Little Sài Gòn (quận Cam) có vị trí thuận tiện tận hưởng bầu không khí trong lành mát rượi và các hoạt động cho ngày hội biển trong những ngày hè oi ả. Khu vực đông người Việt nhứt ở quận Cam này ở gần các thành phố biển như: Long Beach, Newport Beach, Seal Beach, Sunset Beach, Huntington Beach, mà đặc biệt nhứt là khu vực dọc bờ biển được gọi là Huntington Beach Pier, là nơi các tổ chức, nhóm, đảng phái chọn làm địa điểm diễn ra các cuộc biểu tình, sự kiện văn hóa hoặc thể thao.

Chuẩn bị hạ thủy photo: tạ phong tần / trẻ 

Khác với Long Beach mang đầy vẻ cổ kính, bé nhỏ và yên tĩnh, Newport Beach nặng nề dáng dấp công nghiệp, nhịp sống vội vã, Huntington Beach vừa cổ kính vừa trẻ trung, là nơi mà người ta nghĩ đến nếu có nhu cầu vui chơi, giải trí, muốn hồi tưởng quá khứ xa xưa lẫn muốn hưởng thụ sự náo nhiệt, sôi động của tuổi trẻ. Vì vậy, tôi đặt cho Huntington Beach cái tên mới là Thành Phố Thể Thao.

Chúng tôi tới Huntington Beach vào buổi trưa ngày Thứ Bảy (May 07, 2022.) Hôm nay và ngày mai (Chúa Nhật) ở đây có sự kiện biểu diễn đua Moto-Surf & Freeride (mô-tô lướt sóng) là một trong số sự kiện thể thao lớn nhứt trong năm, tập trung nhiều tay đua mô-tô lướt sóng các nơi hội tụ thi thố tài năng.

Nhảy sóng. photo: tạ phong tần / trẻ

Từ khoảng cách còn khá xa thành phố, tôi để ý thấy hai bên đường (chỗ đậu xe có trả tiền) xe đậu san sát nhau không còn một chỗ trống. Xe chúng tôi theo đường Pacific Coast Hway vào cửa ngõ thành phố là tôi có thể nhìn thấy Huntington Beach Pier bên trái, chiếc cầu hóng mát dài tít tắp vươn ra trên làn nước biển xanh sẫm với nhiều bao lơn nhô ra hai bên thành cầu cho du khách đứng tận hưởng gió biển và ngắm phong cảnh. Rất nhiều người đang đi lên cầu, từ xa tôi nhìn thấy người đông như đàn kiến đang rùng rùng chuyển động. Ðường lên cầu (mà người địa phương gọi là Landmark Pier) với những nhà hàng nhỏ có thể ăn tối và câu cá, con đường này nối dài với đường Main và cắt ngang Pacific Coast Hway. Quanh đây có nhiều parking lớn cho du khách đậu xe trả tiền, nhưng chúng tôi nhìn thấy parking nào cũng đóng cửa và đề bảng “Full” to lù lù phía trước. Chúng tôi chạy xe loanh quanh các con đường nhỏ khu dân cư với hy vọng nhìn thấy một chỗ nào đó đậu xe bên vệ đường có trả tiền, nhưng thật thất vọng.

Bãi tập trung. photo: tạ phong tần / trẻ

Tôi đã nghĩ tới chuyện quay trở về nếu không tìm được chỗ đậu xe. May mắn thay, có một chỗ trống bên đường Main trước tòa nhà First Bank có thể đậu xe bao lâu cũng được mà không phải trả tiền nên liền tấp xe vô. Bên kia đường là một căn nhà hai tầng lớn kiểu cổ, tầng dưới có vẻ như một quán cà phê lớn. Chúng tôi đi bộ trở ra hơn nửa dặm mới trèo lên được cầu tàu, vị trí mà đứng ở đó có thể nhìn xuống bờ rìa nước, nơi đang tập trung hàng trăm chiếc mô-tô lướt sóng và chủ nhân của chúng đang xăng xái vây quanh để chuẩn bị vào cuộc chơi.

Xem thêm:   Chuyến Tầu Tập Kết

Rất nhiều tay máy ảnh, camera chuyên nghiệp lẫn tài tử vây quanh các tay đua để chụp hình những chiếc mô-tô lướt sóng của họ. Những chiếc mô-tô lướt sóng được đặt nằm trên một bệ đỡ bằng khung sắt có gắn bánh xe lớn (di chuyển nhẹ nhàng trên mặt cát,) mũi hướng xuống phía mặt biển chờ hạ thủy. Ban đầu, tôi tưởng bánh xe liền với thân chiếc mô-tô và nó có thể xếp bánh xe lại khi hạ thủy giống như phi cơ cất cánh. Nhưng tôi lầm, nó chỉ là cái bệ đỡ bình thường có gắn bánh xe.

Tiệm cà phê. photo: tạ phong tần / trẻ

Mỗi chiếc mô-tô lướt sóng và một tay đua thì có ít nhứt ba người trợ giúp. Khi chuẩn bị hạ thủy, bọn họ xúm lại kẻ kéo người đẩy mô-tô đến sát mép nước, xếp hàng từng chiếc ngang nhau. Họ tiếp tục kéo và đẩy mô-tô xuống, tay đua trèo lên đứng tấn giữa lòng mô-tô. Những người khác tiếp tục đẩy mô-tô ra cách mép nước khoảng 2 thước thì chiếc mô-tô tự nó nổi lên rời khỏi bệ đỡ. Tay đua cho nổ máy, mô-tô gầm lên mạnh mẽ và lao ra giữa những đợt sóng đang tung lên rớt xuống ầm ập. Lúc này, ba người trợ giúp hì hục lôi cái bệ đỡ trở lên bờ.

Bãi tập trung. photo: tạ phong tần / trẻ

Các tay đua điều khiển cho mô-tô lượn xung quanh một loạt phao tròn đỏ, vàng được đặt trên mặt nước đánh dấu chặng đua của họ. Họ lần lượt cho mô-tô tăng tốc độ lướt trên mặt nước biển trong khi vẫn cố gắng lượn xung quanh các phao và bốc đầu mô-tô gần như thẳng đứng trên các con sóng. Thật không dễ dàng khi mà gió rất lớn tạo ra những con sóng cũng rất lớn từ ngoài khơi sầm sập chạy vào, càng vào gần bờ nó càng vươn lên cao ngất, lăm le chụp xuống đầu bất cứ thứ gì trên đường đi của nó.

Xem thêm:   Họa sĩ... "Vandal"

Khán giả đứng coi biểu diễn trên cầu tàu, phần lớn người xem trên tay ai cũng cầm smartphone để chụp hình, quay phim những pha uốn lượn, bốc đầu của vận động viên. Mỗi lần nhìn thấy một chiếc mô-tô nào đó nhảy dựng lên, biến mất trong con sóng trắng xóa rồi xuất hiện ở phía bên kia, khán giả lại rú lên, vỗ tay tán thưởng.

Người xem. photo: tạ phong tần / trẻ

Trong bầu không khí náo nhiệt đó, tôi nhìn thấy một ông già (có vẻ như homeless) với túi đồ cá nhân bành ky đặt trên chiếc xe kéo cạnh bên. Ông bình thản ngồi trên ghế đá đọc một quyển sách, tận hưởng ánh nắng ấm áp xen lẫn hơi gió biển đang bắt đầu trở nên lạnh buốt. Phía bên phải cầu tàu, những người đi tắm biển đang trải tấm nilon nằm phơi nắng hoặc dìm mình xuống nước biển. Tôi thấy có vẻ như mọi người không biết bơi nên họ chỉ đi từ từ xuống nước, có người chỉ đi tới chỗ nước ngập đến hông, có người đi tới chỗ nước ngập đến ngực rồi thôi, không có ai bơi cả. Tôi ngạc nhiên khi thấy họ chỉ đứng dưới nước như vậy mà họ vẫn chịu được. Tôi vốn bơi giỏi, thời sinh viên tôi bơi qua lại trên sông Sài Gòn như cơm bữa và không bao giờ bị chìm dù tôi không cử động tay chân. Tôi cũng đã từng thử xuống nước bơi một lần vào năm 2015 (khi tôi mới đến Mỹ) nước biển ở đây lạnh buốt như nước đá tan ra, làm tôi phải hoạt động cật lực suốt 15 phút mới không bị lạnh, mệt ná thở. Nhưng khi tôi vừa ngưng lại, định nằm nổi ngửa để nghỉ mệt thì lập tức cả người lạnh buốt, phần đầu tôi vừa chạm nước lạnh không chịu nổi khiến tôi lập tức lật ngược lại bơi tấp vô bờ, trèo lên khỏi mặt nước luôn. Bây giờ, dù rất muốn xuống nước để bơi mà tôi không chịu nổi cái lạnh đó, chắc tôi đã quá già cho những hoạt động này.

Homeless. photo: tạ phong tần / trẻ

4 giờ chiều, gió mỗi lúc càng mạnh và lạnh hơn. Chúng tôi đi bộ quay trở về theo đường cũ. Nhờ đi bộ, tôi quan sát thấy lề đường Main người ta lót những viên gạch chạm hình medal tên những tay đua đã từng thắng cuộc các trận đấu, tên cuộc thi, năm thi đấu, không khác gì đại lộ Danh Vọng ở Hollywood. Medal cũ nhứt năm 1996, ghi tên người chiến thắng là Bud Browne. Thành phố cũng lock 2 đầu đường để biến nó thành “phố đi bộ” và buôn bán đồ lưu niệm, sản phẩm cho khách du lịch biển.

Xem thêm:   Dubai

Ngày mai (Chúa Nhật) cuộc đua mới kết thúc và trao giải, nhưng tôi đã không trở lại để theo dõi đến cùng. Ðây là cuộc đua thứ năm trong loạt sự kiện “Best of the West” bắt đầu tại Lake Havasu, sau đó đến thăm Lake Elsinore, là cuộc đua đại dương duy nhất trong lịch trình đầy hào hứng và gay cấn.

Huy hiệu cũ nhứt. photo: tạ phong tần / trẻ

TPT