Sau hai tháng trì hoãn do đại dịch Covid-19, Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, tức kỳ họp thường niên của Quốc hội Cộng sản Trung Quốc, đã được khai mạc vào hôm thứ Sáu 22/5, thì ngay trong ngày đầu tiên nhóm họp đã đưa đề nghị một dự luật về an ninh cho Hồng Kông mà theo nhận định của các nhà quan sát quốc tế, dự luật này sẽ được thông qua trước khi đại hội kết thúc.

Hồng Kông, biểu tình phản đối luật an ninh Trung Quốc bị cảnh sát bắn hơi cay – nguồn news1.news   

Khi Vương quốc Anh trao trả chủ quyền Hồng Kông lại cho Trung Quốc năm 1997, trong thoả thuận bàn giao đánh dấu sự chấm dứt thời đại thuộc địa của Anh trên hòn đảo này, lãnh tụ tối cao của Trung Quốc lúc đó là Ðặng Tiểu Bình đã bảo đảm cho người dân Hồng Kông tiếp tục được hưởng các quyền tự do căn bản như dưới thời cai trị của người Anh trong khoảng thời gian ít nhất là 50 năm.

Ðặng được cho là kiến trúc sư chính của chính sách đặc biệt dành cho Hồng Kông được biết dưới tên gọi là “nhất quốc, lưỡng chế”.

Chính sách này là bản thiết kế với mục đích duy trì sự thịnh vượng và nền tự chủ của mảnh đất tư bản tự do bé xíu nằm ngay trước ngưỡng cửa của một đại lục Trung Quốc Cộng sản bao la trong thời kỳ manh nha của cái gọi là đổi mới kinh tế, và cũng là nơi trở thành một địa điểm quan trọng làm trung gian gạch nối cho các trao đổi thương mại và tài chánh cho nền kinh tế tương lai đầy tham vọng của Trung Quốc.

Tuy nhiên, chỉ trong ít năm sau đó, Trung Quốc bắt đầu thực hiện từng bước một để dần rút bớt những quyền tự do mà 7.5 triệu người dân Hồng Kông đã được hưởng trong nhiều năm qua. Một ví dụ là năm 2003, chính quyền Hồng Kông, qua gợi ý từ Bắc Kinh, đã đề nghị một dự luật cho phép giới thẩm quyền địa phương có quyền đóng cửa những tờ báo có quan điểm chống chính phủ và mở những cuộc điều tra, xét hỏi mà không cần đến giấy phép từ toà án. Ðề nghị này đã bị huỷ bỏ sau khi nó châm ngòi cho những cuộc biểu tình rầm rộ lên đến nửa triệu người và cũng từ đó người dân Hồng Kông bắt đầu ngờ vực về những lời hứa hẹn của giới lãnh đạo cộng sản tại Bắc Kinh.

Một cuộc biểu tình tại Phi trường Quốc tế Hồng Kông Tháng 8, 2019 – nguồn EPA

Trong ngày khai mạc đại hội thường niên vào hôm Thứ Sáu vừa qua, các giới chức lãnh đạo Trung Quốc đã cho công bố một quyết định quyết liệt nhất dành cho tương lai của Hồng Kông, với luật an ninh quốc gia mới này, sau khi được quốc hội bù nhìn thông qua, rất có thể sẽ lấy đi hết những quyền tự do nào còn sót lại của người dân Hồng Kông và đặt hòn đảo này dưới sự kiểm soát hoàn toàn tuyệt đối của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

Trung Quốc từ lâu vẫn tự cho họ có quyền quyết định chính sách cai trị tại Hồng Kông để bảo vệ an ninh quốc gia, và hành động đầu tiên của họ là thiết lập một đồn trú quân trong lãnh thổ để thay thế lực lượng quân sự của Vương quốc Anh sau khi lực lượng này rời đi. Hồi năm ngoái, quân đội Trung Quốc cũng đã tiến hành một cuộc tập trận tại khu vực Thâm Quyến sát nách Hồng Kông trong khi các cuộc biểu tình đòi dân chủ đang nổ ra, mà các nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông coi đó như một hành động đe dọa. Tuy nhiên, luật an ninh mới ban hành trong kỳ họp quốc hội tại Bắc Kinh lần này sẽ cho Bắc Kinh có đầy đủ tư cách pháp lý để can thiệp vào Hồng Kông dễ dàng hơn khi cần.

Một điều ai cũng thấy là Trung Quốc đã thừa nước đục thả câu, lợi dụng khi mà cả thế giới còn đang bận giải quyết đại dịch Covid-19, để đưa ra luật an ninh mới này. Riêng tại Hồng Kông, trong thời gian qua đã thành công trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh mà ở giai đoạn cao điểm, chính quyền Hồng Kông bắt buộc phải ra lệnh đóng cửa ngưng mọi hoạt động và hậu quả là các cuộc biểu tình chống Bắc Kinh trong khu vực cũng phải dừng lại. Nhưng nay khi mọi sinh hoạt đang dần trở lại bình thường thì một số cuộc biểu tình nho nhỏ cũng bắt đầu rục rịch trên đường phố.

Quốc hội bù nhìn trong ngày khai mạc Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc 22-5 – nguồn Kogonuso.com

Hành động của Bắc Kinh có khả năng kích động thêm sự tức giận đã có sẵn từ các nhà hoạt động dân chủ tại Hồng Kông và có thể đưa tới những cuộc biểu tình thậm chí còn lớn hơn và bạo động hơn so với trước khi có đại dịch. Nhưng hành động này của Bắc Kinh cũng đã gửi đi thông điệp rằng quyền thể hiện sự bất đồng chính kiến hay tự do ngôn luận ở Hồng Kông hiện đang gặp nhiều nguy cơ sẽ bị tước đoạt mất đi trong nay mai và đồng thời đe dọa một nền báo chí từ lâu vẫn được phép hoạt động tự do hầu như không bị cản trở bởi những ràng buộc chính trị.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 11 tháng 4 năm 2024

Thậm chí nếu luật an ninh mới không nhất thiết đưa tới tình trạng đóng cửa báo chí và các cơ quan truyền thông từng xúc phạm đến Bắc Kinh, thì nó vẫn có thể đưa tới những hiệu ứng như phải tự kiểm duyệt hoặc mỗi khi muốn nói lên một quan điểm nào đó thì người ta cũng phải nhìn trước ngó sau. Quyền tự do chuyển tải thông tin từng đóng một vai trò quan trọng đối với sự thành công trong lãnh vực kinh tế của Hồng Kông thì nay cũng có thể đang gặp nguy hiểm và điều này sẽ gây không ít lo ngại cho nhiều công ty đa quốc gia mà từ lâu nay nghiễm nhiên đã chọn Hồng Kông như trụ sở điều hành chính của họ tại châu Á. Nỗi lo ngại về một cuộc đàn áp chính trị của chính quyền Trung Quốc tại Hồng Kông có thể khiến cho nhiều người ngoại quốc đang sinh sống và làm việc phải di cư về nước – đó là chưa kể những cư dân Hồng Kông có phương tiện cũng có thể sẽ tìm đến một quốc gia khác, nơi có thể bảo đảm cho họ một cuộc sống an toàn hơn.

Một trong những quốc gia đang theo dõi rất sát sự việc này là Ðài Loan. Tuần qua, Tổng thống Thái Anh Văn đã tuyên thệ nhậm chức cho nhiệm kỳ hai và đã dùng bài diễn văn nhậm chức để bác bỏ mô hình “nhất quốc, lưỡng chế” dành cho đảo quốc này. Người dân Ðài Loan hẳn đã thấy Trung Quốc không hề quan tâm về lời hứa của họ là để cho Hồng Kông được quyền tự trị. Bà Thái đã lên tiếng kêu gọi hai chính phủ cùng chung sống “hòa bình, bình đẳng, dân chủ và đối thoại”. Và Bắc Kinh đã phản ứng lại bằng cách tấn công đảng của bà Thái và nói rằng việc thống nhất là điều “không thể tránh khỏi”.

Luật an ninh mới hay chiếc thòng lọng – nguồn Devdiscourse.com

Mới đây, hãng thông tín Reuters đưa một nguồn tin từ trong nội bộ của giới chức lãnh đạo Trung Quốc nói rằng Quân đội Giải phóng Nhân dân hiện đang lên kế hoạch cho một cuộc tập trận trên cạn quy mô trên đảo Hải Nam vào Tháng 8 để mô phỏng một cuộc chiếm giữ có thể xảy ra trong tương lai với quần đảo Ðông Sa (Pratas Islands) hiện đang do Ðài Loan quản lý. Nếu vậy thì những lời đe dọa của Trung Quốc đối với Ðài Loan từ bấy lâu nay không chỉ là những lời nói suông.

Xem thêm:   Thương Hoa Tiếc Ngọc

Theo nhận định trong một bài xã luận của tờ Wall Street Journal, chỉ có một cách để ngăn cản bất cứ ý đồ nào như vừa trình bày ở trên là phải cho các giới chức lãnh đạo Bắc Kinh biết rõ là họ sẽ phải trả một giá rất đắt. Người dân Hồng Kông có thể nhìn thấy trước mắt là họ không còn lựa chọn nào khác ngoài xuống đường biểu tình cho dù có thể phải đối diện với rủi ro bị bắt và bị tù. Họ có thể bị thua trong trận chiến này nhưng sẽ mở mắt cho thế giới thấy rõ hơn bộ mặt thật xấu xa của Bắc Kinh. Một nhóm thượng nghị sĩ của cả hai đảng tại quốc hội Hoa Kỳ cũng đang cố gắng thông qua đạo luật sẽ trừng phạt tất cả những giới chức nào cho thi hành luật an ninh quốc gia này. Ðây là một nỗ lực đáng khen.

Kể từ khi lên cầm quyền, lãnh tụ Tập Cận Bình vẫn luôn tìm cách nhắc nhở để cho thế giới nghĩ rằng Trung Quốc là một cường quốc lành mạnh tuân thủ các quy tắc toàn cầu, nhưng tình hình ở Hồng Kông và Ðài Loan cho chúng ta thấy rõ hơn bản chất thực sự của chế độ cộng sản hiện tại.

Và như luật sư Martin Lee (Lý Trụ Minh), được nhiều người xem như cha đẻ của phong trào dân chủ tại Hồng Kông, từng kể lại lời cha của ông, Lý Ngạn Hoà, một vị tướng dưới thời Quốc Dân Ðảng, đã cẩn thận dặn dò ông phải luôn nhớ: đừng bao giờ tin người cộng sản.

VH

Arlington, TX