Đài Bắc, Đài Loan: Sáng ngày 24 tháng 10, 2019, lúc 9:30, đơn kháng án phán quyết của tòa Sơ Thẩm Đài Loan từ chối thụ lý đơn kiện của 7,875 nạn nhân thảm họa môi trường Formosa với lý do không có thẩm quyền và khuyên các nạn nhân về lại Việt Nam để kiện, đã được các luật sư thuộc hai tổ hợp Hiệp hội Luật Sư Môi Trường (EJA) và Tổ Hợp Luật Sư Bảo vệ Quyền Môi trường (ERF), và hội Công Lý Cho Nạn Nhân Formosa (JFFV),  cùng với các tổ chức tranh đấu cho môi trường và nhân quyền nộp tại tòa Thượng Thẩm Đài Loan tại Đài Bắc.

Cũng trong dịp này, một cuộc họp báo cũng đã được tổ chức để trình bày trước dư luận báo chí và dân chúng Đài Loan.

Thành viên của trên 130 quốc gia trên thế giới của Liên Đoàn Quốc Tế Nhân Quyền ký tên ủng hộ đơn kháng án của 7,875 nạn nhân thảm hoạ môi trường Formosa. (Hình của JFFV)

Ngạc nhiên và thất vọng

Luật sư Trương Dự Doãn, chủ tịch Hiệp hội Luật Sư Môi Trường EJA, là người đầu tiên phát biểu tại cuộc họp báo. Ông cho biết Tổ chức Liên Ðoàn Quốc Tế Nhân Quyền (FIDH) gồm có trên 300 đại biểu từ trên 100 quốc gia, họp lần thứ 40 tại Ðài Bắc mà TT Thái Anh Văn đã đến đọc diễn văn khai mạc với lời cam kết dõng dạc: “Công việc của tôi là bảo đảm sự bảo vệ tốt hơn cho quyền con người” vào ngày 21 tháng 10, tức 3 ngày trước đó.

Luật sư Trương chia sẻ: “Ðài Loan trong những năm gần đây được công nhận là một quốc gia đứng đầu về quan tâm và bảo vệ nhân quyền; đó là lý do tại sao Ðại hội thứ 40th của FIDH chọn Ðài Loan để tổ chức. Nhưng chúng tôi đã rất ngạc nhiên và thất vọng khi nhận bản án của tòa. Họ đã hành xử giống như họ không quan tâm và chối bỏ quyền phán quyết của mình trong việc bảo vệ nhân quyền trong vụ án.”

Nghị quyết của Ðại hội Liên Ðoàn Quốc Tế Nhân Quyền FIDH

Ðược biết, ngày 22/10/ 2019, FIDH đã thông qua một Nghị quyết lên án vụ kiện bất công và gây quá nhiều tổn hại cho đông đảo nạn nhân tại 4 tỉnh miền Trung Việt Nam. Nghị quyết yêu cầu Tòa Ðài Loan xem xét lại vụ kiện Formosa và nghe các lời tranh tụng trước tòa để bảo vệ lợi ích của các nguyên đơn. Họ cũng yêu cầu nhà nước Việt Nam phải có những điều tra độc lập không thiên vị để bảo đảm quyền lợi cho nạn nhân, phải thả vô điều kiện và ngay lập tức các tù nhân lương tâm, chấm dứt những việc lùng bắt những người lên tiếng bảo vệ môi trường để họ có thể trở về với gia đình của họ,

Một phán quyết có vấn đề với hệ thống tư pháp Ðài Loan

Luật sư Hoàng Hinh Văn, luật sư trưởng nhóm tranh tụng cho nạn nhân sau đó đã phát biểu: “Ai cũng biết vụ án xuyên quốc gia này là phức tạp, nhưng tòa Sơ thẩm Ðài Loan dựa vào Ðiều 20 của bộ luật Tố Tụng Dân Sự để phán quyết rằng Việt Nam mới có quyền xét xử là có vấn đề. Vì cũng trong điều 20 này còn quy định nếu hai bên đồng ý với nhau và yêu cầu tòa Ðài Loan xét xử thì tòa vẫn có thể xét xử được. Tòa Sơ thẩm đã đơn phương quyết định, thậm chí là còn không chuyển đơn kiện của nạn nhân tới bị cáo là công ty Formosa. Như thế tòa mặc nhiên gạt bỏ quyền tranh cãi của cả nguyên đơn và bị cáo trước tòa, và tự phán quyết một mình.”

Luật sư Hoàng còn cho biết trên 80% vốn đầu tư và các người quản lý thuộc về tổ hợp công ty Formosa, còn lại là hai công ty China Steel và một công ty Nhật Bản chiếm phần nhỏ nhoi, 4 trong 5 người quản lý là người Ðài Loan, sống tại Ðài Loan,  họ là những người chịu trách nhiệm điều hành và quyết định mọi vấn đề quan trọng kể cả vấn đề kỹ thuật, việc xả thải v.v. họ phải chịu trách nhiệm. Tòa Sơ thẩm còn nêu ra lý do chỉ có tòa án Việt Nam mới có thể có phán quyết công bằng cho nạn nhân là một điều vô lý khi mà đơn kiện của họ nói rất rõ về những đau khổ của họ đã phải gánh chịu khi khiếu kiện tại Việt Nam. Bà kêu gọi và tin tưởng rằng đơn kháng án của nạn nhân phải được cứu xét cẩn thận và hợp lý để bảo đảm sự công bằng và nhân đạo cho nạn nhân.

Cần phải cám ơn các nạn nhân đã đến đây vì họ đã tin tưởng vào luật pháp của Ðài Loan

Luật sư Lâm Tam Gia (Lin Sanjia), Chủ tịch Tổ chức Bảo vệ Quyền Môi trường (ERF) phân tích:

“Tư pháp đóng vai trò duy trì sự công bằng và công lý. Cần có nghĩa vụ xem xét lại vấn đề tư pháp đối với vấn đề gây ô nhiễm của các doanh nghiệp Ðài Loan ở nước ngoài và sự tổn hại và đau khổ của người dân ở các quốc gia khác. Khi một nạn nhân nước ngoài đến Ðài Loan với “nguyên tắc chủ nhà” (the principle of actor)”, tòa án không nên tự ý tuyên bố rằng không có thẩm quyền xét xử. Họ nên tôn trọng và cảm ơn các nạn nhân nước ngoài vì đã tin vào hệ thống tư pháp của nước ta, và chọn xét xử theo tòa án của chúng ta và thực hành công lý”.

Tòa án Ðài Loan hiện tại là cơ hội tìm công lý tốt nhất cho các nạn nhân

Cô Dư Nghi Gia (Yu Yijia), ủy viên của Hiệp hội Xúc Tiến Nhân quyền Ðài Loan, nhận định rằng một phiên tòa xét xử độc lập và công bằng của Ðài Loan là nền tảng quan trọng để Ðài Loan bảo vệ nhân quyền và là tài sản quan trọng của xã hội chúng ta. Trong hai hoặc ba thập niên qua, Ðài Loan đã chứng minh ở nhiều khía cạnh rằng chúng ta có năng lực để bảo vệ giá trị quyền con người.

Cô phát biểu: “Tòa án Ðài Loan hiện tại là cơ hội tốt nhất để các nạn nhân Việt Nam làm rõ sự thật và được bù đắp thiệt hại. Do đó, chúng tôi long trọng kêu gọi các tòa án Ðài Loan cho các nạn nhân cơ hội để có được sự xem xét tư pháp, sự công bằng và công lý ở Ðài Loan. Cũng tại cuộc họp nội bộ của Liên đoàn nhân quyền quốc tế – FIDH lần thứ 40, chúng tôi đã thông qua một nghị quyết khẩn cấp hỗ trợ các nạn nhân của Tập đoàn Nhựa Formosa tại Việt Nam. Nghị quyết cũng đệ trình kháng cáo long trọng lên chính phủ Việt Nam và tòa án Ðài Loan.”

Trong Thời kinh tế toàn cầu hóa các quốc gia cần có sự thay đổi về pháp luật để bảo vệ nạn nhân của các công ty đầu tư đa quốc gia

Giáo sư Hoàng Tung Lập (Huang Yili), thuộc tổ chức Covenant Watch, tổ chức tranh đấu cho nhân  quyền  phát biểu:

“Trong 30 năm qua, chuỗi cung ứng toàn cầu đã phát triển và đầu tư xuyên quốc gia đã tăng lên đáng kể. Mục đích của đầu tư là tìm kiếm chi phí thấp hơn và hiệu quả cao hơn. Trong quá trình này, các nhà tư bản cũng có nhiều khả năng đa dạng hóa rủi ro và trốn tránh trách nhiệm. Khi vấn đề lao động hoặc môi trường phát sinh trong các ngành công nghiệp xuyên quốc gia, do quyền tài phán hẹp hơn trong quá khứ, các tòa án một quốc gia thường không cung cấp các thử nghiệm và biện pháp khắc phục hiệu quả, khiến nạn nhân thất bại. Khi người sử dụng lao động phân tán trách nhiệm của họ, thiệt hại mà họ gây ra đã được đặt ra cho các công nhân và người dân địa phương. Ủy ban về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa của Liên Hiệp Quốc nhắc nhở các nước thực hiện các bước cần thiết để ngăn chặn các công ty có trụ sở ở nước họ vi phạm nhân quyền ở nước ngoài. Ðồng thời, nhà nước cũng được yêu cầu ‘nâng cao hiệu quả hợp tác xuyên quốc gia giữa các tổ chức quốc gia và tư pháp trong luật công và thực thi tư pháp của hệ thống pháp luật trong nước.’ Trường hợp này tòa án Ðài Loan có thẩm quyền đáng kể. Hệ quả và tác động của doanh nghiệp tại nhiều tỉnh tại Việt Nam nên cần sửa đổi khái niệm thẩm quyền tư pháp, nếu cần thiết, tăng cường hợp tác tư pháp quốc tế, để cung cấp cứu trợ hiệu quả cho các vi phạm xuyên quốc gia trong thời đại toàn cầu hóa.”

Phán quyết cứng ngắc của một quốc gia luôn tự xưng là “Nhân Quyền Dựng Nước”

LM. Nguyễn Văn Hùng, Giám Ðốc Trung Tâm Di Dân và Lao Ðộng Người Việt tại Ðài Loan đã phát biểu với giọng đầy xúc động: “Viện dẫn những lý do về luật pháp để rồi bác đơn kiện của các nạn nhân cho thấy hệ thống luật pháp rập khuôn, cứng ngắc và bảo thủ của một quốc gia mà trên môi miệng của các nhà lãnh đạo thường nói “Nhân Quyền Trị Nước”. Formosa dùng tiền lợi dụng sự tham ô, tham nhũng của một đất nước nghèo, độc tài Cộng sản gây ô nhiễm môi trường sống, gây thiệt hại vật chất, tinh thần cho người dân một quốc gia khác, gây cảnh chia lìa vợ chồng, con cái, cha mẹ, mà công ty này lại ung dung tiếp tục làm ăn ở đó. Như vậy khi không xét xử công ty Formosa ở Ðài Loan thì chính phủ Ðài Loan đã là tòng phạm với cái ác của Formosa Hà Tĩnh, với độc tài, với tham nhũng của đảng Cộng sản VN… Mỗi lần nhìn thấy một ngư phủ phải bỏ nhà cửa, vợ con quê hương để đến Ðài Loan để làm việc vì cá không còn đủ để đánh thì lòng tôi se thắt lại…”

Ðẩy vụ kiện về Việt Nam là đẩy nạn nhân vào chỗ chết

Thỉnh Nguyện Thư với hàng ngàn chữ ký của cư dân từ 19 quốc gia

Trước đó hội Công Lý Cho Nạn Nhân Formosa (JFFV) gồm những thành viên vốn là người tị nạn Cộng sản từ 10 quốc gia trên thế giới đã đứng lên lập hội để giúp nạn nhân đưa vụ kiện ra ngoài nước Việt Nam thể theo tiếng kêu thống thiết của các nạn nhân. Bà Nancy Bùi, phát ngôn nhân và là phó Hội Ðặc trách Ngoại giao đã thay mặt Hội gửi cho Tòa Sơ Thẩm và Thượng Thẩm Ðài Loan một thỉnh nguyện thư với hàng ngàn chữ ký của cư dân từ 19 quốc gia và từ trong nước VN, bà đã lưu ý hai tòa rằng:

“Khi tòa đẩy vụ án trở về Việt Nam thì có khác nào đẩy các nạn nhân vào chỗ chết khi mà trước đây họ đã tìm đủ mọi cách để khiếu kiện và kháng án tại tòa án Việt Nam; đơn của họ đã bị trả về, họ còn bị đánh đập đến thương tích. Hơn 20 người đã bị bắt và đang bị ngồi tù với những bản án nặng nề lên tới 20 năm. Hàng trăm người khác vẫn còn đang trên đường trốn chạy”.

Hội JFFV được thành lập từ đầu năm 2017, đã tổ chức các buổi gây quỹ pháp lý để có kinh phí theo đuổi vụ kiện, tìm các chuyên gia môi trường làm nhân chứng chuyên môn trước tòa, và thuê mướn 5 tổ hợp luật sư gồm 2 tổ hợp luật sư tại Ðài Loan, 2 tổ hợp luật sư tại Hoa Kỳ và một tổ hợp luật sư chuyên về nhân quyền tại Canada để tranh tụng tại tòa án Ðài Loan, Hoa Kỳ và Hội Ðồng Nhân Quyền tại Liên Hiệp Quốc.

Theo bộ luật dân sự tố tụng của Ðài Loan thì Tòa Thượng Thẩm sẽ có khoảng 2 tháng để cứu xét đơn kháng án của nạn nhân. Nếu bản án của Tòa Thượng Thẩm không đem lại công lý, hội JFFV và toàn bộ các luật sư cũng như các tổ chức tranh đấu cho môi trường và nhân quyền quyết tâm đưa vụ kiện tới Tối Cao Pháp Viện Ðài Loan.

Ông John Hòa Nguyễn, hội trưởng hội JFFV cương quyết: “Chúng tôi sẽ đi tới cùng. Nếu chúng tôi thất bại tại Ðài Loan, vụ kiện sẽ được chuyển sang Hoa Kỳ, và tại đây thì con đường đi tìm công lý cho các nạn nhân sẽ rộng mở hơn nhiều.”

Chúng tôi ghi nhận, đã có trên 20 cơ quan truyền thông có mặt. Hôm nay họ đã đăng tin và phổ biến trên các đài phát thanh và truyền hình Ðài Loan cũng như một số báo đài quốc tế.

TG – 10/2019