Trời không nắng không mưa, cứ vài giây thì “ổng” bẽn lẽn thả nhẹ chút gió chút mây vô ly cà phê nằm trên rìa ban công như muốn “thả thính” với… tôi. Chiều nay, một buổi chiều đẹp. Mà trong mấy cái tiểu thuyết, cái gì đẹp thì nó thường… buồn. Tựa như câu “hồng nhan bạc phận”, tựa như tâm trạng tôi bây chừ vậy…

Nghề thời bao cấp (Từ VNexpress)      

Thính khác với mồi, thính là để nhử cá, thính được quăng vào hồ để nhử cá đến còn mồi thì được gắn trực tiếp vào cần câu cho cá ăn. Dân cư mạng VN gần đây hay dùng trên mạng xã hội chữ “thả thính” cũng có nghĩa tương tự: trêu ghẹo, làm dáng, mục đích thu hút/tạo cảm giác “tồn tại” của mình trước người khác (giới).

Còn tôi, như bao nhiêu cô gái trẻ xinh đẹp, ngoan hiền, dịu dàng, nết na, thùy mị, đáng yêu, ngọt ngào và… ế khác, hễ rảnh rỗi là tôi tìm đến mạng xã hội. Lúc thì coi tin tức, khi thì đăng vài ba câu chuyện “cà khịa” thiên hạ hoặc những tấm ảnh “selfie” cho bằng chị bằng em. Chuyện cũng chẳng có gì lạ nếu như hôm nay tôi không phải làm những việc trên ở một cái trang cá nhân mới tạo. Còn cái trang cá nhân chính, có “thâm niên” 10 năm của tôi đã bị khóa. Ai đó, có thể bởi vì “gato” (ghen ăn tức ở) với niềm tin vào trí tuệ và nhan sắc của tôi đã nhân lúc tôi pha cà phê đã lẳng lặng “hack” trang cá nhân của tôi, làm nó bị “khoá”, nhốt tôi bên ngoài.

Tôi không biết trang cá nhân của tôi sẽ bị khóa trong bao lâu, liệu có mất luôn hay không? Tuy không tiếc nuối hay lo lắng thái hoá nhưng tôi cũng hơi sốc vì đã dùng nó gần 10 năm. Ðó là nơi tôi lưu giữ nhiều bạn bè cũ cùng kỷ niệm và tin tức. Nếu mất đi một cách đột ngột như vậy, đồng nghĩa với việc tôi mất đi khối kiến thức/hình ảnh/bài viết đã lưu trữ cùng những tin tức bạn bè cũ (vì quá chủ quan và… lười nên không tải xuống máy cá nhân).

Sau khi trải qua vài phút hụt hẫng thì tôi cũng đã tạo cho mình một trang cá nhân mới trên mạng xã hội và tìm lại được gần 200 người bạn cũ mà tôi nhớ được (có những người bạn không thể tìm lại vì tôi… không nhớ tên “nick” của họ).

Bài đầu tiên tôi đăng ở  “nhà” mới là thông báo về “tình hình” hiện tại của mình. Nội dung đại loại: Ðã mất trang cá nhân cũ, đang tìm cách lấy lại. Mong anh chị em quen biết thương tình mà “add” trang mới để Du Uyên có cái mà… “thả thính” với người ta.

Cho thuê người yêu/thông gia, cho thuê người học giùm/thi hộ (từ Facebook)

Dĩ nhiên, không nhiều trái tim chai đá đến mức bỏ mặc một cô gái đáng thương (như…. tôi). Rất nhiều bạn “ảo” lẫn thật đã bày tỏ sự quan tâm với “sự cố” này bằng những lời an ủi, thăm hỏi, thương xót lẫn…. cười hả hê chào đón “nhà” của tôi được “tái sinh”. Và bên cạnh những tấm lòng quan tâm đó, cũng có không ít người nắm bắt cơ hội vô cùng nhanh. Họ vào nhắn tin gửi cho tôi những bảng giá từ vài trăm ngàn đến vài triệu Việt Nam đồng để chào mời tôi bỏ tiền ra để “nhờ” họ mở trang cá nhân vừa bị đóng, khỏi phải chờ đợi.

Xem thêm:   Chó...

Dẫu rất nghi ngờ vào khả năng mất vĩnh viễn trang cá nhân cũ của mình nhưng quả tình, tôi càng nghi ngờ vào “năng lực” và sự thành thật của họ hơn. Công việc của họ đang làm là một trong những công việc rất “hot” thời mạng xã hội “phồn thịnh” hiện nay. Ðó là mở hoặc “hack nick” người khác. Sau khi “hack”, có thể họ sẽ bán lại “nick” cho chính người bị “hack” hoặc những người khác khi có nhu cầu. Một tài khoản càng lâu năm, càng nhiều người chú ý thì có giá trị càng cao. Ðôi khi, người ta không mua mà sẽ thuê các “nick/trang bán hàng/fanpage/group” cho mục đích kinh doanh, tùy vào khả năng và vốn của mình.

Những người làm “nghề” này thường kèm theo các “dịch vụ” khác như quảng cáo, tăng “tương tác” cho các tài khoản có nhu cầu “quảng bá” thương hiệu, danh hiệu của mình. Ví dụ như bình thường bạn đăng một bài viết chỉ có 20 “like”, bạn cảm thấy mình cần nhiều sự “quan tâm” hơn nhưng không muốn bỏ trí tuệ và thời gian ra, bạn có thể thuê những người này. Bài viết bạn có thể lên đến vài chục ngàn “like” sau một vài phút. Những “like” này được tạo ra từ những “group” kín chuyên bán “tool” tương tác. Xưa thì “tấc đất tấc vàng” nhưng bây chừ người ta nói “tấc follower/view” mới là “tấc vàng”. Bởi vì thời nay, có rất nhiều người nổi tiếng chỉ sau một đêm nhờ những view/follower mà chúng ta cho rằng vô thưởng vô phạt đó.

Ðôi khi, sau vài ngày “nhờ” người ta cải thiện “like” và “mối quan hệ” ảo thì bạn có thể mất luôn trang cá nhân đó bởi chính những người làm “dịch vụ” này. Sau đó, bạn lại phải đi “chuộc” lại. Số tiền chuộc sẽ tăng dần theo các thông tin riêng tư mà bạn “lỡ” lưu vào trang cá nhân đó. Nếu có hình ảnh “mát mẻ” thì nguy cơ bị tống tiền, lộ ra ngoài vô cùng cao. Ðó là mặt trái của sự “phát triển” !

Tôi nghĩ không chỉ có tôi, mà có lẽ còn nhiều người nữa ở thế hệ trẻ đã từng tròn xoe mắt, hả họng thiệt to khi đọc đến các nghề như:  Lộn cổ áo sơ mi, bơm mực bút bi, làm vành xe, nồi niêu từ vỏ bom, bán nước sôi, cắt vỏ chai, cưa pedal xe đạp, gọt cao su nhúm lửa, chế ống lon và dán keo xe…  trong “tuyển tập” những nghề đặc biệt trong thời bao cấp nay đã “thất truyền”.

Nhưng tôi cũng nghĩ, những người lớn tuổi sẽ còn tròn xoe mắt hơn, hả họng to hơn cả tụi tôi khi nghe đến những nghề nghiệp thời “in tẹt nét” thống trị ở Việt Nam hiện nay. Không chỉ vì sự “lạ” của nó mà còn vì không ngờ có những con người có đủ can đảm, “mặt mũi” làm các công việc này. Vì, ngoài cái điệp khúc “hack” rồi mở trang cá nhân ở trên, chúng ta còn có…

“game thủ” cũng là một nghề hot ở VN và thế giới hiện nay (hình từ báo VN)

Thuê và cho thuê người

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

Khi xã hội phát triển, dẫu theo chiều hướng xấu hay tốt thì cũng khiến cho con người bận rộn hơn. Người ta sẽ không còn thời gian cho nhiều việc trong cuộc đời mình, cũng có thể là tư tưởng họ thay đổi, họ không muốn làm những việc đó nữa (ví dụ như dựng vợ gả chồng, xây dựng một tổ ấm, yêu đương, dịch chuyển). Nhưng xung quanh họ vẫn còn rất nhiều người khác, họ cần có một tấm bình phong để trở nên hoàn hảo hơn trong mắt của thế giới, hoặc ít ra họ cần biết cảm giác/kinh nghiệm khi làm một việc gì đó mà bản thân không muốn nhúng tay vào.

Chính vì vậy các dịch vụ cho thuê người trở nên hút khách. Công việc của người được thuê cũng ngày một đa dạng. Không chỉ làm người giúp việc nhà nữa mà còn làm bạn nhậu online, người yêu (ra mắt cha mẹ của các cô/cậu ế chỏng chơ để gia đình bớt lo về “hũ mắm treo đầu giường”), cô dâu/chú rể thậm chí là ông/bà thông gia thuê (cho các cuộc hôn nhân giả vì nhiều mục đích, dĩ nhiên là có cả mục đích lừa đảo), thậm chí làm người học/thi hộ, ăn giùm (ăn những món yêu thích hoặc đáng sợ. Sau đó “review” – mô tả cảm giác. Hoặc ăn thử món ăn của các nhà hàng/vùng đất lạ để khuyến khích người xem đến thử), hướng dẫn viên du lịch online, thầy dạy học/dạy thể dục online, ngoài ra còn hẹn hò/tâm tình online/sex online, thử mỹ phẩm/thuốc/quần áo online…

Còn có những công việc mới nghe tưởng chừng không thể nhưng lại rất được ưa chuộng có thể đem lại nguồn thu nhập cao đến không ngờ. Ða số người làm không cần đóng bất kỳ loại thuế nào bởi nó phát triển trên mạng, từ các “group” kín, đa phần qua thỏa thuận online. Và vì không có sự bảo hộ của pháp luật, rủi ro cũng cao không kém.

Có “cầu” thì có “cung” (từ báo Công Nghệ)

Thuê và cho thuên tư tưởng

Nếu như việc ở trên là cho thuê sự hiện diện của bạn ở một sự kiện nào đó trong cuộc đời người khác thì việc “thuê và cho thuê tư tưởng” này chính là cho thuê trí tuệ, tâm tư, suy nghĩ lẫn kiến thức và trải nghiệm. Công việc khá đa dạng nên cách làm việc, trình độ và mức lương của các “ứng viên” cũng đa dạng theo từng “phân khúc khách hàng”. Ví dụ như đi copy những thông tin từ các tổ chức nào đó truyền ra hoặc đi cãi lộn thuê để bảo vệ các đảng/phái, tập đoàn hoặc những người có chức có quyền thì sẽ có lương thấp một chút (mặc dầu cần da mặt dày) vì không cần nhiều trí tuệ.

Nhưng cũng là công việc đó, người làm là một người có chút tiếng tăm, thành tích và nhiều người biết đến (da mặt vẫn phải dày) thì mức lương của họ sẽ cao hơn. Ví dụ như một người bình thường ở Trung Quốc đăng tải bài viết ủng hộ cảnh sát Hồng Kông đánh/bắn người dân thì sẽ chẳng ai quan tâm nhưng khi cô tài tử Lưu Diệc Phi viết những câu chữ tương tự đã khiến cho rất nhiều người trên thế giới phản đối lẫn ủng hộ, vì cô ấy là người nổi tiếng, mỗi lời cô ấy nói ra đều tạo ra một giá trị nào đó.

Xem thêm:   Mây đen phủ bầu trời...

Ðó cũng là lý do khiến bộ phim Mulan của Disney dù chưa ra mắt đã tạo nên cơn sốt tẩy chay trên toàn cầu chỉ vì Lưu Diệc Phi đảm nhiệm vai chính. Công việc này được nhiều người đặt tên là dư luận viên (sơ cấp và cao cấp). Những người này thường kiêm luôn nghề “tay trái” là đi “báo cáo” những tài khoản “bất đồng chính kiến” với họ, đó là lý do nhiều bài viết chỉ ra cái sai của các tập đoàn kinh doanh lớn hoặc các đảng phái chính trị bị “bốc hơi”, thậm chí “nick” của người viết cũng “theo gió bay” (như “nick” tôi hiện thời) không hẹn ngày về.

Người muốn kéo “não” người Việt về VN (Từ báo VN)

Ngoài việc copy/tuyên truyền thông tin thì dư luận viên cao cấp còn làm công việc tạo ra thông tin, định hướng dư luận. Họ tạo ra các bài viết “chuyển hướng” dư luận, khiến cộng đồng mạng từ bỏ mối quan tâm này chuyển sang mối quan tâm khác, đôi khi là đổ dồn vào chửi hoặc tâng bốc họ. (Ðôi khi tôi thầm nghĩ, nếu Tổng thống Trump thất… nghiệp, có thể qua VN làm thêm công việc này. Vì dẫu căng thẳng ở Hồng Kông hay Biển Ðông thì mỗi dòng tweet của Trump đều khiến cư dân mạng Việt Nam cãi lộn ì xèo !)

Ngoài dư luận viên, cho thuê tư tưởng còn là tạo ra những “status”/”content”  quảng cáo cho các thương hiệu hoặc các diễn viên, người mẫu nổi tiếng, viết báo mạng câu view, quản lý trang bán hàng hoặc các trang cá nhân của người nổi tiếng…

Mục đích duy nhất là thu hút, thu hút và thu hút mối quan tâm. Chẳng kể mối quan tâm đó là tốt hay xấu, chửi bới hay khen ngợi. Chỉ cần có người quan tâm thì họ đã thành công và hoàn thành nhiệm vụ. Bởi vậy lâu lâu đọc báo mạng chúng ta lại “vấp” phải những bài như: cô gái/chàng trai làm lương 4 triệu/tháng mua được siêu xe 20 tỷ, bà già 82 tuổi lấy ông chồng 28, diễn viên A bỗng nhiên ra đường mà quên mang… dù, diễn viên B ăn bánh tráng trộn bị… nghẹn, cô gái điếm bốn mấy năm tuổi nghề vẫn còn… trinh!

Nghề… kéo

Ngoài cho thuê người hay tư tưởng thì còn rất nhiều công việc khác được tạo nên từ khi internet thịnh hành, do bài viết có hạn, tôi không thể kể hết. Nhưng cho dầu nghề nào thì VN ta cũng “đem” từ nước ngoài về, đôi khi là những phiên bản lỗi. Chỉ có công việc của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam tạo ra mới được coi là “thuần Việt”: thứ nhất là biểu tình chống Trung Quốc online, hay còn gọi là biểu tình máy lạnh (ai biểu tình offline là bị bắt bỏ tù), thứ hai là “kéo… đám mây về Việt Nam” và mới đây là tạo mạng xã hội mới để “kéo… não người Việt” về VN luôn!

Tôi đang thắc mắc không biết “mấy ổng có cách nào kéo… “nick” tôi về được không? Nguyện lấy thân báo đáp.

DU

Sài Gòn