Trần Lê Sơn Ý thuộc lớp nhà thơ trẻ hiện nay, cùng thời với Chiêu Anh Nguyễn, Khương Hà, Nguyễn Hoàng Anh Thư, Đoàn Minh Châu… C
Cô tốt nghiệp Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Hiện đang sống ở Sài Gòn, là phóng viên – biên tập viên tự do. Sơn Ý được nhiều nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ trẻ yêu mến.
Nhà phê bình Nguyễn Đức Tùng nhận xét: “Đề tài trong thơ Trần Lê Sơn Ý hầu hết là các chi tiết thường ngày, những mối quan hệ gần gũi, khung cảnh thường gặp, nhưng ngôn ngữ thơ của chị không dừng lại ở cái trung bình, mà vượt lên, mở ra những cánh cửa. Các nhân vật trong thơ chị hiện diện đâu đó, sẵn sàng biến mất khỏi tầm nhìn của chúng ta, rồi đột ngột quay trở lại. Thế hệ trẻ không ngoái nhìn, họ chăm chú hướng vào hiện tại nhiều hơn, nhưng những chấn thương văn hóa của dân tộc vẫn có mặt đây đó trong thơ hôm nay”.
Sau đây xin trích giới thiệu vài bài thơ của Sơn Ý. SAO KHUÊ
hẹn nhau một nụ cười
Giữa những làn xe
Ào ạt
Nụ cười không dừng lại mà trôi
Người đi xuôi ngược
Hẹn nhau một cái gật đầu
Mỗi lần đi ngang ô cửa
Bao giờ cũng tưởng tượng
Hoa tầm xuân giăng biếc góc đường
Hẹn nhau một cơn mưa xuân
Chiếc dù đỏ chói chang chặn bao lời bất tận
Bài hát đành là giai điệu nằm yên
Đợi
hẹn nhau một điều không thể
Hôm qua, hôm nay
Terrasse và tôi chiều từ ban mai
Nụ cười thành đoá hoa bất thần
Nở giữa đi về dào dạt
Tôi cắm trong bình
tôi
Ngày mai
Mùa còn đến kịp
xuân lễ chùa
20 tuổi đứng trước Ngài tôi chỉ thấy lòng mình mạnh mẽ
Bồ tát từ bi cho con ra đi chân cứng đá mềm
Tuổi 20, nhìn quanh mà chẳng thấy ai
Chỉ thấy riêng mình ước vọng
Ba mươi tuổi, ra đi và trở lại. Đứng trước Ngài, cúi đầu xin
cho con cầu được yêu thương
Yêu thương
Bốn mươi
Lễ chùa, không còn réo rắt “em lễ chùa này”
tôi quỳ chiêm bái gương mặt từ bi. Lẽ ra phải khẩn cầu an lạc
Lạ thay tôi chỉ nghe tiếng nam mô, bồ tát từ bi xin cho con
lòng nhẫn nại…
Vô bờ
mưa tháng mười hai
Cuối năm
Cảm giác như chút năng lượng cuối cùng vừa bỏ mình ra đi
Bộ xương đang nằm kia
Nụ cười khô héo đang mở ra
Hai cánh tay – hai cành cây vừa rụng xuống từ cơn mưa tháng 12 lạ lùng
Sự chuyển dịch, cũng lạ lùng
Hai bàn chân chạm đất lạnh giá
Rõ ràng hai bàn chân chạm đất
Sao mình cứ lơ mơ như thể đang lướt qua nơi này
Không phải là mình
một cái bóng suy sụp
Một thể xác kiệt cùng đang trôi chầm chậm về phía chân trời
Sài Gòn tháng mười hai ốm nặng
Rời rạc một tiếng gà trưa
xa xăm một tiếng gió lùa
lao xao một lời nhắc nhẹ
Tỉnh giấc
Tỉnh giấc và lắng nghe xem hơi thở có còn ở chỗ bạn không
Mình nghe thấy đôi bàn tay gầy đập cửa: có còn ở đó không
Im tuyệt nhiên
Không còn những giấc mơ đến rồi đi
Không còn tiếng cười/ tiếng khóc
Người đến rồi đi
Làn hương khuya như tiếng thầm thì
Mình bỏ mình ra đi
Tháng 12 lạnh giá
Có bao giờ Sài Gòn mưa vào tháng 12 đâu?
Ở bất cứ nơi nào em cũng nghe thấy tiếng mưa
Bất cứ thời khắc nào của ngày-đêm và những khi
giật mình giữa một giấc ngủ
Em cũng thấy mái tóc mình sũng ướt
Những giọt long tong
Đôi khi em chắc lắm những điều mình nghi ngại
Thò đầu ra ngoài ô cửa
Rõ ràng là nắng chói chang
Và rồi
Em vẫn nghe thấy tiếng mưa
Em vẫn nhắm mắt
Dò dẫm ra ngoài ban công
Xoè bàn tay chờ đợi
Không một giọt nào rơi xuống
Em bắt đầu không tin cả đôi bàn tay
Bắt đầu nghi ngại
Hay mình nên học cách tin rằng, có những cơn mưa
ở mãi giữa lưng chừng không gian
Mưa sầm sập mưa ồn ào
Mưa rào rào, long tong, tí tách…
Bao nhiêu trạng thái đã được ghi nhận
Chiều nay em vừa gặp một cơn mưa có phần bát nháo
cứ hấp háy trong đầu em
Bất cứ khi nào em thấy mình vừa tách khỏi chúng
bắt đầu ao ước nắng
Lại thấy mình nhung nhớ mù sương, mơ màng bão rớt
Bao nhiêu hiện tượng thời tiết đang diễn ra giữa thời gian em sống
Bao nhiêu điều lạ lùng đang diễn ra giữa thời gian em đang sống
Có gì lạ đâu
Nếu có thêm một tiếng mưa trong đầu sáng trưa chiều tối
văn phòng, đường phố, công viên, nghĩa trang, giường ngủ, thiên đường…
Cuối cùng em là mưa
Hay mưa là em
Anh là em hay em là anh
Hay ta là nhau
Hay đất là trời
Hay sông là suối
Đen là trắng hay trắng là đen
Người da đỏ là người da vàng hay người da vàng là người da đỏ
Có gì lạ đâu
Nơi nào em lại chẳng là mưa
Nơi nào những giọt li ti trong em không ngừng rỉ xuống
Nơi nào em chẳng hoang mang
Nơi nào em không tra vấn:
Em là ai mà nghe thấy tiếng mưa
Em là em, hay em là mưa
TLSY – 30.3.2012