Nhà thơ Phù Hư tên thật là Nguyễn Đắc Ngân. Trước 75, Phù Hư ở trong quân đội VNCH. Thơ Phù Hư xuất hiện trên một số báo và tạp chí ở Sài Gòn.Đặc biệt là anh xuất hiện trên tạp chí Văn với bài thơ Ngậm Thẻ Qua Sông có phong cách lạ – nói đúng hơn là một bài hành được nhiều người yêu thích. Với Phù Hư, cuộc đời là một “Quân bộ khúc” như một bài thơ của Phù Hư, là một cuộc hành quân triền miên thầm lặng băng qua những vùng “lãnh khí”, nhiều khi nó không là gì hết trong cái cõi đời sát phạt tử sinh phù du trắc ẩn. Sau 30/4/75, Phù Hư cũng như nhiều người, trở lại làm “phó thường dân”, mưu sinh từng ngày trên những vỉa hè góc phố. Sau đây là một hai bài thơ của Phù Hư thời làm lính Sài Gòn trước 1975.

SAO KHUÊ

đồn sơn yểm

(trích)

 

đóng núi đồn xa đoàn pháo yểm

quanh năm ngủ miết với chân mây

nhìn sâu xuống vực nham hiểm đá

thù rừng cành trút lá mặc cây

 

vào thu rồi đó đèo xao xác

thung lũng vàng khô ẩn bóng nhà

suối chia mương nhỏ gie ống nứa

chuối mùa lốm đốm lá trổ hoa

suối len khe đá âm mưu chảy

đồn đóng binh ròng trận mạc xa

 

khói mỏng lên chiều thưa chiếc chim

đèo cao hút bóng mỏi mắt nhìn

gió mớn cho đông về thoáng lạnh

trông gần thương nhỏ dáng người em

 

âm thầm đêm tối gào giữ giặc

nhanh đạn chuyền tay chống tuyến đầu

gió núi rên oằn băng tiếng pháo

mây tan đường trái phá qua sâu

 

sơn yểm đỉnh cao muốn chống trời!

binh sĩ nhàn cư quẩn quanh thôi

cỏ không chừa lối đường xuống núi

rượu hết từ khuya vắng tiếng người

đêm lính trú buồn hâm bếp lửa

nhìn nhau kể chuyện vãn cười chơi

tay hơ than khói khô da thịt

thuốc đốt từng khoanh giấu mặt người

 

chinh chiến đầu non chinh chiến trận

ì ùng âm pháo dội quanh năm

xóm cũ chừ em lo chạy loạn

cha già xưa nhúm mộ bỏ bên đồng

Xem thêm:   Thiên lý độc hành

1972

 

ngậm thẻ qua sông

 

thơm lửa hương khoai tiếng hát rừng

ven thôn vừa ghé buổi di quân

khói mẹ sau lều cơm chín tới

nước em chè lá đậm phèn sông

 

tôi đời trận mạc xa quê quán

buổi ghé nương em núp bóng nhà

em nhớ thương chồng đóng đồn ải xa

lâu tin vắng trông mòn đường xóm

 

tôi ở quá bên hông nhà gió sớm

đợi dùm em tin chinh chiến gởi về

đêm nay mưa em mất ngủ khuya

tôi lạnh gió tin địch về vẫn thức

làng em ở gió lào qua rất độc

ngày mưa mùa khuất núi mù sông

mẹ già mong một mụn cháu đầu lòng

em nhắn gởi bao lần tin vẫn biệt

rụng vườn em trăng sương ngày tháng chạp

tôi gác đêm như bóng người rình

 

tối nay đạn nổ nhẹ mạn sông

sương mỏng quá nhìn hoa ngàn con mắt

tôi giữa đêm nghe mình như thất lạc

thương xóm nhà biết nổ đạn vào đâu

đồng đội tôi ngủ mệt thôn sâu

ngại làm động mẹ ho vừa chợp mắt

tôi nương bóng nhà trăng che khuất

ngồi co mình cho bóng bớt riêng tôi

nhìn xa trăng định trốn sau đồi

sông tiếng vạc dặm buồn như tiếng cú

thức có khua mới nghe hồn bớt ngủ

mới hay trăng tháng chạp úa quanh đời

nghe em thở não mãi không thôi

em thở đó hay gió kêu mùa giá

nhà em ở miệt đông xóm hạ

bên triền sông không bến phải vắng thuyền

đầu trăng con nước rất vô duyên

lên mấp mé vườn em vai phơi áo

em rất nhỏ ngày trông vào gánh gạo

mẹ thì già vồn cải với nương rau

bước sau hiên vui mẹ dây trầu

mùa tốt lá xanh hồn tôi mới ghé

buổi mới đến cau cao vừa nhú bẹ

em thẹn thùa tôi tưởng thuở bình yên

tôi đâu hay em có nỗi hờn riêng

trông chinh chiến gọi hồn chồng theo gió

một tháng tròn ngỡ như ngày thuở nhỏ

 

em là em mẹ là mẹ xưa

tôi lêu nghêu lúc đi sớm về trưa

cơm nửa buổi giữa khuya kêu bụng đói

nhà thưa quạnh tôi gượng vui chẳng nổi

mẹ thẫn thờ em heo bóng trong sân

 

tôi trận mạc nhầu không kể đến thân

sương nhiều lắm trời không che nằm đất

em vẫn bảo tôi mái tranh không chật

tôi cười xòa xó xỉnh miết đâm quen

 

tròn tháng rồi đấy nhớ không em

hôm từ biệt quanh thôn nhà cửa khép

lúc quân đi chắc em không hề biết

đội tôi ngùi ngùi ngậm thẻ qua sông

còn tôi co ro lạnh mãi gió đông

một lần cuối nhìn nhà em đóng kín

tin chồng em chắc chưa về đến bến

như tin tôi mấy thuở gởi thăm nhà

cũng mấy năm rồi biền biệt phương xa

em còn nhớ một lần tôi ghé ở

thơm lửa hương khoai vùi bếp cũ

hồn em xa lắm cũng quanh đây

1972

Xem thêm:   Thơ bằng hữu