Là một thành phố nổi tiếng gắn kết với lịch sử Việt Nam qua Hiệp Định Geneva phân đôi đất nước được ký kết vào tháng Bảy năm 1954 cho đến những hiệp ước người tị nạn Việt Nam sau này, Geneva là thành phố có đại bản doanh của vô số tổ chức quốc tế và quen thuộc với nhiều quốc gia trên thế giới qua nhiều công ước, hiệp định… được ký kết tại đây. Tại sao Geneva, một thành phố nhỏ bé chỉ với khoảng 200 ngàn cư dân hay 500 ngàn dân nếu tính chung cả khu vực đại đô thị lân cận thuộc Thụy Sĩ lại trở thành trung tâm hòa giải của thế giới và nổi tiếng đến như vậy?
Là một thành phố nói tiếng Pháp và nằm ngay sát Pháp, được mệnh danh là một “Thủ phủ Hòa Bình” (Peace Capital) đã phần nào diễn đạt được đặc tính của Geneva. Bởi đây là nơi tổ chức các cuộc thương thảo, nghị đàm để thương thảo, giải quyết về các cuộc xung đột, tranh chấp hay tìm các giải pháp cho nhiều vấn đề có tầm mức thế giới.
Nằm trong nhóm có thu nhập và đắt đỏ nhất thế giới, Geneva trước hết được biết đến như một trung tâm tài chính thế giới, nơi có nhiều ngân hàng cùng các tổ chức giao dịch tài chính thế giới. Người ta vẫn quen thuộc về cụm từ “ngân hàng Thụy Sĩ” là nói đến Zurich và Geneva, nơi các ngân hàng có những điều lệ để bảo vệ và bảo mật cho các thân chủ của mình một cách an toàn.
Nhưng khác hơn các vấn đề tài chính, Thụy Sĩ hay Geneva nói riêng là tổng hành dinh của các tổ chức thế giới uy tín và ảnh hưởng đến các hoạt động thế giới. Có thể kể tên một vài tổ chức này như Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO), Hội Hồng Thập Tự, tổ chức Thương Mại Thế Giới (WTO), Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR), Diễn Ðàn Kinh Tế Thế Giới (WEF), Cơ Quan Tiêu Chuẩn Quốc Tế (ISO), Tổ Chức Khí Tượng Thế Giới (WMO)… chỉ là vài trong số rất nhiều những tổ chức quốc tế này. Không kể nhiều tổ chức quốc tế thế giới khác đặt tổng hành dinh tại Zurich hay các thành phố Thụy Sĩ khác như Liên Ðoàn Túc Cầu Thế Giới (FIFA), Ủy Ban Olympic Thế GIới (IOC)…
Tại sao vậy? Vì Thụy Sĩ là một quốc gia trung lập? Quả là vậy nhưng vẫn chưa đầy đủ bởi Thụy Sĩ không phải là quốc gia trung lập của thế giới mà còn nhiều quốc gia khác, trong đó có những quốc gia phương Tây cũng thịnh vượng không thua kém Thuỵ Sĩ. Áo quốc (Austria) hay Ái Nhĩ Lan (Ireland) cũng là vài trong những quốc gia trung lập nhưng không đóng vai trò như Thụy Sĩ hay Geneva nói riêng.
Vai trò trung lập của Thụy Sĩ là một quyết định khôn ngoan của những người đứng đầu đất nước này từ đầu thế kỷ 19. Từng bị nước Ðại Pháp thời Napoleon xâm chiếm, Thụy Sĩ nhận ra giải pháp “trung lập” là điều sẽ bảo vệ cho quốc gia nhỏ bé của mình khi tách rời khỏi các cuộc tranh chấp giữa các đế chế Châu Âu. Năm 1815, nghị viện Thụy Sĩ tuyên bố quốc gia mình sẽ là một “quốc gia trung lập vĩnh viễn”, không đứng về phe nào trong bất cứ cuộc tranh chấp hay xung đột, chiến tranh nào. Cho đến nay, Geneva là một trong những thành phố hiếm hoi trên thế giới không “kết nghĩa” với bất cứ thành phố của quốc gia nào khác bởi nó xem mình “kết nghĩa” với cả thế giới, không có quan hệ đặc biệt riêng với thành phố nào.
Năm 1863, tổ chức Hồng Thập Tự ra đời tại Geneva, đánh dấu một vai trò và sứ mạng mà Thụy Sĩ chọn lựa và cam kết dựa trên sứ mạng nhân đạo, bất kể phe phái hay quốc gia nào. Hội Hồng Thập Tự ra đời nhằm cứu chữa cho các chiến binh bị thương trên chiến trường, không phân biệt phe này hay phe kia, nước này hay nước nọ. Thụy Sĩ tự hào và gắn liền với hội Hồng Thập Tự và ngược lại. Nên điều khá thú vị là lá cờ của Hồng Thập Tự thật ra là cờ Thụy Sĩ, chỉ hoán chuyển màu sắc trắng đỏ cho nhau.
Từ sự ra đời của hội Hồng Thập Tự, nó khai mào cho Công Ước Geneva ra đời vài năm sau. Ðây là công ước với các điều khoản được hoàn thiện hơn qua các thời kỳ và có giá trị cho đến hôm nay về việc đối xử nhân đạo với tù binh chiến tranh, không sát hại hay trả thù tù binh, cũng như tôn trọng những nhân viên y tế và phóng viên chiến trường, giới dân sự không can dự mà chỉ mang nhiệm vụ giúp đỡ nạn nhân và tường thuật về chiến tranh.
Ðược cộng đồng quốc tế thừa nhận và ủng hộ từ những năm đầu tiên công bố, chọn lựa và chính sách đối ngoại mang tính trung lập này trong hơn 150 năm qua đã giúp Thụy Sĩ không chỉ được yên ổn giữa một Châu Âu khói lửa và đổ nát qua hai cuộc thế chiến mà còn làm trung gian hòa giải mang lại hòa bình cho các tranh chấp này.
Từ sau Ðệ Nhị Thế Chiến, Thụy Sĩ càng đóng vai trò quan trọng nhiều hơn trên chính trường quốc tế, giúp hầu hết các quốc gia và các tổ chức quốc tế đặt văn phòng tại Geneva. Các số liệu cho thấy khoảng gần phân nửa cư dân của Geneva là mang quốc tịch khác, phần lớn là đại diện hay làm việc cho quốc gia mình hay các tổ chức thế giới đặt tổng hành dinh tại thành phố này.
Cho dù Liên Hiệp Quốc đặt tổng hành dinh tại New York, Geneva được xem là trung tâm chính phủ đa quốc gia đúng nghĩa khi có gần 200 quốc gia đặt văn phòng và hàng năm tổ chức khoảng 3,000 cuộc họp, từ vấn đề giải giáp chiến tranh, tìm kiếm giải pháp hòa bình cho đến các vấn đề y tế, môi trường, kinh tế, thương mại, khoa học, viễn thông hay luật lao động, vấn đề nhân quyền, tị nạn… với sự tham dự các cấp lãnh đạo quốc gia khắp thế giới.
Hiệp định Geneva (Geneva Accords) về vấn đề Ðông Dương được tổ chức tại Geneva từ 26 tháng Tư đến ngày 20 tháng Bảy năm 1954 với các bên liên can, bao gồm Nam Việt Nam và Bắc Việt Nam, Lào, Cam-Bốt cùng Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Nga và Trung Hoa. Hiệp định này cũng bàn thảo về vấn đề bán đảo Triều Tiên với sự thay thế các nước Ðông Dương với Nam và Bắc Hàn trong các vấn đề liên quan.
Khi thế giới tập trung về Geneva ngày càng nhiều thì cũng giúp cho Geneva phát triển thành phố mình nhiều hơn, một phần nhờ nguồn tiền từ các nước đổ vào, mặt khác Geneva cần đáp ứng đủ cho nhu cầu này. Các hệ thống giao thông không chỉ tiện lợi cho việc di chuyển trong thành phố mà còn nối liền với Châu Âu khá dễ dàng.
Ngôn ngữ cũng là một lợi thế để biến Geneva trở thành thành phố quốc tế. Dù khoảng hai phần ba người Thụy Sĩ nói tiếng Ðức thì người dân Geneva dùng tiếng Pháp như ngôn ngữ chính thức nơi công sở và phần lớn có thể chuyển sang tiếng Anh hay tiếng Ðức khi cần thiết. Sự đa dạng, đa văn hóa của các cư dân cũng biến thành phố này thành một khu vực văn hóa có đầy những thú vị khi giao thoa giữa các nền văn hóa khác nhau. Ðây cũng là thành phố du lịch nổi tiếng thế giới, đặc biệt với môn trượt tuyết khi giới giàu có đổ sang đây để trượt tuyết và nghỉ Ðông. Chocolate, phô-ma, đồng hồ Thụy Sĩ (Rolex, Longines, Cartier, Omega …) chỉ là vài thương phẩm Thụy Sĩ đặc biệt nổi tiếng thế giới sau các điều kể trên.
Là một quốc gia nhỏ bé với khoảng 8 triệu dân, ít hơn dân số Sài Gòn hiện nay hay chỉ vài trăm ngàn dân như với Geneva, Thụy Sĩ là một quốc gia thịnh vượng với nhiều kỹ nghệ nổi tiếng và đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động của thế giới. Trông người biết ta, khó có thể sánh bằng nhưng ít ra nó cũng cho thấy ảnh hưởng cùng sự phát triển của một quốc gia không nằm ở kích cỡ, quy mô mà ở hệ thống cùng những chính sách nó theo đuổi.
ĐYT