Biên khảo cần chánh xác như cách viết của nhà văn Sơn Nam.

Ông không trích dẫn lòng vòng lẩn quẩn, không có lối ra như con kiến bò quanh miệng chén. Và do đó  “nguồn” là cái quan trọng nhất, nghĩa là từ người đầu tiên được trích dẫn.

Tôi đọc được những bài biên khảo về cải lương của miền Nam, nhưng trích dẫn lại từ tài liệu của người Bắc 75 viết.

Muốn trích dẫn tài liệu về nghệ sĩ cải lương, thiết nghĩ mình nên tìm đến người rành rẽ nhứt, nhiều chuyện nhứt, có học nhứt trong giới cải lương. Ðó là soạn giả, là ông thầy tuồng.

Tui thấy ông thầy tuồng Nguyễn Phương, gần suốt cả đời ăn cơm tổ nên rành sáu câu vọng cổ chuyện hậu trường sân khấu.

Rất tự trọng, ổng viết lách đàng hoàng nên tin được chớ không dám tán hươu, tán vượn, tán phét.

Hoặc đối đế thì tìm đến tham vấn các ký giả phê bình kịch trường mới hy vọng là mình viết ít sai sót.

o O o

Soạn giả Nguyễn Phương là ai? Ông tên thật là Nguyễn Văn Hòa sinh ngày 1-7-1922, tại làng Ðiều Hòa, tổng Thuận Trị, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho, thời VNCH là tỉnh lỵ của Ðịnh Tường.

Mỹ Tho một thời tưng bừng với ghe hát Huỳnh Kỳ do Lê Công Phước (1901-1950) tức Phước George, tức Bạch Công Tử, lập ra cho vợ mình là Trương Phụng Hảo tức nghệ sĩ Phùng Há, nơi chôn nhau cắt rún ở làng Ðiều Hòa, làm đào chánh.

Xem thêm:   Kế Sách

Mỹ Tho trên đường Lý Công Uẩn cũng có rạp hát Vĩnh Lợi của Thầy Năm Tú, Châu Văn Tú.  Nói không ngoa, Mỹ Tho là cái nôi của cải lương.

Ông Nguyễn Văn Hòa, tức soạn giả Nguyễn Phương sau nầy, học Trường Collège de Mỹ Tho. (Viết tắt là “CM”, mà học trò liến khỉ hồi xưa hay diễn dịch bậy bạ)

Nơi soạn giả Nguyễn Thành Châu tức kép Năm Châu, quái kiệt Trần Văn Trạch rồi thân phụ và anh em và kể cả người viết từng theo học.

Tốt nghiệp Trường Pratique d’industrie Saigon (Bách Nghệ Sài Gòn năm 1940). Ông ra Hà Nội học Trường Technique spécial Hà Nội (Trường Kỹ thuật chuyên nghiệp) và tốt nghiệp năm 1943. Ông về làm việc tại Sở Bưu Ðiện Saigon, Bureau Technique từ năm 1943 – 1948.

Nhưng sau đó, ông bỏ nghề Bưu Ðiện để theo Ðoàn cải lương Tiếng Chuông năm 1948 và bắt đầu soạn tuồng với bút hiệu Nguyễn Phương.

Ông đã cộng tác với các đoàn hát như: Tiếng Chuông (Bầu Căn), Ánh Sáng (Bầu Tập). Diễn Kịch Năm Châu, Kim Thoa, Thanh Minh (Bầu Lư Hòa Nghĩa tức kép Năm Nghĩa xuống vọng cổ muồi rệu với giọng ngân ‘ơ ơ’) Thanh Minh – Thanh Nga (Bầu Thơ), Dạ Lý Hương (Bầu Xuân).

Ông Nguyễn Phương còn là Trưởng ban Cải lương và ban Kịch “Phương Nam” trên Ðài Phát thanh, đài truyền hình Sài Gòn.

Soạn giả Nguyễn Phương còn là tác giả của các bộ phim nổi tiếng như: “Triệu phú bất đắc dĩ” (hãng phim Mỹ Vân), “Sống đời tôi”, “Lệnh bà xã” (hãng phim Mỹ Ảnh), “Chàng ngốc gặp hên” (hãng phim Trùng Dương), “Con ma nhà họ Hứa” (hãng phim Dạ Lý Hương).

Xem thêm:   Chủ tiệm nước

Ông đã sáng tác hơn 100 tuồng cải lương và kịch nói như: ‘Người mặt cháy’, ‘Chiếc lá giữa dòng’, ‘Ðôi mắt người xưa’, ‘Ngã rẽ tâm tình’ (phỏng theo tiểu thuyết của Ngọc Linh), ‘Bọt biển’, ‘Tình xuân muôn tuổi’…

Soạn giả Nguyễn Phương là người có thập bát ban võ nghệ, nội công rất thâm hậu, mười tám thành công lực.

Soạn giả Nguyễn Phương theo gánh hát hơn 40 năm, từ năm 1948. Mãi tới năm 1989, soạn giả Nguyễn Phương bỏ nước ra đi đến định cư ở Canada rồi trở thành ký giả kịch trường. Ông có các bài viết rất đặc sắc về các nghệ sĩ cải lương giá trị và nhiều giai thoại đáng tin, rất lý thú phát trên báo chí và các Ðài phát thanh ở Hải ngoại.

Năm 2000, soạn giả Nguyễn Phương xuất bản “Ngũ đại gia của sân khấu cải lương”. Năm 2005, Hồi ký “Buồn vui đời nghệ sĩ” gồm 24 bài viết liên quan đến các nghệ sĩ Hùng Cường, hề Thanh Việt, Bà Năm Sa Ðéc, kép độc Trường Xuân, kép mùi Thanh Cao, hề Tám Củi, quái kiệt Ba Vân, hề Lập, Diệu Hiền, Hồng Nga, Phượng Mai… với giọng văn dí dỏm rất Miền Tây, lục tỉnh quê mình.

Soạn giả Nguyễn Phương nói:  “Viết hồi ký ‘Buồn vui đời nghệ sĩ’, tôi ghi lại những kỷ niệm của một thời mà tôi lang thang trên bước đường nghệ thuật sân khấu…Chuyện của các bạn nghệ sĩ đồng nghiệp của tôi chiếm một số trang quan trọng, tôi là người chứng kiến và cũng là người cùng chung số phận, cùng chia sẻ với các bạn đó những nỗi vinh, nhục của nghề hát cải lương”

Xem thêm:   Để trả lời một câu hỏi

Soạn giả Nguyễn Phương là cuốn biên niên sử sống thời hoàng kim của sân khấu cải lương Miền Nam suốt nửa thế kỷ.

Nguyễn Phương khép lại một đời nghệ sĩ gạo chợ nước sông qua mấy câu thơ: “Phường hát đêm nay qua chợ nhỏ. Một đêm mưa gió, rất thưa giàn. Vé không bán được, cho vào hết. ‘Thả cửa’ thêm đông dễ kéo màn!”

Soạn giả Nguyễn Phương đã qua đời vào ngày mùng 1 tháng Bảy, năm 2020 (ông từ trần đúng ngay ngày Sinh nhựt của mình) tại Canada, hưởng thọ 98 tuổi.

Dẫu hưởng ‘thượng thượng thọ’ mất ông vẫn là một mất mát lớn. Nó đóng một trong những chiếc đinh cuối cùng vào cái áo quan của nền sân khấu cải lương, vốn một thời huy hoàng giờ đang giãy chết.

Mỗi khi đọc bài của nhà văn nào viết về nghệ sĩ và sân khấu cải lương còn lơ mơ, tôi lại nhớ tới ông!

DXT