Trần Hữu Dũng sinh năm 1956, quê tại Tiền Giang, hiện sống ở Sài Gòn.

Độc giả Trang Thơ này và trang Tài Liệu Văn Học đã có lần gặp Dũng. Anh có một thời trẻ sinh hoạt trong không khí văn học Miền Nam với những tờ báo Văn, Thời Tập… Miền Nam sụp đổ cũng là khi tài năng của Trần Hữu Dũng trải qua những cuộc lột xác đau đớn. Anh nhìn thấy sự tàn rụng của Mùa Xuân cũng như nếm trải vị đắng của đổ vỡ trong đó những giá trị nhân văn bị bóp chết, nỗi bi hận của con người vang dội.

Sau đây là một vài bài thơ của Dũng viết cho quê hương đọa đày. SAO KHUÊ

tran-huu-dung

Trang bản thảo

Một nhà văn lưu vong

Bị cấm quay về trú xứ

Ðôi lúc nằm mơ

Thấy ô cửa nhà sáng đèn

Trang bản thảo lặng im

Nằm đó đợi chờ.

Kẻ phản bội

Tiếng vĩ cầm chẹn ngang hơi thở, nhà hát giao hưởng rùng mình

Hồi trống nện tiếng kêu oan thấu trời xanh

 

Bên kia cánh đồng, bầy cò trắng lạc loài

Tôi và em cháy rụi trong nắng lửa tháng 4. Có ai thêu dệt…

 

Tôi nhớ Rimbaud và mùa địa ngục

Tay làm thơ thấu thị, kẻ lái súng tráo trở. Có ai ngờ…

 

Vị tướng đặc công cố thủ. Ai vào tao bắn…

Rằm tháng 7, dân đen và đám cô hồn nhốn nháo khóc than

 

Tái hiện giấc mơ văn minh đô thị. Tái hiện nhà bảo tàng tội ác

Những họng súng vô hình bắn vào cuộc sống triền miên.

Có ai tin…

 

Ðây là điệu múa tế lễ của thời hồng hoang.

Những bóng ma bay lượn

Ðây là cánh cửa hư vô thăm thẳm cho xứ sở người mù…

Cơn bão quét ngang thành phố

Xem thêm:   Thơ Thắp Tạ

Nằm rã rời chờ cơn bão quét ngang thành phố

Hốt nhiên bầy chim vườn nháo nhác kêu vang

Hệt như trải qua nhiều kiếp đời dài hun hút

Giữa vây bủa siêu hình nhà nhà, đường phố ngả nghiêng

 

Thời kẻ tiên tri câm lặng với số mệnh chính mình

Ðám chính khách õng ẹo ba hoa về cải cách thần kỳ

Viễn du vào thế giới cực lạc mơ hồ thần thánh

Chép miệng anh xe ôm bảo: Hoạ, phúc khó lường

 

Rimbaud thốt lên: Ðây là thời những kẻ giết người

Phe nhóm thanh toán nhau, nhiễu nhương, hỗn loạn

Mặc xác lũ tình nhân điên cuồng nhảy múa trên cao ốc

Mặc kệ tiếng còi cảnh báo diệt vong vang rền nhức buốt

 

Lũ bạn say xỉn lè nhè: Ðây là thời dạ vũ hóa trang

Sau hào nhoáng thiên thần hiện hình bọn ác nhân giả trá

Ðâu là câu trả lời cho cho vong linh đất nước

Ðâu là nỗi thống khổ con người bị tước đi khuôn mặt thật.

Nghe nhạc boléro trên chuyến xe đò

Ðiệu nhạc boléro vàng vọt, dấm dứ, buồn tênh

“Trông thói đời, cười ra nước mắt…” [*]

Lâu rồi nghe ở bến phà chiều lay lắt

Gã ăn xin gảy guitar thùng bám theo xe đò, cất tiếng hát

Tâm trạng đổi mầu theo thế cuộc vần xoay

Trộn vào tiếng rao hàng, câu chửi thề, lời cầu khẩn

Bản phối âm mê hoặc, đớn đau

Ðiệu nhạc ấy chết đi / sống lại trong hồn đầy nghi ngại

Bám chặt thớ đất miền Tây giống hệt câu phù chú / lời nguyền.

 

[*]Một câu trong bài hát “Thói đời” của Trúc Phương.

Xem thêm:   Ngu Yên

Giã từ

tặng Phạm Thiên Văn

Sáng sớm ngồi uống cà-phê khi cơn bão quét ngang thành phố

Cây sao trước cửa gãy cành trơ trụi, con sóc quen trốn biệt

Và im lặng hụt hẫng trước những dự báo bất an

 

Mỗi ngày làm đám tang chính mình

Ngọn lửa đưa tiễn nào nhảy múa trong tâm thức

Sự nguyền rủa bắt đầu nhức nhối

Ðủ mệt lử cho linh hồn trống rỗng

Ðủ kiệt sức cho niềm hoang tưởng lấp lánh

 

Rồi cuộc sống tiếp diễn /

mây vờn ôm ấp núi

Bạn lên đường chọn cuộc lữ hành

sống chết nơi đâu?

Khúc tang ca

1.

Ước cạn chén rượu nồng

Gió xoay vòng quanh tôi

2.

Ðêm Thủ Thiêm lạnh buốt

Dế rỉ rả tang ca

Dân đen ôm mặt khóc

3.

Mặt trời đổ sụp

Xuống sông Sài Gòn

Rựng bầm ánh đỏ

Thành phố biến mất

Không ai hay biết