Bản dịch tiếng Việt của Phạm Thị Hoài

(tiếp theo kỳ trước)

Và điều thứ hai hôm nay tôi muốn nói với ông là:

Ðối với tôi chỉ vài quyển trong những sách tôi có là không thể thiếu, và hai trong số đó thậm chí luôn có mặt trong hành trang, dù tôi ở bất kỳ đâu: Kinh Thánh, và sách của đại văn hào Ðan Mạch Jens Peter Jacobsen. Tôi chợt hỏi, ông có biết những tác phẩm của nhà văn này không. Ông có thể dễ dàng tìm đọc chúng, vì một phần đã được dịch rất hay và xuất bản ở tủ sách Universal của nhà xuất bản Reclam. Ông hãy tìm đọc tập Sáu truyện ngắn của J.P. Jacobsen và cuốn tiểu thuyết Niels Lyhne, và hãy đọc truyện ngắn mở đầu tập truyện, nhan đề Mogens. Một thế giới sẽ ùa vào ông, niềm hạnh phúc, sự phong phú, chiều kích lớn lao khôn lường của một thế giới. Ông hãy sống trong những cuốn sách ấy một hồi, hãy học những gì ông cho là đáng học, nhưng trước hết là hãy yêu chúng. Tình yêu ấy sẽ đền đáp cho ông ngàn lần và cả ngàn lần, và bất kể cuộc đời ông sau này ra sao, – tôi hoàn toàn chắc chắn rằng nó sẽ luồn vào tấm vải dệt nên sự phát triển của ông như một trong những sợi tơ quan trọng nhất trong mọi chỉ tơ của những kinh nghiệm, thất vọng, và niềm vui.

Nếu phải kể ra ai đó đã cho tôi biết chút ít về bản chất của sáng tạo, về chiều sâu và sự vĩnh cửu của nó, tôi chỉ có thể nêu ra hai cái tên: tên của Jacobsen, đại-văn-hào, và tên của Auguste Rodin, điêu khắc gia độc nhất vô nhị trong tất cả các nghệ sĩ đương thời.

Và xin chúc ông thành công trên mọi dặm đường!

Rainer Maria Rilke

Bìa cuốn “Thư gửi một nhà thơ trẻ” của Rainer Maria Rilke (1875-1926) do NXB Insel phát hành lần đầu năm 1929

3

Viareggio, gần Pisa (Ý),

23 tháng Tư 1903

Thưa ông thân quý, bức thư vào dịp Lễ Phục sinh của ông đem đến cho tôi thật nhiều niềm vui, nó nói lên nhiều điều tốt đẹp nơi ông; và ý kiến của ông về nghệ thuật lớn lao và trìu mến của Jacobsen cho thấy tôi đã không lầm khi dẫn cuộc đời ông cùng rất nhiều vấn đề của nó đến chốn phì nhiêu ấy.

Giờ đây Niels Lyhne sẽ mở ra trước ông, một cuốn sách đầy những điều tuyệt diệu và những chiều sâu; càng đọc lại càng thấy dường như mọi thứ đều chứa trong đó, từ làn hương nhẹ thoảng nhất của cuộc đời đến mùi vị đậm đà của những trái cây đời nặng nhất. Chẳng có gì trong đó là không được hiểu, không được biết, không được thâu tóm và không được cảm nhận trong dư âm run rẩy của hồi ức; không một trải nghiệm nào là quá nhỏ nhoi; và sự kiện bé bỏng nhất nở ra như cả một số phận, còn bản thân số phận thì như một tấm dệt kỳ diệu, dài rộng, trong đó mỗi sợi tơ đều do một bàn tay dịu dàng vô tận luồn đặt cạnh một sợi tơ khác và được cả trăm sợi khác nâng giữ. Ông sẽ được hưởng niềm hạnh phúc lớn lao của lần đầu tiên đọc cuốn sách ấy, sẽ đi qua những bất ngờ không kể xiết của nó như trong một giấc mơ mới. Nhưng tôi có thể nói với ông rằng, ngay cả sau này ta vẫn đi qua những cuốn sách như vậy và ngạc nhiên như thuở ban đầu, ma lực tuyệt vời của chúng không hề mất đi, sự kỳ diệu đã choáng ngợp người đọc lần đầu tiên không hề suy giảm.

Càng đọc ta càng thưởng thức được nhiều hơn, càng cảm ơn hơn, và có lẽ càng sáng rõ và giản dị hơn trong cách nhìn, sâu sắc hơn trong niềm tin ở cuộc sống, và hạnh phúc hơn, lớn lao hơn trong cuộc đời.

Sau này ông phải đọc cuốn sách tuyệt vời về số phận và những khát vọng của nàng Marie Grubbe và những bức thư của Jacobsen, những trang nhật ký và phác thảo, và cuối cùng là những vần thơ (tuy bản dịch chỉ bình thường) ngân vang vô tận. (Tôi khuyên ông nếu có dịp hãy tìm mua bộ toàn tập tác phẩm của Jacobsen, – trong đó có tất cả. Bộ sách gồm ba tập, bản dịch tốt, do Eugen Diederich xuất bản ở Leipzig, tôi nhớ là mỗi tập chỉ năm hay sáu Mark).

Về Hoa hồng phải mọc nơi đây… (một tác phẩm với hình thức và sự tinh tế không gì sánh nổi), ý kiến của ông tất nhiên là hoàn toàn hợp lý so với ý người viết lời giới thiệu. Và nhân đây xin nói luôn: càng ít đọc phê bình nghệ thuật càng tốt, – đấy hoặc là những quan điểm bè phái đã hoá đá và vô nghĩa trong sự cứng nhắc vô hồn, hoặc là những trò khéo chơi chữ, hôm nay thì quan điểm này được tung hô, ngày mai thì quan điểm ngược lại. Tác phẩm nghệ thuật là thứ cô đơn vô tận và phê bình là thứ ít liên quan đến nó nhất. Chỉ tình yêu là có thể nắm bắt, nâng giữ và công bằng với nó. Ông hãy luôn coi mình và cảm xúc của mình là đúng mỗi khi phải đối diện với những lời nói đầu, lời giới thiệu và phê bình kiểu đó; giả sử ông không đúng chăng nữa thì sự trưởng thành tự nhiên của đời sống nội tâm với thời gian sẽ dần dẫn ông đến những nhận thức khác. Hãy để năng lực thẩm định của mình tự nó phát triển thầm lặng, không bị quấy quả, cũng như mọi tiến bộ, nó phải bắt nguồn từ sâu tận bên trong và không gì có thể dồn ép, thúc đẩy nó. Tất cả đều là thai dưỡng rồi mới sinh nở. Hãy để cho mỗi ấn tượng và mỗi hạt mầm của một cảm xúc tự hoàn thiện trong chính nó, trong bóng tối, trong vô ngôn, vô thức, nơi lý trí của chính ta không với tới, và hãy kiên trì và nhẫn nhục chờ đợi giờ phút một sự sáng mới ra đời: chỉ như vậy mới là sống nghệ sĩ: trong nhận thức cũng như trong sáng tạo.

Ở đó không có phép đếm thời gian, một năm chẳng tính, mười năm chẳng là gì, làm nghệ sĩ là: không tính và không đếm; tự chín dần như cái cây chẳng hối thúc nhựa sống và một lòng tin tưởng đứng trong bão tố mùa Xuân mà không bợn chút lo âu rằng có thể mùa Hè chẳng đến. Mùa Hè sẽ đến. Nhưng nó chỉ đến với những người kiên nhẫn, đứng đó như thể sự vĩnh cửu trải ra trước họ, mênh mông và lặng lẽ vô lo nhường ấy. Tôi học điều đó ngày ngày, tôi học điều đó trong đau đớn và tôi cảm ơn nỗi đau: kiên nhẫn là tất cả!

Về Richard Dehmel: Ðọc sách của ông ta (và nhân đây xin nói luôn là với con người ông ta mà tôi có quen sơ cũng vậy), mỗi khi gặp một trong những trang hay, tôi luôn sợ trang tiếp theo có thể sẽ phá hỏng tất cả và đảo lộn cái đáng yêu thành cái đáng bỏ đi. Ông đã nhận xét khá trúng về ông ta: “Sống và viết như động cỡn”. Quả thật trải nghiệm nghệ thuật rất gần với trải nghiệm dục tính, với nỗi đau và niềm hoan lạc của nó, gần tới mức cả hai hiện tượng thực ra chỉ khác nhau ở hình thức ấy đều chung một khát vọng và thoả nguyện. Nếu được phép dùng chữ ‘tính dục’ thay cho ‘động cỡn’, tính dục theo nghĩa lớn, rộng, tinh khiết, không bị bất kỳ một nhầm lẫn nào của giáo hội làm cho đáng ngờ, thì có lẽ nghệ thuật của ông ta là rất vĩ đại và vô cùng quan trọng. Thi lực của ông ta lớn và mạnh như một bản năng nguyên thủy, nó chứa đựng những tiết tấu riêng, không hề khoan nhượng, và ào ra như núi đổ.

Nhưng hình như cái thi lực đó không phải lúc nào cũng hoàn toàn thành thực và không tỏ vẻ. (Và đấy cũng chính là một trong những thử thách khó khăn nhất đối với kẻ sáng tạo: hắn luôn phải vô tri và vô thức với những phẩm chất tuyệt vời nhất của mình nếu không muốn tước đi sự vô tư và nguyên sơ của chúng!) Rồi sau đó, sôi trào do bản tính ông ta, khi cái thi lực ấy đến chỗ tính dục thì nó không tìm được một con người hoàn toàn tinh khiết như nó cần. Ðấy không phải là một thế giới tính dục hoàn toàn chín muồi và tinh khiết, đấy là một thế giới không đủ tính người, chỉ thuần tính đực, thế giới của động cỡn, của say sưa và bồn chồn, chồng chất bởi những định kiến cố hữu và những ngạo mạn mà thằng đàn ông dùng để chồng chất và bóp mép tình yêu. Ông ta chỉ yêu với tư cách thằng đàn ông chứ không phải thằng người, do đó cảm nhận tính dục của ông ta có cái gì đó chật hẹp, như thể hoang dã, độc địa, hữu hạn, không vĩnh cửu, làm giảm thiểu nghệ thuật của ông ta, khiến nó thành lập lờ nước đôi và đáng ngờ. Nghệ thuật ấy không phải là không có tì vết, nó bị ấn định bởi thời gian, bởi nhiệt huyết, và ít phần sẽ còn trụ lại. (Nhưng phần lớn nghệ thuật đều như vậy!) Tuy thế, ta vẫn có thể đầy lòng vui hưởng chỗ nào nó thật sự lớn, chỉ không nhất thiết phải vong thân trong đó và trở thành môn đệ cho cái thế giới của Dehmel, thế giới vô cùng phấp phỏng, đầy ngoại tình và rối rắm, và xa lạ với những số phận thực sự, những số phận làm ta đau đớn hơn mấy thứ khổ ải hữu hạn kia nhiều, nhưng cũng cho ta nhiều cơ hội vươn tới độ lớn và nhiều can đảm hướng tới vĩnh cửu hơn.

Cuối cùng, về các tác phẩm của tôi, tôi rất muốn gửi cho ông tất cả những cuốn ít nhiều có thể làm ông vui. Nhưng tôi rất nghèo, và khi sách của tôi đã ra đời thì chúng không còn thuộc về tôi. Tôi không đủ khả năng mua chúng và tặng cho những người sẽ ưu ái chúng dù tôi rất muốn.

Vì vậy tôi ghi lại tên các tác phẩm gần đây nhất của tôi (và nhà xuất bản), những cuốn mới nhất, tổng cộng tôi đã xuất bản chừng 12 hay 13 cuốn, và ông thân mến, đành để ông có dịp thì đặt mua cuốn này hay cuốn kia vậy. Tôi rất vui khi được biết sách của tôi ở bên ông.

Tạm biệt ông!

Rainer Maria Rilke

4

Worpswede gần Bremen,

16 tháng Bảy 1903

Mươi ngày trước tôi rời Paris, người ốm và mệt, đến một vùng đồng bằng phía bắc, cảnh rộng và yên tĩnh và bầu trời nơi đây có lẽ sẽ làm tôi khoẻ lại. Nhưng tôi khởi hành giữa một cơn mưa dài, hôm nay mới có vẻ hơi ngớt trong cảnh đất trời xao xác; và nhân lúc trời mới hửng này tôi gửi lời thăm ông.

Ông Kappus vô cùng thân mến: tôi đã để một bức thư của ông lâu không phúc đáp, không phải tôi quên – mà trái lại, bức thư ấy thuộc loại mỗi lần bắt gặp trong đống thư cũ là ta mở ra xem lại, trong đó tôi nhận ra ông như từ một khoảng cách rất gần. Ðấy là bức thư viết ngày mồng hai tháng Năm, chắc ông còn nhớ. Ðọc thư như giờ đây, giữa yên tĩnh mênh mông nơi xa vắng này, nỗi ưu tư đẹp đẽ của ông về đời sống làm tôi xúc động, hơn cả lúc ở Paris là nơi mọi thứ vang lên khác hẳn bởi sự ồn ào quá cỡ, khiến tất cả cứ rung lên. Ở đây quanh tôi là cảnh vật bao la lộng gió ngàn khơi, ở đây tôi cảm giác rằng không một ai có thể trả lời cho ông những câu hỏi và những cảm xúc tự hàm chứa một đời sống riêng, sâu trong chính chúng; bởi lẽ ngay cả những kẻ xuất sắc nhất cũng lầm lạc trong ngôn từ nếu buộc phải diễn tả những điều khẽ khàng nhất và hầu như bất khả ngôn. Tuy thế, tôi tin rằng ông sẽ không đến nỗi vô vọng nếu chịu khó bám vào những thứ có thể làm dịu cặp mắt như ở đây. Nếu ông hướng tới thiên nhiên, hướng tới cái giản dị trong đó, cái nhỏ bé, hầu như không ai thấy mà có thể vụt lớn thành vĩ đại và khôn lường từ lúc nào chẳng rõ; nếu có nổi tình yêu dành cho cái nhỏ nhoi ấy, và chỉ đơn thuần như một người đầy tớ tìm cách thu phục lòng tin của những gì dường như nghèo nàn thanh đạm: ông sẽ thấy mọi thứ trở nên nhẹ nhàng hơn, nhất quán hơn, và cũng hòa giải hơn thì phải, có lẽ điều đó không nằm trong lý trí, bởi lý trí thì ngơ ngác tụt lại đằng sau, mà nằm trong tận cùng ý thức ông, trong sự tỉnh táo và trong tri thức.

Ông còn trẻ lắm, còn đứng trước mọi bước khởi đầu, và tôi đề nghị ông, trong khả năng cho phép, ông thân mến, hãy kiên nhẫn với mọi điều còn chưa được giải đáp trong trái tim ông, và hãy thử yêu lấy chính những câu hỏi như yêu các căn buồng khóa trái và những cuốn sách viết bằng một ngôn ngữ hoàn toàn xa lạ. Bây giờ ông đừng truy tìm những lời đáp, ông chẳng nhận được đâu, vì đằng nào ông cũng không thể sống chúng. Mà vấn đề quan trọng là sống tất cả. Vậy bây giờ ông hãy sống những câu hỏi.

(còn tiếp)