Phạm Ngọc Lư ra đi như vậy là đã 4 năm. Anh mất ngày 26 tháng 5. 2017 ở Đà Nẵng. Xác thân về nằm lại ở một làng chài bên Phá Tam Giang, Thừa Thiên-Huế là nơi Lư chào đời và lớn lên. Mong Lư còn nghe tiếng sóng vỗ bên trời để nhớ lại những ngày ấu thơ.

Phạm Ngọc Lư tốt nghiệp ban Hán văn, đại học Văn khoa Huế, dạy học tại Tuy Hòa. Làm thơ hay và nổi tiếng từ trước 1975. Bài thơ nhiều người biết nhất là “Biên cương hành” viết năm 1972, đăng đầu tiên trên Văn. Nhà văn Đỗ Hồng Ngọc từng nhận định về thơ Lư: Giọng thơ hào sảng, bi hùng rất được nhiều bạn đọc, thanh niên và lính tráng ưa thích… Sau 1975, Lư về ngụ cư Đà Nẵng. Anh vẫn làm nhiều bài thơ hay về thân phận, bè bạn, quê hương. Sau đây Trang Thơ xin gởi đến độc giả một vài bài thơ đặc sắc của Phạm Ngọc Lư.

SAO KHUÊ

cố lý hành

 

Chiều chết đuối trên sông ngờm ngợp

Nước đua chen đớp bọt nắng tàn

Ðò qua sông đìu hiu bến đợi

Buồn rút lên bờ cây khai quang

Mây đổ xù lông như chó ốm

Trời bôi nhòe mặt ngóng đêm sang

Thôn ổ tiêu sơ gầy khói bếp

Ðồng không mốc thếch lạnh tro tàn

 

Có biết ta về không cố lý?

Mười năm chưa lạ mặt xóm làng

Sao phên giậu nghiêng đầu câm nín

Rơm rạ làm thinh chẳng hỏi han

Cổng khép rào vây vườn cỏ dại

Tường xiêu mái rách bóng nhà hoang

Ngõ vắng bàn chân như hụt đất

Tre già đang kể chuyện chôn măng

Nương rẫy đang phơi lòng dâu bể

Nói làm sao hết nỗi bàng hoàng?

Khóc làm sao vừa lòng cố lý?

Phải đây là cố lý ta chăng?

Ðâu bóng mẹ già sau khung cửa

Và những người em mặt trái xoan

Ðâu bóng chị hiền như hoa cỏ

Bên luống cà xanh liếp cải vàng!

 

Ðất đá thở ra mùi u uất

Bốn bề hun hút rợn màu tang

Ai chết quanh đây mà cú rúc

Mà cơn gió lạnh réo hồn oan

Ai trong muôn dặm không về nữa

Cố lý mười năm mộng bẽ bàng

Cố lý mười năm ngày trở lại

Như ngày Lưu Nguyễn xuống trần gian!

Giai phẩm VĂN 2/5/1973

Xem thêm:   Phan Xuân Sinh

thâu đêm trằn trọc nghe mưa

 

Chưa mùa mưa trời bỗng mưa mau

Mái nghiêng gác lệch mưa rêm đầu

Nghe lòng chăn chiếu ê chề quá

Hơi hướm giang hồ chẳng ấm nhau

Cứ gom tâm sự nằm nhai lại

Tâm sự một đời ôi bể dâu

Năm năm mười năm không là mấy

Góp lại không đầy một đêm thâu

Ðêm thâu nghe mưa rơi trằn trọc

Ði mòn chí mỏi biết về đâu?

Bao khách xa nhà trong thiên hạ

Ðêm mưa thanh khí chẳng tương cầu

Cứ nghe mưa héo mòn trời đất

Tê buốt lòng ngàn mũi kim khâu

Chưa mùa mưa sao mưa rười rượi

Không chừng trời ốm khiến mưa đau

Chiếu chăn meo mốc chua mùi mộng

Mộng sớm mộng khuya chớm bạc màu

Nhốn  nháo sinh linh thời nhiễu loạn

Lều bều thân thế lộn vàng thau

Năm nổi tháng chìm ngày mắc cạn

Ðêm mưa lòng nghẽn nước đục ngầu

Nằm suông thức trắng nghe mưa giọt

Sáng dậy ngu ngơ: tóc bạc đầu!

1973

biên cương hành

(trích đon)

 

Biên cương biên cương chào biên cương

Chào núi cao rừng thẳm nhiễu nhương

Máu đã nuôi rừng xanh xanh ngắt

Núi chập chùng như dãy mồ chôn

Gớm, gió Lào tanh mùi đất chết

Thổi lấp rừng già bạt núi non

Mùa khô tới theo chân thù địch

Ta về theo cho rậm chiến trường

Chiến trường ném binh như vãi đậu

Ðoàn quân ma bay khắp bốn phương

Lớp lớp chồm lên đè bẹp núi

Núi mang cao đim ngút oan hờn

Ðá mang dáng dấp hình chinh phụ

Trơ vơ chóp núi đứng bồng con

Khu chiến ngày tràn lan lửa dậy

Ðá Vọng Phu mọc khắp biên cương

Biên cương biên cương đi biền biệt

Chưa hết thanh xuân đã cùng đường

Trông núi có khi lầm bóng vợ

Ôm đá mà mơ chuyện yêu đương

Thôi em, sá chi ta mà đợi

Sá chi hạt cát giữa sa trường

Sa trường anh hùng còn vùi dập

Há rằng ta biết hẹn gì hơn?

 

Ðây biên cương, ghê thay biên cương!

Núi tiếp rừng, rừng tiếp khe truông

Hãi hùng chưa trời hoang mây rậm

Mùa mưa về báo hiệu tai ương

Quân len lỏi dưới tàn lá dữ

Lá xôn xao xanh mặt hoảng hồn

Sát khí đằng đằng rừng dựng tóc

Ma thiêng còn ngán lũ cô hồn

Cô hồn một lũ nơi quan tái

Có khi đã hoá thành thú muông