“Có lẽ đến giờ này, chúng ta phải có một tuyên ngôn với bà con nông dân đồng bằng sông Cửu Long và cả nước rằng: Chúng ta không phải là một quốc gia dư thừa nước. Tài nguyên này sẽ ngày càng khan hiếm hơn.” – Lê Minh Hoan (Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam)

Đồng bằng sông Cửu Long – vựa lúa, thủy sản lớn nhất cả nước – Nguồn: vneconomy.vn
Xin mở bài bằng vài đoạn trích trong cuốn hồi ký về vùng Hậu Giang – Ba Thắc của học… thiệt Vương Hồng Sển biên về vùng Cửu Long Giang:
“Con sông lớn Mỹ Công (Mékong) từ Tây Tạng chạy suốt trên bốn ngàn cây số bề dài, như con rồng chín khúc (Cửu Long giang), xuyên qua Tây Tạng, Trung Hoa, Lào quốc, Cam-bu-chia và Việt Nam. Khi nhập vào đất Nam, nó chia làm hai nhánh con sông Tiền và con sông Hậu, và đèo thêm hai cái “túi thật lớn” chứa giữ nước dư ối là vùng Tháp Mười về sông Tiền và vùng Cà Mau về sông Hậu. Nhờ hai túi nầy đủ sức chứa nước thặng dư vào mùa nước đổ mà Miền Nam khỏi nạn lụt như Miền Bắc đã bị con sông Nhĩ Hà làm khổ mỗi năm. Nghĩ trời sanh cũng ngộ: sanh ra sông dữ thì có đất hiền, bù qua chế lại. Trên Miền Bắc, đê bọc sông và khi đê vỡ thì cả vùng ngập lụt chết chóc. Trái lại ở Cam-bu-chia nhờ có Biển Hồ (Tonlé sap), mỗi năm chứa nước từ cao nguyên chảy xuống, bao nhiêu cũng rút về đây rồi sẽ chảy đi nữa. Biển Hồ là cái túi “lộc trời” dành sẵn: cá tôm lúc nhúc kẹo lền, nuôi đủ một dân tộc. Sở dĩ ngày xưa Đế Thiên Đế Thích được xây dựng là nhờ người Cao Miên cổ đã biết lựa vị trí gần hồ cá tôm Tonlé sap.”
“Trở lại đề tài “Vùng Cà Mau là vựa cá mắm thiên nhiên”, thì có lẽ xứ Hậu Giang quả đúng là đất lành. Mấy năm trước cá mắm không biết làm sao cho hết. Mùa nước đổ tôm càng xứ Sa Đéc nhiều cho đến đỗi lấy thùng thiếc đong mà bán và năm 1927-1928, lúc tôi còn làm việc ở đó tôi từng mua một đồng bạc đến bốn thùng thiếc tôm tươi, thứ thùng mười tám lít. Còn bắp trái trên cây bẻ xuống bán mỗi trăm là hai cắc bạc (0$20) thiệt là rẻ mạt. Muốn ăn tôm càng tươi nướng lửa lò, chỉ cần sắm đủ đồ gia vị và rượu ngon rồi đề huề cùng năm ba bạn tri âm xuống tam bản chống ra ruộng nước ngập mùa tháng tám tháng chín sẵn đêm thanh gió mát trăng nước đầy thuyền, mặc tình vừa ca hát vừa chống chèo lựa mấy chiếc xuồng câu giăng của mấy chị mười lăm mười sáu tuổi, trả năm ba xu cao lắm là một cắc một hào rồi trút hết cả giỏ tôm càng, tha hồ nhậu nhẹt.”

“Đến lúc phải tuyên ngôn chúng ta không phải quốc gia dư thừa nước” – Nguồn: Báo trong nước
“Theo con nước đổ, xuống nữa là tới Chợ Vãng (Vĩnh Long), có cá thu cá hồng con thì kho rục (nhừ) con thì nấu mẳn ngon lành. Xuống thêm chút nữa và gặp mùa gió bấc lai rai có sa mù nhiều, ấy là mùa cá cháy của vùng Trà Ôn, Cầu kè chạy dài xuống Vàm Tấn (Đại Ngãi, Sóc Trăng) (2). Đây là con cá đặc biệt và ngon nhứt của xứ Hậu Giang, xưa không tiến vua được vì chài lên khỏi nước là cá đã chết không rọng không để dành được phút nào.
…
Xuống thêm nữa thì tới miệt Bạc Liêu, tôm lóng và tép bạc kẹo lền đầy sông, ăn tươi không hết phải phơi khô, còn vỏ tôm thì lấy làm phân bón trồng dưa hấu bán tết và trồng rau cải. Xứ Bạc Liêu có rất nhiều cá chốt và một thi sĩ vô danh nào đã để lại một câu hát độc địa:
“Bạc Liêu nước chảy lờ đờ,
Dưới sông cá chốt, trên bờ Tiều Châu”.
Lấy cá chốt là loại ăn bẩn ăn dơ đem so với người Tiều, tức người Trung Hoa sanh trưởng ở huyện Triều Châu, thì ác miệng thật. Nếu tác giả câu nầy từng thấy gái Tàu gốc Tiều lai Miên, thì ắt không sáng tác câu hát ác độc kia.
Từ Bạc Liêu đi một đỗi gặp một cánh đồng thấp phì nhiêu vô cùng, nhưng đặc biệt là nước sông rạch đều một màu đen thâm gần như mực xạ. Tiếng Cao Miên gọi “srock tực khmau”, dịch “sốc nước đen”. Ông bà chúng ta Việt hóa thành Cà Mau, chớ không phải “Cà Mâu” như nhiều đồng bào thường viết và đọc….”

Vựa nước Miền Tây được dân khắp cõi từ thiện nước – Nguồn: Mậu Trường/tuoitre.vn
Tên Mỹ Công xuất phát từ tiếng Lào và Thái là Mè Nậm Khong, Mè là mẹ, Nậm là sông, tức “sông mẹ”, tựa như “sông cái” theo thói quen gọi sông lớn của người Việt cổ. Dòng Mỹ Công (Mékong) cho thế giới 15% sản lượng khai thác thuỷ sản toàn cầu, là nơi sinh sống của loài cá nước ngọt lớn nhất được tìm thấy cho đến nay, với độ dài 3m và nặng gần 300kg. Thác nước rộng nhất thế giới, thác Khone Phapheng với độ rộng lên tới 14km. Dòng sông có đa dạng sinh học lớn thứ 2 trái đất chỉ sau sông Amazon. Dòng sông cái Mỹ Công như bà mẹ lam lũ suốt đời tích góp phù sa rồi phân chia đồng đều, giúp sinh vật sống ở những nơi nó đi qua không lo ăn, không lo chết, bởi dòng sản vật cuồn cuộn chảy… Đồng Bằng Sông Cửu Long nhờ đó mà trở nên thịnh vượng, con người ở đây có thể cực nhọc lam lũ, nhưng không sợ thiếu cơm ngon canh ngọt.
Theo như sách, cụ Vương Hồng Sển nói “trả năm ba xu cao lắm là một cắc một hào rồi trút hết cả giỏ tôm càng, tha hồ nhậu nhẹt”… nghe sao mà thừa mứa. Không những hồi đầu thập niên 60 (khi cụ Vương Hồng Sển biên cuốn sách trên), tận sau này, Đồng bằng sông Cửu Long vẫn là vựa lúa số một cả nước khi đóng góp hơn 90% lượng gạo xuất cảng của Việt Nam, mà Việt Nam mình từng là nơi xuất cảng gạo nhiều nhất thế giới. Nhưng chỉ còn hai chữ “từng là”… Chưa đầy trăm năm sau, có lẽ những câu chuyện trên đã thành tiểu thuyết. Không khéo 10 năm sau, khi con cháu chúng ta biết đọc, chuyện cụ Sển kể đã thành thần thoại. Cửu Long Giang mấy tháng qua đã trải qua một đợt thanh trừng, trên đồng cạn, dưới đồng thì hạn… mặn. Chuyện này không còn mới, nhiều người còn đề nghị coi chuyện hạn mặn thành thông lệ mỗi năm hòng “tùy cơ ứng biến”. Nhưng không phải ai cũng có đủ vững chãi để chấp nhận, những người con Miền Tây đã than khóc:
“Miền Tây quê tôi, còn đâu những cánh đồng lúa bạt ngàn, cò bay thẳng cánh, còn đâu những lớp phù sa màu mỡ bồi đắp mỗi năm, còn đâu những hình ảnh trù phú mỗi khi tới mùa lúa chín, nỗi đau mà người dân miền Tây của tôi oằn mình gánh chịu khi mà những đập thuỷ điện thượng nguồn xuất hiện ngày một nhiều hơn, rồi đây miền Tây sẽ ra sao… Và ra sao?”
“Quê tui, ở xứ “Miền Tây nước lớn, đứng ngồi không yên”. Nay trở thành “Miền Tây khô ráo, đứng ngồi không yên”. Khoan trách China, Laos, Cambodia … ở phía thượng nguồn trữ nước, khi mà chính Việt Nam rất nhiều đập thuỷ điện lớn nhỏ ảnh hưởng tới dòng chảy của sông, mà còn ảnh hưởng đến rừng. Than ôi rừng vàng biển bạc. Nay thành rừng trọc biển độc sông trơ đáy!”

Trong khi đó, ở Sài Gòn, người ta chơi “lễ hội sông nước” trên đường nhựa, những dòng sông trồi lên từ cống – Nguồn: Facebook
“Đồng bằng Sông Cửu Long là nơi được hưởng các chính sách dường như là cuối cùng, hạ tầng cũng là nơi cuối cùng. Cảm giác là không mấy ai quan tâm lắm tới miền sông nước này. Từ cây lúa, tới cây ăn trái, tới đường sá … Miền Bắc thì đất nông nghiệp sắp hết, trông chờ mỗi Đồng bằng Sông Cửu Long mà như thế này thì chịu.”
Người ta đồn “Nếu để người cộng sản quản lý sa mạc Sahara, thì trong vài năm chúng ta sẽ thiếu cát.” Ban đầu tôi nghĩ người ta ghét nên đồn bậy, không ngờ, đó là tôi lầm chứ mấy người đồn không có lầm. Dòng Cửu Long Giang đã khát, chính những người cộng sản cũng công nhận điều đó, tôi đã trích dẫn ở phần mở bài.
“Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu
Trái tim lầm chỗ để trên đầu
Nỏ thần vô ý trao tay giặc
Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu”
Giao tài sản của mình cho bất kỳ ai thì cũng là một canh bạc, mà “cờ bạc là bác thằng bần”. Có phải các Mỵ Châu miền Tây đã “giao trứng cho ác”? Dĩ nhiên là không, sau khi cộng trừ nhân chia rạch ròi, tôi thấy chúng ta không “giao trứng cho ác”, bởi chúng ta không cầm cái nỏ nào, chúng ta cũng không được toàn quyền sử dụng, ‘quản lý’ cái “trứng” của mình…
DU
Bà Tám ở Sài Gòn