Tác giả Trần Hạ Vi tên thật là Nguyễn Yến Ngọc, sinh và lớn lên ở An Giang, Việt Nam. Cô học 3 bậc học ở Melbourne, Úc trong 12 năm sống ở Úc; nhận học bổng toàn phần Chính phủ Úc (đại học, cao học) và học bổng Trường Monash (tiến sĩ ngành tài chính). Hạ Vi sống và làm việc tại Canada từ năm 2015, hiện giảng dạy tại Đại học Saint Francis Xavier (StFX), thuộc Nova Scotia, Canada.

Thơ Trần Hạ Vi được đăng tải nhiều trên các báo, tạp chí, diễn đàn văn chương trong và ngoài nước. Các tác phẩm đã xuất bản gồm: Lật tung miền ký ức (thơ), Vi (thơ). Thơ Vi có những bài nói tới niềm đau khi mất Sài Gòn. Còn phần lớn là thơ về Tình yêu. Theo Hoàng Đăng Khoa, không gian thơ Trần Hạ Vi, như một lẽ thường tình là “có những vết thương vô danh/ và những vết thương có tên gọi”, nhưng đáng chú ý là tràn ngập hoan ca tình yêu. Cô “cảm ơn vũ trụ bao dung”, cảm ơn mạng internet đã san phẳng thế giới, để bản thân không ngừng được kết nối tương giao. “Yêu nhau trên những vần thơ/ làm tình cùng chữ”. Thơ do vậy là “những cái hôn sâu/ như bản năng cuộc sống”. Sau đây là vài bài tiêu biểu. SAO KHUÊ

những bài thơ

trong đầu

 

Những bài thơ vang vang trong đầu

Em biết anh nghĩ về em

Trong quầng sáng dìu dịu bóng ngày sắp tắt

Bờ biển phía Tây. Gió cuộn.

Em, cô gái Đông Nam sợ sóng sợ gió sợ nước

Không biết trượt băng hay trượt tuyết

Té nhào vào trái tim anh. Một lần, hai lần. Nằm im bất động.

Rồi biến mất.

Âm hưởng bài thơ du dương vang vọng

Ngọn đèn vàng căn phòng ăn

Chậu xương rồng nhỏ Alexandria

Hy vọng. Cháy bừng. Thất vọng. Tàn tro. Lại bừng lên. Chỉ có thể là nỗi nhớ.

Chúng ta đã không còn hỏi tại sao

Chúng ta đã không buồn đeo khẩu trang hay mặt nạ

Lớp da. Lớp giả da. Răng va vào răng. Xương va vào xương. Linh hồn em va vào anh. Ấm nóng. Lạnh toát. Nỗi sợ. Nỗi bất an.

Khi già đi anh dễ mủi lòng hơn

Năn nỉ em. Bây giờ anh chẳng có gì. Chẳng thể giữ em. Chỉ có thể ngồi chờ và mong đợi. Như đợi COVID qua đi. Và em sẽ hết giận.

Ngày mai trời sẽ sáng. Chúng ta sẽ đi ra rừng. Hái cỏ tranh. Tết vòng hoa. Hai mươi ba bông hoa.

Chiếc máy cắt cỏ già nua hát một bài rầu rĩ.

Em đừng đi. Anh tìm, túi trước, túi sau, trong ba lô. Không còn kẹo bạc hà. Chỉ còn một trái cam, tròn như mặt trời. Sáng như mặt trời.

Chúng ta chia tay. Những bài thơ vang vang.

Dìu dịu. Chúng ta chia tay.

 

Xem thêm:   Xuyên Trà

em và Sài Gòn

 

Em là Sài Gòn của anh tự nghìn xưa

It hurts me here

Đau lắm

Hoa lệ của một thời tự do tươi thắm

Nền văn học khai phóng nhân bản miền Nam

Những Nhã Ca, Túy Hồng, Trùng Dương, Thụy Vũ, Nguyễn Thị Hoàng

Em đeo chiếc khẩu trang năm 2024

Đến ngồi cạnh và nắm lấy tay anh

Uống cùng anh ly cà phê pha bột bắp

Người ta chê cà phê dở

Tiếng em cười lanh lảnh pha lê

Sài Gòn hồn nhiên mở lối đón những người con đi xa trở về

Em hồn nhiên nhớ nhung giận dỗi rồi hăm dọa

Và gọi đó là tình yêu

Tình yêu ở đây trong ngực trái của anh

Sài Gòn trở mình hàng me xanh thẫm

Một chiều mái tóc em bay bay

Cô gái có nụ cười tỏa nắng

Tình yêu càng sâu đậm

Có phải sẽ càng đau đớn nhiều hơn

Nắng Sài Gòn vương hương

 

người Mỹ đã bỏ Sài Gòn

 

Bốn mươi sáu năm về trước

Chiếc áo đỏ trên đường băng

Phủ tấm thân xám lạnh

Em đã chết trên đường chạy trốn

Khỏi xứ sở quê hương mình

Nằm giữa con đường tơ lụa cuộc chiến chinh

Em đã không còn có thể khóc

Không còn nghe sa mạc hun cát nóng

Phỏng đôi bàn chân

Sẽ chẳng có biển Đông trào sóng nhấn chìm thuyền

Chỉ có những con đường máu mòn gót chân gai sắc

em đi

em đi

về đâu

về đâu

Tấm vải đỏ phủ cặp mắt nâu

Mấy mươi triệu phụ nữ rùng rùng che mặt

Hai mươi năm tự do

Hai mươi năm dân chủ

đã qua

đã qua

Anh khóc bằng cặp mắt em hôm qua

Trên mái đầu những đứa con đã chết

Những đứa con Afghanistan

Nửa triệu nắm xương tàn

Thống khổ