Ông Raw, Phùng Tài, ông Châu Thụy

Buổi sáng ngồi nhâm nhi tách cà phê nóng bên cửa sổ, đọc tin chiến sự Ukraine với nhiều điều đáng buồn và đáng lo vì quân đội kiên cường của đất nước tang thương này đang thiếu sự yểm trợ về vũ khí để chiến đấu với Nga. Không biết tình hình cuộc chiến tự vệ chống quân xâm lăng của Ukraine ra sao? Nếu Putin thắng thì số phận người lính và dân Ukraine thế nào?

Nhìn ra sân thấy cây đào đã nở hoa trắng xóa. Tháng Ba, hoa đào nở nơi xứ sở tự do này nhưng tháng Ba năm xưa lại bắt đầu cho những bi thương mà miền Nam phải hứng chịu vì đồng minh bỏ rơi và kết thúc là nỗi oan nghiệt của ngày 30 tháng 4. Người chết. Kẻ tù tội. Hằng triệu đồng bào đã liều mình vượt đại dương trên những phương tiện mong manh và đã có biết bao người đã bỏ mình trên biển cả vì 2 chữ TỰ DO.

Tự do ơi tự do! tôi trả bằng nước mắt

Tự do hỡi tự do! anh trao bằng máu xương

Tự do ơi tự do! em đổi bằng thân xác.

Vì hai chữ tự do ta mang đời lưu vong (*)

49 năm qua, thế hệ đầu tiên – nhân chứng của cuộc hành trình tìm tự do nầy đã lần lượt ra đi, có còn ai nhớ đến!.

Người viết chợt nhớ…

Chiếc ghe trong Viện Bảo Tàng sau 38 năm

Khoảng giữa năm 2023, qua phương tiện truyền thông nhiều người đã biết câu chuyện chiếc ghe bằng gỗ dài 6 mét, không máy móc, chỉ có 2 mái chèo và một cánh buồm đơn sơ đã đưa 9 người trẻ vượt thoát cộng sản vào năm 1984, được một tàu buôn Pháp cứu vớt. Chiếc ghe này đã được lưu giữ ở Viện Bảo Tàng Hải Dương Pháp tại Le Havre 38 năm qua. Ngày 14 tháng 11 năm 2022, người Pháp đã trao tặng chiếc ghe cho ông Châu Thụy, Giám đốc Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt (Vietnamese Heritage Museum) tại California.

Duyên may đưa đẩy, người viết gặp được anh Phùng Tài, người thanh niên trẻ đi trên chiếc ghe “lịch sử” đó đang sống tại Dallas và anh đã dành thời gian để kể lại cuộc hành trình mà “vì 2 chữ tự do ta mang đời lưu vong” của anh và cũng phần nào giải đáp những thắc mắc của người viết sau khi đọc bài tường thuật sơ lược trên báo chí.

Đặng Hiếu Sinh(ĐHS): Chào anh Tài, lúc đi vượt biên anh bao nhiêu tuổi và trên ghe có bao nhiêu người?

Xem thêm:   1 giàu to 2 vướng nợ

Phùng Tài (PT): Lúc đó tôi hơn 22 tuổi. Đi cùng với tôi có 8 người, trong đó có 3 phụ nữ và một bé trai khoảng 12 tuổi. 8 người nầy đều là họ hàng với nhau.

ĐHS: Theo bài tường thuật, đây là chiếc ghe nhỏ đi trên sông. Làm sao các anh có được chiếc ghe có buồm mà lại không có máy?

PT: Chiếc ghe này được gia đình Nguyên (anh Nguyên là chủ ghe cũng là người tổ chức và lái) đã mua lại của người hàng xóm, gốc Trà Cổ, Bắc Việt. Người làng Trà Cổ và người làng Xuân Ninh thuộc Móng Cái, Hải Phòng rất giỏi trong việc đóng và lái thuyền buồm. Chiếc ghe là nơi Nguyên cư ngụ, lênh đênh nay đó mai đây trong thời gian trốn tránh nghĩa vụ quân sự và cuối cùng được dùng làm phương tiện vượt biên. Cả nhóm chúng tôi đều nghèo, không có tiền mua máy. Ghe chỉ có 4 cột chèo trước sau và 1 cột buồm chỉ dùng khi có gió.

Thuyền nhân và chiếc ghe được kéo lên tàu

ĐHS: Trong những ngày ra khơi, ghe có gặp trở ngại gì không và điều gì là động lực mạnh mẽ nhất giúp các bạn vượt qua khó khăn?

PT: Dạ, có rất nhiều trở ngại không lường được trước đại dương mênh mông mà chiếc ghe thì quá bé nhỏ, mong manh. Có ngày giông gió, sấm chớp nổi lên ầm ầm, chiếc ghe của chúng tôi bị nhồi như chiếc lá theo từng đợt sóng, đưa chúng tôi lên vút cao rồi nhấn chúng tôi xuống sâu thẳm. Mỗi lần như thế ruột gan ai cũng bị đảo lộn và bao nhiêu tiếng nôn ọe nổi lên giữa những tiếng kêu thất thanh Giê-Su, Maria. Sóng càng lúc càng mạnh, mọi người đều bị ướt sũng và thấm lạnh, nhìn quanh chỉ thấy biển một màu trắng xóa, không biết đâu là phương hướng. Sau đó, có người đề nghị “Hay là tìm cách quay về, chuẩn bị chu đáo hơn rồi tiếp tục ra đi”. Nhưng sự phản đối quyết liệt từ 2 cô gái “Em thà chết chứ không quay về”, cộng thêm đức tin, lòng trông cậy và phó thác mạng sống của mình trong tay Chúa nên chúng tôi quyết định tiếp tục đi bất chấp mệt mỏi, hiểm nguy đang ngày đêm rình rập.

ĐHS: Đến khi nào các anh mới gặp được tàu buôn Pháp và cuộc cứu cấp xảy ra như thế nào?

PT: Đến ngày thứ tư kể từ lúc khởi hành mọi người đều đã kiệt sức sau khi phải liên tục đối đầu với những cơn sóng to gió lớn thì chúng tôi mới thấy tàu lớn và cố gắng đánh tín hiệu cấp cứu nhưng họ làm ngơ, không cứu. Mãi đến tối ngày thứ bảy, một tàu Pháp khi nhận tín hiệu cấp cứu bằng đèn pin do tôi đánh đi đã dừng lại và vớt chúng tôi lên. Nhìn thấy chiếc ghe nhỏ không có máy nên họ kéo cả ghe lên tàu. Đây là tàu chở hàng mang tên Cetra Corona của công ty Chargeurs Réunis Pháp trên đường đi sang Nhật. Sau 17 ngày ở trên tàu, chúng tôi được đưa lên bờ tại cảng Nagoya để vào trại tị nạn đầu tiên ở Omura tỉnh Nagasaki.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 28 tháng 3 năm 2024

ĐHS: Anh ở trại tị nạn Nhật bao lâu?

PT: Trại Omura là nơi tạm trú. Người tị nạn sẽ rời đi nếu có hội đoàn hay cơ quan nào đến nhận. Tôi được Linh mục người Ý bảo lãnh đến Niigata. Sống ở đó một năm rưỡi, học tiếng Nhật và đi làm.

ĐHS: Thời gian ở Nhật, anh có kỷ niệm nào đáng nhớ nhất?

PT: Nhắc đến Niigata tôi nhớ một kỷ niệm dở khóc, dở cười vì bất đồng ngôn ngữ. Một hôm, tôi đến cửa hàng tạp hoá mua trứng gà. Không thấy trứng mà không biết làm sao hỏi, tôi bèn đưa tay ra phía sau mông và cất tiếng “cục cục cục tác”, rồi đưa bàn tay ra phía trước. Người Nhật bán tạp hoá cười to và nói “Wakarimashita” (tôi đã hiểu). Một vị khách hàng có mặt lúc ấy cười rộ lên. Tôi cũng cười cho đỡ “quê”.

Gia đình Phùng Tài

ĐHS: Làm thế nào anh được sang Mỹ?

PT: Dạ, tôi được người anh bảo lãnh.

ĐHS: Cơ duyên nào giúp anh tìm lại được chiếc ghe ở Pháp?

PT: Được biết chiếc ghe đã chuyển vào Viện Bảo Tàng Hàng hải Le Havre, nên sau khi định cư ở Mỹ hàng năm tôi vẫn liên lạc với ông bà Giám đốc Viện. Những năm sau đó tôi bị mất liên lạc, có thể do ông bà đã già không còn làm việc ở đó, nên thư của tôi bị trả lại và tôi cũng vô tình làm mất quyển sổ địa chỉ. Sau đó, ông Châu Thụy giám đốc Viện Bảo tàng Di Sản Người Việt muốn có chiếc ghe vượt biên để làm biểu tượng cho Viện nên đã liên lạc với tôi. Chúng tôi qua Pháp, tìm đến viện bảo tàng và “gặp” lại chiếc ghe đã được gìn giữ suốt 38 năm.

Xem thêm:   Facebook có gì ngộ (03/28/2024)

ĐHS: Làm sao ông Châu Thụy biết anh và chiếc ghe nầy đang được lưu giữ ở Pháp?

PT: Trước đây tôi thường viết hồi ký đưa lên “internet”, ông Thụy đọc được nên tìm tôi và tỏ ý mong ước có được chiếc ghe cho Viện.

Phùng Tài và tác giả

ĐHS: Làm sao chứng minh cho họ tin anh chính là thuyền nhân  trên ghe đó?

PT: Nhờ trước kia tôi đã từng liên lạc nên họ tin. Hơn hết là họ nhìn thấy niềm cảm xúc vô bờ của tôi khi sờ được chiếc ghe. Thật sự, tôi đã không kềm nén được sự xúc động nên đã khóc rất lâu. Được biết, trước đây đã có 2 nhóm người đến gặp và ngỏ ý muốn xin chiếc ghe nhưng họ từ chối vì sợ nhóm người này dùng vào mục đích xấu. Lúc ấy, tôi lo lắng không biết có được nhận lại chiếc ghe không, hoặc phải trả một khoản tổn phí nào nhưng cuối cùng khi ông Giám đốc Raw vỗ vai tôi và nói “Kể từ ngày hôm nay chiếc ghe nầy thuộc về lịch sử các anh” thì tôi biết rằng họ cho không.  Ngoài ra, họ còn sốt sắng giúp đỡ chúng tôi trong việc tìm công ty chuyên chở để đưa ghe về Mỹ.

ĐHS: Tổn phí chuyên chở về Mỹ chắc không phải là con số nhỏ?

PT: Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt đã làm thủ tục nhận và chuyển về Mỹ. Tôi không biết chính xác nhưng hình như khoảng 50 ngàn đô. Ông Châu Thụy cũng gặp nhiều khó khăn trong việc vận động cho đủ số tiền, vì có rất nhiều thuyền nhân không còn nhớ đến và tha thiết lắm với công việc này. Tôi nghĩ rằng, chiếc ghe nhỏ nầy là một vật chứng sống thật nhất cho con cháu thuyền nhân biết tại sao chúng được sinh ra ở đây.

ĐHS: Qua câu chuyện vượt biên và nhất là thấy được chiếc ghe là một chứng tích sống thực, các con anh nghĩ gì và có ảnh hưởng gì đến cuộc sống của cháu?

PT: Tôi có 3 đứa con, 2 trai, 1 gái. Hai con trai đã phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ. Tôi tin rằng chúng hiểu rõ chế độ cộng sản qua việc đánh đổi mạng sống vì tự do của cha ông.

ĐHS: Thay mặt độc giả Trẻ, xin cám ơn anh Tài đã chia sẻ câu chuyện về cuộc hành trình tìm tự do thật liều lĩnh và gian nan của anh. Chúc anh và gia đình luôn bình an, hạnh phúc.

 

(*) Trích lời trong nhạc phẩm “Xin Đời Một Nụ Cười” của nhạc sĩ Nam Lộc.