Hồi tuần trước, tin tức cho hay một luật sư gốc Việt là Tony H. Phạm đã được Bộ Nội An Hoa Kỳ bổ nhiệm làm Giám Đốc Cơ Quan Kiểm Soát Di Trú và Quan Thuế (ICE – Immigration and Customs Enforcement), một chức vụ điều hành và quản trị khoảng hơn 20 ngàn nhân viên. Đây là cơ quan xem xét, điều tra và giải quyết các vấn đề trục xuất di dân lậu hay những thường trú nhân vi phạm pháp luật được nhắc đến nhiều trong thời gian qua. Nhân sự kiện này, chuyên mục mời các bạn điểm qua Tony H. Phạm là ai và ICE hoạt động như thế nào.

Trong thông báo gởi ra đại chúng hồi tuần trước, Phó Giám Ðốc Bộ Nội An HK (DHS – Department of Homeland Security)  viết rằng, “Là một nhà lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm của DHS, Tony sẽ bảo đảm ICE tiếp tục công việc bảo vệ biên giới của quốc gia chúng ta khỏi những tội phạm và di dân lậu. Tony là người đi đầu trong lĩnh vực luật pháp và cải huấn, tôi tin tưởng anh ta sẽ dẫn dắt những nhân viên ICE  thành công trong sứ mệnh giữ gìn an toàn biên giới chúng ta và bảo vệ người dân Mỹ.”

Tony Phạm là ai?

Là con trai của cựu Trung Tá Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, Tony Phạm đến Mỹ tị nạn cùng gia đình năm 1975 sau khi Sài Gòn thất thủ khi hai tuổi. Gia đình ông nhập tịch và trở thành công dân Mỹ vào năm 1985.

Theo hồ sơ cá nhân đăng trên trang mạng của ICE, Tony Phạm tốt nghiệp Ðại học William and Mary năm 1995 và Ðại Học Luật Richmond tại Virginia vào năm 1999. Anh từng là nhân viên tư pháp tại Tòa án Quận Hạt Henrico trước khi trở thành công tố viên tại Văn phòng Biện Lý Richmond. Trong công việc này, anh thực hiện nhiệm vụ truy tố các vụ án mạng phức tạp, các vụ án liên quan đến ma tuý và súng đạn. Anh cũng là trợ lý đặc biệt của văn phòng chưởng lý tiểu bang giải quyết các vấn đề buôn bán ma tuý và vũ khí bất hợp pháp. Năm 2006, anh được giao nhiệm vụ thành lập và lãnh đạo nhóm đặc nhiệm truy tố băng đảng đầu tiên của thành phố này.

Tony H. Phạm (trái) cùng gia đình tỵ nạn tại thành phố Fort Chaffee, Arkansas, năm 1975 – nguồn VOA

Năm 2008, sau tám năm thành công trong tư cách là công tố viên, Tony mang kỹ năng tranh tụng của mình đến văn phòng luật sư thành phố Richmond trong tư cách là một luật sư về an toàn đại chúng để thay mặt thành phố và sở cảnh sát giải quyết, đối phó với các vụ kiện liên quan đến quyền công dân.

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Năm 2009, Tony được vinh danh như là một trong danh sách “40 cá nhân hàng đầu dưới 40 tuổi” của Richmond, là những nhà lãnh đạo đương nhiệm và tương lai trong khu vực. Năm 2010, anh được tuần báo Luật Virginia ghi nhận là một trong những “Nhà lãnh đạo luật pháp”. Anh cũng đã được vinh danh là một trong những “Tinh hoa pháp lý” của tạp chí Virginia Bussiness Magazine về hình luật. Tony cũng đã xuất hiện trong một câu chuyện trên trang bìa của Virginia Law’s Weekly công nhận anh là “Luật sư duy nhất ở Virginia điều hành trại tù” khi anh là Giám đốc một nhà tù tại Virginia quản lý ngân sách 26 triệu đô la và 136 nhân viên toàn thời gian.

Sau những ghi nhận này, Tony đã được Tòa án Tối cao Virginia chọn để phục vụ trong Hội đồng Kỷ luật của tiểu bang Virginia, là một hội đồng xét xử các vấn đề liên quan đến hành vi sai trái chức nghiệp của luật sư và tham gia giảng dạy về chuyên môn pháp lý cho tiểu bang. Tony đã được công nhận về khả năng lãnh đạo của mình trong cộng đồng người Mỹ gốc Á khi Thống đốc Kaine bổ nhiệm anh phục vụ trong hội đồng cố vấn người Châu Á Virginia vào năm 2010 và sau đó được Thống đốc Robert F. McDonnell tái bổ nhiệm.

Tony H. Pham, ngồi tại bàn làm việc tại Nhà tù Khu vực Bán đảo Virginia, nguồn Steve Roberts Jr / Virginia Gazette

Với khả năng và thâm niên trong ngành hình luật, Tony Phạm được xem xứng đáng để nhận trọng trách lãnh đạo cơ quan ICE, một điểm nóng đối diện nhiều tranh cãi, binh chống trong chính sách di trú của chính phủ hiện nay trong việc siết chặt biên giới, ngăn chận di dân lậu và trục xuất tội phạm.

Xem thêm:   Vai trò đồng minh của Nhật Bản

Như nói trên, ICE được thành lập trong ba nhiệm vụ chính. Thứ nhất là thực thi chính sách di trú nhằm bảo vệ sự an toàn, an ninh và phúc lợi quốc gia. Thứ nhì là chống lại các tổ chức tội phạm đa quốc gia nhắm vào nước Mỹ cùng các kỹ nghệ, các tổ chức và hệ thống tài chính tại Mỹ, không giới hạn các hoạt động liên quan đến hàng lậu, ma túy, buôn người, rửa tiền… Và cuối cùng là phối hợp cùng các cơ quan an ninh quốc gia trong việc chống khủng bố, tài trợ tài chính cho các tổ chức khủng bố.

Tất nhiên sẽ đi theo đường lối và chính sách chung của chính phủ và nhiệm vụ chính không ngoài lợi ích quốc gia, tuy nhiên giới quan sát cũng bình luận ghi nhận rằng, là một người tị nạn gốc Châu Á, Giám Ðốc Tony Phạm sẽ giải quyết đến các vấn đề trục xuất người tị nạn như thế nào, đặc biệt với những người gốc Việt.

Gia đình Tony H. Phạm

Theo tổ chức pháp lý của người gốc Châu Á AAAJ, hiện nay có khoảng 15,000 người gốc Ðông Nam Á, kể cả nhiều người Việt đang bị giam giữ và chờ trục xuất. Ðã có khoảng 300 người Việt đã bị trục xuất trong vài năm qua và một số khác đang còn bị giam giữ chờ trục xuất.

Trong năm qua, ICE đã bắt giữ khoảng 143,000 người và trục xuất 267,000 người, trong đó liên quan đến bạo hành và lái xe uống rượu (DUI) đến khoảng 120,000 người. Ðây là con số  đáng quan tâm với những thường trú nhân chưa có quốc tịch Mỹ trước việc trục xuất nghiêm ngặt hiện nay, không chỉ với hình tội liên quan đến trộm cướp, sát nhân, buôn ma túy …

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Mặt khác, việc bảo vệ sự an toàn cho các tù nhân của ICE trước dịch bịnh hiện nay cũng là một điều thử thách cho người đứng đầu ICE bởi theo ICE, năm trước thì có khoảng 55 ngàn người bị giam giữ trong các trại tù ICE mỗi ngày và hiện nay dù đã giảm đáng kể, vẫn còn khoảng 21,500 người mỗi ngày.

Ðưa ra phát biểu trong cương vị mới này, tân Giám Ðốc Tony Phạm bảo rằng,  “Khi chúng tôi đến quốc gia này trong tư cách là người tị nạn để kiếm tìm hy vọng và cơ hội, tôi đã ký một cam kết với nước Mỹ rằng tôi sẽ trả món nợ cho các quyền tự do và cơ hội của mình. Tôi cam kết với cộng đồng bằng tư cách của một công dân có đạo đức và lấy kinh nghiệm cùng cơ hội của mình để phục vụ những người xung quanh”.

Cựu Thống đốc New Jersey Chris Christie và Tony H. Phạm trong chiến dịch tranh cử năm 2015 – nguồn The Yappie

ĐYT

(Source: ICE)