“Đời người sẽ trải qua ba bữa tiệc lớn… Lúc chào đời, lúc kết hôn và qua đời. Bữa tiệc đầu thì ta chưa biết ăn. Bữa tiệc thứ hai đôi khi là ta không có thời gian để ăn. Và bữa tiệc thứ ba là người khác ăn. Cho nên, sống ở đời bạn hãy ăn khi còn có thể.”

Con người ăn mọi thứ, ngay cả biết có độc (từ báo VN)

Có thể vì vậy mà trong tất cả các loài vật, không loài nào ham… ăn bằng con người. Nói ra nghe có vẻ “quơ đũa cả nắm”, nhưng quả tình, con người có thể ăn mọi thứ. Từ đất đến bê… tông, từ cây đến sắt thép, từ cá đồng đến cá sấu, từ con giun đến con rắn, từ con chim biết bay đến con chim biết… bơi (cá chim), từ động vật ăn cỏ đến động vật ăn thịt, từ động vật có vú đến động vật có… lông… Nói chung, con người ăn tất tần tật, chỉ cần có thể ăn, ngay cả khi biết thứ đó có độc, ăn vào có thể chết!

Ngoài ham ăn, con người còn biết… chữ. Chính vì vậy, sự ham ăn của con người được nâng lên một tầm cao mới. Nhờ nhạc, nhờ thi ca và văn học.

Con người ta thi vị hoá sự ham ăn bằng những bài hát của người con xa xứ dành cho quê hương: “Quê hương là chùm khế ngọt”. Bằng những bài viết tỏ lòng nhớ mẹ qua những… món ăn mẹ nấu. Bằng những câu thơ tỏ tình đầy “hương vị”: “Anh đi anh nhớ quê nhà // Nhớ canh rau muống, nhớ cà giằm tương.” Bằng những câu châm ngôn nghe vô lý nhưng lại rất thuyết phục: Con đường đi vào trái tim của người đàn ông là đi ngang cái… bao tử.

Ngoài ham ăn, thi vị hóa sự ham ăn, con người ta còn biết… lợi dụng sự ham ăn nữa. Ðừng tưởng đồ ăn chỉ lấp đầy cái bụng. Có thể nói, đồ ăn là thứ vũ khí mạnh mẽ nhất để đối phó với loài người.

Những cuộc xung đột, các cuộc nội chiến đã xảy ra trên thế giới xưa nay đều bắt nguồn từ những tầng lớp lao động; đơn giản vì họ đói, họ cảm thấy không đủ ăn ở dưới chế độ này, thế là họ phản kháng. Ðồ ăn không chỉ gây ra chiến tranh, nó còn cho thấy sự mạnh mẽ của những con người khi bị dồn vào bước đường cùng. Ðồ ăn cũng chính là thứ minh chứng cho sự yếu mềm của trái tim con người trước cái… bao tử. Cũng có nhiều cuộc chiến bị thua, không phải do thủ lĩnh vô dụng, binh sĩ hèn kém mà là do không có đủ lương thực duy trì. Lòng người chao đảo. Thế là có gián điệp, gian tế, nội ứng…

Ngoài là “vũ khí” để đánh nhau, thức ăn cũng là thứ “hoà giải dân tộc”. Hơn trăm ngàn câu khẩu hiệu mà các nhà chính trị cố vẽ vời, định hướng dư luận. Khi bạn ghét một người, thì nhiều khi họ thở thôi bạn cũng thấy ghét. Bởi vậy, người ta có câu: “yêu ai yêu cả tông chi, ghét ai ghét cả đường đi lối về” (hoặc ngược lại). Tuy nhiên, với thức ăn thì không như vậy.

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

Bạn có thể ghét người “Bắc Kỳ” nhưng bạn không thể ghét những món ăn được bài trí điệu đà, hương vị nhàn nhạt, thanh thanh của xứ Bắc. Bạn có thể ghét thời tiết miền Trung đầy nắng, gió, lũ lụt hằng năm nhưng bạn không thể ghét những món ăn Trung Kỳ đầy hương vị biển. Bạn có thể ghét nhịp sống hối hả của Saigon, cái bon chen và khói bụi từ những dòng xe. Nhưng bạn sẽ khó chối từ ly cà phê sữa đá ngọt ngào và cái bánh tiêu kẹp xôi vò dằn bụng buổi sáng từ những người tạo nên hình ảnh buôn gánh bán bưng quen thuộc của thành phố này. Dĩ nhiên, sự “hoà giải” chỉ diễn ra khi… ăn.  Thứ đang được “hòa giải” kia cũng chỉ là cái lưỡi. Nhưng nhiêu đó cũng đủ cho thấy sự … ham ăn của con người rồi!

Phở, bún riêu, bánh xèo, bánh đúc, canh cua rau đay, thịt luộc cà pháo mắm tôm, canh chua cá lóc, cá trê chiên giòn chấm mắm gừng, cóc ngâm chua, xoài lắc muối, bánh tráng trộn, hay đơn giản như cơm cháy chấm muối ớt… Nghe qua, người xa xứ nào mà cầm lòng cho đặng? Trong đó có những người đã phải chạy khỏi quê hương vì nhà nước độc tài, vì không nhìn thấy tương lai, vì nản… Trong đó, có cả những người không muốn về Việt Nam một lần nào nữa, hoặc ít nhất khi còn cộng sản….

Những món “quà quê” được an ninh sân bay các nước bắt được (Từ các báo VN

Mặc dầu nơi họ ở cũng có đầy hàng quán Việt, đầy người Việt nấu ăn giỏi và đầy những nguyên liệu, nhưng cái lưỡi của chúng ta đỏng đảnh lắm. Khi ăn một món ăn, muốn biết nó ngon hay không thì còn phải “trông chờ” vào tâm trạng,  vào nơi chốn, vào người nấu nữa. Ăn một dĩa “sà bì chưởng” ở cái tiệm nổi tiếng nhất Cali đôi khi lại cảm giác không “phiêu” bằng cái gánh trong xóm nhỏ, ồn ào và hối hả. Hoặc tôm hùm, bào ngư vi cá đôi khi lại thấy không… vui bằng trái ổi xá lị, trái mận chát ngầm vừa “chôm” được của ông hàng xóm khó… ưa. Mùi quê hương, mùi kỷ niệm, mùi nhớ nhung nó khiến cái lưỡi cuả chúng ta “sa ngã”. Chứ có phải nó ngon hơn đâu!

Có câu nói tôi mới được đọc: “Yêu thì người ta tìm cách, không yêu thì họ tìm lý do.” Chính vì quá yêu, vì quá nhớ, vì quá… thèm, nên có không ít người tìm cách để có được những thức ăn “chính hiệu con nai vàng”. Có “cầu” thì có “cung”. Nhưng ngặt ở chỗ, nguồn thức ăn ở Việt Nam bị cho là nguồn thức ăn có nguy cơ nhiễm bệnh nhiều nhất nhì Châu Á, và đa số đồ ăn ở Việt Nam không được kiểm dịch kỹ càng – hoặc kiểm cũng như không. Vì vậy, tính sơ sơ mỗi năm có vài trăm người Việt Nam được “lưu danh sử sách” ở sân bay các nước trên thế giới vì mang đồ ăn không đúng quy định, không đủ an toàn thực phẩm lên máy bay, đem qua nước họ. Ða phần là để bán hoặc biếu/tặng người thân quý. Có khi là vài con khô, có lúc thì mấy hũ mắm, dăm ba cái bánh tét bánh chưng…

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

Với những đất nước có luật pháp bao dung, khi bạn bị phát hiện thì họ thẳng tay bỏ những món “quà quê” kia vào sọt rác trước ánh mắt rưng rưng của bạn. Nhưng với những đất nước có luật pháp nghiêm khắc, quy định khắt khe, hậu quả sẽ rất nặng nề. Nặng nề nhất là những du khách, hành khách đến từ Việt Nam luôn được an ninh sân bay các nước cho vào “tầm ngắm”, được “chăm sóc” cẩn thận hơn mỗi khi nhập cảnh vào một nước nào đó. Vì đã có quá nhiều ví dụ cho sự … ham ăn nhưng không tìm hiểu luật pháp của một số đông người Việt.

Theo luật pháp, khi nhập cảnh vào Ðài Loan hành khách mang thịt hay các thực phẩm làm từ thịt có thể sẽ bị phạt từ 10 nghìn đến 1 triệu Ðài tệ (tương đương khoảng 7.5 triệu đồng đến 750 triệu đồng). Ngày 27/2/2019, một hành khách 56 tuổi bay từ Việt Nam sang Ðài Loan mang theo 2 đòn bánh tét làm quà, mà trong bánh tét dĩ nhiên là có ba rọi (nhắc mà thèm). Sau khi kiểm tra tại sân bay, nữ du khách Việt bị phạt 150 triệu đồng và bị từ chối nhập cảnh lên hòn đảo này.

Cách giảm ô nhiễm môi trường (Từ Facebook)

Cách giảm cân (Từ Facebook)

Tại Nhật Bản, hành khách mang thực phẩm tươi sống, thực phẩm qua chế biến, rau củ quả… phải tuân thủ các thủ tục về kiểm dịch. Trong trường hợp không có giấy chứng nhận sẽ chịu phạt tối đa 3 năm tù hoặc số tiền lên đến 1 triệu Yen Nhật (tương đương khoảng 200 triệu đồng VN). Ngày 15/10/2019, Nhật Bản công bố 3 người Việt đã đem 10kg thịt chó vào Nhật Bản hồi tháng 4/2018 qua sân bay Kansai. Dĩ nhiên lô thịt này không hề được kiểm dịch (hình như VN cũng chưa có chỗ kiểm dịch thịt chó). Ba người này bị bắt lại vì tội buôn lậu và tội mang thực phẩm trái phép, vì phía Nhật cho rằng nhóm người Việt đem thịt chó vào Nhật để bán cho đồng hương. Cảnh sát còn nghi ngờ những người này cũng tham gia buôn lậu thịt heo nhiễm vi-rút dịch tả vào Nhật Bản trước đó.

Xem thêm:   Mây đen phủ bầu trời...

Ở Úc, hành khách phải hoàn thành Phiếu Hành khách Nhập cảnh (Incoming Passenger Card) để khai báo hàng hóa có nguy cơ rủi ro bao gồm các thực phẩm, nguyên liệu thực vật và các sản phẩm từ động vật, dù chỉ là một lượng nhỏ đồ ăn nhẹ hay các nguyên liệu để nấu ăn. Nếu không kê khai hoặc kê khai sai trên Phiếu, khách sẽ có thể bị bắt giam và chịu hình phạt dân sự lên tới 420 nghìn AUD (tương đương khoảng 7 tỉ đồng).  Hôm 12/10, một người phụ nữ Việt Nam 45 tuổi mang theo 10 kg mực, 0.5 kg trứng cút kho thịt, 4.5 kg thịt cùng paté, trái cây, tỏi, ớt… đến Úc và không khai báo. Người phụ nữ này bị tước visa, trục xuất khỏi Úc và bị cấm trở lại Úc trong 3 năm.

Ngay cả ở nước láng giềng Singapore, một phụ nữ Việt (63 tuổi) bị phát hiện đã mang 490 trứng hột vịt lộn từ Việt Nam sang Singapore hồi tháng 9/2018. Người này phải nộp phạt 7,000 USD (tương đương 150 triệu đồng), vì vi phạm luật cấm nhập thịt, cá từ những nguồn không được cho phép của Cơ quan Quản lý Vệ sinh An toàn Thực phẩm và Thú y Singapore (AVA). Mức phạt cao nhất đối với vi phạm này là 2 năm tù cùng số tiền phạt 50,000 SGD (hơn 36,000 USD). Mức phạt tối đa đối với vi phạm tái diễn sẽ tăng lên 3 năm tù giam kèm tiền phạt 100,000 SGD (hơn 72,000 USD).

Cô gái dành cả thanh xuân để ăn và giảm cân 

Chính vì quá ham ăn, vì ăn mà bất chấp tất cả nên hơn 1/3 dân số thế giới hiện nay bị thừa cân. Từ đó, các loại thực phẩm chức năng dùng để “ám sát” cân nặng luôn đứng đầu về doanh số. Con người cũng “khai sanh” ra hàng triệu cách quái dị để giảm cân thay cho việc phải ăn ít lại và hoạt động nhiều hơn. Vì không phải ai cũng có thời gian đến phòng tập và có thể chủ động chọn thức ăn hay số lượng thức ăn mình nạp vào cơ thể. Có người ép cân bằng cách uống các loại thuốc gây mất nước. Có người nhịn ăn bằng mọi giá, nhất là trong thế giới người mẫu, diễn viên. Có người tìm đường cong cơ thể từ cách uống giấm chua, uống hỗn hợp chanh và ớt thay cho cơn đói. Cũng có người giảm cân bằng cách uống thuốc xổ, hoặc ăn xong đi móc họng cho nôn ra hết…  Có rất nhiều người đã thành công, cũng có rất nhiều người chưa kịp thành công đã chết vì những cách giảm cân phản khoa học mà người đời nghĩ ra hoặc tin theo.

Hôm nay, tôi xin giới thiệu một cách giảm cân mới, rất an toàn, không gây hại sức khỏe, nhưng sẽ khiến cho bạn hài lòng tuyệt đối với kết quả đạt được. Ðó là “report” cái cân. Như cách cái ông thầy giáo Nguyễn Khắc Ngọc kêu gọi “report” app AirVisual vì nó dám “nói” Hà Nội không ô nhiễm nhất thế giới vậy!

DU – Saigon