chuyên rủ nhau đi cướp giật. Thủ đoạn của nhóm Bảo “nhóc” là cùng đèo nhau trên xe máy tìm người hành nghề xe ôm ban đêm. Sau khi tìm được, chúng sẽ cho một đứa vờ thuê xe, yêu cầu chở về khu vực nào đó theo kế hoạch. Những tên còn lại sẽ đến điểm hẹn trước. Khi thấy “hàng” về, chúng liền xuất hiện, dùng mã tấu đe dọa, đòi lái xe phải giao nộp tài sản, bằng không ra tay giết hại…

Các băng nhóm tuổi vị thành niên “xộ khám”. Ảnh: tác giả cung cấp

Anh Trần Phương Ðông, người bạn quen của tôi đang công tác tại Tòa gia đình & Người chưa thành niên thuộc Tòa án tỉnh Ðồng Nai cho biết: “Chúng ta thấy rõ một bộ phận lớp trẻ hiện nay chỉ thích đàn đúm chơi bời, hưởng thụ. Một số thanh, thiếu niên vốn sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, dễ bị kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ, từ đó tụ họp thành những băng nhóm côn đồ. Cạnh đó, sự tan vỡ của một số gia đình cũng là nguyên nhân khiến các em khủng hoảng tâm lý, ít được quan tâm, dạy bảo và dễ rơi vào con đường phạm tội. Chưa hết, lớp trẻ thời nay còn bị “đầu độc” bởi nhiều thứ phương tiện nghe nhìn, giải trí trên mạng có nội dung kích động bạo lực như phim ảnh, game trực tuyến rồi nhiều người tự xưng mình là “giang hồ mạng” khiến bọn trẻ tôn sùng làm “thần tượng” như Ðường “Nhuệ”, Khá “bảnh”, Huấn “hoa hồng”… Nhìn chung, hành vi phạm pháp của lứa tuổi vị thành niên có thể giải thích do sự bồng bột, nông cạn nhất thời, suy nghĩ kém chín chắn… Nhưng hậu quả chúng gây ra cho xã hội, cho gia đình rõ ràng rất nguy hiểm. Những đứa trẻ lứa tuổi học trò dám cầm dao gí vào cổ người lớn luôn khiến chúng ta không khỏi bàng hoàng. Hoặc những cô cậu bé 15-17 tuổi tham gia băng nhóm tập tành nhậu nhẹt, quậy phá, xách mã tấu đánh chém người vô tội, không run tay như “băng nhóm áo cam” thực sự là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những người có lương tri…

Xem thêm:   mê tín dị đoan

Cũng theo anh Trần Phương Ðông: “Nhằm phòng ngừa tình trạng tội phạm trẻ thực hiện hành vi côn đồ, cướp bóc, tôi cho rằng trước tiên chúng ta cần đẩy mạnh giáo dục gia đình. Bởi gia đình luôn có ảnh hưởng rất lớn trong việc hình thành nhân cách mỗi cá nhân. Mỗi đứa trẻ từ lúc nhỏ tới khi trưởng thành thường bắt chước hành vi, ứng xử, biểu cảm của các thành viên trong gia đình. Một môi trường tốt, thân thiện trong gia đình sẽ làm giảm những hành vi xấu và nhận thức xấu. Sau đó mới tính đến sự hỗ trợ của cộng đồng và xã hội chung quanh”.

NS