Ngày lễ Cha không rộn ràng như lễ Mẹ. Không hoa, quà tặng hay ra ăn tiệm, hàng quán nhiều bằng mẹ. Cả những bản nhạc về cha cũng đếm trên đầu ngón tay, nếu có cũng chẳng tha thiết, tạo nhiều cảm xúc như bản nhạc, bài thơ viết về tình mẫu tử. Tất cả những điều này không hề giảm nhẹ vai trò người cha và tình yêu thương của cha với con cái, cho dù cách bày tỏ có như thế nào. Hay hơn thế nữa, người cha có những ảnh hưởng lớn lao và tích cực lên con cái ở nhiều mặt xã hội. Xin chúc mừng và chia sẻ hạnh phúc làm cha đến những người cha trong ngày lễ Cha đang đến qua dăm chia sẻ trên chuyên mục hôm nay.

nguồn BBC.com   

Vốn bản tính chung ở người đàn ông, những người cha có lẽ không cần nhiều những thể hiện, chúc tụng như những người phụ nữ, người mẹ.  Kín đáo trong cảm xúc, đơn giản trong kiểu cách, nhiều người cha không chấp nê những việc họ cho là “hình thức” bề ngoài. Có lẽ vậy mà ắt hiếm ai đã từng tặng hoa cho cha, tôi chỉ đoán chừng. Nhưng giá những đứa con đến bá cổ cha, hay gởi cha mình một mẩu tin nhắn đại loại như, “con thương ba lắm” thì ắt ông rất vui và hạnh phúc. Ðiều này thì tôi tin chắc hơn, vì tôi cũng là một người cha.

Người ta vẫn hay nói rằng cha là người thầy đầu tiên. Có lẽ vậy, dù bạn có thể bảo rằng, mẹ cũng là “thầy”. Tất nhiên sự ảnh hưởng của cha và mẹ đều có những giá trị và mức độ quan trọng trong việc  giúp con cái phát triển và trưởng thành, nhưng sự ảnh hưởng có thể khác biệt trong vai trò Mẹ hay Cha.

Thiên chức và tình yêu của mẹ dạy và hun đúc cho con những tình cảm, những nền tảng đạo đức và khả năng cảm thụ cái đẹp. Không phải các bà mẹ đã sắm sửa và “điệu” cho con từ nhỏ, vô tình là bài học khởi đầu về cái đẹp, về sự cảm thụ thẩm mỹ. Với con gái, mẹ lại cần thiết hơn trong sự phát triển về giới tính của mình.

Xem thêm:   Tân trang nhà cửa

Không điều gì tuyệt đối, nhưng hầu như sự phát triển về thể chất, trí tuệ, những xu hướng cùng các tính cách xã hội của con cái lại ảnh hưởng nhiều nơi người cha. Nó là điều bình thường vì mẹ vốn lo cho gia đình, xem như “chủ tịch nội vụ” còn cha là “ngoại vụ”, hướng ngoại và dự phần xã hội nhiều hơn, nên ít nhiều đã ảnh hưởng lên con cái hay tạo ra xu hướng xã hội nơi con cái khi trưởng thành.

nguồn ccasa.org

Nói khác hơn,  giá trị truyền thống về chân-thiện-mỹ, thì ảnh hưởng của mẹ đã chiếm đến hai phần, thiện-mỹ dù chẳng có thống kê nào bảo vậy. Và nếu các bà mẹ đã thoả mãn với điều này, thì hãy cho chúng tôi, những người cha được (rón rén) nhận phần “chân” còn lại.  “Chân” ở đây là sự thật, là chân lý, là một nhãn quan về thế giới vô hạn, bao la rộng mở ngoài kia cùng một nghị lực để đối chọi lại những thách đố ngoại vi có thể. “Chân” để hiểu được sự giới hạn của con người, mà hướng đến những giá trị tinh thần, thay vì chỉ rượt bắt những ảo giác trong thế giới vật chất hay những điều tạm bợ.

Vậy tóm lại “cha” là ai mà ghê gớm vậy? Xin thưa rằng, cha là một… “người mẹ xã hội”, theo định nghĩa của tôi. Nếu Mẹ là “người mẹ gia đình”, người quán xuyến việc nhà, vừa làm việc vừa lo toan, bận bịu chuyện gia đình, thì người cha có trách nhiệm  dẫn dắt, mở cánh cửa cho con  cái bước ra xã hội với khả năng thật sự của các em, bằng tấm lòng yêu thương như những người mẹ.

Không nghi ngờ gì về sự yêu thương của những người cha hay mẹ dành cho con cái mình. Sẽ không chính xác khi so sánh hay đánh giá tình yêu thương của bậc cha mẹ này với những cha mẹ kia, bởi bất cứ tình yêu nào dành cho con cái mình cũng là những tình yêu vô điều kiện. Yêu thương con cái không đặt trên vấn đề dựa vào những gì các em làm được hay không làm được, giỏi hay dở, thành công hay thất bại, mà chỉ với sự vô điều kiện đó. Ðó là điều cần thiết cho dù trên thực tế và tâm lý của một số người, họ yêu thương đứa con tài giỏi và vâng lời hơn.

Xem thêm:   Con gấu ngựa

Nhưng yêu thương và giáo dục như thế nào thì rất khác biệt trong mỗi gia đình, tùy mỗi cha mẹ. Chúng ta thử điểm qua và chia sẻ cùng nhau vài điểm thông thường qua góc cạnh tâm lý giáo dục, về dăm cách yêu thương và giáo dục của những bậc phụ huynh sẽ ảnh hưởng đến con cái khi trưởng thành như thế nào?

nguồn pujolsfamilyfoundation.org

Những cha mẹ sẵn sàng mua cho con mình tất cả đồ chơi, vật dụng theo đòi hỏi của các em, có thể hình thành nên những con người trưởng thành thực dụng trong tương lai, những người chỉ muốn mọi thứ thuộc về mình và không hiểu được giá trị của công sức và tiền bạc.

Dù luôn cần khuyến khích , tán dương những cố gắng, thành tựu của con cái, một số cha mẹ đặt ra những mục tiêu quá cao cho con cái. Khi muốn con mình giỏi nhất, đẹp nhất hay thành ngôi sao xuất sắc nhất sẽ tạo ra những con người trưởng thành chẳng mấy vui thú, luôn bị áp lực hay dằn vặt về sự thành công phải đạt được. Một số quan niệm cho rằng sự thành công sẽ mang lại hạnh phúc, trong khi đây là hai khái niệm hoàn toàn khác biệt.

Cha mẹ quá bình đẳng, coi con cái như bạn bè ngang hàng sẽ tạo dựng một tính cách vô kỷ luật. Nhưng nếu áp đặt kỷ luật quá mức thì con cái sẽ trở thành rụt rè và mất đi khả năng tự giải quyết các vấn đề của chính bản thân mình. Cân bằng giữa sự yêu thương, gần gũi, cho phép các em có một không gian riêng và sự giới hạn cần tuân theo như thế nào là tùy theo từng gia đình.

nguồn psychologies.co.uk

Nếu cha mẹ là những người luôn lo lắng, làm mọi việc cho con, không để con cái đối diện với bất cứ công việc hay thử thách nào, không biết mùi vị thất bại, sẽ dẫn đến việc hình thành những con người không bao giờ biết hay dám đương đầu cùng thử thách, khó khăn. Hoặc giả, các em sẽ dễ có hành động quá mức rủi ro vì thiếu đi những ý niệm  đúng đắn về thực tế.

Xem thêm:   Hương sắc gia vị

Chỉ thử điểm qua vài điều trong rất nhiều điều như vậy để thấy rằng, quả không quá lời khi các chuyên gia về tâm lý, giáo dục bảo rằng cha mẹ là những người thầy và cũng là những người trò, luôn cần học hỏi để theo kịp với sự phát triển và trưởng thành của con cái một cách đúng đắn.

Có những sự mong muốn chính đáng về sự thành đạt, giàu có hay nổi tiếng của con cái mình từ một số bậc cha mẹ. Riêng tôi chỉ muốn chia sẻ cùng các bạn rằng, bên cạnh đó, khi cung cấp cho xã hội những đứa con – là những người trưởng thành độc lập, trọn vẹn, hạnh phúc và rất “người”, hiểu được những giá trị của đời sống, những người có khả năng cho và đón nhận tình yêu, có sự bác ái và biết tôn trọng người khác… là những giá trị chung và cần thiết hơn cho con cái trong tương lai. Ðó là mục tiêu và là thách đố cho những người làm cha, làm mẹ như bạn, như tôi và tất cả chúng ta. Happy Father’s Day.

ĐYT

Dallas 2020