Tôi từng đi bộ qua nhiều con đường ở Berlin, Frankfurt, Munich, Hamburg (CHLB Đức), Praha (Cộng hòa Séc), Paris (Cộng hòa Pháp) … Người ta có bày bàn ghế bán cà phê, nước giải khát trên vỉa hè nhưng vẫn dành lối đi cho người đi bộ, người đi xe đạp. Không ai phải xuống đường!
Riêng Việt Nam thì sao?
Chuyện dài!
“Kiên quyết xóa bỏ các điểm hè phố, lòng đường bị chiếm dụng trái phép để làm nơi kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện; trả lại nguyên trạng hè phố với phương châm giành lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ” là Kế hoạch số 1/KH-BCĐ197 năm 2023 của TP. Hà Nội được ban hành. Thế nhưng sau đợt ra quân rầm rộ, thì giữa tháng 2/2023, trên các tuyến phố Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến …đã bị hàng quán chiếm lại từ chiều cho đến đêm.
Tình hình ra quân lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường được chính quyền TP. HCM tổ chức nhiều đợt nhưng rồi đâu cũng vào đấy! Người đi bộ vẫn không có lối đi do tình trạng mua bán, họp chợ, giữ xe tự phát … một tối đầu tháng 6/2023, tôi chứng kiến trên đoạn cuối đường Rạch Bùng Binh, thuộc P.9, Q.3, TP. HCM, 2 bên đường, mấy quán nhậu bày bàn ghế, dựng xe máy tràn hết lề đường. Chính quyền phường huy động đầy đủ các lực lượng đến lập lại trật tự, giành lại vỉa hè. Các quán tung hết nhân viên dẹp bàn ghế lia lịa, khách hàng cũng góp sức cầm ly chén … dời chỗ. Mới đây, tháng 11/2023, tôi trở lại nơi này, sau gần 6 tháng, thấy đâu cũng vào đấy! Nghĩa là nếu căng quá thì rút, lơ một chút thì lại bung ra! Có phạt hành chính cũng chắc … phạt cho tồn tại mà thôi!
Ở Đà Nẵng, tình hình cũng chẳng khác chi. Vỉa hè đã có “chức năng” dùng làm nơi sửa xe, bày bán xe máy, kinh doanh buôn bán cả ngày lẫn đêm. Đến đường kiệt, hẻm cũng bị trưng dụng đổ vật liệu xây dựng, họp chợ, dựng xe máy …
Còn phải kể đến việc vỉa hè bị đào xới đặt cáp ngầm, lát đá, vét bùn …thường xuyên. Chuyện thường thấy ở Hà Nội và các thành phố lớn là “Mỗi năm hoa đào nở. Lại thấy ông đào đường”. Lâu lâu lại đào lên, lấp xuống, đặt bảng “Xin lỗi đã làm phiền”, rồi giăng dây, thi công … cù cưa, để vật liệu ngổn ngang, nham nhở, không che chắn khiến bụi bay mù mịt … Xong thi công thì chờ công trình … khô ráo để nghiệm thu …
Nói đường phố của 63 tỉnh thành ở Việt Nam làm gì có vỉa hè cũng không quá. Cứ ra quân truy đuổi, lập lại trật tự nhưng rồi chẳng đâu vào đâu cả!
Tại một phiên chất vấn của Kỳ họp thứ 14, HĐND thành phố Khóa XVI, theo báo Tiền Phong điện tử ngày 26/12/2023, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc CA Hà Nội, cho rằng trật tự vỉa hè là “cả một vấn đề rất phức tạp”. Mỗi đợt ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ thì có khá hơn, sau đó “đâu lại vào đó”.
Người đi bộ … biết đi đâu?
Mất vỉa hè, người đi bộ cắn răng đi xuống lòng đường, tham gia vào “làn đường hỗn hợp” với các loại xe … “May ít rủi nhiều, may nhờ rủi chịu!” Ngay cả lối đi dành riêng cho người khiếm thị trên nhiều vỉa hè ở Hà Nội cũng bị hàng quán, xe máy, xe hơi … lấn chiếm!
Sài Gòn có gần 2,600 tuyến đường … có lẽ không có vỉa hè! Nhiều tuyến mật độ lưu thông cao nên chính quyền cho xây cầu vượt hay hầm đường bộ. Nhưng nhiều nơi cũng bị chiếm dụng. Cầu, hầm trở thành nơi bán nước giải khát, bàn ghế chắn cả lối đi; hầm về đêm tối thui, “mìn” rải rác, nước tiểu đọng … Ai dám đặt chân? Mới đây cũng có nơi đề xuất, về đêm nên có đèn chiếu sáng ở các hầm đường bộ …
Còn lối đi có vạch kẻ đường ưu tiên dành cho người đi bộ cũng bị … bất chấp! Đặt chân vào lối đi dành riêng mà lo âu, thấp thỏm. Không biết xe hơi, xe máy có “hôn hít” mình không? Thôi thì vẫn phải ngó chừng mà … lạng lách tránh xe máy phóng ào ào cho nó lành! Khách quan mà nói, không ít người đi bộ rất chủ quan, đôi khi coi cái chết nhẹ tựa lông hồng! Họ băng qua đường nhưng … bất chấp! Với tư tưởng “Xe lớn nhường xe nhỏ; Xe máy, xe hơi nhường người đi bộ!” thì đừng mong … an toàn giao thông, giảm tai nạn. Chưa kể có người còn leo qua cả dải phân cách cứng, không quan sát tín hiệu đèn … cứ thản nhiên mà bươn, rút ngắn khoảng cách qua đường được chừng nào hay chừng nấy.
Ở các nước Châu Âu, kể cả Thái Lan, Hàn Quốc… tôi thấy xe từ xa đã chạy chậm lại và dừng hẳn ở những nơi dành cho người đi bộ băng qua đường. Có khi cả đoàn xe dài hàng chục chiếc. Thấy người ta đi ào ào, tự nhiên còn mình cứ vừa đi vừa dáo dác nhìn xuôi, trông ngược.
Giải pháp mới ở một số thành phố?!
Ngày 04/1/2024, UBND TP. Đà Nẵng có công văn 97/UBND-SGTVT về việc khai triển việc phân định, kẻ vạch phần vỉa hè sử dụng tạm thời và sử dụng để làm lối đi cho người đi bộ trên vỉa hè các tuyến đường (thật ra đã làm ở nhiều thành phố khác trước đây).
Ngày 19/9/2023, TP. HCM đã thông qua nghị quyết về mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn và chính thức thu phí từ 01/1/2024. Thu phí vỉa hè nhằm góp phần lập lại trật tự, mỹ quan đô thị, xây dựng thành phố văn minh, hiện đại hơn. Những điều này mới nghe qua nhiều người cũng ủng hộ. Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến trái chiều …
Thành phố Hà Nội đã từng nói sẽ cho thuê vỉa hè, lòng đường nhưng bây giờ chưa phải là thời điểm phù hợp vì vỉa hè gắn bó với người dân Hà Nội (“văn hóa vỉa hè”, có nền “kinh tế vỉa hè”)… lâu đời. Nhưng mới đây, một số quận của TP. Hà Nội cũng có đề nghị thí điểm cho thuê trong tháng 1/2024.
Hy vọng của người đi bộ được … thắp lên.
Bài & hình LKD