Những ảm đạm của tháng đầu năm, với tin “dịch dật” – biến thể mới của cúm Vũ Hán, tin những người tài danh làm nên nền văn nghệ đẹp đẽ ra đi, tin về những ồn ào quanh cuộc bầu cử ở Mỹ… được hòa tan vào một nụ cười nhẹ, sau khi câu chuyện có thiệt của chàng “bợm” si tình tên Linh được “phơi” trên mặt báo trong nước.

Bảo Huân    

Chuyện bắt đầu vào một bữa đẹp trời đầu năm 2021, nhân lúc vợ cũ đi lấy chồng mới, anh Linh (quê An Giang) chọn cách ngồi xuống ghế (của quán nhậu) suy nghĩ ròng rã 3 ngày 3 đêm, để nghĩ cách giải quyết nỗi buồn của mình. Sau khi uống hết 5 lít rượu và 50 lon bia (đó là lời anh “tường thuật” với báo chí trong nước). Vừa mất niềm tin vào tình yêu, vừa mất niềm tin vào nhạc sĩ Trần Thiện Thanh (tại ông nói “người say không biết buồn”), anh Linh chọn tin vào thần… chết.

Qua bao “trăn trở” về những cách chết, như anh nói với báo chí trong nước: “Em muốn nhảy trên cầu xuống sông thì nghĩ em không chết được, vì hơi em lặn dài lắm (quên, anh miền Tây sông nước mà). Nếu mà ra đường cho xe tông thì tội nghiệp bác tài xế…”, anh Linh quyết định lưu lại “chút gì để nhớ” cho đời bằng cách “Em cố tình chạy ngang cảnh sát giao thông không đội nón bảo hiểm để bị bắt mà mấy anh không bắt. Tức quá chạy vòng trở lại để mấy anh bắt…”. Anh nhấn mạnh: “Bắt để mấy anh giữ xe làm kỷ niệm. Bởi vì đêm nay em phải chết, phải tự tử…” Và trời không phụ lòng người, anh Linh bị cảnh sát giao thông bắt thiệt.

Anh Linh được đưa về đồn – sau khi thổi vào máy đo nồng độ cồn, kết quả của anh (theo người có chuyên môn đánh giá là) quá cao: 1,164 mg/1 lít khí thở. Anh được làm một việc vô cùng ý nghĩa là góp vào ngân sách nhà nước số tiền phạt 7 triệu đồng (cỡ 350 USD), bị tước bằng lái 23 tháng và đưa cho công an giữ xe 7 ngày (làm kỷ niệm). Có điều, đời không như là mơ (cho dù đang ở xứ “thiên đường”), anh Linh chưa được chết như nguyện. Vì vậy, anh quyết định đi… nhậu tiếp!

Tuy không biết rồi anh Linh sẽ ra sao nhưng câu chuyện về anh rất được quan tâm, mặt anh giờ đây “quen mắt” cư dân mạng trẻ ở Việt Nam hơn cả mặt của những người chủ trì đất nước. Nên hình ảnh anh ngồi “bơ vơ” giữa quán nhậu (sau khi nộp phạt và nộp xe…) được chia sẻ rộng rãi trên cõi mạng, nhận không biết bao nhiêu là câu an ủi hoặc lời trêu chọc. Cũng không ai biết anh nhậu tiếp vì buồn nỗi buồn mất vợ hay nỗi buồn mất tiền phạt/mất xe hay nỗi buồn vì chưa nghĩ ra cách chết “vẹn toàn”, hoặc có thể vì những câu bình luận ác ý từ phía cư dân mạng Việt Nam – vốn nổi tiếng thế giới là “độc mồm độc miệng”. Bên cạnh đó, những bài phân tích tâm lý, rao giảng đạo đức về câu chuyện của anh đã tràn ngập cõi mạng. Người đời, đâu ai quan tâm anh, họ chỉ quan tâm câu chuyện của anh mang cho họ thêm bao nhiêu “like”, bao nhiêu “share” và bao nhiêu “nhuận bút” mà thôi. Vì họ đâu phải là chính anh, dù họ có trải qua nỗi đau như anh hay chưa. Bởi vậy, người ta nói: Chỉ có mình bên mình cả đời. Chúng ta cứ loay hoay tìm một ai đó sánh bước bên mình, ở cạnh mình, song hành cùng mình… Nhưng lại quên mất rằng, dù có là ai đi nữa thì đến lúc họ cũng sẽ rời đi, chỉ có chính mình mới bên mình cả đời về sau, mới hiểu hết những vui/buồn/đau đớn/tổn thương hay hạnh phúc mà bản thân mình cảm nhận được! Ðừng bắt ai làm thay điều đó, dù họ rất muốn nhưng họ không thể!

Chàng Linh “si tình” đang “cô đơn” trên bàn nhậu, sau khi lên phường nộp phạt – Nguồn: Facebook

Một số những cây viết mang tâm hồn màu tím, nét bút mềm lòng thì nói có “cảm tình” với anh. Khi anh chọn “cái chết văn minh”, biết tội nghiệp người khác, không phóng xe thí mạng ra đường. Họ cảm động trước tấm “chân tình” của anh với người cũ. Hoặc họ thở dài: “Chắc là yêu nhiều lắm mới như vậy!” Hoặc họ chê trách tình yêu (hoặc mừng thầm vì “tao không có ngu như vậy!”)

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Tuy nhiên, lòng người là ích kỷ. Nên phần đông, người ta cho rằng, ở Việt Nam thiếu gì người như anh Linh, luôn thích mượn hơi men để làm chuyện dại cuồng. Không ít người đưa ra thắc mắc, sao anh Linh yêu nhiều như vậy mà “bị” bỏ? Có phải “tửu lượng” thượng thừa (3 ngày 3 đêm với 5 lít rượu, 50 lon bia vẫn chưa “gục” trên bàn nhậu) là một phần nguyên nhân khiến vợ cũ anh chàng này đi kiếm chồng mới hay không? Nhân “dịp”, họ sẵn đà chê trách luôn những “bợm nhậu” Việt Nam, những người đàn ông chuyên gia “có không giữ, mất đi… nhậu”. Có bà mới ly dị được ông chồng bợm nhậu (không phải tên Linh), tuyên bố thẳng thừng: “Ðàn ông Việt chuyên gia lấy rượu làm thước đo độ “manly”, sự từng trải và sành đời nên mới có một xã hội như ngày hôm nay. Ðàn ông bê tha, rạc rài, dồn hết gánh nặng lên vai người phụ nữ….” Mấy ông cũng nhào vô chống chế: “Rượu nó cũng như mấy con… điếm, nó sinh ra và tồn tại lâu lắm rồi. Xã hội nào, chế độ nào cũng biết nó không tốt lành gì nhưng không thể ngăn chặn được. Không khuyến khích nhưng nhiều ít gì cũng phải có xí, chứ hông có chi hết trơn thì niềm vui chưa trọn chứ chả chơi. Nam vô tửu như kỳ vô phong mà!” Và thế là cuộc tranh luận ngày càng đi xa, từ việc một anh thất tình đến chuyện có nên để bia/rượu tồn tại giữa đời này chăng?

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

Nhiều năm nay, báo chí thế giới và Việt Nam luôn thở dài trước lượng bia/rượu mà người Việt, với hàng tỷ lít bia và hàng trăm lít rượu được bán ra hàng năm, Việt Nam luôn là nước tiêu thụ bia lớn nhất Ðông Nam Á và xếp vào hàng đầu thế giới. Mặc dầu nền kinh tế không được đánh giá cao. Có thể do rượu là một chất kích thích, khi uống rượu sẽ làm cho trí não con người cảm thấy thư thái, vui vẻ, lâng lâng sảng khoái, quên đi lo âu phiền muộn? Vì vậy mà người ta uống được lần cả chai rượu hoặc mấy chục lon bia trong vài giờ, nhưng lại không uống nổi 2 lít nước mỗi ngày vì sức khỏe của mình, hay uống hết chén canh vợ vất vả nấu cho mình…

Quả tình, thời còn “trẻ trâu”, tôi cũng thích nhậu. Nhưng phải “tự thú”, hồi đó tôi thích nhậu không phải vì tôi thích… nhậu, vì khi đó tôi chưa hiểu cái ngon của bia/rượu nằm ở đâu, mà tôi thích nhậu bởi bốn lý do:

Một trong những “tác hại” của cơn say – bị bạn quay lại cảnh xấu xí, tống tiền – Nguồn: Facebook

– Thứ nhất là bạn tôi ai cũng thích nhậu (có lẽ do bạn bọn chúng, ai cũng thích nhậu?), nên khi nhậu thì thấy đông dzui/đủ mặt hơn hẳn lúc đi cà phê cà pháo hay đi uống trà sữa/trà chanh hay đi ăn lẩu, ăn hàng… Mà tôi thì ham vui!

– Thứ hai là mấy quán nhậu nào mà bạn tôi chọn, cũng có mấy món đồ ăn ngon, vị đậm đà (để “đánh” vào vị giác người nhậu, để “bắt” rượu, “bắt” bia), có mấy cô gái/chàng trai xinh đẹp làm phục vụ, ăn ngon miệng/nhìn vui mắt quá chừng. Tôi thì vừa ham ăn, vừa mê cái đẹp.

– Thứ ba, khi nhậu là lúc tôi hiểu những người bạn mình nhất. Ai hiền lành ai cộc tánh, ai hay nói xấu thiên hạ (giống tôi), ai thích khoe mẽ (như tôi), ai hay đâm bị thóc thọc bị gạo (tương tự tôi) hay ai tốt tánh (cỡ tôi)… thì chừng mấy ly là “lòi” hết! Từ đó, tôi biết chọn bạn (ít xấu hơn mình) mà chơi hơn.

– Thứ tư, quan trọng hơn hết, vì ít uống nhất trong đám, tôi rất ít khi “được” trả… tiền. Mà không có ăn gì ngon bằng ăn… chực!

Rứa là suốt một vài năm thanh xuân, bạn rủ/hú hí là tôi xúng xính đầm, guốc, tóc tai đi nhậu. Có đủ lý do để bọn tôi tụ họp ở các quán nhậu: nào là sinh nhật người A, kỷ niệm 5 năm ngày ly hôn của người B, mừng ngày người C bị ghệ bỏ, mừng ngày Nhà Giáo Việt, mừng ngày Halloween của Mỹ, chào đón năm mới/tuần mới/tháng mới, rửa nhà mới/giày mới/người yêu mới… đôi khi không cần lý do gì hết, chỉ cần: “A lô, mày rảnh hông? Ra quán cũ nha!”, “Ê, chiều rảnh không? Có chỗ này mới mở, hay lắm…”

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

Ban đầu nhậu cho vui, nhậu với mọi người bạn với mọi lý do (như trên). Dần dần, sau nhiều lần chứng kiến bạn mình lầy lội/mất hình tượng sau “mỗi cuộc vui”, có người phải nhập viện vì ngộ độc, có người phải lập gia đình vì “bác sĩ kêu” sau mấy cuộc nhậu vô chừng, hoặc sau vài lần chính bản thân tôi tỉnh dậy với đầu óc trống rỗng, không biết đã về nhà ra sao… Tôi dần biết uống cái gì ngon, chơi với bạn nào vui, đi với người nào sẽ thấy cuộc nhậu trở nên thú vị hơn và nhậu như thế nào là đủ. Tuy vẫn chưa chắc là mình “biết nhậu” hay chưa, nhưng tôi nhận ra, nhậu với bạn tri kỷ/rất thân và nhậu một mình là vui nhất (chứ không phải nhậu với ai cũng nhậu là vui). Uống vài ba lon nhâm nhi là hay nhất (chứ không phải say bí tỉ, so “tửu lượng” người khác là giỏi). Uống rượu/bia khi vui là ngon nhất (chứ không phải “mượn rượu giải sầu” là ngon, là hết buồn)… Tôi cũng ít đi nhậu hơn.

Lượng “tiêu thụ” bia ở VN tăng lên cấp số nhân từng năm – Nguồn: VIRAC, GSO

Vì những đứa trẻ thích nhậu bởi vì bạn bè thích nhậu, vì những người lớn thích nhậu bởi vì không còn niềm vui nào khác vẫn còn rất nhiều, vì người ta không biết chọn gì ngoài chọn rượu bia để trốn tránh cuộc đời – như tôi đã từng, hoặc như anh Linh ở trên. Nên dù không có tôi, không có anh Linh thì đất nước này vẫn “lọt top” bợm nhậu. Chiều chiều, dạo một vòng Sài Gòn, bạn hên lắm mới thấy được quán nhậu nào vắng khách, dù đó là quán sang hay quán bình dân, dù có là mùa dịch hay không (chỉ trừ lúc giãn cách xã hội vừa qua, không có quán nào được mở). Bởi vậy, những bài báo than vãn kiểu như: “Ăn nhậu Việt Nam: 5 triệu con chó và 3 tỷ lít bia” (2014), “Ðàn ông Việt uống rượu bia nhiều nhất thế giới” (2016), “Việt Nam là nước uống bia lớn nhất Ðông Nam Á, thứ ba Châu Á và hàng đầu thế giới” (2018), “Người Việt ‘nhậu’ 5 tỷ USD/năm: càng nhậu càng nghèo!” (2019)… vẫn luôn tràn ngập trên mặt báo “chính thống”.

Bởi vậy, không ngoa nếu nói Việt Nam là “cường quốc… xỉn”. Bởi vậy, không có gì lạ khi thấy kẻ say xỉn khắp nơi ở Việt Nam, từ trong nhà ra ngoài phố, từ ngoài đời đến trên… tivi. Từ người thường đến người không bình thường. Bởi vậy, không ít người phải tập quen với điều đó, như bà vợ dưới đây:

Vừa xong bữa nhậu đầu năm với bạn bè, anh chồng ngất ngư đi về nhà. Ðể vợ không đoán được là mình uống rượu quá mức, anh ta quyết định đi thẳng vào phòng và ngồi đọc sách, hy vọng vợ trông thấy sẽ nghĩ là mình tỉnh táo… Vài phút sau, cô vợ vào và hỏi: Anh đang làm gì vậy?

Chồng: Ðọc sách.

Vợ anh ta thét lên: Chời ơi! Bữa nay còn đọc tuyển tập Marx-Lenin, mà đọc ngược, cha!

Vì vậy, người say khắp nơi ở VN, làm đủ mọi ngành nghề – Nguồn: plo.vn

DU