Xưa và nay, luôn có những lý thuyết vô lý được sanh ra và lan truyền, thậm chí thành một đạo luật nếu kẻ nắm quyền (và độc tài) tin vào lý thuyết đó…
Ví dụ:
Đa số nhân loài ngày nay không thể sống thiếu những hình ảnh, từ trên mạng xã hội tới báo chí lẫn ngoài đường, đâu đâu cũng có hình ảnh đủ chủ đề. Nhưng người Trung Hoa cổ xưa từng cho rằng máy chụp ảnh có thể “cướp” đi linh hồn con người và đã có rất, rất nhiều người xưa tin về cái lý thuyết này. Hoang đường!
Gọn nhẹ và dễ xài, tới nay chưa có thứ nào thay thế được một cây dù dùng để che mưa, che nắng cho một người đi bộ. Nhưng hồi xưa, Jonas Hanway (1712-1786) bị mọi người xúm vào chỉ trích, thậm chí còn có người ném trứng gà vào người Jonas… vì ông che dù khi trời mưa. Theo quan niệm của người Anh thời bấy giờ, mưa chính là thiên ý của Chúa, dùng vật che mưa chính là không tuân theo lời dạy của Chúa. Hoang đường!
Những kẻ xấu xa cũng thích ánh sáng của bóng đèn. Vậy mà nghe đồn hồi 1878, khi nhà phát minh Thomas Edison (1847-1931) bắt tay nghiên cứu bóng đèn dây tóc đã bị nhiều người khinh bỉ chê bai. Họ cho rằng thứ ánh sáng đó trái với tự nhiên. Nhiều người còn ví đèn dây tóc giống như những đốm sáng ma trơi và chỉ có thể sử dụng trong truyện cổ tích. Một ủy viên của Nghị viện Mỹ từng phát biểu: “Bóng đèn của Edison chỉ hữu dụng ở phía bên kia Đại Tây Dương, không phải nước Mỹ”. May mà vị ủy viên trên không nắm quyền cao và không phải quan chức ở một nhà nước độc tài, nếu không thì Edison đã bị cấm phát minh ra bóng đèn… Hoang đường!
Năm 1633, nhà triết học, toán học và thiên văn học người Ý – Galileo Galilei đã phải đến Rome để đối mặt với tòa án dị giáo vì khẳng định “Trái đất quay xung quanh Mặt Trời”. Theo lệnh của Tòa án dị giáo Roma, Galileo cuối cùng buộc phải từ bỏ thuyết nhật tâm của mình và bị quản thúc bởi Giáo hội cả đời. Lý do là quan điểm của Giáo hội thời đó cho rằng Trái đất là trung tâm của vũ trụ và tất cả những ý kiến phản bác lại điều đó đều bị cho là dị giáo. Tận năm 1992, Vatican mới chính thức thừa nhận sai lầm của mình trong việc tuyên án Galileo trong phiên tòa nổi tiếng năm 1633. Bây giờ nói trái đất hình vuông cũng không ai bỏ tù. Hoang đường!
Trong cái rủi có cái may, Galileo Galilei chỉ bị giam lỏng tại gia và câu chuyện của ông vẫn được sử sách ghi lại. Nếu là một chánh quyền hay giáo hội cổ xưa khác, có lẽ nhà thiên văn học đại tài này không thể còn sống, mọi dấu tích về ông và sự bất công ông phải nhận cũng chìm sâu xuống dòng chảy lịch sử vì không ai được phép nhắc lại. Ngay cả thời hiện đại, ở nhiều nơi trên thế giới, người nắm quyền vẫn “hành quyết” người dân tùy ý và xóa sổ họ khỏi mọi ngóc ngách internet, như trào lưu “phong sát” nghệ sĩ (cấm hoạt động nghệ thuật, xuất hiện trên truyền hình, xuất hiện trước công chúng) ở Trung Quốc những năm gần đây (đang lan dần tới Việt Nam). Hay câu chuyện về những cái vỗ tay khí thế, những giọt nước mắt phun trào khi gặp lãnh tụ của người dân Bắc Triều Tiên, họ có thật sự muốn làm như vậy? Hoang đường!
Và, điều gì đã xảy ra với phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan từ năm 2021, sau khi Taliban nắm quyền đất nước này: Taliban đã ra lệnh đóng cửa các trường trung học dành cho nữ sinh, cấm phụ nữ học đại học, cấm phụ nữ làm việc cho các tổ chức phi chính phủ bao gồm của Liên Hợp Quốc. Phụ nữ bị hạn chế đi lại nếu như không có nam giới đi kèm, và cấm họ đến các địa điểm công cộng như công viên hay phòng tập thể dục, phụ nữ không được cất tiếng nơi công cộng, không được nhìn thẳng vào những người đàn ông không có quan hệ huyết thống hoặc hôn nhân với họ. Taliban đã yêu cầu đóng cửa tất cả các thẩm mỹ viện trên cả nước. Trong khi đó, ngành công nghiệp này sử dụng khoảng 60,000 phụ nữ, và nhiều người trong số họ là trụ cột kinh tế duy nhất của gia đình. Ngoài ra, theo quy định của Taliban, nữ bệnh nhân chỉ được các nữ y tá và nữ bác sĩ chăm sóc. Trong khi lệnh cấm phụ nữ học trung học và đại học đồng nghĩa với việc tất cả nữ sinh y khoa không thể hoàn thành việc học và tốt nghiệp. Điều này sẽ dẫn tới sự thiếu hụt các nữ bác sĩ, nữ hộ sinh, và nữ y tá trong tương lai và các bệnh nhân nữ sẽ làm gì ngoài chờ chết? Vào năm 2022, chính quyền Taliban cũng yêu cầu các chủ doanh nghiệp không phát nhạc tại các sự kiện đông người, nhưng điều luật này không được giám sát quá chặt chẽ. Theo cách giải thích của Taliban, âm nhạc là thứ đi ngược lại với lời răn của đạo Hồi. Lực lượng này khẳng định, chỉ có giọng nói của con người mới tạo ra các giai điệu, và nó chỉ được dùng để ca ngợi thánh thần. Hoang đường!
Phát biểu tại Liên Hiệp Quốc cuối tháng 9-2024, minh tinh Hollywood Meryl Streep đã ghim vào lịch sử những câu nói lay động:
“Ngày nay ở Kabul, một con mèo cái còn tự do hơn một người phụ nữ. Một con mèo có thể ngồi và cảm nhận ánh nắng chiếu lên mặt, nó có thể đuổi theo lũ sóc trong công viên.”
“Ngày nay, một con sóc có nhiều quyền hơn một bé gái ở Afghanistan bởi vì công viên đã bị Taliban đóng cửa đối với phụ nữ và bé gái.”
“Một con chim có thể hót ở Kabul, nhưng một bé gái không thể hát ở nơi công cộng. Đây là điều kỳ quặc. Đây là sự đàn áp quy luật tự nhiên.”
“Tôi cảm thấy rằng, Taliban đã ban hành hơn 100 sắc lệnh ở Afghanistan, tước đoạt quyền giáo dục và việc làm của phụ nữ và trẻ em gái, quyền tự do ngôn luận và đi lại của họ. Họ đã giam giữ một nửa dân số của mình.”
Tuy đa số nhân loài sẽ lặng người, cay mũi khi nghe về số phận của những phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan giữa thời hiện đại ngày nay, nhưng những kẻ nắm quyền của Taliban (thậm chí là đa số đàn ông ở đất nước này) không mảy may rung động, họ cho đó là lẽ tự nhiên. Taliban luôn bác bỏ mọi chỉ trích về chính sách của họ, đặc biệt là những chính sách ảnh hưởng đến phụ nữ và trẻ em gái. Chính quyền này khẳng định hành động phù hợp với giải thích về luật Hồi giáo Sharia. Hoang đường!
Chưa hết hoang đường, Ấn Độ, đất nước nổi tiếng với ẩm thực đường phố không vệ sinh, những vụ hiếp dâm tập thể và đặc biệt là sự phân biệt giai cấp tàn nhẫn. Xã hội Ấn Độ chia thành 5 giai tầng cách biệt, đứng đầu là người Brahman (Bà la môn) “cao quý nhất”, đứng sau lần lượt là Kshatriya (chiến binh), Vaishyas (nhà buôn), Shudras (thợ thuyền, nông dân). Dưới cùng, nằm ngoài hệ thống giai cấp của Ấn Độ giáo, là tầng lớp “Dalits”, từ có nghĩa “bị áp bức”. Những người tầng lớp khác không muốn tiếp xúc, và không muốn chạm bất cứ vật gì người Dalits đã chạm vào. Những người Dalits chịu sự sỉ nhục và bạo lực cực đoan. Dalits là lớp tiện dân cùng khổ sống ngoài lề xã hội, bị những người thuộc các tầng lớp trên đối xử như súc vật. Trong mọi lĩnh vực từ kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục… họ đều bị đẩy ra, nhận mọi bất công, bất công từ việc đặt tên. Theo truyền thống đã có hàng trăm năm ở các vùng nông thôn, mỗi khi đứa trẻ được sinh ra, gia đình sẽ tìm tới các đền thờ của đạo Hindu để xin tên đặt cho con họ. Với người Dalits, tức thuộc tầng lớp thấp nhất trong xã hội, những cái tên thường mang tính xúc phạm, hay nhẹ nhàng hơn là mỉa mai hoặc hoàn toàn vô nghĩa. Hoang đường hơn hết là hầu như đa số dân Ấn buông tay chấp nhận chuyện phân biệt giai tầng xã hội và đối xử bất công với tầng lớp Dalits, ngay cả đa số người Dalits. Họ cho rằng đó là “cái số”, là do “thiên mệnh”.
Việt Nam thì sao, may mắn là Việt Nam ngày nay phụ nữ và trẻ em gái đã tự do hơn thời phong kiến ở Việt Nam và thời hiện đại ở Afghanistan. Phụ nữ và trẻ em gái Việt dầu gái hay trai đều được đến trường, đều được đi làm, đều được/bị hưởng những bất công của xã hội như nhau. Các tầng lớp xã hội ở Việt Nam vẫn có những sự phân biệt rõ nhưng không lộ rõ bất công như Ấn Độ, vẫn sẽ có những giai tầng “bình đẳng hơn”… Nói chung, Việt Nam đáng sống hơn hầu hết các nước kể trên, ngoài các nước kể trên thì tôi không dám bảo đảm, cũng không dám nói nhiều. Sợ bị đồn là không yêu nước.
Xin kết bài bằng một bài viết mà báo trong nước ngày 4-10-2024 đồng loạt đăng, tựa đề na ná nhau, chung quy là: “Cô gái 19 tuổi ở Nghệ An suýt khóc khi bấm trúng biển số… 49.53.” Tôi không biết sao cổ suýt khóc khi có tiền mua xe mới ở tuổi quá trẻ nên tò mò bấm vào coi. Thì ra, theo các báo thì do quan niệm của một số người Việt, tuổi 49 và tuổi 53 được xem là hạn lớn của đời người. Vì vậy, số 49 hay số 53 đều bị coi là những con số không may mắn. Bởi vậy mà mọi người (ngay cả các nhà báo) nghĩ rằng cô gái 19 tuổi kia đã “suýt khóc” khi nhận được bảng số xe trên, còn cô thì không. Vẫn vui vẻ đăng hình xinh xắn khoe lên mạng xã hội…
DU
Bà Tám ở Sài Gòn