Mùa Thu…

Chim thiên di, từng đàn từng đàn, sáng chiều bay qua bầu trời. Và này, em hãy nghe giai điệu của ca khúc To be by your side của Nick Cave hòa trong tiếng gọi đàn và nhịp vỗ cánh của loài chim thiên di: “And I know just one thing/ Love comes on a wing/ And tonight I will be by your side/ But tomorrow I will fly away/ Love rises with the day/ And tonight I may be by your side/ But tomorrow I will fly/ Tomorrow I will fly/ Tomorrow I will fly…” (Và này, anh chỉ biết một điều/ là / tình yêu chúng ta đến trên một cánh bay/ Và đêm nay anh sẽ ở bên em/ Nhưng ngày mai anh sẽ bay xa…/ Tình yêu dậy cùng với ngày lên / Và đêm nay anh sẽ ở bên em / Nhưng ngày mai anh sẽ bay xa…/ Bay xa…).

Chắc chắn trong đời ít ra cũng có một lần bạn nhìn thấy những cánh chim -một đàn ngỗng trời chẳng hạn- bay về phương Nam. Về đâu khi gió mùa thơm ngát, ôi lũ chim giang hồ… Ca từ của Văn Cao quá đẹp, bạn nhỉ? Về đâu?… Xin thưa: Chúng đi trốn rét, thường là vào độ Tháng Mười, phải thế không bạn? Những con chim én làm tổ dưới mái nhà thờ Mission ở San Juan Capistrano cũng vậy, chúng lên đường vào khoảng cuối Tháng Mười đấy, nhằm ngày Lễ Thánh John. Riêng Tim, thời nhỏ ở ngôi nhà bên dòng sông Hương, Tim tôi đã từng đứng ngắm cảnh đàn sếu bay qua bầu trời. Cảnh tượng thật đẹp và đượm buồn. Nó báo hiệu những ngày vui đang tắt cùng với ánh nắng cuối trời, và mùa Ðông đang tới. Viết tới đây, Tim chợt nhớ tới tên một cuốn phim Liên Sô chiếu trong những năm sau 1975 ở thành phố Sài Gòn: Khi Ðàn Sếu Bay Qua. Nghe nói chuyện phim khá cảm động: một cô gái ở Matxcơva (phiên âm theo kiểu các bác ở VN bây giờ) tiễn người yêu ra mặt trận vào mùa những cánh chim lên đường trốn rét. Thế rồi mỗi năm khi đàn sếu kia xuất hiện thì cô lại nhớ người đi không về.

Xem thêm:   Tháng Ba, tảo mộ …

Phải rồi, những cánh chim di bay qua bầu trời là hình ảnh đẹp và buồn, như đã nói ở trên, Thế nhưng, xét theo hòa điệu của thiên nhiên thì đây là một bài thơ, và những cánh chim chính là hình ảnh của cơn mơ. Tim tôi mời các bạn cùng đọc và cảm nhận chất thơ trong đoạn văn sau đây của Nguyễn Hạnh viết từ một trang trong “Reader’s Digest” (không thấy ghi ở số nào, năm nào): “Những tiếng kêu đầu tiên rơi vào giấc ngủ của tôi, thật êm và thật dịu, như ánh sao chảy qua cây lá trong vườn. Thế rồi, những tiếng kêu tới gần hơn. Khi tôi bước ra khỏi lều thì chẳng còn hồ nghi gì nữa dù vẫn còn bóng đêm. Những cánh chim di. Chúng bay qua, đập cánh trên đầu tôi, và tôi lắng nghe cho tới khi chúng đã khuất, mới nhận thấy rằng những thớ thịt trên cánh tay tôi cũng săn lại, như thể tôi đang mơ đến đường bay của những cánh chim”.

Như vậy đó, đường bay của những cánh chim. Các nhà tâm lý học thì nói rằng một trong những chủ đề chính của các giấc mơ là thấy mình bay như chim. Và khi ta hỏi các em học sinh các em mơ ước gì nhất, câu trả lời thường là: muốn được như chim. Ðường bay của những cánh chim có sức hấp dẫn thúc giục chúng ta đi tìm hiểu thế giới bên kia đường chân trời.

Thiên di tìm nơi ẩn trú là hoà điệu của thiên nhiên, là nhịp thở của quả địa cầu. Mà bạn biết không, trong số 8,600 chủng loại chim thì hầu hết đều có cuộc sống thiên di, từ cuộc di chuyển ngắn xuống dưới chân núi đến cuộc hành trình dài 22,000 dặm quanh vùng địa cực. Mỗi độ Xuân về, hàng trăm triệu khúc ca chim rộn rã khắp bầu trời khi những sinh vật nhỏ bé này trở về từ phương Nam, tạo thành những nốt nhạc nhiều màu sắc ngang qua bầu trời và những con sông đen màu cánh chim vạch lên không gian vô tận.

Cảnh trong phim “Le peuple migrateur” – nguồn Fondation Bettencourt Schueller

Không phải bây giờ mà đã từ nhiều thế kỷ nay, con người đã biết tới đời sống thiên di của loài chim. Và, trong ý nghĩa đó, người và chim rất gần nhau trong bản hòa tấu khúc của thiên nhiên và quý tiết.

Xem thêm:   Cái chuông gió

Sau đây, để tiếp tục cơn mơ của người và chim, Tim Nguyễn giới thiệu với các bạn một cuốn phim ngắn về những đàn chim bay đi trốn rét. Le peuple migrateur (tựa tiếng Việt: Chim thiên di) là bộ phim tài liệu về thiên nhiên gây tiếng vang từ năm 2001. Nó là món quà vô giá cho những ai sống trên mặt đất và đã từng nuôi ước mơ được tự do trên bầu trời như loài chim…

Bộ phim mang chủ đề: đường bay phiêu diêu của những loài chim từ phương Bắc lạnh lẽo đến phương Nam tìm nắng ấm. Cái ý ấy bắt đầu từ “trong đầu” của một con sếu vừa được một người nông dân giải thoát khỏi những mắt lưới mà nó vướng phải khi kiếm thức ăn trên một đầm lầy trên đường di trú. Nó bay đi và hẹn một ngày về. Trên suốt hành trình dài, những ngón chân nó còn đeo một sợi dây lưới.

Và thế là đường bay – cũng là đường dẫn bộ phim – có cớ để bắt đầu.

Người xem lập tức bị cuốn vào câu chuyện của những đàn chim ngỗng, sếu, cò, thiên nga… với những con đường di trú ngoạn mục của chúng khắp hành tinh xanh. Những chuỗi hành trình đầy rủi ro nhưng cũng nhiều lãng mạn. Những cồn cát đỏ trong hoang mạc, đại dương xanh thẫm, những rặng núi tuyết trắng, những cánh đồng phơi sắc vàng lúa mạch, những khúc sông thanh bình hay thung lũng bềnh bồng sương sớm… tất cả khung cảnh sắc màu sự sống trên mặt đất được nhìn bằng cái nhìn, lăng kính chao lượn của những bầy chim thiên di. Biểu tượng của tự do mà chúng ta vẫn nghĩ – thực ra là một cuộc kiếm tìm và đấu tranh sinh tồn trong tự nhiên. Ở đó, câu chuyện cá thể và bầy đàn trong việc sắp xếp những “hình vẽ”, thế bay trên bầu trời hoàn toàn không ngẫu nhiên mà là bài học đầy kỳ diệu của tạo hoá, cuộc sinh tồn.

Xem thêm:   Mơ về Mùa Xuân Pra-ha

Có lúc, người làm phim đã nhìn trái đất từ tầm nhìn và nhịp tim của loài chim trên hành trình đầy rủi ro này. Tiếng súng cất lên từ một đồng cỏ xanh. Một. Hai. Và ba… Những con chim lìa đàn, rơi rớt lại trên đường bay. Ðàn chim tan tác. Tiếng kêu xáo xác. Sự sống tự do như loài chim có lẽ cũng là những cuộc hành trình đẹp nhưng mong manh. Gần 40 lãnh thổ quốc gia xuất hiện trong bộ phim này. Có những thước phim ngẫu hứng về thiên nhiên Việt Nam rất mượt mà được nhìn từ con mắt trên không của một bầy chim di trú. Bộ phim được thực hiện ròng rã 3 năm trời với một ê kíp 17 phi công, 450 người tham gia thực hiện. Nhiều phi công phải liên tục “bay như chim” để làm bạn, bám theo các đàn chim di trú suốt 3 năm trời, sống chung “nói chuyện” với những đàn chim trên những trạm dừng chân của chúng để có những thước phim giàu cảm xúc.

Jacques Perrin là bậc thầy về phim tài liệu thiên nhiên hiện nay. Bộ phim còn có sự hợp tác xuất sắc của đạo diễn Michel Debats, đạo diễn Cluzaud (từng làm phụ tá đạo diễn bộ phim L’Indochine – Ðông Dương, làm tại Việt Nam).

Và giờ đây, em ơi, hãy nghe lại giai điệu của bản To be by your side của Nick Cave hoà trong tiếng gọi đàn và nhịp vỗ cánh của loài chim thiên di: “And I know just one thing/ Love comes on a wing/ And tonight I will be by your side/ But tomorrow I will fly away/ Love rises with the day/ And tonight I may be by your side/ But tomorrow I will fly/ Tomorrow I will fly/ Tomorrow I will fly…” (Và anh chỉ biết một điều/ là / tình yêu chúng ta đến trên một cánh bay/ Và có thể đêm nay anh ở bên em/ nhưng ngày mai anh sẽ bay xa…/ Ngày mai anh sẽ bay xa…/ Bay xa…)

TN – tổng hợp