Một người bạn của tôi cảm thán: “Bây giờ nhìn thấy trường nào còn cây phượng (không bị đốn hạ bừa bãi) là có cảm tình!” – Tôi đã buồn hết mấy ngày và cứ ray rứt miết ba chữ “có cảm tình” kia.

Muốn thì người ta tìm cách… – Nguồn: Facebook   

Chuyện bắt đầu từ một bữa đẹp trời, không gió không mưa, trời xanh, nắng ấm. Một cây phượng mục rỗng từ bên trong, bỗng “đột quỵ”, ngã xuống giữa sân trường xi măng. Ðè chết một học sinh và làm bị thương nhiều học sinh của ngôi trường đó (cũng là ngôi nhà mà cây phượng đã ở suốt 25 năm cuộc đời). Ngôi trường này ở rất gần nhà tôi. Cháu của bạn tôi cũng đang học ở đó.

Rất nhiều cảm xúc về câu chuyện trên, nỗi đau của người nhà em học sinh vắn số lẫn những cảm nghĩ, những đổ lỗi về câu hỏi trách nhiệm sau cùng thuộc về ai đã được người ta viết lại. Tôi đã âm thầm đọc hết những bài viết đó. Không ai thấy thương cho cây phượng. Ngược lại, từ sự việc đó, những người đáng ra phải trả lời câu hỏi về trách nhiệm lại “quơ” cả dòng họ nhà phượng vào cuộc “truy sát”. Từ đó, người đời (dù muốn nhìn hay không) bị buộc phải coi những hình ảnh các “nhân viên công ty cây xanh” – những người làm công việc chăm sóc, bảo vệ, nuôi dưỡng cây xanh của thành phố – “lê máy chém” đi khắp các sân trường, các con đường, bắt đầu cuộc chơi “chặt lầm hơn bỏ sót”…

Mùa Hè này, không còn cảnh “Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng” nữa. Chỉ còn cảnh những chiếc xe tải, xe cẩu, xe lôi chở đầy những “xác” phượng đã bị đốn hạ. Bên cạnh những thân cây đã rỗng mục từ bên trong, ai cũng thấy có rất nhiều khúc gỗ phượng cổ thụ to khỏe, mập mạp, “chắc thịt”. Những tán hoa đang đỏ rực rơi lã chã sau bánh xe (như hồi bà Mỵ Châu bứt lông ngỗng rải dài sau vó ngựa suốt đoạn đường “chạy giặc”.

Có lẽ chúng đã từng đứng ở sân trường nào đó hàng chục năm, chứng kiến những “mẹ hiền” lẫn “mẹ ác” trong giới giáo dục. Việc đó không chỉ xảy ra ở ngôi trường trên, không chỉ xảy ra ở Sài Gòn – “quê” của ngôi trường trên, mà nó xảy ra ở khắp VN. Từ Nam ra Bắc.

Từ đó, cũng đã có rất nhiều người nói sẽ loại bỏ hình ảnh phượng vĩ ra khỏi nét đẹp tuổi thơ, học trò của họ. “Màu hoa phượng thắm như máu con tim” xưa nay vốn được “cài đặt mặc định” cho sân trường mùa Hè sẽ không còn trong tâm trí họ nữa. Họ thay “màu máu con tim” đầy thơ mộng bằng màu máu bi thảm của người học sinh đã bị cây phượng đè chết oan nghiệt. Ðối với họ, cuối cùng, lỗi vẫn ở cây phượng. Như những vụ án người lái xe, bị té, mất mạng vì đường xấu/vì sụp ổ gà/vì vấp nắp cống, người ta không hẹn mà cùng chỉ luôn thủ phạm là cái đường, cái ổ gà, cái nắp cống. Rồi đồng lòng kể lể bao nhiêu “kỷ niệm” của mình sau những lần “đụng độ” mấy “thủ phạm” kia, nhưng rất may là còn sống (để kể). Rất ít người hỏi, tại sao cây phượng “đột quỵ”? Ai chăm sóc cây phượng đó (hoặc ai đã không coi sóc nó?)? Tại sao con đường kia lắm “vấn đề” như vậy? Ai đã làm đoạn đường kia (hoặc ai đã không kiểm tra nó?)

Xem thêm:   Mất mạng

Ðó là lý do tôi cảm thấy buồn và ray rứt miết ba chữ “có cảm tình” của người bạn, khi bản nói câu “Bây giờ nhìn thấy trường nào còn cây phượng (không bị đốn hạ bừa bãi) là có cảm tình!”

Cây phượng vĩ cổ thụ bị “niêm phong” chờ ngày “hành quyết” – Nguồn: Vietnamnet

Karl Marx từng nói: “Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh”. Nhưng không, riêng ở VN, khi bị áp bức quá lâu thì người ta quên luôn phản kháng. Họ bắt đầu coi những việc trái khoáy là điều đương nhiên trong xã hội và dễ dàng “có cảm tình” với những việc vô cùng bình thường, phải xảy ra trong xã hội văn minh. Cái sự “có cảm tình” ngày càng “rẻ rề”. Nên cứ thấy cây phượng không bị đốn hạ bừa bãi là “có cảm tình” (dù đó là lẽ đương nhiên).

Hay đi bệnh viện mà thấy bác sĩ nói chuyện bình thường, không nhăn không nhó không cau không có là “có cảm tình”. Ði vô trường thấy cô giáo không đánh con/cháu mình là “có cảm tình”. Ði mua đồ mà thấy bảo vệ/nhân viên không ra vẻ… thượng đế (với khách hàng) là “có cảm tình”. Ở trong xóm, để ý nhà nào không hát karaoke là “có cảm tình”. Trời mưa mà thấy đường chưa ngập tới… rún là “có cảm tình”. Ði làm giấy tờ mà không bị nạt nộ, không bị công chức/nhân viên hành chính trao cho ánh mắt mẹ… ghẻ là “có cảm tình”. Thấy ông đại biểu quốc hội nào đó đứng về phía người dân (ở một việc nào đó) là “có cảm tình”. Thấy phiên tòa xử xong, không (hoặc chưa) ai tìm ra sai phạm là “có cảm tình”. Ði đoạn đường nào không thấy ổ gà/ổ voi/nắp cống lật… là “có cảm tình”. Thấy lãnh đạo nào con… cha, cháu… ông là “có cảm tình”. Thấy người dân đen nào “dám” nói/viết sự thật, suy nghĩ thật, cảm tưởng thật về vấn đề trong xã hội là “có cảm tình”. Thấy cảnh sát giao thông nào đứng đường đường chính chính bên đường, mặt không hình sự, nói chuyện giống… người là  “có cảm tình”. Thấy tờ báo “chính thống” nào bị phạt vạ vô lý, dám “kháng cáo” lại là “có cảm tình” vân…vân…

Tôi tin chắc. Ngay cả khi không ở VN, bạn cũng có thể nhận ra, ở miền đất này, ngày càng có rất, rất nhiều chuyện cứ bình thường là đủ thấy “có cảm tình” rồi. Những chuyện khác tính sau. Bởi vậy, có rất nhiều người, sau khi “có cảm tình” một cách “dễ dãi” (vì điều bình thường quá khó gặp, người làm việc bình thường quá khó tìm), con người ta lại đau lòng nhận ra “trái tim nhầm chỗ đặt lên đầu”. Khi tiếp tục theo dõi sự việc, con người đó. Rồi mất lòng tin lần thứ vô cùng…

Xem thêm:   Mây đen phủ bầu trời...

Ví dụ như một hôm đọc báo, thấy ông bác sĩ mình “có cảm tình” ra tòa vì xài bằng giả/bán thuốc giả. Thấy ông thầy mình “có cảm tình” dâm ô mấy em nam sinh nhỏ tuổi hơn cháu/chắt ổng. Thấy vị hàng xóm thường để “vườn không, nhà trống”, chẳng tiệc tùng ầm ĩ, karaoke tung trời là tội phạm truy nã. Thấy ông lãnh đạo con… cha, cháu… ông là tay sai của mấy tên lãnh đạo con ông cháu cha khác. Thấy ông đại biểu quốc hội hôm rồi “livestream” bênh vực kẻ yếu, mắng bọn quan tòa bất lương là chủ mưu của vụ án tham nhũng ngàn tỷ Mỹ kim. Thấy anh “công an nhưng là người tốt” hôm rồi đưa bà già qua đường nằm trong băng đảng “hắc cảnh” chuyên cấu kết gian dương đại đạo, buôn lậu vũ khí, đẩy bà già xuống biển. Thấy “người dân bình thường” hôm rồi mới chửi những chuyện bất công trong xã hội khí thế, nay lên chức thiếu… tá an ninh mạng… Có lẽ sự “có cảm tình” bừa bãi này cũng là lý do của những bài báo tả những tội phạm nguy hiểm từng là “người hiền lành” chăng?

Dù sao, là con người, “có cảm tình” luôn là điều tốt. Dẫu sẽ thất vọng vì nhìn sai người, sai việc, nhưng ít ra bạn vẫn còn trái tim hướng thiện. Vì bạn vẫn “có cảm tình” với những thứ văn minh, đẹp đẽ của xã hội. Chứ đừng như những người bất-bình-thường khác (cũng chiếm số đông ở VN).

“Phản động  lives matter”, chống kỳ thị, áp bức từ Dư Luận Viên – Nguồn: chantroimoimedia.com

Những kẻ này cũng có nhiều sở thích như người bình thường như: thích được đối xử tốt, thích sống trong xã hội văn minh, thích được quan tâm, yêu thương và tôn trọng. Nhưng bản thân họ lại “có cảm tình” với những hành động không văn minh như đánh cướp (ví dụ: cướp chính quyền, cướp đất, cướp tài sản, lấy của người giàu chia cho người nhà…), vẽ/chửi/nói bậy, khạc nhổ nơi công cộng lẫn nơi công quyền, hay quan tâm quá lố vào chuyện cá nhân người khác (thường hỏi: “Mày có biết bố mày là ai không?” “Con này, mày điên à?”). Họ “có cảm tình” với những kẻ gù lưng nên coi người bình thường là khuyết tật… Họ “có cảm tình” với những cuộc bạo động, cướp bóc của kẻ lợi dụng khe hở của các cuộc biểu bình “black lives matter” chân thành, họ vui sướng, hò hét, nhảy múa vì sự không… thiên đường của nước Mỹ. Nhưng lại phản đối, đòi đánh giết bất kỳ ai (cùng màu da, cùng ngôn ngữ, cùng dân tộc với họ) có ý tưởng (chưa cần ra đường) về một cuộc biểu tình nào đó mang tên “phản động  lives matter”, “dân đen (da vàng) lives matter” ở VN. Họ bụm miệng cười hí hí:

Xem thêm:   "Phim cúng cụ"

“Thì ra Mỹ cũng hôi của!”

“Cảnh sát Mỹ cũng giết người!”

“Mỹ cũng bạo loạn!”

“Mỹ cũng kỳ thị!”

Nhưng ngay khi nhận được câu hỏi: Có điều kiện thì đi Mỹ không? Thì đã thấy họ sắp xếp hành lý xong rồi…

Và đặc biệt, những con người bất-bình-thường này “kỳ thị” người bình thường nhưng lại không kỳ thị đồ của người ta. Họ sẵn sàng nhận hết, chiếm hết, rồi biến những di sản thành tài sản, biến tài sản thành vô sản (đống rác). Vì họ không (không biết hoặc không học được cách) sử dụng cẩn trọng. Họ cố gắng phá bỏ mọi thứ, từ văn hóa, chữ viết, cảnh đẹp, môi trường sống, con người đến ngay cả cái tên của những con đường/những thành phố… Câu chuyện không có cảm tình dưới đây mà tôi “lượm” được từ trên mạng xã hội, là một bằng chứng:

* Một em bé thủ thỉ với mẹ: Con nộp bài cô giáo trả lại. Bắt phải về làm lại. Nếu không, sẽ không được điểm.

– Con viết gì vậy con yêu?

– Con viết vầy nè.

Bà mẹ cầm tờ giấy đọc:

“Chiều nay, bầu trời Sài Gòn đang nắng bỗng mây đen từ đâu kéo tới rồi mưa như trút nước xuống Sài Gòn. Người Sài Gòn hối hả tìm chỗ trú mưa dưới những mái hiên nhà dọc hai bên đường…”

– Có gì sai hở con?

– Ngay cả mẹ không biết sai gì ư?

– Sai gì nào?

– Thì đó… Cô bảo con phải thay thế tất cả các từ Sài Gòn là Hồ Chí Minh.

– Mẹ tưởng gì. Chỉ đơn giản vậy thôi à. Thì con cứ sửa lại cho đúng.

Ðứa bé mặt mày tiu nghỉu ngồi viết bài lại…

Ai cũng hiền lành, người hung dữ là kẻ khuyết tật – Nguồn: Facebook

Sáng hôm sau, bé hớn hở, hân hoan chạy vào lớp khoe cô giáo bài viết đã được sửa. Cô giáo cầm đọc. Càng đọc, sắc mặt cô càng tím tái:

“Chiều nay, bầu trời Hồ Chí Minh đang nắng bỗng mây đen từ đâu kéo tới rồi mưa như trút nước xuống Hồ Chí Minh. Người Hồ Chí Minh hối hả tìm chỗ trú mưa dưới những mái hiên nhà dọc hai bên đường…

Chẳng bao lâu sau, Hồ Chí Minh bị ngập nước. Bộ mặt Hồ Chí Minh bây giờ trông thật thảm. Nước càng lúc càng nhiều, dâng cao, kéo theo nào là rác rưởi phủ đầy ngõ ngách Hồ Chí Minh. Du khách nhìn Hồ Chí Minh ngao ngán.

Em ngồi nhìn Hồ Chí Minh mưa mà thấy chán. Vì cơn mưa có lẽ kéo dài đến tối. Không phải như mọi người thường nói “Sau cơn mưa trời lại sáng”.

Với Hồ Chí Minh, sau cơn mưa thường cúp điện. Cho nên Hồ Chí Minh tối thui tối thủi. Và vậy là sẽ không được đi dạo chơi Hồ Chí Minh đêm nay, đêm cuối tuần.

Tội nghiệp du khách đến chơi Hồ Chí Minh vào mùa mưa thì coi như bó chân không đi đâu được.

Nhưng người ta vẫn đến vì tò mò, vì Hồ Chí Minh có đủ các món ăn chơi của ba miền gộp lại.

Em không thích Hồ Chí Minh nhưng em phải sống với Hồ Chí Minh vì mẹ em đã sống với Hồ Chí Minh mấy mươi năm nay. Mẹ nói không thể bỏ đi vì Hồ Chí Minh là nơi chôn nhau cắt rún của mẹ…”

DU