Biến cố lịch sử 30/4/ 1975 đã để lại vết thương lòng cho các thế hệ người Việt tị nạn. Hàng trăm ngàn sĩ quan, công cán chính VNCH phải vào tù; ngoài những người ra đi mãi mãi thì cũng có những người may mắn được đến bến bờ Tự do với căn cước tị nạn chính trị. Trong số đó, ít ai biết đến Hoàng Văn, một nhạc sĩ, ông cũng là một công chức làm việc cho Toà Tổng Lãnh Sự Mỹ đã bị cộng sản giam giữ trên 5 năm tù.

Ông đến Mỹ theo diện H.O.

Ông là điển hình một trong những người Việt tị nạn khá thành công. Hiện ông là Giám đốc điều hành của Đài Truyền hình ABTV, là đài truyền hình đầu tiên tại Houston, Texas và cũng là EX – General Manager của hệ thống Apple Dentists hiện nay. 

Nhạc sĩ Hoàng Văn (giữa) đang đam mê với cây đàn     

Phóng viên Thạch Thảo đã có cuộc trò chuyện với Nhạc sĩ Hoàng Văn tại văn phòng làm việc của ông:

PV:  Thưa ông, được biết ông là một Giám đốc Đài Truyền hình Việt tại Houston, thành phố lớn thứ 4 của nước Mỹ, nhưng nhiều người lại thích gọi tên ông một cách trìu mến “Nhạc sĩ Hoàng Văn”; điều này cho thấy tình cảm khán thính giả dành cho ông đã in vào tâm khảm có lẽ xuất phát từ những sáng tác. 

Ông có thể kể vài chi tiết về cuộc đời cũng như sáng tác âm nhạc cho độc giả Trẻ được biết không?

NSHV: Trước tiên, tôi mến chào quý độc giả Báo Trẻ. Tôi tên thật là Hoàng Văn Cang, sinh ra tại Saigon vào 1937 trong một gia đình trung lưu, có năng khiếu văn nghệ từ nhỏ, 12 tuổi đã biết đánh đàn Guitar và thành thạo Mandolin.

Từ thập niên 50, 60 tôi đã có những sáng tác mang  tình tự quê hương; khán thính giả bắt đầu biết tôi qua sáng tác đầu tiên là “Tình cố hương” năm 1954. Tiếp đến là “Việt Nam Anh Hùng Ca”  được giải thưởng sáng tác 1959 trong cuộc thi tuyển âm nhạc do Nha Vô Tuyến Truyền Thanh VNCH tổ chức.

Xem thêm:   Một chút cảm nhận

Về gia đình, tôi có 8 người con tất cả, 7 nam và 1 nữ; đặc biệt người con gái cưng duy nhất là Sơ Catherine Hoàng Ðình Trang Diễm đã theo tiếng gọi của Thiên Chúa phục vụ tha nhân.

Ngoài công việc, với bằng Diploma về Tốc Ký tiếng Anh phương pháp Gregg, tôi đã có những lớp dạy về cách viết này tại Hội Việt – Mỹ Cần Thơ cho một số học viên trí thức thời ấy như Luật sư, Bác sĩ, Dược sĩ … Tôi cũng là tác giả nhiều bộ sách giáo khoa Anh ngữ, mẫu chữ đẹp và tốc ký tiếng Anh.

Giám đốc ABTV, NS Hoàng Văn trong văn phòng làm việc của đài tại thành phố Houston. Ảnh: TT

PV: Với biến cố 30/4, nhân vật  mà Cộng sản cho là thuộc thành phần “trí thức nguy hiểm” lại làm việc cho Toà Lãnh sự Hoa Kỳ thì việc vào tù  là điều không tránh khỏi. Với một tâm hồn nhạy cảm của người nghệ sĩ, ông trải qua những tháng năm đau thương, nếu có thể, xin ông hãy nói về một thời khó quên ấy. 

NSHV: Khi miền Nam rơi vào tay CS, tôi cũng như rất nhiều công chức khác đang làm việc, hợp tác với Mỹ đều bị giam giữ. Riêng tôi, với chức vụ Trưởng phòng phiên dịch – thuộc Ủy Ban Chính Trị và Kinh Tế của Toà Tổng Lãnh Sự Mỹ  đặc trách Vùng 4 tại Cần Thơ, thì chuyện bị nhốt tù là điều tất nhiên. Cuộc đời tôi bắt đầu lối rẽ như bao nhiêu người khác, như một khúc quanh đen tối khi Saigon thất thủ. Cứ mỗi tháng Tư về, một nỗi buồn thật khó tả cứ đè nặng trong lòng tôi. Nhớ lại, trải qua hơn 5 năm tù, sau khi được phóng thích dưới danh nghĩa “Học tập cải tạo”, tôi  tiếp tục bị quản thúc 2 năm. Sau đó bằng mọi giá, tôi tìm cách đưa gia đình về Saigon vì thấy rất khó thở với địa phương của tôi. Sau đó được xuất cảnh diện HO.

Giám đốc ABTV, NS Hoàng Văn trong văn phòng làm việc của đài tại thành phố Houston. Ảnh: TT

PV: Nhiều người nhận ra tấm lòng yêu mến quê hương qua những nhạc phẩm của ông và bàng bạc trên nhiều bản tình ca là hình ảnh cánh đồng, con người cùng cuộc sống bình yên của miền Nam. “Tình Cố Hương” phải chăng là niềm cảm xúc gắn liền với lịch sử của dòng người di cư từ Bắc vào Nam sau khi đất nước bị chia cắt bởi hiệp định Geneva 1954? Ông đã sáng tác được bao nhiêu ca khúc? 

Xem thêm:   Tự do hay là Chết

NSHV: Thực sự thời ấy tuy còn trẻ nhưng tôi đã gắng làm những gì có thể qua góc độ của một người yêu âm nhạc và sáng tác. Một số bài nhạc của tôi vào năm tháng ấy đã truyền tải thay cho tâm trạng của những người lìa xa nơi mình được sinh ra trên đất Bắc, nhưng phải chọn sự ra đi tìm đường lập nghiệp ở phương Nam.

Ðó là nguyên nhân “Tình Cố Hương” ra đời, được khán giả ưu ái bởi đã diễn tả đúng tâm trạng của người ly hương tuy nhận được sự sung túc, hạnh phúc dưới chế độ VNCH; như các ca khúc khác của tôi: Mùa Phượng Vĩ, Trăng Về Ðồng Xanh, Chiều Biên Khu, Yêu Chàng Lính Chiến…

Những điều xảy ra trong cuộc đời để lại nhiều thao thức về một quê hương trầm tích, đau đớn như từng mũi kim vào lòng; từ đó tôi sáng tác hàng trăm ca khúc quê hương và tình ca. Ðến hôm nay tôi đã được gần 800 sáng tác.

NS Hoàng Văn cùng vợ và con cháu

PV: Được biết, ngoài việc viết nhạc, ông còn là người có các hoạt động văn hóa khác tại quê nhà cũng như sau khi qua Mỹ. Ông có thể chia sẻ vài thành quả được nhiều người yêu chuộng? 

NSHV: Sau 1975, có lẽ nhiều độc giả sẽ không quên các bộ sách của tôi như: Tục ngữ thông dụng Việt – Anh, Châm ngôn, Vui đọc Anh ngữ, Tự học Tốc ký tiếng Anh, Nhạc lý căn bản, đặc biệt là “Bộ Mẫu chữ đẹp” được tái bản đến 15 lần.

Xem thêm:   Chuyến du lịch ngắn ngày trên xứ Phù Tang

Sau khi định cư tại Houston, tôi lại tiếp tục phiên dịch và biên soạn một số loại sách Giáo khoa, Anh ngữ … mẫu mã, trang bìa tái tạo y như những nhà sách vào thập niên 60 – 70 ở Saigon trước kia, đã xuất bản tại một số nơi.

Những điều mà tôi thực hiện được do sự giúp đỡ từ người cháu gái Dr. Nancy Mai, hiện là Bác sĩ Nha khoa, đồng thời là CEO của Hệ thống Apple Dentists. Ðây là người có công lớn nhất giúp tôi đạt nhiều ước mơ trong các lĩnh vực, bao gồm truyền hình.

Bên cạnh đó tôi cũng đã phát hành 12 Tuyển tập nhạc Quê hương và Tình yêu, một số CD bao gồm nhạc ngoại quốc thời 1950 – 1960 do chính bản thân độc tấu Tây Ban Cầm.

NS Hoàng Văn cùng cháu Dr. Nancy Mai (phía sau) và các thành viên gia đình nhân Sinh Nhật chị gái. Ảnh: TT

PV: Chúng tôi được biết ca khúc “Houston, thành phố tôi yêu” được Dân biểu Hubert Vo của Hạ viện Tiểu bang Texas trao tặng bằng tưởng lục vào 2018 và nhiều người yêu thích. Đó là điểm sáng bên cạnh một số chương trình thi tuyển “Giọng ca vàng Houston”  được ABTV, đài truyền hình  do ông điều hành đã đưa ra ý tưởng tìm kiếm và phát huy tài năng mới trong thế hệ trẻ. Trước khi kết thúc cuộc trò chuyện, ông có muốn tâm sự điều gì nữa không? 

NSHV: Phải gọi rằng thực sự cảm động khi báo Trẻ đã cho tôi cơ hội chia sẻ đôi điều. Hiện nay, ngành truyền thông gặp nhiều khó khăn nhưng tôi vẫn gắng giữ gìn tính văn hoá dân tộc và  nghệ thuật qua các chương trình hữu ích. Riêng tôi, dù làm đài truyền hình nhưng tôi luôn theo dõi các bài viết trên báo Trẻ, rất thích các phóng sự của quý báo, rất hay.

NS Hoàng Văn và thân hữu tại Liên hoan Văn bút Nam Hoa Kỳ 2022. Từ phải: NS Hoàng Cầm, Nhà văn Phi Long, Giang Tỷ, Dr. Nancy Mai, Thạch Thảo, NS Hoàng Văn, vị khách mời. Ảnh: TT

TT