Dầu có phải là Phật tử hay không thì đa số nhân loài đều đã nghe nói về Đức Phật, vị thầy tâm linh vĩ đại trong lòng hàng tỷ Phật tử lẫn người vô thần.

Chùa Ba Vàng rao “xá lợi tóc” rất tích cực trên các trang mạng xã hội – Nguồn: Facebook  Thích Trúc Thái Minh – Trụ Trì Chùa Ba Vàng    

Trong Phật giáo, có vô số vị Phật, và trên thực tế, giáo huấn chính của nhà Phật là mỗi một chúng sinh trong vũ trụ nào hiểu Tứ diệu đế, tu tập đúng Bát chánh đạo đều có thể thành Phật (Tứ diệu đế và Bát chánh đạo đều là những văn bản rõ ràng, được dịch ra hầu hết các ngôn ngữ đang tồn tại, rất dễ đọc và học theo). Nhưng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là người đã khai sanh ra tôn giáo này trước khi mất, Ngài được coi là vị Phật lịch sử, trụ cột tinh thần của các Phật tử lẫn những nhà sư truyền bá – gìn giữ đạo Phật. Sự tích về Đức Phật tuy có nhiều dị bản nhưng chung quy lại đều cho thấy Ngài từng là một con người thật sống và mất (nhập diệt, nhập niết bàn) ở khoảng hơn 2,500 năm trước.

  1. Xá lợi

Các sách của Phật giáo có ghi: sau khi Đức Phật nhập diệt, thi thể ông được làm lễ trà tỳ (hỏa táng), sau đó trong tro cốt người ta thu được nhiều viên cứng, có những viên trong suốt, long lanh như ngọc, đựng đầy trong 8 hộc 4 đấu. Người ta gọi đó là xá lợi. Trước giờ cũng có một số giải thích về “xá lợi”, nhưng thật sự mà nói thì không ai có thể biết một cách rõ ràng “xá lợi” là gì cũng như nó được hình thành như thế nào? Người ta nói một cách chung chung rằng “xá lợi” là kết tinh của giới định tuệ, là phần tro cốt còn lại sau khi hỏa táng hay nói một cách trừu tượng rằng những người chân tu hoặc những người tu chứng quả thì có “xá lợi”. Tuy nhiên, không phải bậc chân tu nào cũng có “xá lợi”. Trong kinh tạng Pali thường đề cập đến Xá Lợi Xương, Xá Lợi Răng và Ngọc Xá Lợi …

Bản thân tôi sanh sau đẻ muộn, không phải là Phật tử thuần thành nên không nghiên cứu sâu về vấn đề này, chỉ biết là từ khi tôi biết đọc báo, tôi biết được rằng hằng hà sa số chùa của nhân loài nói rằng họ có thờ “xá lợi”. Khắp nước Việt cũng có nhiều chùa được đặt tên là “Xá Lợi”. Nhưng một ngôi chùa lớn nằm tại góc đường Bà Huyện Thanh Quan và Sư Thiện Chiếu ở Quận 3, Sài Gòn (được khởi công xây dựng vào ngày 5-8-1956 thời Đệ nhất Việt Nam Cộng Hòa) cũng có tên là Chùa Xá Lợi. Chùa Bửu Long ở quận 9, Sài Gòn (do cư sĩ Võ Hà Thuật thành lập năm 1942), từng được tạp chí National Geographic của Mỹ bình chọn Chùa Bửu Long là một trong 10 công trình Phật Giáo có thiết kế đẹp nhất thế giới cũng có một bảo tháp Gotama Cetiya (báo chí trong nước nói) thờ xá lợi ngọc Xá Lợi Đức Phật và Xá Lợi chư Thánh Arahán … Nghe báo chí trong nước đồn là ngoài phía Bắc – Việt Nam còn một số chùa có xá lợi xác của mấy cao tăng, để mấy trăm năm vẫn y nguyên … Ở Trung Quốc thì có nhiều chùa nổi tiếng nhờ “khoe” đang tôn thờ “xá lợi răng” Đức Phật, “xá lợi xương sọ” Đức Phật … chưa có kiểm chứng nên tôi chưa dám khẳng định đây là điều … xạo như tôi nghĩ.

Xem thêm:   Tranh cãi...

Trong khi đó, ở quê Đức Phật – Bảo tàng Quốc gia Ấn Độ tại thủ đô Delhi hiện nay chỉ có vài viên “xá lợi” được cho là của Đức Phật. Họ giữ gìn những viên “xá lợi” ấy như là quốc bảo, không để lọt ra ngoài. Cho đến thời điểm hiện nay chỉ có 3 tháp “xá lợi” của Đức Phật được khai quật và xác định là thật.

Mới đây, khi Hòa thượng Tuệ Sỹ viên tịch sau những năm chống chọi ung thư. Theo lời dặn dò của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, tang lễ của Ngài tổ chức bình thường, không đọc điếu văn, tiểu sử; không sổ tang, xin miễn phúng điếu, tràng hoa, liễn đối. Tăng Ni Phật tử viếng tang chỉ thắp nhang tưởng niệm… Cuộc đời ông đã đẹp tới cuối cùng. Vậy mà những người còn sống lại không muốn vậy, thế là sau khi các đệ tử làm lễ trà tỳ (hỏa táng) cho ông, bỗng có tin tro cốt Ngài biến thành những viên “xá lợi” màu vàng. Chuyện này tuy không được xác nhận chính thức từ những đệ tử của Ngài nhưng cũng tạo nên một trận “phím chiến” nặng nề trên cõi mạng. Tuy nhiên, đa số những người tử tế đều cho rằng dầu có “xá lợi” hay không thì Thầy Thích Tuệ Sỹ cũng là một trong những bậc chân tu đáng kính bậc nhất trong lịch sử đương đại Việt Nam, hơn hẳn những thầy tu thích trục lợi thời nay.

Hàng ngàn, hàng vạn người kéo tới chùa Ba Vàng ngắm “xá lợi tóc” – Nguồn: thanhnien.vn

  1. Trục lợi

Hồi tôi đi du lịch ở Thái, có bạn hướng dẫn viên đưa khách vào chùa rồi quảng cáo “xá lợi của Đức Phật”, 2,000 USD một viên, và có một du khách người Tàu mua ngọt xớt. Có thể thấy, “xá lợi” thật không thể sinh sôi, còn “xá lợi niềm tin” không có xác nhận của các nhà khảo cổ học, không có giám định lại sinh sôi cuồng nhiệt, dành riêng cho những “tín đồ” lắm tiền, nhiều niềm tin nhưng ít kiến thức. Từ đó, cái mác “xá lợi” tạo ra một ngành kinh doanh “trục lợi”. Ngành kinh doanh này không thể không ghé qua một đất nước mê “đu trend” như Việt Nam được.

Gần đây, ngôi chùa đầy tai tiếng ở tỉnh Quảng Ninh – chùa Ba Vàng khoe là 1 “xá lợi tóc” của Đức Phật, là quốc bảo của đất nước Miến Điện “cho mượn” 4 ngày. “Đó là một trong tám sợi tóc mà Đức Phật tự tay nhổ trên đầu mình, trao cho hai thương buôn người Myanmar hơn 2600 năm trước” – Chùa Ba Vàng “quảng cáo”. Song song đó chùa này còn tổ chức hàng loạt nghi lễ diễn ra xung quanh cọng tóc này nhằm tạo sự hiếm có. Trong ngày đầu tiên diễn hành “xá lợi tóc” của Đức Phật, fanpage của chùa Ba Vàng (có tên “Thầy Thích Trúc Thái Minh” – tên chủ trì chùa này) đã phát trực tiếp, ghi hình, đăng ảnh hàng vạn Phật tử tới đó vái lạy, cúng bái lẫn đem lễ lộc, của cải, tiền tới cúng dường cho “xá lợi tóc” của Đức Phật.

Xem thêm:   Liên minh phòng thủ chống Iran

Ngoài ra, bên cạnh sợi “xá lợi tóc” này, Chùa Ba Vàng còn trưng bày một dĩa bên cạnh, gọi là “xá lợi Phật”, chưa biết đây là “xá lợi” của vị Phật nào và vị trí nào của họ? Đặc biệt, theo “quảng cáo” của Chùa Ba Vàng thì “xá lợi tóc” này còn “tự chuyển động” được nữa, các báo trong nước phụ họa: “Theo đại diện chùa Ba Vàng, xá lợi tóc của Đức Phật có khả năng chuyển động như một vật thể sống. “Xá lợi tóc” với hình dạng giống một sợi tóc bình thường nhưng lại uyển chuyển qua trái, qua phải, quay tròn, cong lên rồi cụp xuống mà không hề có một sự tác động nào. Thậm chí, khi gặp vật cản, sợi tóc còn có thể tự bật ra ngoài. Đến nay, khoa học vẫn chưa thể lý giải việc một sợi tóc mấy nghìn năm không hỏng lại có thể chuyển động như vậy.”

Ngoài những nội dung mô tả sự màu nhiệm của “xá lợi tóc”, sự đông đúc của các Phật tử đến Chùa Ba Vàng chiêm ngưỡng “xá lợi tóc” như: “Trực tiếp: Đông đảo du khách, Phật tử chiêm bái, cúng dường Xá lợi tóc tự chuyển động của Đức Phật. Chỉ còn ngày hôm nay sẽ kết thúc tuần lễ chiêm bái Xá lợi tóc tại chùa Ba Vàng. Kính mời quý vị cùng về chùa Ba Vàng để không bỏ lỡ cơ hội hiếm có này!”

Chùa Ba Vàng đưa số tài khoản cho những Phật tử không thể ghé ngắm “xá lợi tóc” tận nơi – Nguồn: Facebook  Thích Trúc Thái Minh – Trụ Trì Chùa Ba Vàng

“Chỉ còn duy nhất ngày hôm nay, lễ chiêm bái xá lợi tóc của Đức Phật tại chùa Ba Vàng sẽ kết thúc. Sau ngày 27-12-2023, chư Tăng Myanmar sẽ cung thỉnh Xá lợi tóc về lại Myanmar. Cho nên, quý Nhân dân, Phật tử hãy cùng đến chùa Ba Vàng chiêm bái Xá Lợi để được tăng trưởng phúc lành. Bởi đây là duyên lành hiếm có vì Xá lợi tóc chính là 8 sợi tóc mà Đức Thế Tôn đã tự tay nhổ trên đầu mình, đưa cho hai người đệ tử tại gia đầu tiên, được gìn giữ và phụng thờ hơn 2600 năm qua ở Myanmar.” …
Chùa Ba Vàng còn có nhiều bình luận khuyến khích quý Phật Tử ở xa, không đến kịp để chiêm ngưỡng “xá lợi tóc” của Đức Phật hãy gửi tiền cúng dường thông qua số tài khoản công khai của nhà chùa này …

Nhờ sự quảng cáo nhiệt thành từ “team truyền thông” của Chùa Ba Vàng mà cư dân mạng cũng được “chiêm ngưỡng” ké “xá lợi tóc” của Đức Phật, nhiều người bắt đầu nghi ngờ, không tin cái sợi loe ngoe, cong vòng kia là “xá lợi tóc” của Đức Phật như “quảng cáo”. Nó giống cỏ Pili Heteropogon Contortus (gọi tắt là cỏ Pili) là một loại thực vật có hoa trong họ Hoà Thảo. Khi tiếp xúc với nước, cỏ Pili này có phản ứng chuyển động uốn éo y như trong các video mà Chùa Ba Vàng đăng. Nếu đúng ở trên là cỏ Pili thì theo quảng cáo của eBay thì loại cỏ này được bán với giá $48 USD/sợi và quảng cáo của Shopee – Việt Nam thì giá chỉ còn một nửa – 500 ngàn VND/sợi. Có nhiều cư dân mạng trong nước tả chi tiết tương tự nhau, tôi xin tổng hợp thành một: “Đây là cỏ Pili mà, cỏ này lúc nhỏ tui với mấy đứa bạn hay chơi. Cứ hái 1 chùm lè lưỡi liếm chút nước miếng là nó quay vòng vòng như giựt kinh phong suốt, khi nào khô nước là nó hết quay. Muốn nó quay thì lại liếm tiếp… Vậy mà thằng cha Chùa Ba Vàng nói dóc là tóc của Đức Phật?”

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

Phật tử trong nước lẫn nước ngoài có thể dễ dàng “sưu tập” xá lợi thông qua các chợ online như eBay, Shopee – Nguồn: Facebook

Nếu Chùa Ba Vàng không có những thị phi trục lợi hàng ngàn Phật Tử bằng cách “bán dịch vụ” trục vong giả hạn, tiêu diệt oan gia trái chủ, rồi những đợt làm màu kiểu cách của vị trụ trì chùa này… thì tôi còn có thể suy nghĩ lại coi nên tin “phe” nào trong thị phi ở trên. Nhưng thật tiếc, hiện thời, dầu các cơ quan chức năng hay giáo hội Phật giáo độc quyền trong nước chưa cho câu trả lời chính thức, tôi đã xác nhận không thể tin Chùa Ba Vàng và Thích Trúc Thái Minh (Trụ Trì Chùa Ba Vàng). Tuy nhiên, nếu đây là một cú lừa ê chề, thì thật nhục nhã cho hàng vạn Phật tử đã tới đó trong 4 ngày qua.

Thiệt ra, Phật Giáo chưa bao giờ xấu, chỉ có Phật Giáo trở thành độc quyền, thiếu tính đại chúng mới xấu, nó chấp cánh cho những kẻ trục lợi có đường mần ăn. Nó còn dung dưỡng cho những vị sư “nổi tiếng” nói bậy thoải mái mà không lo lắng bị hạ bệ. Sau đây, mời coi tác giả Nguyễn Tiến Tường tổng hợp một số phát biểu của sư Thích Chân Quang – một người tu hành khá nổi tiếng, nhiều quyền hành ở VN:

“Rồi sống sao với thầy Thích Chân Quang, bạch thầy?
Hai danh tướng ta là Lý Thường Kiệt, Tôn Đản năm xưa quánh tới Lưỡng Quảng xứ Tàu, chiến công hiển hách. Thầy nói VN quánh TQ là em quánh anh, hỗn!
Người ta sống bên Tây không có tục thờ cúng, thầy rủa người Tây chết làm ma đói không ai cúng.
Người ta ở chung cư thờ Phật, thầy phán như vậy là báng bổ vì tầng trên có người đi trên đầu Phật.
Phụ nữ người ta sinh ra để đẹp. Vậy mà ai có điểm trang chút xíu, thầy la như vậy là quyến rũ đờn ông, nghiệp nặng!
Người ta đi du lịch nhiều, thầy trù hẻo coi chừng quả báo nằm liệt giường!
Rồi người ta mệt mắc cái võng nằm nghỉ chút xíu, thầy quy như vậy là đạp đổ hết phước, bởi nằm võng chân cao hình tướng đạp zô mặt chúng sanh!

….

Hổng ấy toàn nhơn lọi mua bún thắc cổ chớt cho vừa lòng thầy. Chớ thầy tu chùa nào mà khó ưa dữ trời! Tên khầy là Ánh Sáng Xịn mà sao tâm địa tối thui dzẩy thầy!” – Nguyễn Tiến Tường.

DU