Lời tòa soạn: Với những người con hiếu thảo thì mỗi ngày trong năm đều nghĩ đến mẹ. Đặc biệt Lễ Vu Lan là mùa báo hiếu sắp đến… Dương Như-Nguyện viết về mẹ mình, Bà Nguyễn Thị Từ Nguyên, nguyên giáo sư Việt Văn, trường Trần Quý Cáp Hội An và Đồng Khánh Huế. 

Trẻ sẽ giới thiệu Dương Như Nguyện qua thơ văn của cô, một người tị nạn thành công rất sớm trong học vấn lẫn văn chương.

Kỳ 1:  THƠ CHO MẸ – LỄ VU LAN

Khóc mẹ

“Nụ hướng dương bất tử, ươm mầm, đến từ trái tim sáng ngời của mẹ tôi, nở trên những ngón chân yếu đuối, những ngón tay gầy guộc, mi mắt và khóe môi nhăn nheo, trên lồng ngực mỏng manh như tờ giấy của bà. Nụ hướng dương sẽ chẳng bao giờ tàn … cánh nở tung, rồi sẽ khép, quay về, lại bắt đầu ươm nụ, và bất tử, ở khởi điểm bắt đầu hay cứu cánh cuối cùng, tất cả trở thành một vòng tròn như luân hồi của đạo Phật, như dải ngân hà vòng quanh mặt đất bao bọc con đường đi…”.


Tên thật Dương Như-Nguyện (DNN).

Bút hiệu khác: Uyển Nicole Dương, Nhung-Uyên

Sinh ở Hội-An, Trung-Việt.

Thời thơ ấu ở Huế và Sàigòn.

Giải Danh dự Văn chương Phụ nữ Toàn quốc vào lễ Hai Bà Trưng 1975, là người cuối cùng đoạt giải văn chương VNCH.

Theo học trường Kịch Nghệ Hoa Kỳ, Nữu Ước và California (American Academy of Dramatic Arts).

Xem thêm:   Thiên lý độc hành

Cử Nhân Báo Chí Truyền Thông (Nam Illinois); Tiến sĩ Luật (Houston); Thạc sĩ Luật (Harvard).

Là Thẩm phán gốc Việt đầu tiên ở Hoa Kỳ.

Sáng tác song ngữ Việt, Anh.

Tác phẩm đã xuất bản:

– Mùi Hương Quế (tập truyện, Văn Nghệ, 1999)

– Chín Chữ Của Nàng (Văn Mới, 2005)

– Daughters of the River Huong, (tiểu thuyết, viết bằng Anh ngữ, RavensYard Publishing, Ltd., 2005), ấn bản thứ hai 2011 (Amazon Encore/Lake Union); Mimi and Her Mirror và Postcards from Nam (Amazon Encore/Lake Union 2011), giải thưởng Văn học Quốc tế về tiểu thuyết đa văn hoá (2011 International Book Award multicultural fiction); bản dịch “Con Gái Của Sông Hương” (dịch giả Linh Chan Brown); bản dịch “Bưu Thiếp Của Nam” (dịch giả Đoàn Quách Thanh Tâm).

Nhiều tác phẩm nghị luận và các chương trong sách giáo khoa Anh Ngữ do các đại học Luật và Luật Sư Đoàn Texas xuất bản.


 

Ngày xưa …

 

Mẹ tôi diễm lệ áo hoa cà

Nụ cười nhân ái của quỳnh hoa

Mẹ thơm mùi phấn ngày xuân chín

Mái tóc đen tuyền không điểm pha

Dương Như Nguyện nhậm chức thẩm phán thành phố Houston, năm 1992, tuổi 32, với sự có mặt của hai bậc sinh thành, GS-TS Dương Đức Nhự và GS Nguyễn Thị Từ Nguyên

Cuộc đời…

 

Lúc bước chân đi, mẹ khóc hoài

Tôi là con gái, cũng buồn lây

Khi tôi khôn lớn, rồi xa cách

Ðời cuốn tôi theo, mẹ đắng cay

Xem thêm:   Thơ bằng hữu

Trong cảnh bi thương của cuộc đời

Tôi nhìn thấy mẹ mất niềm vui

Mẹ gánh lên vai muôn khó nhọc

Không biết bao giờ mới thảnh thơi

 

Bây giờ…

 

Năm tháng trôi qua, mẹ đã già

Không còn thơm phấn của quỳnh hoa

Lưng còng tay mỏi người run rẩy

Mái tóc phai màu, sương điểm pha

Ðời vẫn còn đây nỗi nhọc nhằn

Mẹ tôi vẫn khóc bởi người thân

Tôi mong sẽ sớm về bên mẹ

Ðể viết cho đời một chữ Nhân

Dương Như Nguyện, nữ sinh lớp 12C, trường nữ trung học Trưng Vương, nhận giải Danh Dự Văn Chương Phụ Nữ Toàn Quốc Lễ Hai Bà Trưng, tháng 3, 1975, từ Phu nhân Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, khoảng một tháng trước khi Saigon bị cưỡng chiếm.

Đoạn cuối…

 

Những ngày sum họp ngắn làm sao

Mà suối sinh ly đã ngút trào

Cớ chi, con tạo nhiều khe khắt

Ðể mẹ con mình chẳng có nhau?

Thế rồi tôi phải chít vầng khăn

Mẹ về nguyên thủy với mây ngàn

Trời ơi khi mẹ tôi nằm xuống

Tôi biết tìm đâu chỗ trú chân?

Thế mà tôi vẫn phải lên đường

Và gánh hành trang là khói sương

Mẹ dạy cho tôi từng mặt chữ

Tôi trút thành thơ, cuộc hý trường

Trời ơi mẹ đã thành thiên cổ

Tôi viết cho mình, ai xót thương???

Mẹ ơi, chân mẹ vào thiên cổ

Xin mẹ chờ con, ở cuối đường…

Xem thêm:   Thơ Tháng Tư

Copyrighted 2013-Dec 2, 2018-July 29, 2019

Thố Ty NN

Nữ sinh Dương Như Nguyện lĩnh giải thưởng  nữ sinh xuất sắc tại học đường Trưng Vương (1974). 

“Năm 1975, đang học 12C Trưng Vương, tôi đại diện lớp dự thi giải Danh Dự Văn Chương Phụ Nữ Toàn Quốc vào Lễ Hai Bà Trưng. Trước đó, bà Hiệu trưởng, Giám học và Tổng Giám Thị đã dẫn tôi đi thắp hương trước bàn thờ Hai Bà Trưng. Khi trúng giải, Tháng Ba năm 1975, tôi được trao Giải thưởng ở Vườn Tao Đàn cùng với nhiều phụ nữ xuất sắc khác, trong đó có các nữ quân nhân VNCH. Ngoài khánh vàng còn được quyền chọn học bổng du học trong 6 quốc gia…Nhưng chỉ một tháng sau thì gia đình tôi lên máy bay vận tải Mỹ di tản.

Giải văn chương phụ nữ ở Việt Nam: tôi cho đó là công trình và sự un đúc của mẹ tôi.Trong đời tôi, tất cả mọi thành quả đều là công lao của mẹ…

Ngày hôm nay, mẹ tôi trở thành biểu tượng, gạch nối giữa cái đẹp của văn hoá, văn học nguồn cội, với một thế giới siêu hình, mang đến cho tôi niềm tin, sức mạnh, trong lòng hướng thượng vô biên từ trái tim của bà.