Lâm Hảo Dũng quê ở Sóc Trăng. Thuở nhỏ theo học tại trường Hoàng Diệu Ba Xuyên và trường trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ. Năm 1968 ông gia nhập quân đội Việt Nam Cộng Hòa, thuộc đơn vị pháo binh trấn đóng vùng Tam Biên.

Có thơ đăng trên các tạp chí văn nghệ Sài Gòn: Văn, Khởi Hành, Nghệ Thuật trước năm 1975.

Những bài thơ về chiến tranh, người lính, quê hương của Lâm Hảo Dũng rất được yêu mến

Sau năm 1975 ông bị chính quyền Cộng sản bắt tập trung cải tạo. Năm 1980 Lâm Hảo Dũng vượt biên, sang định cư tại Canada.

Tác phẩm đã xuất bản: Ngày đi thương sợi khói bên nhà, Hoa Kỳ, 1985. Tóc em dài em cài bông hoa lý, Canada, 1989.

Sắp đến ngày 30 tháng 4, chúng tôi xin đăng lại một vài bài thơ của Lâm Hảo Dũng để tưởng nhớ một thời chiến trận bi hùng trên đất nước ta. SAO KHUÊ

bên đồi chư pao

 

Súng dội trời trai thôi cũng nản

Chiến chinh không thấy một ngày mai

Những bông hoa dại buồn trong gió

Như khóc than thời chôn xác trai

 

Chư Pao ngỡ chết trong lòng địch

Vẫn có ngày vui dù mong manh

Những chiến binh ngồi nghe đạn réo

Pháo gầm bom nổ rát trời xanh

 

Chư Pao một dãy mồ chôn xác

Những chiến binh dầu đêm cuối thu

Ai muốn qua vùng Tân Phú ngắm

Những hầm than máu chảy về đâu?

 

Chư Pao ai oán hờn trong gió

Mỗi chiếc khăn tăng một tấc đường

Những mồ hôi đổ tan thành đá

Tan nát lòng ta khách viễn phương

 

Xem thêm:   Thơ từ những nơi xa

ngày trở lại bồng sơn

 

Dễ có một ngày ta trở lại

Bồng Sơn xa quá cuối trời xa

Mấy cụm nhà hoang trơ mái xám

Chân đèo Phù Củ nhận không ra

 

Ta đứng bên cầu xe lửa cũ

Quê em còn cách một dòng sông

Nhớ đêm máu chảy người quên khóc

Em có u buồn trong mắt trong?

 

Ðã mất rồi quận lỵ Hoài Nhơn

Ðời đi lính trận cỏ xanh hồn

Là khi theo gió về trên núi

Còn gởi sương chiều mộng cuối thôn

Em cắn giùm ta những quả sim

Như ngày đói khát lúc hành quân

Ðã cho ta biết hoài chân lý

Chẳng có thanh bình ở Việt Nam

 

hồn lính chiến

 

Chiều buồn quá thôi mình đi uống rượu

Nếu không khí vui cũng đủ lãng quên đời

Những ghế ngồi của dăm thằng lãng tử

Cũng nồng đưa mùi rượu thuốc ô môi

 

Ta sẽ uống khề khà như đạo sĩ

Ðứng nghinh trời mà xem cuộc trăm năm

Hay khảng khái ngang tàng như kiếm sĩ

Vung đường gươm chặt đứt mảnh sao băng

 

Có ai biết trong những hồn lính chiến

Nỗi ngông nghênh bén nhạy rất con người

Chiều đi trốn trên những hàn điện mắc

Vẫn thèm say quên vũ trụ càn khôn

 

Khi kẻ địch đòi đấu tranh giai cấp

Ðòi dâng hoa xưng tặng những anh hùng

Ta chiến đấu vì yêu từng tấc đất

Giữ màu xanh cây cỏ khỏi tô hồng.

 

ngày xưa ở kontum

 

Thành phố buồn run nóc giáo đường

Chiều qua Phương Quý nắng vương chân

Một mùa đông nữa trên miền núi

Tôi thấy lòng cay nhớ cố hương

Dòng Dakbla kia vẫn chảy thầm

Ngược, xuôi đành hỏi gái Kontum

Trăm năm em vẫn quỳ bên Chúa

Như hổ gầm vang điệu nhớ rừng

Sương mỏng nhưng nghe đằm thắm lạnh

Ai lên Trung Nghĩa ghé Pơ Krong

Ðẹp thay vào những đêm trăng tỏ

Mẹ trước sân nhà dệt ước mong

Konhơring có nằm say ngủ

Như giữa làng quê với phố phường

Như ở Dakto nhìn khói đục

Buôn làng hiu hắt mấy hàng thông

Thời chiến người đi đến những đâu

Ðá khô chân núi, cát sông sâu

Mấy mươi năm vẫn chưa lành hẳn

Vết cắn em còn rõ máu đau..

 

khi ở trung đoàn 42

 

vẫn thấy đồng không đùn nấm mộ

cỏ xanh ai phủ dưới chân đồi

dakto xa quá nhìn không thấy

như có gì cay ở mắt tôi

 

cố vui hát một bài ca cũ

giọng cũng khan mòn tay cũng run

chắc mai ồ nhỉ – ngày mai nhỉ?

ta với sương ngàn với gió trăng…

 

ta vẫn thênh thang đùa với rượu

uống đi ta sẽ có quê nhà

uống đi chiến thắng vang lừng lắm

ta uống dường như để tiễn ta

Lâm Hảo Dũng