Từ những ngày sơ khai cho đến nhờ vào sự giúp đỡ máy điện toán trong hơn đôi thập niên vừa qua, kỹ nghệ phim hoạt hình đã đi những bước hia vạn dặm thật ngoạn mục. Những bộ phim hoạt hình ngày nay không chỉ thu hút trẻ em, mà cả người lớn trên toàn thế giới cũng yêu thích chúng, nhờ sự tinh xảo trong kỹ thuật cùng những giá trị nghệ thuật mang tính giáo dục và nhân bản cao. Kỹ nghệ này đã tạo nên những thành công thương mại to lớn với những bộ phim liên tục có số thu kỷ lục trên toàn thế giới. Nhân dịp Hè về, cũng là lúc các hãng phim đã và đang tung ra các bộ phim hoạt hình đầy hấp dẫn cho trẻ em, chuyên mục xin giới thiệu đến các bạn bài sưu tầm sơ lược về kỹ nghệ phim hoạt hình này trong số báo hôm nay.

Toy Story 4 – nguồn people

Chỉ bước vào tuần thứ hai công chiếu, bộ phim hoạt hình Toy Story 4 đã thu gần 200 triệu đô la trong thị trường nội địa. Những bộ phim thu hút và đình đám của Disney và Pixar luôn được trẻ em và khán giả nói chung đón nhận nồng nhiệt trong mỗi dịp Hè đã cho thấy đây là một kỹ nghệ công phu với số thu hàng trăm tỉ đô la mỗi năm, đồng thời cũng đã được liên tục cải đổi, đầu tư để tạo ra những hiệu quả cao nhất, cả về kỹ thuật, nghệ thuật và số thu.

Phim hoạt hình (animated cartoon) là một hình thức gây ảo ảnh quang học về sự chuyển động do nhiều hình ảnh tĩnh được chiếu tiếp diễn liên tục. Trong phim và trong kỹ nghệ dàn dựng, hoạt họa ám chỉ đến kỹ thuật trong đó từng hình ảnh của phim được kiến tạo riêng rẽ. Người ta có thể dùng kỹ thuật đồ họa trên máy tính hay chụp từng hình ảnh đã vẽ, đã được tô màu theo cách truyền thống, hoặc bằng cách chụp những cử động rất nhỏ của các mô hình để tạo nên những hình ảnh này, như dùng mô hình đất sét (claymation) và hoạt hình tĩnh vật (stop motion). Những hình ảnh sau đó được chụp bằng một máy quay phim hoạt họa chuyên dụng. Khi tất cả các hình ảnh được nối vào với nhau, tạo nên một đoạn phim và được chiếu lên màn ảnh, chúng gây nên ảo giác là các cử động hoạt động liên tục. Ảo giác này gây ra do một hiện tượng đã từng được biết đến gọi là sự lưu ảnh (persistence of vision). Ðể làm được những phim như vậy đòi hỏi phải tốn rất nhiều công sức và sức chịu đựng dai dẳng những công việc tẻ nhạt trước kia. Hiện nay, nhờ sự phát triển trong hoạt họa máy tính, tốc độ sản xuất phim đã được tăng lên rất nhiều.

Sắp đặt máy để quay celluloid animation – nguồn wikipedia

Hoạt họa truyền thống bắt đầu với từng hình ảnh đã được vẽ và tô màu rồi sau đó mới chụp chúng vào phim. Năm 1910, John Randolph Bray và Earl Hurd đã tạo dựng nên kỹ thuật hoạt hình trên phim celluloid (celluloid animation) để tăng nhanh tốc độ tiến trình làm phim bằng cách vẽ các nhân vật phim trên các miếng nhựa trong, hầu cho nhân vật có thể được chuyển động mà không cần phải vẽ lại cảnh đằng sau cho mỗi hình một. Gần đây, phong cách làm phim hoạt họa dựa trên cơ sở của việc tô màu và vẽ hình đã được cải đổi. Hoạt họa dùng máy tính (computer animation) được tiến bộ một cách nhanh chóng và hiện nay, các nhân vật có thể được tạo hình giống như người thật, đến nỗi người xem khó có thể phân biệt chúng với diễn viên. Kỹ thuật hoạt họa này được thực hiện bằng cách chuyển hình vẽ từ chỉ có hai chiều (2D) sang hình ba chiều (3D). Cái khác nhau giữa chúng là trong hoạt họa hình vẽ hai chiều, hiệu ứng về chiều sâu được sáng tạo tùy theo cảm hứng nghệ thuật, song trong hoạt họa ba chiều, các đối tượng ba chiều được mô hình trong một không gian ba chiều do máy tính kiến tạo, và chúng được chiếu sáng và quay từ một góc độ chọn trước, tương tự như trên hiện trường, trước khi chúng được diễn hình (tạo ra hình ảnh từ công thức) ra từng hình đồ họa bitmap hai chiều một. Những dự đoán cho rằng các diễn viên nổi tiếng đã qua đời có thể được tái sinh để diễn trong các bộ phim mới. Việc sử dụng hoạt họa máy tính để đạt được những hiệu ứng, hầu như bất khả dĩ trong lối quay phim truyền thống, đã dẫn đến thuật ngữ “tạo hình máy tính” (computer generated imagery), song thuật ngữ này không giúp người ta phân biệt được sự khác nhau giữa hoạt họa dùng máy tính, với việc ám chỉ đến những bộ phim ba chiều hoàn toàn sử dụng kỹ thuật hoạt họa. Hoạt họa máy tính bao gồm việc tạo mô hình, tạo động tác, sau đó cho thêm bề mặt và cuối cùng là kết xuất. Bề mặt của các mô hình được bố trí để chúng có thể tự co dãn và tự bẻ cong, thích ứng với những chuyển động của một mô hình khung lưới. Việc diễn hình sau cùng biến đổi những động tác này thành một hình ảnh đồ họa bitmap. Những phát triển gần đây trong kỹ thuật diễn hình những bề mặt phức tạp, như lông và các chất liệu bề mặt khác đã cho phép người ta tạo nên những môi trường và những mô hình nhân vật hết sức giống với cảnh thật, bao gồm cả các bề mặt nhấp nhô, gấp lại và bay trong gió, với từng sợi tóc một được tính toán trong khi diễn hình.

Computer animation – nguồn Computer animation

Bên cạnh đó, những chuyển động giống như thật lại phải do các họa sĩ điêu luyện sáng tạo thì mới thành công, và họ có thể làm việc này với ngay cả những mô hình đơn giản nhất. Máy tính không khác gì một dụng cụ vẽ hình phức tạp và đắt tiền, tương tự như một cái bút chì mà người ta dùng để vẽ, và ngay cả trong trường hợp nếu người ta có một chương trình ứng dụng mô phỏng vật lý phức tạp được kiến tạo hoàn hảo đến mức nó có thể mô phỏng cuộc sống thực trên thế giới một cách hoàn thiện đi chăng nữa, song nếu không có bàn tay của các nghệ sĩ hoạt họa sáng tạo, thì các hình ảnh được tạo ra có lẽ cũng chẳng có tác động gì vào tình cảm người xem. Ảnh hưởng này phần lớn là do các nghệ thuật trong phim hoạt họa được phát sinh bắt nguồn từ chính sự lựa chọn đầy tính nghệ thuật của các nghệ sĩ làm phim hoạt họa mà ra, và máy tính hoàn toàn không thể tự nó quyết định được việc gì.

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

Phim hoạt hình được sản xuất với mục đích đề cao tính sáng tạo của một loại hình nghệ thuật. Nhưng ngày nay, phim hoạt hình bên cạnh giá trị nghệ thuật còn mang tính thương mại. Winsor McCay, cha đẻ của phim hoạt hình đã tiết lộ đôi điều về thể loại này: những thành công, thất bại trong những ngày đầu làm phim cũng như các thăng trầm trong lịch sử tồn tại và phát triển của thể loại phim hấp dẫn và sinh động này.

Ông cho biết, để thành công trong lĩnh vực nghệ thuật, không những bị đòi hỏi ở tính sáng tạo mà còn là một đức kiên trì. Ðối với phim hoạt hình, sự đòi hỏi lại càng khắt khe hơn, bởi không giống một loại hình nào khác, ở phim hoạt hình, tính sinh động và hấp dẫn được đặt lên hàng đầu. Có những đạo diễn đã mất cả một năm trời chỉ để hoàn thành một thước phim hoạt hình dài năm phút. Ðó không phải là kết quả của một cá nhân nào khác mà là của cả tập thể làm việc theo một quy trình hết sức quy củ. Vấn đề đặt ra là bên cạnh tính nghệ thuật, giá trị thương mại của phim hoạt hình có được duy trì hay không? Ðiều này hoàn toàn phụ thuộc vào chính cách thức của nhà sản xuất hơn là bản thân đạo diễn.

Computer generated imagery – nguồn trevscompart – WordPress.com

Phim hoạt hình hình thành và phát triển sớm hơn một số loại hình khác do vào những năm đầu của thế kỷ 20, khi kịch bản phim còn hết sức nghèo nàn, hoạt hình là hình thức phù hợp nhất để truyền tải tính cách nhân vật. “Mốt” xem phim hoạt hình trở nên thịnh hành tại Mỹ vào những năm 60, lúc đó các rạp chiếu phim nhựa vắng vẻ gần như sắp phải đóng cửa bởi không chỉ hấp dẫn trẻ em mà cả người lớn đã đổ xô đi xem phim hoạt hình. Bước vào thập niên 80, Disney và Warner Bros. bước vào thương trường với tư cách là những nhà kinh doanh thực thụ thay vì tư cách nhà phục vụ nhu cầu giải trí như trước đây. Ðầu thập niên 90, sự suy thoái chung của nền kinh tế toàn cầu khiến kinh phí đầu tư cho lĩnh vực phim hoạt hình cũng giảm sút đáng kể. Ðiều này ảnh hưởng không nhỏ đến lĩnh vực hoạt hình nói riêng và kỹ nghệ giải trí nói chung. Ðây cũng là thời điểm hãng phim Pixar xuất hiện nhờ sự đầu tư của hãng Apple cùng Steve Jobs và nhanh chóng thành công với bộ phim Toy Story đầu tiên vào năm 1995. Sự thành công vang dội của những bộ phim kế tiếp của Pixar đã khiến Disney đã sớm nhận ra Pixar sẽ là đối thủ nguy hiểm nên Disney đã mua lại Pixar vào năm 2006. Kể từ đó đến nay, sự kết hợp giữa Disney-Pixar đã trình làng vô số phim hoạt hình đặc sắc và thành công.

Xem thêm:   Nguyễn Đức Đạt một cung đàn lạc quan

Vấn đề lớn nhất hiện nay đối với không chỉ phim hoạt hình mà tất cả các loại hình nghệ thuật, truyền thông báo chí là nằm ở mối quan hệ giữa giá trị nghệ thuật và tính thương mại. Người ta phải làm sao để cân đối hai đặc điểm này trong thương phẩm của mình. Thiếu mất một trong hai yếu tố này, yếu tố cạnh tranh và tồn tại xem như đã mất.

DYT (st)