Hôm cuối tuần qua, Thứ Bảy 2 tháng 11. 2019, Nguyễn đi dự buổi giới thiệu và phát hành sách ‘Kỷ Yếu Triển Lãm và Hội Thảo Petrus Trương Vĩnh Ký’ tại hội trường Thánh Thất Cao Đài ở Garland. Phải nói buổi sinh hoạt ấm cúng và bổ ích, nhất là đối với người viết văn làm báo như kẻ này.
Nói buổi sinh hoạt là ấm cúng vì vừa bước vào là gặp ngay hai người đẹp HC và HL đang đứng bán sách. Bèn mua ngay một cuốn. Cầm lên thấy nặng trong tay. Nặng những ân tình, kiến thức và tấm lòng của những người viết gởi vào sách. Mình hết sức khâm phục Phạm Phú Minh, Nguyễn Văn Sâm và những anh em bỏ công sức ra cho một công trình sáng giá, để lại đời sau.
Nói về danh nhân Trương Vĩnh Ký. Quả là, xưa nay mình cũng có biết Trương Vĩnh Ký là một nhà văn hóa, thấy tên ông được chính phủ VNCH dùng đặt cho một trường trung học lớn nhất Miền Nam, tượng ông dựng trên sân trường và ở công viên trước Dinh Ðộc Lập. Biết qua hiện tượng bên ngoài thôi nhưng Nguyễn không ngờ ông lớn tới như vậy. Ông một mình đã dựng lên cả một nền văn hóa bằng chữ Quốc Ngữ cho dân tộc. Nhân cách, đạo đức sáng chói đáng được dân Việt ngưỡng mộ, tôn thờ.
Vậy mà khi Cộng Sản chiếm được Miền Nam chúng bèn đổi tên trường Petrus Ký thành Lê Hồng Phong, và cho dẹp bỏ các pho tượng. Trong khi đó sách vở báo chí Cộng Sản hễ có dịp là đổ tội cho Trương Vĩnh Ký theo Pháp, vu khống cho ông đã yêu cầu Pháp đem quân qua xâm lăng Việt Nam để bảo vệ giáo dân! Ðồng thời những gì liên quan đến Trương Vĩnh Ký là bị cấm chỉ. Cách đây không lâu nhà cầm quyền Hà Nội đã ra lệnh cấm phát hành cuốn Petrus Ký Nỗi Oan Thế Kỷ của Nguyễn Ðình Ðầu. Thật là đau khổ cho nhà sử học tác giả cuốn sách đã bỏ công nghiên cứu đề tài từ năm 1960 đến nay đúc kết lại in thành sách với tựa đề Petrus Ký Nỗi Oan Thế Kỷ. Chính quyền Cộng Sản là vậy, hễ không là người của họ, không có lợi cho họ thì sớm muộn cũng bị triệt hạ. Như cuốn Một Cơn Gió Bụi của Trần Trọng Kim đã bị cấm lưu hành. Cuộc phần thư và bách hại văn nghệ sĩ Miền Nam mấy chục năm qua còn in dấu trên trang sử một thời.
Về công lao đóng góp của Trương Vĩnh Ký, trang web Giáo Dân Paris ghi: Vào hậu bán thế kỷ 19, khi mà chữ quốc ngữ chưa được phổ biến rộng rãi, bị giới nho học khinh miệt và chỉ được dùng trong cộng đồng Thiên Chúa giáo, thì người đã có công trong việc phá đá mở núi, dọn đường cho chữ quốc ngữ phát triển và cho tiền đồ của nền văn học Việt Nam, người đó chính là Jean Baptiste Petrus Trương Vĩnh Ký, thường gọi là Petrus Ký, một nhà Tây học, nho học, nhà biên soạn từ điển và sách giáo khoa, nhà khảo cứu, phiên dịch và cũng là tác giả của một số truyện và ký. Họ Trương đã để lại cho chúng ta một di sản văn hoá đồ sộ. Ông đã khẳng định vị trí của ông là vị trí của một nhà văn hoá tiên phong qua việc truyền bá chữ quốc ngữ với tờ Gia Ðịnh báo, qua sự đóng góp đa dạng và phong phú với 118 tác phẩm thuộc nhiều thể loại và qua việc mở đường cho nhiều lãnh vực văn hoá.
Nhà văn Phạm Phú Minh trong bài Lời Nói Ðầu tập Kỷ Yếu… cũng ghi nhận: Trương Vĩnh Ký với tư cách là một người Việt Nam đầu tiên đã:
– Theo nghề làm báo tiếng Việt, tự mình đứng ra thành lập một tờ tạp chí tiếng Việt đầu tiên.
– Viết văn xuôi bằng chữ Quốc Ngữ.
– Viết lại bằng chữ quốc ngữ những tác phẩm cổ điển chữ nôm rồi in ra và phổ biến.
– Viết lại bằng chữ quốc ngữ một phần kho tàng văn chương bình dân của dân tộc Việt Nam và xuất bản
– Viết và giải thích bằng chữ quốc ngữ các lý thuyết của đạo Khổng Mạnh đã thấm nhuần trong văn hóa và giáo dục Việt Nam từ hàng nghìn năm.
Trần Doãn Nho trong bài nói chuyện cũng nhắc lại lời tụng ca của Phạm Phú Minh “Một thứ chữ âm thầm hiện diện trên đất nước từ hai thế kỷ trước”, “kiên nhẫn chờ đợi thời điểm chính mình xuất hiện để đóng vai trò hệ trọng trong đời sống văn hóa của dân tộc này” (236). Mãi đến hậu bán thế kỷ thứ 19, thứ chữ đó mới gặp được “điểm hẹn lịch sử”: Sự xuất hiện của Trương Vĩnh Ký.
Và rồi, Trương Vĩnh Ký “là người duy nhất vào thời điểm ấy làm cả một khối công việc nặng nề cho một quốc gia, cốt để xoay chuyển nền học thuật và văn hóa từ Hán Nôm sang Chữ Quốc Ngữ”, mà “ngày nay dù xu hướng chính trị như thế nào, “không một kiểu cố tình bóp méo, ngang ngược nào có thể phủ nhận nó.”
Buổi chiều hôm ấy, trong khi ngồi nghe các diễn giả Mai Thanh Truyết, Trần Doãn Nho, Nguyễn Trung Quân nói chuyện, lòng người viết dạt dào cảm xúc. Những ý tưởng – đúng ra là hư tưởng – cùng với những ảo ảnh chạy lòng vòng như đèn kéo quân trong đầu: kia là tượng Trương Vĩnh Ký đặt cạnh tượng Ức Trai, La Sơn Phu Tử, rồi tiếp đến tượng Hoàng Xuân Hãn, tượng Lý Ðông A, Phan Khôi, Trần Trọng Kim… tạo thành một vành bán nguyệt.
Chớp mắt, Nguyễn thấy mình và bạn bè đang ở một nơi khác, trong Ngôi Nhà của Những Danh Nhân Văn Hóa. Trên tường là những bức tranh vẽ cảnh Sông Bạch Ðằng với những chiến thuyền trong ánh hoàng hôn đỏ rực, cảnh Gò Ðống Ða xương phơi chật đất, cảnh Hồng Lĩnh đá dựng ngang trời, Sông Hương mơ màng với bóng chùa Linh Mụ… Rồi những kệ sách vây quanh. Bóng những mái đầu xanh và đầu bạc lô nhô, kẻ đứng chiêm ngưỡng quá khứ, người ngồi cúi đầu trên trang sách, nghe bên tai giọng ngâm bài Chính Khí Việt…
Trăng chiều đã lên trên bầu trời trong…
TN