Không biết từ bao chừ, nhiêu lần ông/bà quan chức nào ở Việt Nam chường mặt lên báo “phát biểu” thì y như rằng bấy nhiêu bận dân Việt (ở đâu cũng) được dịp “nổi xung thiên”. Cũng không biết từ bao chừ, để rút gọn mọi sự ngán ngẩm của mình, người ta dùng câu này để dẫn giải nguyên nhân sự ra đời của những lời “phát biểu” đó: “Ông/bà này là bộ trưởng/thủ tướng/bí thơ… giả, do Trung Quốc cài vào”. 

Cái này không phải “do Trung Quốc cài vào” mà là Trung Quốc tự đi vào khỏi cần cài! – Từ các báo VN   

Người gần nhất bị nghi là giả, “do Trung Quốc cài vào” là ông thủ tướng nước nhà. Vì ổng lên báo nói:  “Mong muốn có người phản biện sắc sảo cho Ðảng, chính quyền”. (Nếu ổng là thủ tướng VN thiệt thì đã xin lỗi, bồi thường, tạ tội với không biết bao nhiêu cây “phản biện sắc sảo” bị đàn áp, bỏ tù, đuổi khỏi quê hương trước khi nói câu này rồi.) Vì vậy, một – ổng là giả, hai – lời ổng nói là giả!

o O o

Có một clip vừa mới được post lên mạng xã hội đã “hót hòn họt”. Clip ghi lại cảnh một “cô đồng” đang “bị vong nhập” liên tục mắng chửi, chỉ chỏ và tát vào mặt một “con nhang” và nói: “Cô chỉ cảnh cáo lần này thôi nhá!” Nhưng do bị tát đau quá, “con nhang” đã “phản công”, tát lại “cô đồng” (đang “bị vong nhập”) liên tù tì nhiều cái tát. Tuy được nhiều “con nhang” khác xung quanh cản lại, nhưng “cô đồng” này vẫn “ăn trọn” những cái tát ấy và vẫn dùng tâm thế “bị vong nhập” mà nguyền rủa “con nhang” kia không ngừng. Nhiều người xem clip xong đã bình phẩm: Bị tát thế mà chưa văng ra? Vong này do Trung Quốc cài vào rồi nên mới “nhây” như vậy!

o O o

Ngày xưa người ta có câu “Hữu xạ tự nhiên hương” chỉ những người làm điều tốt, người có tài, người mang đến hạnh phúc cho mọi người thì sẽ được hàng nghìn người biết đến một cách tự nhiên. Không cần quảng bá, tung hô, ca ngợi nhưng vẫn sẽ được mọi người ở khắp nơi biết đến. Giống như một viên ngọc thật, không cần tô vẽ hay điểm thêm thì nó vẫn sẽ tỏa sáng. Ngày nay, người ta cũng có câu: “Bất lương tự nhiên… giàu”.

Tuy người ta thường nói vậy, nhưng không phải lúc nào cũng đúng. Có rất nhiều người tốt phải chịu oan ức, thiệt thòi. Bởi vậy, cũng là người ta nhưng có câu “Thẳng thắn thật thà thường thua thiệt // Lươn lẹo luồn lỏi lại leo lên.” Tương tự, không phải lúc nào bất lương cũng giàu, ví dụ như câu chuyện dưới đây:

2003, khi 2 anh em đến từ Girona (Catalonia, Tây Ban Nha) mua một bức tranh của danh họa thế kỷ 18 Francisco de Goya, vẽ chân dung một danh họa người Tây Ban Nha khác là Antonio Maria Esquivel. Với số tiền 270,000 euro. Bức tranh có giấy chứng nhận hàng “xịn” đàng hoàng. Vậy mà sau khi đi nhờ các chuyên gia kiểm chứng, kết quả cuối cùng lại ra bức tranh là hàng “dỏm”, được sao chép một cách tinh xảo. Theo phán quyết của tòa án Girona, 2 anh em nhà này được quyền giữ lại bức tranh chỉ với 20,000 euro đã cọc trước, thay vì 270,000 như đã thỏa thuận. Xét cho cùng đây cũng là sự may mắn, khi họ mới chỉ mất chưa đến 1/10 số tiền.

“dụ kao hả” – lời một (đống) cư dân mạng (Từ báo Dân Trí)

Mọi chuyện tưởng đã yên nhưng không, nó chỉ mới bắt đầu cho một câu chuyện khác. Khi hai anh em nhà này quyết định khởi nghiệp với “ngành” gian… thương, họ tìm mọi cách bán bức tranh “dỏm” ở trên với giá “xịn”.

Xem thêm:   Chó...

Ðến tháng 12 năm 2014, hai người này chốt giá bức tranh cho một vị đại gia người Ả Rập thông qua một gã môi giới người Ý, với khoản tiền dự tính lên tới 1.7 triệu Franc Thụy Sĩ – tương đương 1.7 triệu USD. Bức tranh được chuẩn bị rất công phu, đính kèm giấy chứng nhận “hàng xịn” giống hệt như hồi họ mua phải nó vậy.

Ở đời “không có bữa trưa nào miễn phí”, thế nên gã môi giới cũng đòi 300,000 euro tiền hoa hồng, báo hại 2 anh em phải vay mượn khắp nơi. Ðến hẹn, họ lên đường đến Turin để nhận 1.7 triệu đô, trong khi tại Girona gã môi giới nhận vali tiền trị giá 300,000 euro. Cả 2 được trao cùng lúc, cùng thời điểm. Mọi chuyện đến lúc này vẫn đang rất tốt đẹp.

Chỉ có điều khi chuẩn bị gửi “chiến lợi phẩm” vào ngân hàng của Thụy Sĩ, hai anh em này mới phát hiện ra mớ tiền trong vali của họ, toàn bộ 1.7 triệu USD, là tiền giả.

Họ tức lắm, để chứng minh “tức giận che mờ lý trí”, họ cầm luôn số tiền này ra sân bay để về nước. Kết quả, bị hải quan Pháp bắt giữ ngay tại sân bay với tội danh buôn tiền giả. Gã trung gian người Ý đã biến mất, bức tranh cũng biến mất, ông “đại gia” người Ả Rập cũng “bốc hơi”. Hai anh em chẳng còn gì để chứng minh mình không buôn tiền giả và đành phải chấp nhận ngồi tù. Nhiều người đọc xong câu chuyện này đã bình luận: Ông đại gia giả kia chắc chắn là người do… Trung Quốc cài vào, nên mới có nhiều tiền giả như vậy!

o O o

“Do Trung Quốc cài vào” bắt đầu là một câu đùa trên mạng xã hội như mấy câu chuyện ở trên. Nhưng từ một câu đùa bâng quơ, nó đã trở thành một mối hoài nghi, một sự ám ảnh trong lòng từng người dân Việt có quan tâm hiện tình đất nước. Nhiều người cho rằng, năm chữ kia, có thể là sự thật! Vì mỗi ngày, lượng người Trung Quốc ngang nhiên phạm tội ở Việt Nam một nhiều. Toàn những việc làm xấu xa và cần nhiều quyền hành nhất. Nhất là khi Hiệp ước dẫn độ Việt-Trung đã được thông qua (Hiệp ước này là một trong những nguyên nhân khiến các cuộc biểu tình ở Hồng Kông bùng nổ). Dưới đây là vài vụ gần đây (được lên báo):

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

– Tháng 7/2019,  công an Việt Nam tạm giữ gần 400 con bạc người Trung Quốc, những người này thuê hơn 100 phòng tại các tòa nhà trong khu đô thị Our City (Hải Phòng). Làm nên một đường dây cá độ cực lớn dưới “vỏ bọc” doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Những người này đã được dẫn độ về Trung Quốc sau đó!

– Ngày 11/9/2019, Bộ Công an “đột kích” khu nhà xưởng do nhóm người Trung Quốc thuê lại ở Kon Tum, thu giữ hàng trăm lít dung dịch, 13 tấn hóa chất, chất dùng để sản xuất ma túy và tiền. Những tên trùm ma túy người Trung Quốc này không chỉ có nhà xưởng ở  Kon Tum mà còn nhiều tỉnh khác như: Bình Dương, Bình Ðịnh, Ninh Thuận, TP.HCM… Những người này bị phạt 95 triệu vì tội… cư trú bất hợp pháp. Ðang bị tạm giam (có lẽ chờ dẫn độ về Trung Quốc?)

Bức tranh thuộc về tay vị đại gia “do Trung Quốc cài vào” (Từ Trí Thức Trẻ)

– Ngày 17/9/2019, công an Ðà Nẵng đã bắt nhóm người Trung Quốc ấu dâm, chiêu dụ, ép buộc nhiều thiếu nữ, trẻ em từ 15 tuổi đóng phim sex, trong đó có sự tiếp tay của một số người Việt.  Các đoạn phim này được phát, rao bán trên nhiều trang mạng xã hội Trung Quốc.

– Cũng ngày 17/9/2019, Công an Ðà Nẵng đã bắt 34 người Trung Quốc thuê nguyên một cái khách sạn ở trung tâm thành phố Ðà Nẵng để làm chuyện trái pháp luật. Theo báo VN: Tang vật tạm giữ tại hiện trường gồm nhiều laptop, điện thoại di động kết nối mạng để truy cập vào các trang web ở Trung Quốc để thực hiện đầu tư phi pháp, thao túng chứng khoán, các đối tượng khai nhận hành vi này bị cấm ở Trung Quốc nên cả nhóm phải sang Việt Nam để thực hiện, tất cả đều làm thuê cho một ông chủ tại Trung Quốc.

– Gần đây liên tục rộ lên mấy vụ vay tiền kiểu 4.0. Có nghĩa là “con nợ” chỉ cần tải app, làm theo hướng dẫn: cung cấp danh bạ, hình ảnh, họ tên, địa chỉ, số điện thoại, số hộ chiếu/chứng minh nhân dân, số tài khoản ngân hàng… Sau đó, nếu đủ điều kiện thì “con nợ” sẽ được vay tiền trong vòng vài phút. Người vay tiền phải chịu phí dịch vụ là 24% trên tổng số tiền vay (Ví dụ vay 1 triệu đồng thì bạn chỉ được cầm 760.000 đồng, còn 240.000 đồng là tiền phí dịch vụ), thời hạn vay là 6 ngày với lãi suất 4%. Ðến hạn phải trả đủ số tiền vay (1 triệu đồng) và tiền lãi, nếu không sẽ bị phạt thêm 4% mỗi ngày. Nếu chậm hoặc không trả tiền thì bị các “xã hội đen” liên tục đe dọa, khủng bố, bôi xấu bản thân và gia đình trên mạng. Từ đó mà  VN có nhiều “vụ án” mới mẻ: Vay ‘app đen’ 8 triệu, 2 tháng sau trả gần 200 triệu vẫn chưa hết // Cho vay 5 triệu đòi trả gốc và lãi 100 triệu // Tự tử vì vay tiền qua app…

Xem thêm:   Mây đen phủ bầu trời...

Ban đầu, đọc tin về việc này, tôi cho rằng phía sau những app này có lẽ là những “ông lớn” ngành nhà băng/kinh tế nào đó của VN. Nhưng không, những người đầu tiên bị công an quận 2 bắt vì “ngành nghề” mới và hiện đại này còn rất trẻ (có lẽ chưa phải kẻ cầm đầu), ngoài trẻ ra thì họ còn có quốc tịch Trung Quốc nữa (dĩ nhiên, luôn “đính kèm” vài người VN). Và các app này do người Trung Quốc lập ra.

Vụ ẩu đả giữa “vong” và “con nhang” do Trung Quốc cài vào (Từ facebook)

Hoặc 19/9/2019, báo chí Việt Nam đồng loạt đưa tin: Chủ đầu tư khu công nghiệp An Dương xây trái phép hàng chục (chắc thiếu chữ “ngàn”) ngôi nhà dành cho lao động Trung Quốc trên đất quy hoạch trồng cây xanh

Và những công trình tệ hại nhất, bị đội vốn nhiều nhất, kéo dài nhất ở VN luôn có “bóng dáng” của một hay nhiều nhà đầu tư, các khoản vay từ Trung Quốc ở phía sau. Ví dụ điển hình là dự án “huyền thoại” mang tên Ðường sắt Cát Linh – Hà Ðông ở Hà Nội… Trong khi các bài học mang tên “cái bẫy tiền từ Trung Quốc” đã được nhiều nước trên thế giới “phổ cập” lẫn phổ biến hàng chục năm nay!

Thiệt ra, cho dù “do Trung Quốc cài vào” có là một câu đùa hay một câu khẳng định, một sự thật thì nó vẫn nói lên nỗi sợ hãi, ghét bỏ và cảnh giác của người Việt khi nghĩ về hai chữ Trung Quốc. Giống y như câu cửa miệng “đồ Trung Quốc” bỗng bật thốt lên khi ai đó nói về đồ giả ở bất cứ đâu trên thế giới này vậy!

Xin kết bài bằng một câu truyện có-vẻ-vui:

Một vị chủ tịch huyện bị cách chức, vì quá uất hận mà ngã bệnh, chỉ có thể nằm bẹp trên giường. Bác sĩ khuyên phu nhân của vị chủ tịch:

“Thử đọc thông báo khôi phục chức vụ cho ông ấy xem, biết đâu lại có tiến triển”

Người vợ nghe thế thì nghĩ bụng: “Ðã đọc thì đọc hẳn thông báo thăng chức lên chủ tịch tỉnh cho ông ấy sướng một thể.”

Nghĩ là làm, bà đi in ấn, sao chép chứng từ, hồ sơ sao cho y như thiệt. Rồi đứng bên giường ông, bật loa, cầm “míc” đọc thiệt to những gì biên trong giấy. Không thể tin nổi, người chồng nghe xong thì cười ha hả bật dậy, khoẻ mạnh như xưa.

Bác sĩ thở dài: “Bà vợ này chắc chắn là do Trung Quốc cài vào để hại chồng bả, nên mới tự ý tăng liều “thuốc” như thế này”

Quả nhiên, sau khi biết được sự thật (không hề được tăng chức), người chồng đã phát điên.

DU

Sàigon