Một lần, cùng với gia đình và bạn bè đi chơi ở vùng biển Destin, Florida, Tim Nguyễn được gặp lại hình ảnh con diều giấy lượn bay trong gió. Như một tiếng đàn ngân, ký ức Tim chợt dậy lên bao kỷ niệm của một bầu trời.

Ðúng như vậy. Có thể nói trong ký ức mỗi gã đàn ông đều có hình ảnh cánh diều thời thơ ấu. Cùng với ca dao, đồng dao, cổ tích, cánh diều mở ra một bầu trời trong sáng thuở tâm hồn ta chưa bị những lớp sóng thực tế vùi dập. Lão Tầm Xuân viết trên báo Trẻ ngày nào cũng đồng ý như thế, “Ðối với rất nhiều người, hình ảnh chiếc diều căng gió giữa trời xanh, từ thời tuổi dại đến buổi lão niên, vẫn còn là ấn tượng đậm nét. Cánh diều gắn liền với tuổi thơ. Tuổi thơ thả ước mơ cho gió, nắng. Nắng gió sẽ mang ước mơ về một cõi xa nào. Cõi ấy chỉ tồn tại trong trí tưởng hồn nhiên tuổi nhỏ. Khung trời ước mơ rồi nhạt nhòa theo dốc tuổi. Còn chăng là cánh diều.”

Vâng. Cánh diều tuổi thơ, hay ước mơ thời bé dại, bao giờ cũng đẹp. Ðẹp và mong manh. Và chính vì quá đẹp, quá mong manh nên cánh diều không chống chỏi được những cơn gió lớn của cuộc đời. Tuổi thơ là tuổi của những chuyện thần tiên. Thế giới tuổi thơ toàn những điều tốt đẹp. Công chúa bị con chằn tinh bắt về giam trong hang, cuối cùng sẽ được Thạch Sanh đến cứu. Gã tiều phu hiền từ, tốt bụng sẽ được ông Tiên hay ông Bụt giúp đỡ. Cô bé lọ lem rồi sẽ gặp được hoàng tử của đời mình. Nghĩa là, trong trí tưởng trẻ thơ, ở hiền sẽ gặp lành, những người hiền lương dù có gặp gian nan hoạn nạn, chung cuộc đều được bình yên, sung sướng.

Thế nhưng cuộc đời không phải luôn luôn như vậy. Như trong khúc bi ca ngày nào Tim viết:

Nhưng

thế giới thần tiên sụp đổ

những kẻ hiền lương sống kiếp đọa đày…

Hỡi cô bé quàng khăn đỏ

đã chết trong hàm răng sói già   

Và đây, Tô Thùy Yên cũng cho ta một hình ảnh đẹp và bi thương của cánh diều tuổi nhỏ:

Xem thêm:   Sài Gòn. bình minh mưa

Ôi cánh diều băng mùa hạ cũ

Xương tàn còn vướng ngọn cây cao

Đến nay trời nổi bao mùa gió

Còn tưởng oan hồn vật vã đau

Như vậy đó, cánh diều của buổi ấu thời. Thế nhưng, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn – muốn nhìn cánh diều tuổi nhỏ dưới một cái nhìn khác và cho nó một số phận khác. Này bạn ơi, hãy nghe bài “Ra Ðồng Giữa Ngọ” để biết TCS muốn nói gì: Giữa trưa đứng bóng, một thằng nhỏ  mang diều ra thả giữa đồng. Trong khi bay cao, con diều bỗng gặp một khuôn mặt yêu tinh. Thay vì tranh chấp, đấu đá, chúng cùng bay lên cao giữa thinh không với nhau. Câu chuyện kết thúc đơn giản, rất đơn giản:

Thằng bé xinh xinh ra đồng giữa ngọ

Ngờ đâu hội ngộ tan giữa hư không.

… tan trong cội nguồn

Thật là đẹp. Thật là lý tưởng. Không còn xấu tốt, thiện ác nữa. Cánh diều tuổi thơ cũng như con yêu tinh. Tất cả, như chúng ta và cõi thế gian này, rồi đều trở về thế giới nhất nguyên, nghĩa là trở về cội nguồn. Lập ý như thế là cao siêu. Ðúng là cảm hứng sáng tạo. Nhưng cuộc đời có vậy không? Trong cuộc đời, con yêu tinh có để yên cho cánh diều non nớt, hiền lành giỡn bay trong gió? Con sói già có dung tha cô bé quàng khăn đỏ không? Biết bao ước mơ, mộng tưởng trong sáng hồn nhiên đã tan vỡ, đã bị giết chết (như cánh diều mùa Hạ cũ hay cô bé quàng khăn đỏ) nếu chúng ta không làm gì để bảo vệ những ước mơ, những mộng tưởng ấy.

Ðâu có yên bình, hòa hợp như bạn tôi Trần Hữu Thục nói: “Thay vì tranh chấp đấu đá, chúng cùng bay lên cao giữa thinh không với nhau!” Con yêu tinh không bao giờ thân thiện với cánh diều non. Cuộc chiến đấu sinh tử tất phải xảy ra, chiến đấu giữa cái thiện và cái ác, giữa con diều giấy và yêu tinh. Tưởng tượng giữa bầu trời trưa lồng lộng, con diều giấy mỏng manh nghênh chiến với con yêu tinh mắt xanh, mũi đỏ, râu vàng. Thật dũng cảm và bi tráng, phải không các bạn? Và anh em ơi, xin hỗ trợ con diều giấy của tuổi thơ chúng ta. Này các bé con hãy ra đứng giữa đồng hò reo, cổ vũ bạn mình. Hãy phất cờ, gióng trống, nổi thanh la vang dậy cả một vùng. Ca sĩ ơi, xin cùng nhau cất lên bản hợp xướng ngợi ca cuộc đời và trí tuệ con người. Các thi sĩ hãy viết những bài thơ thật đẹp và nhân bản thả bay lên giữa trời hư không. Tất nhiên, cuối cùng con diều giấy rồi sẽ chết trước nanh vuốt yêu tinh, nhưng là một cái chết hùng tráng, xiển dương lý tưởng tự do và chân thiện mỹ.

Xem thêm:   Mơ về Mùa Xuân Pra-ha

Thật là bi thảm. Một hình ảnh buồn bã khác: hình ảnh tuổi nhỏ của Trần Vàng Sao và con diều giấy bay trên cánh đồng có những ngôi mả mới. Cánh đồng nào? Cánh đồng Lại Thế hay Ngọc Anh của quê hương tôi. Trần Vàng Sao, hỡi ơi, đã từ giã ra đi trong mùa Hè qua. Tuổi thơ nghèo khó… Trần Vàng Sao chơi thả diều trên cánh đồng có nhiều ngôi mộ mới. Buổi trưa nhiều gió. Bụng đói. Trần Vàng Sao nằm nhai mấy cọng cỏ nhìn cánh diều bay, nhớ những miếng sắn khô luộc. Buồn quá, đi lững thững lên đồi, chỗ những ngôi mộ mới. Người cúng mộ đông đúc.

tôi đợi cho mọi người đi hết

cho mấy cái khăn vàng khăn đỏ hết ngoái lại nhìn con ai dại trời nắng không có mũ nón trên đầu

mấy cây hương còn cháy cắm lên vắt cơm để trên miếng lá chuối hơ vừa héo

tôi ngồi xuống đất

những hột cơm trắng và khô

tôi ăn cả tàn hương phẩm đỏ vào bụng

liệu ai ở nhà tôi chết có được một vắt cơm to trắng như thế này để trên mả không

Bạn ơi, nghe đau xót quá, phải không bạn? Tim tôi cũng có một tuổi nhỏ mê thả diều. Và mê đá banh nữa. Cũng trên cánh đồng làng Lại Thế, cạnh ngôi đình có gốc bàng to. Cùng quê và cùng tuổi nhỏ như Trần Vàng Sao. Cũng nhà nghèo nhưng không đến nỗi đói cơm đến phải đi ăn cơm của cô hồn trên mả mới. Con diều của tôi bay giữa trời. Bỗng gió to, thổi bạt, con diều bay vướng ngọn cây bàng, không bay nữa. Tôi khóc.

Xem thêm:   Sài Gòn của tôi xưa

Như thế đó. Và cũng như mọi giấc mơ khác, con diều đã chết, thân xác treo trên ngọn cao, trên cột điện. Mới đây, được đọc một đoạn văn của Bình Nguyên Lộc viết về những xác diều, do Thụy Khuê trích dẫn trên Hợp Lưu số tháng 4 & 5-2006, lòng riêng vô cùng cảm khái:

“Những xác ấy bị treo lủng lẳng như vậy, có xác rơi xuống đất sau vài hôm, một tuần, một tháng; mà cũng có xác trơ gan cùng tuế nguyệt cho đến mùa mưa mới chịu để cho phong võ làm rã thịt mục xương.

– Diều sống có cá tánh riêng biệt khi bay lượn, mà chết, xác diều cũng có cá tánh nữa. Không phải xác nào cũng giống xác nào về lối chết và lối an nghỉ ngàn thu trên dây điện…

– Diều ơi, diều có phải gốc người Tây Tạng hoặc người của vài bộ lạc Châu Phi mà khi chết xác không thổ táng, hỏa táng mà lại không táng?”

Ôi, những con diều của tuổi thơ tôi và các bạn.

Viết thêm sau khi đọc lại: Tim Nguyễn nhớ trong một cuốn truyện của Charles Dickens, có một lão khùng ngày ngày viết những ý tưởng của mình về nhà vua đương thời rồi đem dán lên cánh diều thả bay giữa hư không. Gần đây, nghĩa là cũng đã khá lâu, không biết lão Tầm Xuân moi ở xó xỉnh nào ra một truyện cổ Ấn Ðộ kể rằng có chàng trai trẻ nọ khéo tay, làm một cánh diều và qua nó, thả thư cho người yêu bị giam cầm nghiêm ngặt một nơi xa thật xa… Chuyện cũng thơ mộng và lâm li, ướt át thấy mẹ đấy chớ. Nếu có được một cánh diều thật lớn, Tim tôi cũng muốn bắt chước cái lão khùng điên trong truyện của Charles Dickens viết lên cánh diều mấy câu thơ sau đây: “Xin ngày mai cổ thụ / không che ánh mặt trời / những con người dã thú / không giữ cửa cuộc đời / Anh và em về lại / trên cánh đồng tuổi thơ” và đem phóng lên trời. Và rồi hàng ngàn, hàng vạn những cánh diều bay lên tiếp tiếp, rao truyền thông điệp của tình yêu, hạnh phúc thật thà chất phác và một thế giới trẻ lại như khi nhân loại còn thơ.

TN