Cuối tháng 10 năm 1962, cuộc đối đầu quyết liệt giữa Hoa Kỳ và Liên Xô tưởng như đã không tránh khỏi một cuộc chiến tranh nguyên tử khi Liên Xô đưa phi đạn sang Cuba, chỉ cách lãnh thổ Hoa Kỳ 90 dặm và Mỹ đáp trả bằng sự chuẩn bị phi đạn nguyên tử lên bệ phóng tại Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là lần đầu tiên và hiếm hoi trong lịch sử, Hoa Kỳ đã đặt tình trạng khẩn cấp quốc gia lên mức DEFCON 2, sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh nguyên tử có thể xảy ra. DEFCON cùng các hệ thống báo động của Mỹ hiện nay là gì và hoạt động ra sao?

Lên truyền hình để thông báo về tình trạng khẩn cấp quốc gia về nguy cơ chiến tranh nguyên tử có thể xảy ra vào cuối tháng 10 năm 1962, Tổng Thống Kennedy thông báo cùng người dân Mỹ rằng các hệ thống phi đạn của Hoa Kỳ đã sẵn sàng và cuộc phong tỏa vùng biển quanh Cuba đã được thực hiện nhằm vô hiệu hóa các đe dọa quân sự lên nền an ninh quốc gia Hoa Kỳ cùng sự an nguy của người dân. Cuộc đối đầu chính trị và quân sự căng thẳng kéo dài 13 ngày cuối cùng đã chấm dứt khi lãnh tụ Xô Viết Nikita Khrushchev đồng ý tháo dỡ các phi đạn khỏi Cuba nếu Mỹ cam kết không tấn công Cuba, cũng như Tổng thống Kennedy cho tháo phi đạn tại Thổ Nhĩ Kỳ.

DEFCON bao gồm 5 mức độ – nguồn TV Tropest

Năm 1959, sau các hiệp ước phòng thủ quân sự được ký kết giữa Hoa Kỳ và Canada, khái niệm và tình trạng khẩn cấp quân sự DEFCON (The Defense Readiness Condition) được Hội Ðồng Liên Quân (JCS) cùng các tham mưu trưởng của Mỹ thiết lập và sử dụng trong lực lượng quân sự Hoa Kỳ. DEFCON bao gồm 5 mức độ, với DEFCON 5 là tình trạng bình thường và DEFCON 1 là cao nhất, khi cuộc chiến tranh nguyên tử là không thể tránh khỏi hay đã xảy ra. DEFCON 2 trong vụ Cuba nói trên là tình trạng sẵn sàng cho cuộc chiến tranh nguyên tử và quân đội sẵn sàng điều động và ứng chiến trong vòng 6 tiếng đồng hồ. Năm 1991, Hoa Kỳ cũng đã ban bố tình trạng DEFCON 2 trong chiến dịch Bão Táp Sa Mạc tại cuộc chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất.

Đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ Adlai Stevenson trình bày bằng chứng về hỏa tiễn của Liên Xô ở Cuba tại Hội đồng Bảo An LHQ vào ngày 25 tháng 10 năm 1962. (Ảnh LHQ / MH)

DEFCON được kiểm soát bởi Bộ Quốc Phòng và Tổng thống Hoa Kỳ, vị Tổng tư lệnh quốc gia. Nước Mỹ tất nhiên chưa bao giờ phải đặt vào DEFCON 1 và chỉ đôi lần hiếm hoi buộc phải đặt vào tình trạng 2, phần lớn những tình trạng khẩn cấp quân sự là ở DEFCON 3 – tức gia tăng tư thế ứng chiến trên mức thông thường và không quân có thể điều động trong vòng 15 phút, cũng như mang tính khu vực và không được thông báo rộng rãi đến người dân. Hồi tháng Ba năm nay, DEFCON 3 lại được cảnh báo sau đúng 20 năm kể từ 2001, khi Nga đưa khoảng hơn 100 ngàn quân áp sát biên giới Ukraine, tỏ dấu hiệu muốn tấn công quốc gia đồng minh của phương Tây này.

Hệ thống cảnh báo về nguy cơ khủng bố

Nhắc  về DEFCON mang tính quân sự, có lẽ là dịp để giới thiệu một số hệ thống báo động khác đang hoạt động hiện nay tại Mỹ. Ðầu tiên là hệ thống cảnh báo về nguy cơ khủng bố do Bộ Nội An thiết lập kể từ sau vụ khủng bố 9/11. Hệ thống này dùng 5 màu sắc là Xanh lá, Xanh dương, Vàng, Cam và Ðỏ, trong đó Ðỏ là mức độ cao nhất, nhằm phổ biến thông tin về rủi ro khủng bố tại khu vực hay tầm mức quốc gia. Hệ thống này đã được thay thế bằng NTAS (National Terrorism Advisory System) từ năm 2011 đến nay với những khuyến cáo hay cảnh báo chi tiết và rõ ràng hơn.

Hệ thống báo động về bão là HURCON – nguồn cnic.navy.mil

Mỹ còn có hệ thống báo động về bão là HURCON (Hurrican Condition) được quân đội Hoa Kỳ sử dụng trước nguy cơ và rủi ro của các cơn bão lớn đang đến và áp dụng vào xã hội dân sự. Hệ thống HURCON này cũng phân chia theo 5 cấp bậc tùy theo sức gió và thời gian mà cơn bão sẽ đổ bộ, với cấp 1 là nặng nhất, hoặc người dân hay quân đội trong khu vực phải di tản nếu còn có thể hay phải trú vào nơi trú ẩn an toàn nhất có thể.

Wireless Emergency Alerts – nguồn mass.gov

Với sự phát triển của kỹ thuật cùng số lượng người sử dụng điện thoại không dây hiện nay, các cấp chính quyền tiểu bang và liên bang đã sử dụng tin nhắn điện thoại trong các báo động hay cảnh báo liên quan đến thiên tai, khủng bố, đại dịch, chiến tranh… trong khu vực hay cả nước qua WEAs (Wireless Emergency Alerts). WEA là các tin nhắn ngắn có âm thanh báo động và độ rung khác bình thường về điều khẩn cấp đang xảy ra và các hướng dẫn việc cần làm. Mỹ còn có hệ thống EAS (Emergency Alert System) quốc gia nhằm phát thanh và phát hình trực tiếp các thông báo khẩn cấp từ tổng thống Mỹ được truyền qua vệ tinh đến đài radio, truyền hình hay mạng internet trong các tình trạng quốc gia đặc biệt khẩn cấp, do chính vị tổng thống Mỹ đương nhiệm quyết định khi nào cần phải chuyển đến quốc dân.

Emergency Alert System – nguồn UWC.USA info

Những hệ thống cảnh báo mang tính quốc gia như tại Mỹ hiện nay dù không hoạt động thường xuyên nhưng là điều vô cùng cần thiết và chỉ hiện diện tại các quốc gia tân tiến bởi các nguy cơ khủng bố, chiến tranh, thiên tai hay dịch bịnh vẫn có thể xảy ra vào bất cứ lúc nào. Ðây không chỉ phương tiện và tài lực của những quốc gia hùng mạnh mà hơn hết, là sự quan tâm đến sự an toàn cho người dân cùng nền an ninh quốc gia.

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

ĐYT