“I believe that children are our future, teach them well and let them lead the way” (Greatest Love of All- Whitney Houston)

Mike Harrington- Getty Images  

Có lần, đàm luận hiện tình giáo dục tại Việt Nam cùng dăm ba người bạn, chẳng hiểu đưa đẩy thế nào, chúng tôi lại nhắc đến hình ảnh những người cha Việt Nam của một thời. Và dường như những trải nghiệm hay nhìn nhận của mỗi người về hình ảnh người cha Việt Nam nói chung của những thế hệ đã qua có chung một nhận xét rằng: Người cha Việt Nam trong quá khứ quả thật nghiêm khắc.

Ðó là thời mà không ít người cha Việt Nam dùng đòn roi như là một trong những biện pháp kỷ luật hàng đầu để nắn dạy con cái, nhất là con trai. Có thể không phải tất cả những trận đòn kia đều bị xem là “quá tay”. Nhưng cũng không ít những trận đòn, mà bây giờ nhìn lại qua lăng kính xã hội hiện nay, chúng thật vô lý: rớt bể cái ly: bị đòn, không ngủ  đúng giờ: bị đòn,  cầm đũa tay tr ái: bị đòn, sai chính tả: bị đòn… Ðôi khi bị hàng xóm than phiền cũng bị tội đòn, dù chưa biết sự việc sau lời than phiền đó là gì. Cũng có thể đó là sự “răn dạy” và cũng có khi chỉ để “dằn mặt” người hàng xóm kia, nếu người cha đã bị xúc phạm rằng “không biết dạy con”.

Và dù cho có những điều vô lý và mức độ xảy ra có thay đổi trong mỗi gia đình, nơi mỗi người cha khác nhau, không hẳn cách giáo dục dựa trên đòn roi kia hoàn toàn tiêu cực khi nhìn lại những thế hệ chịu “đòn roi” kia. Vì nhờ những bài học làm người nghiêm khắc như vậy, nhiều người đã trưởng thành với một tri thức và nhân cách đường hoàng, có kỷ luật hơn.

Cách giáo dục nghiêm khắc này vẫn còn đến bây giờ nơi một số người cha bên Việt Nam, dù ở một mức độ “nhẹ nhàng” hơn. Nhưng chắc chắn một điều rằng, cách giáo dục “thương cho roi cho vọt” nghiêm khắc đó đã tạo ra một mối quan hệ cha-con trong sự sợ hãi. Có thương yêu kính trọng, nhưng lại thiếu vắng sự gần gũi, thân mật. Có phải vì lẽ ấy mà thi văn Việt Nam dành những trìu mến, yêu thương cho Mẹ hơn Cha gấp nhiều lần?

Trong trí nhớ của mình, tôi cũng không nhớ những trang viết nào đã vẽ nên hình ảnh một người cha Việt Nam dịu dàng hơn hình ảnh một người cha trong tiểu truyện “Chàng viết mướn thành Phirenze” trong cuốn Tâm Hồn Cao Thượng qua bản dịch Hà Mai Anh, mà tôi đã đọc thời niên thiếu và dường như còn sót lại trong trí nhớ về một tình cha con thật cảm động. Dù câu chuyện kể về lòng hiếu thảo của một cậu bé, vì thay cha viết thuê hàng đêm mà học hành sa sút, nhưng lại vẽ nên chân dung một người cha dịu dàng, trìu mến với kết cuộc câu chuyện rằng, khi ông hiểu được lòng hiếu thảo của con, ông đã ôm hôn và xin lỗi con trai vì đã mắng oan cậu.

Xem thêm:   Nguyễn Đức Đạt một cung đàn lạc quan

Vai trò, trách nhiệm, sự thương yêu của người cha trong xã hội hiện nay chắc chẳng khác xưa bao nhiêu, nhưng có thể cách hành xử, thái độ và mối quan hệ cha-con đã ít nhiều thay đổi. Khi con cái được hình thành và hun đúc đời sống tình cảm chịu ảnh hưởng nhiều nơi người mẹ, thì sự ảnh hưởng của người cha lên tính cách, cá tính, xu hướng về quan hệ xã hội …  của con cái trong tương lai lại khá rõ nét như tôi đã viết ở số báo trước.

SanyaSM- Getty Images

Người cha trở thành người thầy đầu tiên và một mẫu mực hay “thần tượng” của con cái. Không ít những thiếu nữ có một quan hệ cha-con gần gũi và chịu ảnh hưởng từ người cha thật nhiều, đến độ đã đặt ra những tiêu chuẩn kén chọn người yêu hay người chồng tương lai phải ít nhiều giống cha mình. Hoặc tối thiểu phải một phần nào đó của cha. Các phim Á Ðông được chuyển sang tiếng Việt hiện nay thường đưa câu nói rằng, “Con gái là người tình của cha kiếp trước”, ngụ ý tình yêu thương của người cha dành cho con gái có phần khác hơn với con trai.

Người cha hiện nay không chỉ là cha, mà còn là thầy và là bạn của con cái. Ðể có thể đóng đủ vai trò đó, quả không phải là điều dễ dàng. Nhất là khi các vai trò này liên quan đến một trong những khía cạnh quan trọng khi làm cha đã nói bên trên: sự kỷ luật trong quá trình giáo dục con cái như thế nào?

Những hình thức kỷ luật cần thiết trong quá trình giáo dục con cái đều có thể dẫn đến những thái cực khác nhau. Nó tạo ra sự sợ hãi, xa cách, phá hủy mối quan hệ “bạn” với con cái bằng những kỷ luật “sắt”. Hoặc nó tạo thái độ được nuông chiều, ỷ lại nếu quan hệ cha con quá dễ dàng, thả lỏng. Vì điều này mà các chuyên gia tâm lý cho rằng hình thức kỷ luật trong quá trình giáo dục con cái này, nên bằng tất cả sự yêu thương và một thái độ tích cực.

Xem thêm:   Đóa hoa mong manh

Rõ ràng tất cả trẻ em cần được hướng dẫn, cũng như chịu sự kỷ luật. Nhưng kỷ luật không đồng nghĩa với sự trừng phạt. Trừng phạt là biện pháp áp chế tâm lý, tạo sự thuần phục gây nên bởi sự sợ hãi. Cha mẹ có thể đạt được mục đích của mình nhất thời nhưng về lâu dài, sự sợ hãi kia lại ảnh hưởng lên cá tính và sự phát triển của trẻ em. Hoặc chỉ có giá trị cho đến khi các em bày tỏ sự “nổi loạn”, không còn sợ hãi khi đến một độ tuổi nào đó. Nó tạo nên một tâm lý và thái độ đối phó trước các sự trừng phạt. Có những hành động sai trái xảy ra do nhận thức sai lầm. Nếu những trừng phạt chỉ nhắm vào các hành động sai trái này có thể làm trẻ em không dám tái phạm các hành động này, nhưng sẽ không giúp cho các em nhận thức được sự sai trái trong ý nghĩa.

Hướng dẫn cho các em những giới hạn cần thiết trong chuỗi hành động của mình và khích lệ xứng đáng những thái độ đúng đắn, sẽ tạo nên những ý thức lâu dài hơn là gây nên sự sợ hãi. Cũng vậy, khi cần nói “không” đúng lúc và hợp lý, bạn sẽ  tạo cho các em có sự tự chủ, điều chỉnh thái độ của mình một cách hợp tác hơn. Những người cha kỷ luật con cái một cách trầm tĩnh và công bằng đã phô bày tình yêu và thái độ tích cực của mình dành cho con cái.

Annie Otzen- Getty Images

Cha mẹ cần thông hiểu và có những không gian để trẻ em phạm sai lầm, khi chính những sai lầm đó sẽ giúp các em học được cách giải quyết những thử thách trong  tương lai. Không kỳ vọng lúc nào các em phải vâng phục, làm đúng hoàn toàn.

Những phương pháp kỷ luật tích cực sẽ giúp các em hiểu được trách nhiệm của mình, trong khi trừng phạt chỉ làm các em không thích người cha hay mẹ. Và sự công bằng trong kỷ luật sẽ tạo cho trẻ em ý thức về sự bình đẳng, một cảm giác tự tin hơn. Khá phổ biến, khi nhiều người cha hay mẹ có xu hướng chỉ xử phạt những đứa con lớn hơn, là anh hay chị,  khi có tranh chấp giữa các con cái với nhau. Nó tạo mặc cảm về sự mất bình đẳng, thiếu công bằng ở những trẻ em vai anh hay chị và tạo tâm lý được nuông chìu, đặc quyền nơi những đứa con nhỏ hơn.

Xem thêm:   Hoàng hậu cà phê hủ tiếu

Các cố vấn cũng khuyên rằng khi bắt đầu đối thoại với trẻ em từ lúc còn rất nhỏ, thì những vấn đề khó khăn cũng sẽ dễ dàng được giải quyết khi các em lớn hơn. Các em cũng cần được người cha dành cho thời gian và lắng nghe những ý tưởng, lẫn những khó khăn của mình.

Khi trẻ em luôn được đón nhận những sự gần gũi, thân mật, các em sẽ hiểu rằng sự kỷ luật kia là vì các hành động đi quá giới hạn hay không được phép của mình gây nên chứ không phải vì cha mẹ không yêu thương mình. Chính vì vậy mà không phải chỉ người mẹ bày tỏ tình cảm, sự âu yếm của mình với con cái mà người cha cũng cần bày tỏ một thái độ tương tự như ôm, hôn, thậm chí vật lộn với nhau… để các em có được một cảm giác an toàn khi thấy rằng mình được chấp nhận và yêu thương, được vui đùa với cha. Ðó cũng là điều vui thú và hạnh phúc của những người làm cha khi thực hiện điều này với con cái, vì thời gian qua đi rất nhanh, chẳng mấy chốc các em sẽ trưởng thành và cơ hội quý giá về quan hệ cha con như vậy sẽ không quay trở lại.

Có thể nói rằng, thật khó để đạt đến sự toàn hảo trong vai trò làm cha, làm thầy và làm bạn kia, chỉ riêng khía cạnh kỷ luật trong gia đình cho bất cứ ai. Vì làm cha ngày nay là cả một quá trình lâu dài,  không chỉ với nhiệm vụ giáo dục cho con cái mà tự thân người cha, còn phải “tự giáo dục” mình liên tục. Bằng tình yêu thương và cả các hình thức thích hợp với con cái. Có lẽ vì vậy mà trong cuộc thăm dò dành cho các người cha của tổ chức National Fatherhood Initiative, có đến 99% người cha đồng ý rằng làm cha là một phần rất quan trọng để biết họ là ai.

Xin mượn ý của nữ tài tử Angelina Jolie từng trả lời phỏng vấn trên tạp chí Reader Digest về các cuộc nhận con nuôi đa chủng tộc rằng, cô muốn nuôi dạy những đứa trẻ kia phát triển hợp với tính cách của chúng, để kết thúc bài viết này. Rằng, một người cha thành công không phải nuôi dạy nên những đứa con toàn hảo theo ý mình, mà là giúp con mình được phát triển và trưởng thành toàn hảo theo đúng con người thật và khả năng của các em.

ĐYT