“Trước Tết Tây 1 tuần ông già Noel xuất hiện  và trước Tết Âm Lịch 1 tuần ông Táo xuất hiện. Một ông được mặc đồ ấm áp, cưỡi xe phân khối lớn, bay từ Bắc Cực đi khắp thế giới, hai ông còn lại phải hì hục cưỡi cá chép, mặc áo giấy mỏng manh. Một ông vui vẻ tặng quà cho mọi người, hai ông còn lại cau có, đi mách tội mọi người. Ấy là bởi vì ông Công ông Táo kết hôn từ sớm, còn ông già Noel độc thân,nên mãi mãi vui vẻ”.

Sài Gòn, tháng 12 năm 1951. Một cô bé tạo dáng với cây thông Noel. Loại cây thông Noel này tới thập niên 90 vẫn còn ở SG, sau này mất dần và vắng bóng. “Cô bé” trong ảnh nay không biết còn hay mất.  – Ảnh: facebook      

Saigon tháng 12, nhiều thị dân vẫn ngồi ở “quê” của mình, mà cứ tưởng là đang đi du lịch. Mạnh ai nấy đưa tay tắt máy lạnh, đua nhau dang tay hứng lấy hứng để, hứng nhiệt tình từng đợt se mát vừa được ông Trời “nhập khẩu” từ phương nào đó, quăng vào những con đường đông đúc, bận rộn, đầy nắng quanh năm của Saigon. Xoa dịu cái nóng nảy của thị thành. Thị dân vừa hưởng thụ sự dịu dàng của trời đất, muốn cất thật nhiều cho riêng mình. Nhưng cũng vừa lo lắng, sợ “xài hao”, vài bữa thời tiết này lại hết. Ai cũng muốn giấu riêng cho mình một ít hoặc, nếu được, chắc ai cũng sẵn sàng đập ống heo mà “mua” thêm vài chút mát mẻ này để xài đến hết mùa Xuân.

Sự khác biệt này, chỉ những người Saigon chính hiệu con nai vàng, vẫn luôn chịu đựng cái “lò” ba-bốn-năm mươi độ quanh năm mới hiểu. Chớ ngồi giải thích cho những ai đến hay trở về từ xứ lạnh thì mệt lắm. Bởi vì họ cho rằng, hai mươi độ xê vẫn nóng điên! Thậm chí có người từng kể dưới ánh mắt hình viên đạn của tôi:

– Hổm đi Sapa, thời tiết mười mấy độ xê mà người ta đã mặc đồ mấy lớp, trùm đầu, bịt tai kín mít. Trong khi tao mặc áo thun, quần đùi, dạo bộ vẫn khỏe ru!

Không khí Noel khắp nơi

Saigon Tháng 12, trong niềm hân hoan đếm ngược thời gian còn lại của năm. Trong cái thời tiết dịu dàng, “giả tạo” và không bền kia. Trong sự lung linh, xinh đẹp của hoa, quà, đèn, hang đá, nhạc Noel, nhạc Xuân tươi vui khắp cõi… Con người ta vẫn phải dẹp niềm háo hức, tâm hồn rần rật chờ mong qua một góc mành ấn chìm mình vào chuỗi ngày bận rộn nhất. Con nít thì bận thi cử, người lớn thì bận làm hết việc quý cuối năm, người già thì bận hoài niệm… Cũng có kẻ, vừa bận học, vừa phải đi làm, nhưng vẫn dành ra một mớ thời gian để nghĩ linh tinh về ký ức, và một mớ thời gian để đi hóng hớt chuyện thiên hạ. Những kẻ này coi thảnh thơi vậy thôi chứ bận rộn dữ nhất.

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

Saigon Tháng 12, như mọi buổi chiều. Tôi ra ban công, pha ly cà phê, bắc cái ghế nhìn người ta tất bật với công việc của mình, rồi bỗng cảm thấy không…muốn làm gì!

Làm sao được? Khi tâm hồn bỗng tràn tâm sự, tuổi mới sắp tới rồi, và bản thân mình sắp cũ đi một chút… Làm sao được? Lúc này, không tranh thủ mặc áo lạnh, không tranh thủ đi chơi, không tranh thủ chụp hình sống ảo đi thì khi mùa lễ hội chính xuất hiện, muốn đi đâu cũng sẽ chùn chân. Vì khi đó đường sẽ rất đông, người sẽ rất khó tánh, quan trọng là mảnh đất này sẽ trở lại những ngày nóng nảy, mọi người nhìn nhau không còn thấy con tim tan chảy nữa, chỉ thấy chảy… mỡ mà thôi! Vì vậy, xếp hết mọi việc một bên, tôi ra đường…

Xe cũng được trang trí Noel

Saigon thì “ăn” cái gì cũng sớm. Vài tuần đến Trung Thu, người ta đã “ngán” chị Hằng, chán bánh trung thu, lồng đèn đã nằm dài trên vỉa hè. Vài tuần nữa đến Tết, thịt mỡ dưa hành, bánh tét đã bị ăn sạch sành sanh. Và Noel ở Saigon cũng như vậy. Một tháng trước đêm “Chúa sinh ra đời”, không khí Noel đã được dựng lên khắp nơi bằng giàn giáo, bằng những cái thang cao ngất. Thợ sơn, thợ sửa, thợ đụng gặp nhau trên trển, kiếm tiền ănTết. Dân tình dưới này đi qua, đi lại, vừa “giám sát” vừa đếm ngược: Bốn tuần nữa… ba tuần nữa… hai tuần nữa… Vừa soạn bày hang đá, lồng đèn, mở những đĩa Sơn Ca, những ca khúc Giáng Sinh Sài Gòn tuổi đời có vài thập kỷ…

Cho đến khi những giàn giáo được dẹp đi, những ngọn đèn được bật lên, mấy ông thợ “chuyển công tác” từ trang trí Noel đến trang trí năm mới. Dân tình bắt đầu nườm nượp ra đường. Kẻ thì ra quận Nhứt, kẻ thì xuôi về quận 8, thậm chí tới tận Thủ Ðức coi xóm đạo Tam Hà, Từ Ðức, vòng vèo ra tận Tân Bình có xóm Nghĩa Phát, hay đổ về Phú Nhuận len lỏi vô khu hẻm Bùi Phát… bất cứ nơi nào họ thấy vui hoặc họ cho rằng “còn vắng”, chưa phải chen chúc, hít bụi lẫn nhau…

Thiệp Noel

Noel Saigon bây chừ, đẹp lắm, nếu so với nhiều năm về trước, khi tôi còn chút éc. Hồi đó, làm gì có chuyện người người, nhà nhà dựng hang đá, treo đèn lung linh lủng lẳng, trang điểm Noel trước hiên nhà như bây chừ. Hồi đó, cũng rất ít người có khái niệm/nhu cầu đi chơi, đi ngắm hang đá, nhìn Chúa Hài Ðồng cùng bầy chiên cừu bù xù, mục đồng má đỏ, chiêm ngưỡng tượng Ðức Bà Maria đẹp sầu bi. Trừ những người “có Ðạo” hoặc những người trẻ tuổi, ham chơi, thích khám phá. Bởi vậy, một phần lớn thanh niên Saigon đã từng có những buổi tối Noel chơi vơi, mất định hướng, không biết đi đâu giữa cõi đời rộng lớn này ngoài đi cà phê cà pháo, tám, “chém gió’ hoặc đi… ngủ. Sáng dạ lắm, “dân chơi” lắm mới biết mà rủ nhau cùng chạy lên xóm Ðạo bên quận 8, Tân Bình hoặc tuốt Biên Hòa, để dòm cho bằng được mấy khu xóm Ðạo. Bởi vì chỉ có những nơi này là trang trí đẹp nhất, có “mùi” Giáng Sinh nhất. Nhà nào cũng có hang đá, hòn non bộ, rồi máng lừa, rồi cây thông cao chất ngất, đènđóm sáng trưng, xanh đỏ tím vàng…

Xem thêm:   Săn vượn

Bây chừ, mùa Noel/xóm Ðạo/hang đá/cây thông/hộp quà vào tuần cuối Tháng 12 không còn là đặc quyền của người Công Giáo nữa, nó được chia sẻ và gần gũi hơn với tất cả mọi người. Cả những ai không cần biết đến Chúa lẫn “tiểu sử” của những thứ được trang trí kia. Noel bây chừ ở khắp nơi, từ nhà ra ngõ. Dĩ nhiên, “thời thế tạo anh hùng”, cho nên, những khu xóm Ðạo ở quận 8, Tân Bình hay Biên Hòa xa xôi cũng không còn là “anh hùng” trong mắt những người cần chỉ có một nơi để lượn qua lượn lại ngắm nghía, chụphình, chỉ trỏ, mua đồ ăn đồ uống đứng cà kê dê ngỗng cả buổi trời, vừa gặp bạnbè, vừa ngắm phố xá, vừa diện đồ mới vừa thăm dò tình hình thời trang cuối năm có gì ngộ… Vì những khu trung tâm bây chừ “ăn đứt” mấy chỗ xa xôi kia rồi. Mấy cái cao ốc, khu thương mại, nhà hàng, quán xá cứ như là “cà nanh” với nhau, xem ai chịu khó “đầu tư” nhất. Ðâm ra, dân tình cũng “lời”. Cả già hay trẻ, cả người có Ðạo hay vô đạo…

Ông già Noel phát quà cho trẻ lang thang

Chẳng biết, người ở những xóm Ðạo đó có mừng thầm hay không?  Khi hàng năm, lượng người đến thăm đà vắng vẻ… Saigon Tháng 12, bên cạnh những bận rộn, mệt mỏi và… hóng hớt. Thị dân không chỉ chăm chăm chạy “deadline”, sắm sửa, lên lịch đi ngắm đèn, ngó xe hay ngồi uống trà, ôn chuyện xa xăm tìm niềm vui, sự ấm áp cho bản thân mình. Cũng có rất, rất nhiều người khoác lên mình bộ đồ của ông già Noel – biểu tượng của niềm vui mùa lễ hội, của những tâm hồn trẻ thơ, đẹp trong trẻo và cổ tích. Họ chia nhau đi khắp các nẻo đường, mang Giáng Sinh, sự ấm áp đến người vô gia cư, những đứa trẻ lang thang, không được hưởng, cũng chẳng có thời gian, tâm sức để quan tâm mình đang ở mùa nào, ngày hội nào trong năm. Những ông, bà già Noel này, có thể là người Công Giáo, cũng có thể là những người không “quen biết” Chúa. Họ không cùng Ðức tin, nhưng họ cùng có một tâm hồn xinh đẹp. Và Noel, là dịp để họ cùng thể hiện nó… Thật may mắn cho tôi (và bất hạnh cho họ), vì Noel năm nào tôi cũng được rủ tham dự những buổi phát quà này.

Xem thêm:   Mây đen phủ bầu trời...

Nhờ vậy, mỗi dịp giáng sinh, ra mỗi ngả đường Saigon, mỗi mét vuông, chúng ta có thể gặp ba bốn “ông (bà) già Noel”. Mỗi ông một nhiệm vụ khác nhau, có ông thì đi “phát” quà cho trẻ lang thang như đã kể ở trên, có ông thì đi phát quà thuê cho các công ty bán quà tặng, có ông thì đi phát quà cho người thương của những người bỏ tiền ra mua dịch vụ, cũng có ông mặc đồ Noel cho… vui, chẳng để làm gì ! (Chắc trong đó cũng có vài ông buôn hàng cấm hay là cảnh sát chìm giả dạng, hoặc làm điều phi pháp. Cuộc sống mà, chuyện gì cũng có thể xảy ra…) Túm lại, mỗi người một nhiệm vụ khác nhau, mục đích cuộc sống khác nhau. Nhưng  mỗi dịp Noel, ra đường thấy mấy ông/bà Noel dập dìu là tôi lại thấy vui. Cảm giác họ như là sứ giả của hạnh phúc vậy. Vì trong những túi quà của họ, dẫu là đem đến cho ai – trẻ lang thang, khách hàng, người xa lạ, con cái, người yêu- thì đều dày nặng yêu thương…

Bà già Noel Du

Có câu chuyện vui nói về việc này: Do tình trạng “nhái” ông già Noel ở Việt Nam mấy năm gần đây trở nên khá phổ biến nên ông già Noel thật tỏ ra rất bất bình. Ðợt vừa qua ông đã tới Cục Sở Hữu Trí Tuệ để đăng ký bản quyền với các đặc điểm phân biệt “hàng thật, hàng giả”. Tuy nhiên trong  bộ mặt đỏ gay khiến các cán bộ ở đây cho rằng ông đến “đăng ký” trong tình trạng thiếu tỉnh táo nên đã từ chối. Cực chẳng đã ông đành công bố địa chỉ email của mình trên mạng để các cháu thiếu nhi biết mà gửi email xin quà đúng chỗ. Tuy nhiên sau khi ông công bố email chưa được một tuần, hàng loạt email “nhái” đã xuất hiện kiểu như: onggianoel-thật, onggianoel-cũ, onggianoel-chính hiệu, onggianoel-chuẩn, onggianoel-organic… v.v và v.v…

Saigon Tháng 12, một-trong-ngày-cuối-năm-2019. Tôi ngồi đây, cười ngây ngô viết ra những dòng chữ lan man này. Tôi thấy vui và ấm áp, khi giữa những bon chen và giả dối, trái tim mình vẫn còn thình thịch-thình thịch bởi những điều tốt đẹp của cuộc sống. Tôi mong rằng ngày này năm sau, tôi cũng có thể ngồi lại, đọc và viết lại những cái đẹp khác của cuộc sống này.

Nghe nói ngoan là sẽ được nhận quà từ ông già Noel. Nên tôi luôn… ngoan, và tin chắc, sẽ có một ngày, ông già Noel (tội nghiệp) nào đó bay ngang nhà tôi rồi làm… rớt một (đống) quà giá trị xuống ban công (vì nhà tôi không có ống khói). Lúc đó, tôi sẽ cảm động lắm, nguyện lấy… thân đền đáp không chừng!

DU – Saigon