Bài nhiều kỳ – kỳ 5

Ngoài các dòng chữ do ông Bảo Ân soạn khắc trên bia mộ, bà Monique đã quyết định là khắc thêm hình ảnh kim khánh bốn chữ “Bảo Ðại Sắc Tứ”(*) khắc trên tấm bia, mà có lẽ những người làm bia mộ, không ai biết ý nghĩa của nó. Trước ngày khánh thành, ông Bảo Ân cho bà Monique hay là ông sẽ đem lá cờ vàng ba sọc đỏ vào treo trước ngôi mộ, vì đây là lá cờ ngày 2 Tháng Sáu năm 1948, chính phủ của Quốc Trưởng Bảo Ðại (với Thủ Tướng Nguyễn Văn Xuân) đã chính thức dùng làm quốc kỳ của quốc gia Việt Nam. Cuộc thương thảo bất thành vì bà Monique không bằng lòng và đe dọa sẽ gọi cảnh sát can thiệp nếu ông Bảo Ân đem lá cờ VNCH vào lễ khánh thành.

Con trai của Cựu Hoàng phản đối bằng cách không đến tham dự lễ khánh thành ngôi mộ của cha, và bài diễn văn soạn sẵn, với tư cách là đại diện của gia đình Vua Bảo Ðại, để cám ơn các quan khách và hội đoàn người Việt tại Paris, sẽ không bao giờ còn cơ hội để đọc nữa.

Ngày khánh thành mộ Cựu Hoàng có đủ các chức sắc thành phố, các hội đoàn người Việt ở Paris, nhưng lại vắng bóng các “Mệ” con của Vua Bảo Ðại, ngoài lý do trên của Bảo Ân, không ai muốn gặp mặt bà Monique. Ông Bảo Ân cho biết lý do, nếu ai đến, tức là đã công nhận bà Monique trong vai trò người vợ chính thức của nhà vua, đó lại là điều tất cả mọi người không ai muốn.

Ghi chú:

(*) Theo nhà biên khảo Võ Hương An, 4 chữ “Bảo Đại Sắc Tứ” khắc trong kim khánh trên bia của lăng Vua Bảo Đại tại nghĩa trang ở Paris, nhìn thì đẹp nhưng không có nghĩa. Hai chữ sắc tứ (hay có khi là ân tứ) được dùng khi vua ban thưởng một vật gì đó cho bầy tôi; ở đây, Vua Bảo Đại đã là vua rồi thì không viết “Bảo Đại Sắc Tứ” được. Nếu muốn trang trí thì nên ghi “Bảo Đại Hoàng Đế”.

Trong bài báo này chúng tôi dùng tiếng “mộ” để chỉ nơi an nghỉ của Cựu Hoàng Bảo Ðại. Nhưng theo sách vở triều Nguyễn, mộ của Hoàng Ðế, Hoàng Hậu, Thái Hậu được gọi là “lăng,” còn ngoài ra, dân thường và quan lại, dù đến nhất phẩm triều đình cũng chỉ được gọi là “mộ.”

Những đoạn đời gian truân

Ông Bảo Ân nhớ lại: Nếu không có chuyện tịch thu tài sản và nhà cửa của bà Phi Ánh, mẹ ông, thì không có cảnh gia đình tan tác, mẹ con mỗi người mỗi ngả và lâm cảnh túng bấn.

“Cuộc đời đôi khi giống như một vở kịch.” Ông Bảo Ân tâm sự: “Ngày hôm đó thật là một ngày buồn thảm đáng ghi nhớ, trời đã tối rồi mà ba mẹ con chúng tôi vẫn chưa tìm ra chỗ để dung thân, đi tới đâu ai cũng khéo léo từ chối, không ai còn muốn dính dáng tới chúng tôi nữa. Ông ngoại nói với dì Phi Hoa để cho chúng tôi tạm trú, mặc dầu gia đình bà cũng đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn vì có liên hệ đến Quốc Trưởng Bảo Ðại như chúng tôi.

Một thời gian khi thấy tình hình bên ngoài tạm yên, Me tôi quyết định cho chúng tôi đi học lại. Me tôi nhờ ông ngoại đến trường ghi danh cho chúng tôi, nhưng ông ngoại tới đâu, sau khi xem ‘lý lịch’ họ đều khéo léo từ chối, mà không nói lý do. Chị em chúng tôi đành phải ở nhà chơi một năm không đến trường. Sau đó chúng tôi phải tìm giải pháp là làm lại giấy khai sinh, lấy họ mẹ, từ dòng dõi nhà Nguyễn đổi thành con cháu họ Lê. Chúng tôi đã trở thành con người mới, không còn dính líu gì đến chế độ cũ nữa, có thể gọi là ‘chối bỏ nguồn gốc để tồn tại!’”

Trong thời gian này, bà Phi Ánh cũng không dám liên lạc với Ðức Từ Cung vì sợ bị lộ tung tích, vì dầu sao Bảo Ân cũng là giọt máu của Cựu Hoàng Bảo Ðại duy nhất đang sống tại Việt Nam.

Ông Bảo Ân tiết lộ, tên thật của ông do bà Từ Cung đặt cho ông khi mới sinh ra đời là Bảo Khương. Khi làm lại giấy khai sinh, ông đã đổi tên Bảo Ân và lấy họ mẹ. Sau này khi bà Từ Cung và Cựu Hoàng Bảo Ðại biết chuyện này, cũng đã rất thông cảm.

Năm 1964, bà Từ Cung đem Bảo Ân ra Huế ở với bà để đi học, cho đến năm 1968, khi biến cố Mậu Thân xảy ra, sau khi Việt Cộng rút ra khỏi Huế, bà Phi Ánh lo sợ cho con, nên đã nhờ một người trong Nguyễn Phước Tộc là ông Bửu Nghi, xin với Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ một chiếc trực thăng để đưa Bảo Ân từ sân Phú Văn Lâu lên phi trường Phú Bài, và từ đây ông đi theo máy bay C.130 chở tử sĩ và thương binh về Sài Gòn.

Mười hai năm sau, 1980, “Mệ” Bảo Ân và chị là Phương Minh đã trở lại Huế để thọ tang bà nội là Ðoan Huy Hoàng Thái Hậu, tức là Ðức Bà Từ Cung.

Việc tịch thu tài sản của gia đình Quốc Trưởng Bảo Đại

Nhiều người biết chuyện Quốc Trưởng Bảo Ðại bị ông Ngô Ðình Diệm truất phế trong cuộc “trưng cầu dân ý” vào ngày 23 Tháng Mười năm 1955, nhưng ít ai biết đến việc tài sản của toàn gia đình những người liên hệ với Quốc Trưởng Bảo Ðại (kể cả vợ không hôn thú) và của các ông Vĩnh Cẩn, Nguyễn Ðệ đều bị tịch thu. Thân mẫu của Quốc Trưởng Bảo Ðại, Ðức Từ Cung phải dọn ra khỏi Cung An Ðịnh.

Câu hỏi không được trả lời của chúng tôi đối với ông Bảo Ân là, phải chăng việc tịch thu tài sản này là do cấp dưới, tùy tiện, “lấy điểm” hay là do chủ trương, chính sách của cấp trên, hay chính Tổng Thống Ngô Ðình Diệm?

Ông Bảo Ân đã cho chúng tôi xem một tài liệu cũ mà ông đã lưu giữ từ 56 năm qua, tờ Công Báo Việt Nam Cộng Hòa ngày Thứ Bảy 22 Tháng Ba 1958, ấn hành bởi tòa tổng thư ký Phủ Tổng Thống, “bản phụ đính vào quyết định số 400.BTC/DC ngày 14 Tháng Ba 1958 của ông bộ trưởng tài chánh chỉ định những tài sản của Bảo Ðại và bộ-hạ đặt dưới đạo luật số 17/57 và 16-2-1957 và sắc lệnh số 122-TC ngày 27-02-1958 chỉ định tài sản tịch thu” của:

– Vĩnh Thụy tức Bảo Ðại.

– Marie Jean Nguyễn Hữu Hào, tức Nguyễn Thị Lan, tức Nam Phương Hoàng Hậu, vợ chính thức của Bảo Ðại. – Bùi Thị Mộng Ðiệp hay Bùi Mộng Ðiệp, vợ không chính thức của Bảo Ðại.

– Lê Thị Phi Ánh hay Lê Phi Ánh, vợ không chính thức của Bảo Ðại.

– Hoàng Thị Lang (hay Lan) tức Wong Y Lang, tức Jenny, vợ không chính thức của Bảo Ðại.

– Vĩnh Cẩn (anh em chú bác và là người thân cận với Cựu Hoàng, thường được gọi là Hoàng Tùng Ðệ) và vợ chính thức là Nguyễn Hữu Thị Bích Tiên.

– Nguyễn Ðệ (đổng lý văn phòng quốc trưởng ở Paris) và vợ là Bùi Thị Mão.

Tài sản bị chỉ định tịch thu gồm có bất động sản như nhà cửa, lâu đài, biệt điện, đồn điền, các sở đất, các kho chứa hàng, tất cả khí mãnh, dụng cụ trang bị cho các cơ sở trên, số tồn khoản tại các nhà băng, các cổ phần trong các công ty, các số nợ cho người khác vay, các loại xe hơi…

Chúng ta cũng biết là sau khi Quốc Trưởng Bảo Ðại bị truất phế, An Ðịnh Cung, diện tích 16,584 m2, tọa lạc tại bờ sông An Cựu Huế, tư sản của Vua Khải Ðịnh, không phải của triều đình nhà Nguyễn, đã bị chỉ định là tài sản tịch thu của “Vĩnh Thụy tức Bảo Ðại”. Thoạt đầu Ðức Từ Cung phải dọn qua tạm trú tại nhà thờ Kiên Thái Vương, trong khuôn viên Cung An Ðịnh Cung, và sau đó ra ở tại ngôi nhà ở địa chỉ 79D Phan Ðình Phùng, gần chợ An Cựu cho đến khi bà qua đời.

(còn tiếp)