Du Tử Lê là nhà thơ nổi tiếng, đã giã từ thi ca ra đi ngoài hai năm nay nhưng còn để lại nhiều dấu tích trên những trang viết. Sinh thời, nhà thơ có nhiều thân tình với bạn bè và đã viết nhiều bài cho bằng hữu văn thơ. Một trong những bài đó là dành cho Mai Thảo có tựa đề NHƯ ÔNG MÃI SỐNG TRONG KÝ ỨC ĐÁM ĐÔNG. Trang Thơ xin đăng lại nguyên văn bài thơ.

SAO KHUÊ

1.

đã lâu, không còn ai hăm hở hay vội vã,

bước lên căn phòng lầu hai

(sau này là căn phòng dưới chân cầu thang)

khu chung cư dành cho người già đường Bolsa,

sau lưng nhà hàng Song Long,

dù thực khách của nhà hàng này ngày một đông vui hơn.

trong số đó, cũng không thiếu gì những người đã từng

bước lên căn phòng, lầu hai.

nơi những bài thơ trong “Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Ðền”

được viết xuống.

đó cũng là nơi tác giả nắn nót từng địa chỉ độc giả dài hạn

tạp chí Văn hải ngoại.

dù Khánh Trường cũng như dăm ba người khác

đã tình nguyện thay ông lập danh sách bằng computer,

in ra mỗi đầu tháng!…

tôi không biết những độc giả dài hạn,

có nhận ra những dòng chữ viết tay đều đặn mỗi tháng,

là thủ bút của chủ nhiệm Văn: Mai Thảo,

sợi dây liên lạc thân ái,

đằm thắm nhất…

của đại diện văn chương miền Nam. lừng lẫy.

 

2.

Xem thêm:   Thơ bằng hữu

đã lâu, không còn ai hăm hở hay vội vã,

bước lên căn phòng lầu hai

(sau này là căn phòng dưới chân cầu thang)

khu chung cư dành cho người già đường Bolsa,

sau lưng nhà hàng Song Long

để gặp người đàn ông cao lênh khênh

đã bỏ lại nhân gian từ tháng Giêng, 1998.

dù sau đấy mỗi ngày

chủ nhiệm nhật báo Người Việt Ðỗ Ngọc Yến,

vẫn ngang qua góc phố ấy,

có muốn ghé lại, bước lên lầu hai,

tường trình vắn tắt tin Việt Nam / thế giới

cho nhà văn nghe.

thì cũng bất khả!!!

ông ta đã đi xa. quá xa. lâu rồi.

những người bạn một thời quê nhà với ông

Như Nguyên Sa, Nghiêm Xuân Hồng, Nguyễn Sỹ Tế, Lê Trọng Nguyễn, Vũ Tài Lục…

cũng chẳng còn cơ hội nào ghé thăm ông.

một khi họ cũng đã lần lượt theo ông bước qua cửa hẹp.

những bạn thân khác của ông:

như Ngọc Dũng, Thanh Tâm Tuyền, Duy Thanh, Thái Tuấn…

thảng hoặc có bay về miền Nam Cali,

cũng chẳng làm gì được khác hơn:

viếng thăm mộ ông, nghĩa trang Peek Family.

nhưng cuối cùng,

thời gian cũng đành phải từ chối đưa họ về Westminster!

bởi như ông,

họ cũng đã không còn nữa.

 

3.

đã lâu, không còn ai hăm hở hay vội vã,

bước lên căn phòng lầu hai

(sau này là căn phòng dưới chân cầu thang)

khu chung cư dành cho người già đường Bolsa,

sau lưng nhà hàng Song Long!.!

nói thế không có nghĩa ông không còn người bạn nào ở gần:

thí dụ Doãn Quốc Sỹ.

thí dụ Duy Thanh (ở xa hơn một chút.)

nếu không kể tác giả “Dòng Sông Ðịnh Mệnh”

sắp bước vào tuổi một trăm,

đã bắt đầu lập lòa nhớ / quên

riêng người từng được ông cho là có…

“Những Ngón Tay Bắt Ðược Của Trời”

ở Frisco;

bệnh hoạn trầm trọng,

vẫn đủ tỉnh táo, bảo:

“về Orange County làm gì?

khi Mai Thảo không còn nữa?

tôi cũng không thấy cần thiết phải đến thăm mộ nó”.

 

4.

Xem thêm:   Thiên lý độc hành

đã lâu, không còn ai hăm hở hay vội vã,

bước lên căn phòng lầu hai,

(sau này là căn phòng dưới chân cầu thang)

khu chung cư dành cho người già đường Bolsa,

sau lưng nhà hàng Song Long.

không chỉ những người bạn đồng thời với ông.

ngay những bằng hữu nhỏ tuổi,

cũng không ai còn tìm đến ông bất kể ngày / đêm

như Bùi Bảo Trúc, Quỳnh Giao, Ðặng Tuyết Mai…

họ cũng đã lần lượt theo ông về những chân trời khác.

 

5.

đã lâu, không còn ai hăm hở hay vội vã,

bước lên căn phòng lầu hai

(sau này là căn phòng dưới chân cầu thang)

khu chung cư dành cho người già đường Bolsa,

sau lưng nhà hàng Song Long.

và, những chiếc xe cấp cứu

vẫn hú những hồi còi (đe dọa ông?)

vẫn ngày / đêm ngược xuôi con đường ông đã ở.

cũng không còn người cảnh sát giao thông nào,

phải miễn cưỡng ghi giấy phạt

khi ông cứ thản nhiên băng qua ngã tư

bất kể đèn xanh / đèn đỏ!!!

tôi không biết ai đã theo ông?

ai đã nghỉ hưu?

nhưng trường hợp nào, tôi cũng vẫn nghĩ:

họ đã nhẹ lòng khi không còn phải rút sổ ghi giấy phạt

nhà văn hàng đầu miền Nam,

may mắn thoát khỏi cuộc truy lùng quyết liệt nơi quê nhà,

để trở thành một lưu vong ngơ ngác xứ lạ.

 

6.

bây giờ không còn ai

ngay những người trẻ một thời cực kỳ yêu mến ông;

như Khánh Trường, Ðỗ Vẫn Trọn, Trần Duy Ðức, Hạnh Tuyền, Orchid, Phương Hoa, Ðăng Khánh…

cũng không trở lại căn phòng lầu hai

(sau này là căn phòng dưới chân cầu thang)

khu chung cư dành cho người già đường Bolsa,

sau lưng nhà hàng Song Long.

chẳng phải vì ông đã đi xa. quá xa. rất lâu.

mà, vì họ đã có ông trong tim.

như ông sẽ mãi sống trong ký ức đám đông,

tập thể.

đất nước.

DU TỬ LÊ

Xem thêm:   Thơ Tháng Tư

(Garden Grove, Jan 2019)