Cuộc tổng tuyển cử 2020 thu hút sự quan tâm theo dõi của cử tri trong những ngày cuối cùng của cuộc đua. Không chỉ việc bỏ phiếu chọn lựa ai sẽ là tổng thống Hoa Kỳ trong bốn năm tới là điều quan trọng mà trong cuộc bầu cử này, lá phiếu cử tri còn quyết định đến các chức vụ từ địa phương đến cấp liên bang, những vị trí dân cử sẽ có những chính sách liên quan trực tiếp đến đời sống mỗi người. Nhân dịp này, chúng tôi xin điểm qua vai trò của Quốc Hội Hoa Kỳ qua loạt bài hai kỳ, với kỳ một giới thiệu về Thượng Viện Hoa Kỳ.

Kỳ I

Thượng viện Hoa Kỳ là một trong hai viện lập pháp, tức Quốc Hội Hoa Kỳ, được thành lập năm 1789 theo Hiến pháp. Mỗi tiểu bang có hai thượng nghị sĩ đại diện cho tiểu bang và người dân tại Thượng Viện với nhiệm kỳ sáu năm. Các điều khoản của luật lệ được phân định để khoảng một phần ba số thượng nghị sĩ sẽ mãn nhiệm kỳ và cần tái tranh cử trong các cuộc bầu cử mỗi hai năm (bầu cử tổng thống và bầu cử giữa mùa xen kẽ mỗi hai năm), khiến không khí vận động tranh cử tại Thượng Viện luôn sôi động với biệt danh là “tòa nhà không bao giờ chết” (the house that never dies).

Vai trò của Thượng viện được các nhà lập quốc hình thành như một sự cân bằng quyền lực so với Hạ viện tại Quốc Hội. Vì vậy mỗi tiểu  bang, bất kể quy mô hay dân số thế nào, đều được đại diện bằng nhau là hai người, không như số dân biểu Hạ Viện sẽ tùy thuộc vào dân số tiểu bang. Hơn nữa, cho đến khi Tu chính án 17 ra đời vào năm 1913 thì các cuộc bầu cử vào Thượng viện là gián tiếp qua các cơ quan lập pháp của mỗi tiểu bang thay vì được bầu trực tiếp bởi cử tri các tiểu bang như hiện nay.

Huy hiệu của Thượng Viện Hoa Kỳ

Thượng viện chia sẻ trách nhiệm với Hạ viện trong tất cả các hoạt động lập pháp tại Hoa Kỳ. Ðể một đạo luật của Quốc hội có hiệu lực, cả lưỡng viện phải thông qua một dự luật tương tự nhau. Thượng viện có quyền lực đặc biệt, đôi khi cao hơn cả Tổng thống hoặc Hạ Viện.

Xem thêm:   Liên minh phòng thủ chống Iran

Thượng viện được trao quyền hạn quan trọng theo Hiến pháp trong việc chuẩn thuận các vấn đề với đa số hai phần ba tổng số thượng nghị sĩ như các cuộc bổ nhiệm quan trọng, như các giới chức nội các, đại sứ và thẩm phán của Tối Cao Pháp Viện. Tuy nhiên việc bổ nhiệm thẩm phán vào Tối Cao Pháp Viện này đã được thay đổi gần đây khi chỉ cần đa số phiếu (51 phiếu) là được thông qua thay vì túc số hai phần ba như trước kia nhằm tránh việc đảng đối lập không đồng ý.  Thượng viện cũng xét xử các thủ tục luận tội được bắt đầu tại Hạ viện, với hai phần ba số phiếu cần thiết để kết tội và bãi nhiệm tổng thống hay thẩm phán liên bang và Tối Cao Pháp Viện. Thượng Viện cũng là nơi đưa ra các chính sách đối ngoại và đồng ý hay phủ quyết với việc tiến hành cuộc chiến tranh do tổng thống đưa ra.

Như tại Hạ viện, các đảng phái chính trị và hệ thống ủy ban thuộc khối đa số kiểm soát về thủ tục và tổ chức. Mỗi đảng bầu ra một nhà lãnh đạo, thường là một thượng nghị sĩ có thâm niên và ảnh hưởng đáng kể theo quyền hạn riêng của mình để điều phối các hoạt động của Thượng viện. Lãnh đạo của đảng lớn nhất được gọi là lãnh đạo khối đa số, trong khi lãnh đạo đối lập được gọi là lãnh đạo khối thiểu số. Các nhà lãnh đạo Thượng viện cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc bổ nhiệm các thành viên của đảng mình vào các ủy ban của Thượng Viện, các ủy ban này xem xét, giải quyết pháp luật và thực hiện quyền kiểm soát chung đối với các cơ quan và bộ phận của chính phủ.

Thượng Viện Hoa Kỳ năm 1850 – Tranh Peter F. Rothermel

Phó tổng thống Hoa Kỳ giữ chức vụ Chủ Tịch Thượng viện nhưng chỉ có thể bỏ lá phiếu quyết định trong những trường hợp đặc biệt, ví dụ trước tỉ lệ bất phân thắng bại 50/50 trong bổ nhiệm hay dự luật nào đó.

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Có 16 ủy ban thường trực được thành lập  quanh các vấn đề chính sách lớn như Ủy Ban Tư Pháp, Ủy Ban Ðối Ngoại, Ủy Ban Tài Chính…. Mỗi ủy ban có số người, ngân sách và các tiểu ban khác nhau và chủ tịch của mỗi ủy ban là một thượng nghị sĩ thuộc đảng đa số. Hàng nghìn dự luật được chuyển đến các ủy ban trong mỗi kỳ họp Thượng Viện để xem xét và đưa ra sàn Thượng Viện biểu quyết. Các ủy ban này tổ chức các buổi điều trần và kêu gọi các nhân chứng ra đối chất. Một số ủy ban đặc biệt cũng được thành lập để thực hiện các nghiên cứu riêng biệt nào đó hoặc thực hiện các cuộc điều tra và báo cáo lên Thượng viện.

Từ Thượng Nghị Sĩ “senator” xuất phát từ tiếng La-tin “senex”, có nghĩa là những người già, đã thâm niên, đầy kinh nghiệm. Chính vì vậy mà không như các dân biểu Hạ Viện có thể là những người bình thường ra tranh cử và bất ngờ đắc cử dù chưa hề tham gia chính trường bao giờ trong khá nhiều trường hợp, các thượng nghĩ sĩ thường là những chính khác thâm niên, từng hoạt động trong lãnh vực công quyền cấp tiểu bang hay là dân biểu Hạ Viện. Mức lương của các TNS hiện nay là $175,000 cùng các quyền lợi cùng chi phí công vụ và các lãnh đạo khối đa số hay thiểu số là $193,400. Chỉ cần đắc cử một nhiệm kỳ 6 năm là các TNS sẽ đầy đủ quyền lợi hưu trí từ tuổi 62.

Bầu cử sớm tại Texas – nguồn The New York Times

Mùa bầu cử năm nay có 35 ghế Thượng Nghị Sĩ cần tái tranh cử hay sẽ được đua tranh để thay thế các TNS về hưu, với 23 ghế thuộc về đảng Cộng Hòa và 12 ghế thuộc về đảng Dân Chủ. Thượng Viện khóa Quốc Hội 116 (2019-2021) này có 53 TNS thuộc đảng Cộng Hòa, 45 TNS thuộc đảng Dân Chủ và hai TNS độc lập nhưng thường bỏ phiếu nghiêng về đảng Dân Chủ. Chính vì vậy, việc dành được khối đa số tại Thượng Viện hiện nay là điều quan trọng và gay cấn khi nó sẽ đóng vai trò quyết định trong các chính sách hoặc tương ứng, hoặc đóng vai trò cân bằng và kiểm soát với nhánh hành pháp, tức trước các chính sách của tổng thống Hoa Kỳ và nội các.

Xem thêm:   Nguyễn Đức Đạt một cung đàn lạc quan

Nhưng quan trọng hơn hết, Thượng Viện sẽ là nơi đưa ra các chính sách ảnh hưởng trực tiếp đến người dân trong hàng thế hệ, đưa ra các chuẩn thuận hay phủ quyết có thể  ảnh hưởng đến tình trạng tài chính, công ăn việc làm, bảo hiểm y tế hay vấn đề giáo dục của con cái trong mỗi gia đình. Chính vì lẽ đó, lá phiếu cử tri dành cho các ứng viên vào Thượng Viện cũng rất quan trọng và cần được quan tâm trong mỗi hai năm, không chỉ đến mùa bầu cử tổng thống.

 ĐYT

Source: senate.gov

Kỳ hai

Bầu cử 2020: Hạ Viện Hoa Kỳ